Trước việc "con dế" bom tấn iPhone ngày càng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn, Apple đã quyết định "dằn mặt" một trong những đối thủ chính của mình bằng chiêu "xưa như trái đất": kiện ra toà.
> Hàng loạt công nghệ mới kích cầu thị trường di động
> Lộ diện trung tâm dữ liệu tỉ đô của Apple
> Bikini hoặc nội y: Cấm cửa trước Apple
Apple cáo buộc HTC đã "ăn trộm" sáng chế độc quyền của hãng là công nghệ màn hình cảm ứng và một số tính năng khác. Những mẫu smartphone bị Apple phàn nàn nhiều nhất bao gồm Nexus One, G1 và myTouch 3G, tất cả đều sử dụng hệ điều hành di động nguồn mở Android do gã khổng lồ tìm kiếm Google phát triển. Ngoài ra, họ máy HTC Touch không dùng Android cũng bị Apple tấn công.
Nexus One bị cáo buộc đã "chôm chỉa" nhiều công nghệ có đăng ký bản quyền của Apple. Nguồn: AP
Apple đòi HTC phải đền bù tổn thất cho mình (không nói rõ mức độ) và yêu cầu Toà án cấm bán các model smartphone Android của HTC tại thị trường Mỹ vì lý do vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, theo giới luật sư, đơn khiếu nại được nộp lên Uỷ ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nơi không có quyền hạn trong việc cấm nhập khẩu các sản phẩm/linh kiện.
Chỉ có điều, động thái mới của Apple cho thấy quả táo đang "giơ cao móng vuốt", "xù lông" để tự bảo vệ mình trước sự nổi lên chóng vánh của các đối thủ.
"Chúng tôi có thể ngồi giương mắt nhìn các đối thủ đánh cắp phát minh độc quyền của mình, hoặc là hành động", Giám đốc điều hành Steve Jobs của Apple cho biết. "Cuối cùng, chúng tôi đã quyết định chọn phương án thứ hai".
Apple cáo buộc HTC đã xâm phạm 20 bằng sáng chế của mình, bao gồm cả giao diện người dùng lẫn phần cứng của iPhone. Một số sáng chế liên quan đến công nghệ đằng sau màn hình cảm ứng, trong đó có phát minh cho phép màn hình nhận dạng từ hai điểm tiếp xúc của ngón tay trở lên cùng lúc, hoặc phát minh cho phép bạn zoom cận cảnh hoặc zoom out bằng cách chụm/đẩy ngón tay.
Một bằng sáng chế khác liên quan tới việc sử dụng vi cảm biến trên thiết bị để thu thập thông tin về hoạt động của người dùng hoặc môi trường xung quanh, từ đó cho phép thiết bị phản ứng bằng cách sáng lên chẳng hạn.
Kiện ai, ai kiện?
Khi iPhone xuất hiện lần đầu vào năm 2007, địa hạt smartphone đã bị thay đổi hoàn toàn bởi một thiết bị vừa thời trang lại rất dễ sử dụng. Sau đó, Apple khai trương thêm quầy ứng dụng để mở rộng năng lực cho iPhone, vượt xa khỏi những tính năng truyền thống như gọi điện, check email hoặc lướt Web.
Nhờ có iPhone và App Store "song kiếm hợp bích", Apple đã trở thành một thế lực đáng nể trên thị trường smartphone cùng với RIM, hãng chế tạo ra những con dế BlackBerry nổi tiếng. Mặc dù vậy, từ khoảng hai năm trở lại đây, sức ép từ phía những tên tuổi như HTC và Motorola ngày càng lớn. Họ tung ra nhiều mẫu smartphone không chỉ hấp dẫn về tính năng mà còn tương thích với nhiều mạng không dây khác nhau, điều mà iPhone không làm được.
Về phần mình, HTC khẳng định họ luôn tôn trọng luật bản quyền nhưng sẽ bảo vệ các sáng chế của mình đến cùng.
Việc các hãng công nghệ lôi nhau ra toà vì bản quyền đã là chuyện cơm bữa. Bản thân Apple cũng bị Nokia kiện vì iPhone (Nokia cáo buộc Apple sử dụng công nghệ của người khác để cắt giảm chi phí sản phẩm, thu nhỏ kích cỡ thiết bị và kéo dài tuổi thọ pin). Apple phản pháo lại bằng việc kiện ngược Nokia ra toà.
Trong quá khứ, Apple không kiện nhiều đối thủ, do đó rất có thể vụ kiện HTC này đã đánh dấu một sự thay đổi trong chiến lược của hãng. Nếu Apple thắng kiện, HTC sẽ vấp phải một rào cản vô cùng lớn để thâm nhập thị trường quan trọng bậc nhất là Bắc Mỹ.