221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
1245550
Hỗ trợ DN xuất khẩu ứng dụng CNTT: Cần thực chất!
0
Article
null
Hỗ trợ DN xuất khẩu ứng dụng CNTT: Cần thực chất!
,

- Các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia chương trình "Hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập & Phát triển" sẽ được mua sản phẩm/dịch vụ CNTT với mức giá ưu đãi tối thiểu là 30% so với giá thị trường.

Mô tả ảnh.
Đại diện Sở TT&TT Hà Nội và VCCI ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình. (Ảnh: BM)
Nằm trong khuôn khổ Đề án 191 của Chính phủ về Hỗ trợ Doanh nghiệp ứng dụng CNTT giai đoạn 2005-2010, chương trình do Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội phối hợp cùng VCCI tổ chức, nhằm mục đích giúp đỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm chi phí điều hành, tìm kiếm thị trường xuất khẩu và bạn hàng tiềm năng, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh.

Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia sẽ được Sở tư vấn miễn phí về các dịch vụ, giải pháp công nghệ như kế toán, tìm kiếm nhà nhập khẩu từ Mỹ, thúc đẩy thương mại điện tử, đào tạo tiếng Anh...

Đồng thời, họ cũng sẽ được mua sản phẩm với mức giá ưu đãi (tối thiểu 10% đối với phần cứng và từ 30% cho đến 100% đối với phần mềm/dịch vụ) từ các đơn vị CNTT đã cam kết "góp sức" cho chương trình. Về phần mình, các doanh nghiệp công nghệ cũng nhận thấy đây là một cơ hội tốt để quảng bá thương hiệu, hình ảnh và tăng doanh thu. Nói cách khác, đôi bên sẽ cùng có lợi trong mô hình hợp tác này.

11 Doanh nghiệp và sản phẩm hỗ trợ trong Chương trình:
- Viện Tin học Doanh nghiệp (VCCI): Hỗ trợ tham gia sàn Thương mại điện tử Vnemart, phần mềm quản lý siêu thị Sma.net, phần mềm quản lý nhân sự Pmsoft.net, website xây dựng thương hiệu doanh nghiệp. 
- Công ty OSB: Dịch vụ Traderfax - tìm kiếm nhà nhập khẩu từ Mỹ. 
- Công ty Cổ phần Giải pháp Thông tin iWay: Dịch vụ hỗ trợ ứng dụng phần mềm nguồn mở.
- Công ty TNHH phát triển công nghệ Thái Sơn: Phần mềm khai báo hải quan điện tử. 
- Công ty Cổ phần Giải pháp phần mềm Hòa Bình: Gian hành điện tử tại Chodientu.
- Hanoi Tech: Đào tạo tiếng Anh trực tuyến cho doanh nghiệp.
- Công ty phần mềm Viami: Giải pháp quản trị doanh nghiệp tổng thể.
- Viện Phần mềm & Nội dung số (Bộ TT&TT): Sản phẩm NetPC - giải pháp bao gồm hệ điều hành máy tính cùng đầy đủ các ứng dụng và tích hợp dịch vụ mạng. 
- Công ty Cổ phần Phần mềm quản lý doanh nghiệp (FAST): Phần mềm kế toán cho doanh nghiệp.
- Công ty Cổ phần Misa: Phần mềm kế toán cho doanh nghiệp.
- Công ty TNHH Máy tính CMS: Máy chủ, máy tính để bàn, laptop.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 11 đơn vị đăng ký cung cấp máy tính, phần mềm quản lý, phần mềm nguồn mở, phần mềm kế toán... phục vụ Chương trình.

Trước ý kiến cho rằng tỷ lệ doanh nghiệp "góp sức" còn khá khiêm tốn (nếu xét trên quy mô khoảng 1000 doanh nghiệp công nghệ đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội), ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông cho biết: Trong thời gian qua, không chỉ có DN xuất khẩu mà bản thân các doanh nghiệp CNTT cũng gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế. Vì vậy, việc kêu gọi họ giảm giá bán sản phẩm, hạ thấp lợi nhuận không phải là chuyện dễ dàng.

Bên cạnh đó, quy định của Chương trình yêu cầu các doanh nghiệp CNTT khi tham gia phải nêu rõ mức giá niêm yết và mức giá khuyến mại, vốn là những thông tin khá nhạy cảm trong kinh doanh nên một số nơi nảy sinh tâm lý "ngại".

Mặc dù vậy, ông Tuấn khẳng định chương trình vẫn đang tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp cung cấp giải pháp đăng ký tham gia từ nay cho đến hết tháng 11/2009.

Một câu hỏi khác đặt ra là vì sao đến thời điểm này, khi mà nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội mới xúc tiến triển khai chương trình. Chia sẻ với báo giới, ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp (VCCI) cho biết từ đầu năm, cơ quan này đã có chương trình hỗ trợ các DN xuất khẩu vào thị trường Mỹ nói riêng và đạt được kết quả ban đầu khá lạc quan. Hơn nữa, dù nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc, song "nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ về tính bền vững của các dấu hiệu này. Do đó, chúng tôi quyết định tiếp tục mở rộng diện hỗ trợ ra doanh nghiệp xuất khẩu sang cả các thị trường khác ngoài Mỹ".

Ông Lợi cũng nhấn mạnh ý nghĩa của việc bắt buộc các doanh nghiệp CNTT tham gia Chương trình phải công bố giá cụ thể, "không được đề là ưu đãi chung chung". Những nhà tổ chức mong muốn phòng tránh hiện tượng một số doanh nghiệp lợi dụng chương trình để quảng cáo, bán sản phẩm, thông báo mức giá sai lệch để rồi giảm giá "cho đẹp" chứ trên thực tế, người mua không hề rẻ được đồng nào.

Mặc dù vậy, đại diện các bên tham gia đều chưa trả lời được rõ ràng về trách nhiệm của mình khi nảy sinh mâu thuẫn hoặc sai phạm. Trong trường hợp doanh nghiệp CNTT tham gia chương trình có hành vi bán giá khống hoặc cung cấp gói sản phẩm/giải pháp không tương xứng với giá thành, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải kêu ai? Đơn vị nào sẽ đứng ra xử lý và theo chế tài cụ thể như thế nào?

Tương tự, nếu doanh nghiệp xuất khẩu không thực hiện đúng cam kết thanh toán với doanh nghiệp CNTT, bên nào sẽ đứng ra giải quyết cho họ? Những vướng mắc này cần được Sở và VCCI tháo gỡ để chương trình mang tính thực chất và thực sự đem lại lợi ích cho cả người bán lẫn người mua, cả doanh nghiệp cung cấp giải pháp lẫn doanh nghiệp xuất khẩu.

  • Trọng Cầm
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,