Dù hùng hồn tuyên bố sẽ đóng cửa dịch vụ tìm kiếm tại Trung Quốc song Google vẫn hy vọng duy trì nhiều hoạt động quan trọng khác tại thị trường Internet lớn nhất thế giới này.
Nguồn: AP |
Google tuyên bố hãng sẽ không tuân thủ yêu cầu "giám sát" các kết quả tìm kiếm theo yêu cầu từ phía Trung Quốc nữa, tuy nhiên hãng vẫn muốn tiếp cận đội ngũ kỹ sư tài năng bản địa. Và tất nhiên, Google càng không muốn bỏ lỡ thị trường quảng cáo trực tuyến và ĐTDĐ đang tăng trưởng rất vững chắc của Trung Quốc.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn giữ quan điểm hết sức cứng rắn về việc quản lý luồng thông tin trên mạng Internet. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng tuyên bố sẽ không dành bất cứ biệt đãi nào cho Google trong vụ việc này. Nhưng mặt khác, họ cũng nhận ra mình cần có những doanh nghiệp giàu có, đầy sức sáng tạo như Google để đạt được mục tiêu trở thành nước dẫn đầu về công nghệ. Nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc cũng đã cảnh báo rằng việc Google bỏ đi có thể sẽ làm chậm lại tiến trình phát triển công nghệ và gây tổn hại đến nền kinh tế.
Giới phân tích cũng rất mâu thuẫn trong việc dự đoán vụ tranh cãi lùm xùm này sẽ được giải quyết như thế nào. Một số tin rằng Google sẽ phải rút lui hoàn toàn khỏi Trung Quốc trong tương lai gần. Một số khác lại nghĩ đến một thoả thuận "giữ thể diện" cho cả hai bên và đảm bảo rằng Google vẫn có thể đặt chân trên đất nước Trung Quốc.
Ông Robert Broadfoot, Giám đốc Hãng tư vấn Rủi ro Kinh tế và Chính trị tại Hồng Kông, thuộc phe tin rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ ứng xử mềm dẻo hơn để níu giữ Google. "Họ khó lòng đóng sập cửa trước những nhà sáng tạo. Họ rất hứng thú với những gì Google đang phát kiến, bởi họ muốn có chúng cho chính bản thân mình".
Mọi việc trở nên căng thẳng từ ngày 12/1, khi Google tuyên bố sẽ đóng cửa công cụ tìm kiếm Google.cn sau khi phát hiện nhiều hòm thư Gmail tại Trung Quốc đã bị hacker bản địa tấn công. Hãng thậm chí còn cảnh báo về khả năng rút hoàn toàn ra khỏi thị trường đông dân nhất thế giới này.
Vẫn mong ở lại
Tuy nhiên, chính Giám đốc điều hành Eric Schmidt của Google cũng thừa nhận rằng hãng "vẫn mong được ở lại Trung Quốc" và "thích những cơ hội kinh doanh tại đây". Cuộc tranh cãi đã buộc Google hoãn phát hành những mẫu smartphone mới nhất, được thiết kế riêng cho thị trường Trung Quốc. Song sẽ thật là đáng tiếc cho Google nếu hãng nhường toàn bộ thị trường bao gồm 700 triệu tài khoản này vào tay các đối thủ khác.
Kể cả khi Google.cn bị đóng cửa, Google vẫn muốn duy trì hoạt động của trung tâm phát triển Bắc Kinh và văn phòng kinh doanh tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, một nguồn tin thân cận cho biết. Song điều này sẽ không thể xảy ra nếu nhà chức trách tin rằng quyết định thôi không tuân thủ quy định giám sát kết quả tìm kiếm của Google có thể gây hại đến người lao động Trung Quốc.
Google không tiết lộ số nhân viên hiện tại của hãng tại xứ sở Vạn lý trường thành, song theo ước tính của giới phân tích, con số đó rơi vào tầm 700 người. Hiện Google đang tuyển dụng khoảng 20.000 nhân sự trên toàn thế giới.
Dù số lượng không phải là quá đông, song đội ngũ kinh doanh tại Trung Quốc giữ một vai trò hết sức quan trọng đối với Trung Quốc. Đó là vì phần lớn doanh thu tính tới thời điểm này của Google tại đây đều đến từ quảng cáo trực tuyến đăng trên website Google.com của Mỹ. Google cũng đang điều hành một mạng lưới quảng cáo chuyên đăng thông điệp tiếp thị trên các website Trung Quốc.
Nếu đóng cửa văn phòng kinh doanh, Google sẽ rất khó làm vui lòng các khách hàng quảng cáo Trung Quốc. Và xem ra khả năng bắt kịp các đối tác bản địa như Baidu hay Alibaba sẽ trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Hiện Baidu chiếm tới 60% thị phần tìm kiếm trực tuyến của Trung Quốc, gần gấp đôi tỷ lệ 35% của Google).
Tiếp tục thể hiện thái độ cứng rắn, ngày hôm qua, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã phủ nhận mọi sự liên đới của Chính phủ đến những đợt tấn công nhằm vào hệ thống của Google thời gian qua. Bộ này cũng bảo vệ hành vi theo dõi và giám sát online là "phù hợp với luật pháp Trung Quốc". Nhật báo Peolpe’s Daily của Đảng Cộng sản Trung Quốc còn cáo buộc Chính phủ Mỹ kiểm soát Internet gia đình trong khi vẫn thúc giục các nước khác "xây dựng tự do Internet".
Trọng Cầm (Theo AP)