S-Fone sẽ tập trung phát triển trên cơ sở các nguồn lực trong nước và từng bước, xem xét có chọn lọc các nguồn lực và đối tác nước ngoài.
Tin từ Trung tâm điện thoại di động CDMA S-Telecom (S-Fone) cho biết, hồ sơ thành lập liên doanh giữa S-Fone và SK Telecom đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố HCM thông qua và hiện đã được trình lên Chính phủ.
S-Fone hiện chỉ có hơn 7 triệu thuê bao di động. Ảnh: ICT.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên về tỷ lệ cổ phần mà SK Telecom sẽ nắm giữ sau khi hồ sơ liên doanh được phê duyệt là bao nhiêu, ông Hồ Hồng Sơn, Giám đốc Điều hành S-Fone trả lời "chúng tôi xin phép bảo mật thông tin này".
Mặc dù vậy, ông Sơn cũng khẳng định, "những vấn đề liên quan đến việc điều hành, quản lý và đầu tư vốn cho mạng điện thoại S-Fone đã chính thức chuyển giao cho Saigon Postel còn SK Telecom chỉ đóng vai trò là một thành viên trong liên doanh".
Còn về thông tin, Công ty Rutter Associates Korea muốn đầu tư 1.600 tỷ đồng mua cổ phần của S-Fone, ông Sơn "xin được phép không bình luận cho tới thời điểm thích hợp". Tuy vậy, ông Sơn cũng bình luận thêm rằng, "về việc phát triển nhóm cổ đông mới, chúng tôi nhận thấy rằng trong kinh doanh, đầu tư là một nhu cầu luôn luôn có thực. S-Fone sẽ tập trung phát triển trên cơ sở các nguồn lực trong nước và từng bước, xem xét có chọn lọc các nguồn lực và đối tác nước ngoài".
Hiện nay, S-Fone đã có được hơn 7 triệu thuê bao điện thoại di động. Đây là một con số còn khiêm tốn so với tốc độ phát triển công nghệ viễn thông ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, khi mô hình Hợp tác kinh doanh (BCC) được thay đổi, S-Fone gần như được "cởi trói", đặc biệt là về vấn đề tài chính và chiến lược kinh doanh.
Trong bối cảnh thị trường viễn thông ngày càng mở cửa và cạnh tranh gay gắt, S-Fone sẽ tiếp tục đi tắt đón đầu những cơ hội kinh doanh và đầu tư để đổi mới mạnh mẽ, củng cố và phát triển thương hiệu S-Fone bằng các chương trình mới sáng tạo, hiệu quả, song song với việc đẩy mạnh đầu tư mở rộng, phát triển hệ thống mạng cả về vùng phủ sóng và nâng cấp công nghệ 3G từ EVDO Rev 0 lên EVDO Rev A, ông Sơn nói.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 4/2010, tổng số thuê bao di động đạt trên 120 triệu thuê bao, trong đó, Viettel, VinaPhone và Mobifone nắm giữ phần lớn số lượng thuê bao.
Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước, vào năm 2011 hoặc đầu 2012, tại Việt Nam sẽ diễn ra xu hướng sáp nhập giũa các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông nhỏ sẽ không còn phù hợp với thị trường.
Theo nhận định của ông Eddie Ahman, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ericsson Việt Nam, số lượng 7 nhà khai thác là quá nhiều với Việt Nam, trong tương lai sẽ không tránh khỏi xu hướng sáp nhập hoặc hợp tác. Và điều này cũng đã được chứng minh qua việc EVN Telecom và Vietnamobile cùng bắt tay hợp tác để xin cấp phép 3G.
Còn ông Roger Barlow, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành công ty RJB Consultants khẳng định, các nhà khai thác nhỏ sẽ không còn phù hợp với thị trường viễn thông Việt Nam và xu hướng hợp nhất giữa các nhà khai thác sẽ diễn ra vào giai đoạn 2011-2012.
- (Theo Đầu tư)