221
2085
Sản phẩm
doanhnghiep
/cntt/doanhnghiep/
499990
Tháng 9: Phê duyệt thí điểm mô hình Tập đoàn BC-VT
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
Tháng 9: Phê duyệt thí điểm mô hình Tập đoàn BC-VT
,

(VietNamNet) - Dự kiến tháng 9 năm nay, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông trên cơ sở của Tổng Công ty BC-VT Việt Nam (VNPT)  hiện nay.

Tập đoàn BC-VT Việt Nam là tổ hợp kinh tế bao gồm các doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập, đa sở hữu. Trong đó, sở hữu nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh doanh đa lĩnh vực, trong đó lĩnh vực BC-VT-công nghệ thông tin (CNTT) đóng vai trò nòng cốt.

Điểm nổi bật của Tập đoàn là sự thay đổi về cơ chế quản lý, hoạt động và vai trò chi phối của Nhà nước. Thay đổi mô hình và phương thức quản lý, tách bưu chính khỏi viễn thông, chuyển từ cơ chế cấp vốn sang đầu tư vốn, từ tổng công ty với các đơn vị thành viên chủ yếu hoạch toán phụ thuộc sang mô hình công ty mẹ, công ty con.

Vì thế, đây được coi là mô hình mở rộng của công ty mẹ và công ty con, nhưng khác với công ty mẹ-con là không chỉ có quan hệ về vốn đầu tư mà còn liên hệ với nhau về công nghệ, thị trường và thương hiệu.

Theo Đề án này, dự kiến Ban lãnh đạo Tập đoàn sẽ gồm có: Hội đồng Quản trị thực hiện chức năng quản lý toàn tập đoàn. Tổng giám đốc thực hiện chức năng điều hành toàn Tập đoàn. Ban lãnh đạo Tập đoàn sử dụng Ban kiểm soát, Cơ quan quản lý điều phối của công ty mẹ làm cơ quan giúp việc quản lý điều hành và tư vấn chuyên môn, nghiệp vụ. Đứng đầu các lĩnh vực của cơ quan điều phối là các giám đốc phụ trách lĩnh vực. Các giám đốc này thực hiện các chức năng theo uỷ quyền của Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc điều hành của Tập đoàn, được quy định trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn.

Về mô hình tổ chức của Tập đoàn, nếu được Chính phủ phê duyệt, sẽ gồm có công ty mẹ và các công ty con. Công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước và do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, có tiềm lực kinh tế mạnh trong kinh doanh, có khả năng quản lý điều hành thống nhất mạng BC-VT thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn. Chịu trách nhiệm trước Nhà nước về hiệu quả kinh doanh, bảo toàn và phát triển nguồn vốn do Nhà nước đầu tư vào công ty mẹ. Công ty mẹ là pháp nhân thừa kế pháp nhân của VNPT.

Công ty mẹ (có thể tên là BC-VT Viễn thông Việt Nam) sẽ trực tiếp kinh doanh tại các công ty viễn thông đường trục quốc gia và quốc tế; thực hiện quyền quản lý, điều hành các công ty con bằng tỷ lệ góp vốn của Nhà nước, do công ty mẹ góp vào các công ty con trong Tập đoàn, thông qua các cơ quan quản lý, điều phối. Các đơn vị hạch toán phụ thuộc có thể gồm: Công ty Viễn thông đường trục quốc gia; các cơ quan quản lý điều phối và Trung tâm Thông tin Bưu điện.

Công ty con là những pháp nhân độc lập với công ty mẹ và do công ty mẹ sở hữu toàn bộ hoặc một phần vốn điều lệ được ghi trong Điều lệ; chịu sự chi phối của công ty mẹ trên các lĩnh vực chiến lược phát triển, tổ chức hợp tác và cạnh tranh, công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Theo mô hình này, công ty con được tổ chức dưới các hình thức: Các công ty do công ty mẹ sở hữu vốn 100% (như các Tổng công ty Viễn thông miền Bắc, Trung, Nam; Cục Bưu điện Trung ương, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam,...), các công ty do công ty mẹ sở hữu trên 50% vốn, các công ty do công ty mẹ sở hữu vốn dưới 50% và các công ty liên doanh với nước ngoài có vốn góp của Tập đoàn trên nguyên tắc tự nguyện. Đối với các công ty liên doanh với nước ngoài về viễn thông và bưu chính tham gia tập đoàn, vốn đầu tư sẽ theo nguyên tắc tự nguyện.

Dự kiến, ngoài kinh doanh hai dịch vụ truyền thống là bưu chính và viễn thông, Tập đoàn này sẽ mở rộng hơn dịch vụ kinh doanh tài chính, du lịch, giải trí và đẩy mạnh sản xuất các thiết bị công nghiệp viễn thông.

Từ tháng 4 năm nay, Bộ BC-VT đã trình Chính phủ phê duyệt đề án hình thành Tập đoàn. Tiếp tục lộ trình sau khi được Chính phủ cho phép triển khai Đề án này, đến tháng 10 sắp tới, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai Đề án thành lập Công ty Viễn thông đường trục viễn thông quốc gia và quốc tế. Trình Thủ tướng phê duyệt Đề án hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động và khai thác dịch vụ BC-VT của Cục Bưu điện Trung ương thành TNHH - một thành viên hoạt động kinh doanh và thực hiện các dịch vụ công đặc biệt. Và đến cuối năm nay, tức tháng 12, sẽ hoàn thành cổ phần hóa các công ty mà Nhà nước nắm cổ phần thường.

Trong năm 2005, dự kiến trước tháng 6/2005 sẽ hoàn thành cổ phần hóa các công ty mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối trên 50% và chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên hai đơn vị: Công Ty tài chính Bưu điện và Công ty In Tem Bưu điện. Cũng trong năm 2005, sẽ hoàn thành cơ bản việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai đề án thành lập Tổng công ty Bưu chính Việt Nam và các Tổng công ty Viễn thông miền. Đồng thời, trình Thủ tướng phê duyệt và triển khai quyết định tổ chức lại VNPT thành công ty mẹ là Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Như thế, với lộ trình thực hiện này, đến tháng 1/2006, Tập đoàn BCVT Việt Nam sẽ chính thức được ra mắt.      

Về công tác cổ phần hóa

Để chuẩn bị cho việc hình thành Tập đoàn, một trong những việc Bộ BC-VT đang tiến hành là từng bước cổ phần hóa (CPH) các đơn vị thành viên, các bộ phận doanh nghiệp trực thuộc đơn vị thành viên, như các tổng công ty di động, công ty Internet và dịch vụ gia tăng, các công ty tư vấn chuyên ngành... Trong đó, công ty mẹ sẽ nắm giữ hơn 50% vốn cổ phần.

Đến hết quý I/2004, VNPT đã quyết định CPH 39 đơn vị và thực hiện CPH xong 12 đơn vị, ba đơn vị đã đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán (SACOM, VTC, và Công ty cổ phần Xây lắp thuộc Bưu điện Hà Nội). Những doanh nghiệp này là các đơn vị hạch toán độc lập hoặc có khả năng hoạch toán độc lập, một số là đơn vị trực thuộc của các đơn vị thành viên Tổng công ty (các đơn vị tư vấn, xây lắp trực thuộc các Bưu điện tỉnh). Trong năm 2004, VNPT phấn đấu thực hiện CPH thêm 20 doanh nghiệp.  

Đinh Hằng

Tin, bài liên quan:

Thời cơ mới, vị thế mới để nâng mức phát triển ICT

VNPT: Từ ''anh bưu điện'' đến tập đoàn kinh tế mạnh

Trong giai đoạn đổi mới, VNPT có vai trò chủ lực

Mười năm, chín lần giảm cước di động...

Bưu chính Việt Nam 2010: Tin học hoá, kinh doanh có lãi

Nỗ lực hết mình cho mục tiêu 100% xã có điện thoại

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,