Việc chuyển đổi mô hình kinh doanh của mạng di động S-Fone đã đến hồi kết thúc sau khi toàn bộ nhân sự phía đối tác SK Telecom (Hàn Quốc) rút về nước trong tháng 1-2010. S-Fone sẽ chính thức được Saigon Postel quản lý, vận hành và đầu tư phát triển vào giữa năm nay.
> SK Telecom tuyên bố thôi đầu tư vào S-Fone
Ông Hồ Hồng Sơn, Giám đốc điều hành mạng S-Fone, khẳng định với báo giới hôm 8-4 trong dịp giới thiệu các gói cước mới rằng thủ tục để thay đổi mô hình hoạt động hợp tác kinh doanh (BCC) giữa Saigon Postel và SK Telecom đã hoàn tất từ ngày 20-3. Và dự kiến trong 4 tháng tới, liên doanh này sẽ chính thức ra mắt.
Từ 11/2009, Saigon Postel đã từng bước quản lý, điều hành mọi hoạt động của mạng S-Fone.
Theo đó, những vấn đề liên quan đến việc điều hành, quản lý và đầu tư vốn sẽ chính thức chuyển giao cho Saigon Postel. SK Telecom chỉ đóng vai trò là một như một cổ đông trong liên doanh.
"Trong thời gian từ nay đến năm 2011, Saigon Postel sẽ hoàn vốn tương ứng giá trị đầu tư mà SK Telecom đã đầu tư phát triển mạng S-Fone trước đây. Và SK Telecom sẽ chỉ có quyền nắm giữ một tỷ lệ cổ phần nhất định trong liên doanh. Cổ phần chi phối sẽ thuộc về Saigon Postel và do đó Saigon Postel sẽ có đầy đủ quyền để quyết định mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh và vận hành mạng S-Fone trong thời gian tới”, ông Sơn nói.
Còn thời điểm hiện tại, khi mô hình liên doanh chưa được chấp thuận chính thức, về mặt pháp lý S-Fone vẫn hoạt động trên mô hình BCC. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi kể từ tháng 11 năm ngoái, Saigon Postel đã từng bước quản lý, điều hành mọi hoạt động của mạng này. Theo ông Sơn, khi mô hình BCC được thay đổi, nó đã "cởi trói" cho S-Fone trong thời gian qua, đặc biệt là về vấn đề tài chính và chiến lược kinh doanh.
Hoạt động từ năm 2003, S-Fone hiện có gần 7 triệu thuê bao, một con số còn khá khiêm tốn so với các mạng di động GSM như Viettel, VinaPhone, MobiFone. Rào cản của việc phát triển chậm này có nguyên nhân từ việc nguồn cung cấp thiết bị đầu cuối (handset). Để phá bỏ rào cản này, S-Fone đã có sự thay đổi lớn trong chiến lược kinh doanh là từng bước xã hội hóa việc bán thiết bị đầu cuối, tách việc bán thiết bị đầu cuối ra khỏi kinh doanh mạng.
Cùng với việc tách hoạt động kinh doanh thiết bị đầu cuối, S-Fone cũng theo đuổi chính sách đưa ra các gói cước linh hoạt với chi phí thấp và cung cấp dịch vụ trọn gói từ thiết bị đầu cuối và các chương trình khuyến mãi. Đồng thời, S-Fone sẽ nâng cấp hệ thống chăm sóc khách hàng, mở rộng vùng phủ sóng bằng việc lắp đặt thêm 1.000 trạm phát sóng trên toàn quốc.
(Theo TBKTSG)