(VietNamNet) - Đó là thông tin mới nhất được thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính-Viễn thông (BC-VT) Mai Liêm Trực đưa ra tại hội thảo quốc gia lần II về ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông (CNTT-TT) trong doanh nghiệp.
CNTT: Đang trở nên "yếu tố sống còn"
Phát biểu kết luận hội thảo vào chiều 14/8 tại Đà Nẵng, thứ trưởng thường trực Bộ BC-VT Mai Liêm Trực đánh giá: Hơn 40 báo cáo trình bày tại hội thảo đều tập trung vào mục tiêu làm sao thúc đẩy việc ứng dụng CNTT-TT trong doanh nghiệp để nâng cao năng suất lao động, tỷ suất lợi nhuận và năng lực cạnh tranh. Hội thảo đã xác định những cách thức, phương pháp, kinh nghiệm ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp; nói cách khác là đã đạt được mục tiêu tạo diễn đàn cho doanh nghiệp trao đổi với nhau, nâng cao nhận thức về sức mạnh của CNTT để chủ động ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách thay đổi công cụ, phương tiện, quy trình sản xuất và hệ thống thông tin trong bán hàng, thanh toán...
"Các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước cũng đã có dịp trao đổi với nhau những khuyến nghị đối với Nhà nước về các cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp. Sau hội thảo, Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT sẽ có báo cáo đánh giá toàn diện tình hình ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp, một số phương hướng sắp tới về cơ chế chính sách và định hướng cho doanh nghiệp ứng dụng có hiệu quả CNTT." - TS Mai Liêm Trực nói.
Ứng dụng CNTT đã trở thành yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực tự động hoá. (Ảnh: Hải Châu) |
Có thể khẳng định thời gian gần đây, CNTT–TT đã được các doanh nghiệp (gồm cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp có vốn FDI, doanh nghiệp tư nhân) ứng dụng trên nhiều lĩnh vực, từ công nghệ sản xuất, quy trình sản xuất đến hệ thống thông tin... Tuy mức độ đầu tư chi phí cho CNTT-TT ở từng doanh nghiệp có khác nhau song việc ứng dụng CNTT-TT trong doanh nghiệp đang ngày càng có hiệu quả hơn. CNTT đã trở thành yếu tố sống còn đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là trong các ngành BC-VT, thuế, hải quan, ngân hàng, hàng không, dầu khí, điện lực, dệt may, đóng tàu, vận tải biển, xây lắp, xây dựng... Các giám đốc thông tin là những giám đốc sử dụng CNTT để chuyển đổi công nghệ sản xuất và rất thành công. Sức mạnh của CNTT ngày càng được nhận thức rõ và ứng dụng có hiệu quả hơn vào thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp, từ công tác quản lý đến thiết kế mẫu mã, sản xuất sản phẩm, dịch vụ... Tuy ở một bộ phận cơ quan hành chính nhà nước, việc ứng dụng CNTT-TT chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nhưng đứng trên góc độ xã hội, nhiều doanh nghiệp đã chứng tỏ đó là một phương tiện sản xuất mà nếu thiếu thì không thể nào hoạt động được.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Mai Liêm Trực cũng nêu rõ: "Mức độ phổ cập CNTT, tin học hoá trong xã hội nói chung, doanh nghiệp nói riêng, mức độ giao dịch qua mạng vẫn còn thấp. Chính vì vậy, chúng ta càng phải tập trung thực hiện mục tiêu mà Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị đề ra là nhận thức rõ hơn nữa sức mạnh của CNTT trong bối cảnh hiện nay để tăng cường việc ứng dụng có hiệu quả trong doanh nghiệp. Đặc biệt là thúc đẩy việc ứng dụng mạng để nâng cao năng lực CNTT".
2004: Ban hành Nghị định về chứng thực điện tử
Ứng dụng CNTT qua mạng, cụ thể là triển khai ứng dụng thương mại điện tử cũng là một trong những vấn đề mấu chốt được các doanh nghiệp tham gia hội thảo hết sức quan tâm. Các doanh nghiệp đều nhận thức được rằng nếu tự xây dựng một website thương mại điện tử, hoàn chỉnh và quảng bá cho các website đó trên toàn thế giới là rất tốn kém và không có hiệu quả. Do đó, việc có một sàn giao dịch thương mại điện tử chung ở quy mô quốc gia sẽ giúp các doanh nghiệp có thể tiết kiệm nhân lực, vật lực mà vẫn có điều kiện tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tăng cường giao thương bên ngoài và nhận được những thông tin thị trường đáng tin cậy, có công cụ tiện ích để tiến hành các giao dịch trực tuyến.
Tuy vậy, việc ứng dụng thương mại điện tử trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện còn rất hạn chế. Theo TS Nguyễn Hoàng Lưu - phó chủ tịch thường trực, tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, Việt Nam đã tham gia Tiểu ban điều phối về thương mại điện tử của ASEAN, tham gia soạn thảo và thoả thuận các nguyên tắc chung cho thương mại điện tử của tổ chức này cũng như đã triển khai các hoạt động về phát triển và ứng dụng CNTT, công nghệ phần mềm từ năm 1998, nhất là sau khi có Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị (tháng 10/2000). Thế nhưng, trên thực tế, việc ứng dụng phát triển thương mại điện tử tham gia vào thương mại quốc tế (được xác định là chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm) lại còn quá chậm và hạn chế. Nhìn chung trong cả nước, hầu hết các hệ thống mạng cũng như các cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước chỉ được xây dựng và vận hành với mục đích phục vụ trong nội bộ cơ quan, nội bộ ngành hay mang tính tuyên truyền, phổ biến cho dân chúng chứ chưa có cơ chế hướng các thông tin tới các doanh nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kinh tế, thương mại... tập trung vào các nhóm đối tượng đặc biệt như các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp đang là một nhu cầu rất bức thiết, trên cơ sở kết hợp điểm mạnh của cơ sở dữ liệu đã có!
Thứ trưởng Bộ BC-VT Mai Liêm Trực: Ngay trong năm nay, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về chứng thực điện tử. (Ảnh: Hải Châu) |
Về phía các doanh nghiệp cũng tự thấy chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết, hiệu quả của thương mại điện tử và còn coi đây là chuyện xa vời. Số lượng doanh nghiệp kết nối Internet và khai thác thông tin trên mạng còn rất ít, số lượng các website cũng vậy. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến năm 2003, Việt Nam mới có hơn 3.000 doanh nghiệp (trong hơn 132.000 doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh) có website riêng và vài nghìn doanh nghiệp đăng ký quảng cáo trên mạng Internet. Trong số đó, cũng chỉ mới có 5% doanh nghiệp quan tâm đến thương mại điện tử và khoảng 7-8% doanh nghiệp bắt đầu triển khai. Đặc biệt, các website của doanh nghiệp Việt Nam mới đơn thuần giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm chứ ít có giao dịch trực tuyến và cũng không thanh toán được. Các website này hầu hết chưa có kênh quảng bá, giới thiệu với thị trường nước ngoài bởi những hạn chế về vật chất và con người. Các thông tin hỗ trợ khách hàng cũng còn ít và không được cập nhật thường xuyên. Bên cạnh đó, việc đầu tư của các doanh nghiệp cho thương mại điện tử chưa nhiều và còn lẻ tẻ; đội ngũ cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử chưa có.
Theo TS Nguyễn Hoàng Lưu, những hạn chế nêu trên đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiếp cận thị trường cũng như quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp... Trong nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, theo ông, có nguyên nhân rất quan trọng là môi trường pháp lý cho thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện, nhất là đối với việc triển khai chứng thực thương mại điện tử, chữ ký thương mại điện tử và một số vấn đề giao dịch điện tử khác. Các dịch vụ hỗ trợ như thanh toán, bảo mật... cũng còn kém!
Thứ trưởng Mai Liêm Trực cho hay: Trước mắt, ngay trong năm nay, các Bộ, ngành hữu quan sẽ trình Chính phủ ký ban hành Nghị định về chứng thực điện tử, quy định rõ việc chứng thực điện tử, chữ ký thương mại điện tử qua mạng... nhằm tạo cơ sở pháp lý cơ bản cho phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, sẽ tiếp tục xúc tiến việc xây dựng Luật Giao dịch Điện tử để có thể trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2005. Bên cạnh đó, các cơ quan Chính phủ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành những cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp. Chẳng hạn, nếu Tổng cục Hải quan quy định tất cả các tờ khai hải quan đều phải thực hiện qua mạng thì hẳn nhiên các doanh nghiếp phải tự thúc đẩy việc ứng dụng CNTT...
Hải Châu
Tin, bài liên quan: