(VietNamNet) - Từ 4/8, tại Hà Nội, các chuyên gia Nhật sẽ trình bày các kiến thức cơ bản về dịch vụ chứng thực điện tử xuyên biên giới và các ứng dụng của nó.
Nhằm xây dựng Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ chứng thực điện tử, sáng nay 4/8, Bộ Bưu chính-Viễn thông đã phối hợp với Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Tin học hóa Nhật Bản (CICC) và Diễn đàn cơ sở hạ tầng khóa công khai của Nhật Bản (PKI-J) đồng tổ chức khóa học về chứng thực điện tử.
Khóa học do các chuyên gia Nhật Bản giảng dạy, kéo dài từ 4 đến 6/8. Tại đây, các cá nhân, doanh nghiệp công nghệ thông tin-viễn thông (CNTT-VT) Việt Nam được giới thiệu các kiến thức cơ bản của dịch vụ chứng thực điện tử, nhiệm vụ và nghĩa vụ của các bên tham gia hoạt động chứng thực điện tử (Certificate Authorization - CA). Đặc biệt, có các kiến thức chuyên sâu về quản lý CA, thông lệ chứng thực của CA, và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Trong đó, PKI-J sẽ giới thiệu về chuẩn PKI, con dấu điện tử, sự tương thích của PKI, giá trị pháp lý của chữ ký số...
Chứng thực điện tử là hoạt động chứng thực danh tính của những người tham gia vào việc gửi và nhận thông tin qua mạng, đồng thời, cung cấp cho họ những công cụ, những dịch vụ cần thiết để thực hiện việc bảo mật thông tin, chứng thực nguồn gốc và nội dung thông tin. Hạ tầng công nghệ của chứng thực điện tử là cơ sở hạ tầng khoá công khai (PKI - Public Key Infrastructure) với nền tảng là mật mã khoá công khai và chữ ký số.
Người sử dụng dịch vụ chứng thực điện tử sẽ được các cơ quan cung cấp dịch vụ CA cấp chứng chỉ số và phải được gán một cặp khoá mã (khoá bí mật và khoá công khai) để có thể tham gia sử dụng chứng thực điện tử trong các ứng dụng mà mình tham gia.
Trước nhu cầu sử dụng chứng thực điện tử ngày càng cao tại Việt Nam, trong thời gian qua tại Việt Nam đã có một số đơn vị cung cấp và thử nghiệm dịch vụ chứng thực điện tử như Công ty VASC, Công ty VDC, Trung tâm Tin học Bộ Khoa học-Công nghệ, Ban Cơ yếu Chính phủ, và một số ngân hàng. Ngoài ra, còn một số đơn vị cũng thử nghiệm xây dựng các CA nội bộ.
Do tính xác thực, tính bảo mật, tính toàn vẹn dữ liệu và tính không chối bỏ, chứng thực điện tử được sử dụng trong khá nhiều các ứng dụng như: ký vào tài liệu điện tử, thư điện tử bảo đảm, thương mại điện tử, bảo vệ mạng WLAN (Wireless Lan Area Network), mạng riêng ảo (VPN).
Để có thể cung cấp được dịch vụ chứng thực điện tử, cần có hệ thống luật pháp công nhận tính pháp lý của chữ ký số, quy định hoạt động của dịch vụ chứng thực điện tử ( thường là luật chữ ký số hoặc luật giao dịch điện tử) và các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử (CA). |
Tin, ảnh: Hoàng Hùng