221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
1245293
Các mạng 3G Việt Nam: "ăn thua" ở dịch vụ nội dung
0
Article
null
Các mạng 3G Việt Nam: 'ăn thua' ở dịch vụ nội dung
,

- Còn quá sớm để kết luận mô hình triển khai 3G nào là lý tưởng nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay, song chắc chắn, các dịch vụ hấp dẫn trên nền 3G như điện thoại thấy hình, tìm kiếm dựa trên định vị, đọc báo qua mạng... chính là "món ăn" được người dùng chờ đợi nhất.

3G_vt.jpg
Nội dung và dịch vụ GTGT chính là trái tim của 3G, thành hay bại là do chúng quyết định.

 Nói cách khác, dù các mạng di động có lựa chọn mô hình kinh doanh như thế nào, phương thức triển khai dịch vụ cụ thể ra sao thì cái mà người dùng bình thường quan tâm nhất vẫn chỉ là nội dung và các dịch vụ GTGT mà họ có thể được hưởng khi công nghệ 3G trở thành hiện thực. Khi mà diện phủ sóng và chất lượng tín hiệu không có sự khác biệt quá lớn giữa các mạng, thì yếu tố đẩy người dùng tới quyết định lựa chọn mạng này thay vì mạng khác chính là các dịch vụ và các nội dung mà nhà mạng đang cung cấp.
  

Nhiều chuyên gia nhận định rằng việc đầu tư thích đáng cho dịch vụ nội dung chính là chìa khóa then chốt làm nên thành công trên con đường 3G hóa.

"Nội dung và dịch vụ GTGT chính là tương lai của viễn thông nói chung và 3G nói riêng. Khi doanh thu từ các dịch vụ truyền thống như thoại và tin nhắn giảm sút, các nhà mạng buộc lòng phải tìm đến những kênh doanh thu mới. Đây chính là cơ hội vàng để các tiện ích dữ liệu, các dịch vụ nội dung lên ngôi", ông Tim Greisinger, Phó Chủ tịch Bộ phận Viễn thông, phụ trách các thị trường đang phát triển của IBM nhận định.

 Số liệu thống kê của mạng MobiFone trong năm 2009 cho thấy có tới 70% người dùng có nhu cầu sử dụng các dịch vụ nội dung, và 23% trong số này sẵn sàng trả tiền khi dùng dịch vụ. Năm 2008, nhóm các dịch vụ nội dung như nhạc chuông, tư vấn xổ số, kết quả bóng đá... đã mang về doanh thu lên tới 911 tỷ đồng, chiếm 25% tổng doanh thu của toàn mạng. Khá nhiều CP như  VietNamNet, VASC, VTC, GAPIT... đã đạt doanh thu trên 1 tỷ VND/tháng từ việc cung cấp các dịch vụ GTGT trên nền MobiFone.
 

Để xây dựng được một "hệ sinh thái dịch vụ hấp dẫn bao quanh 3G", các chuyên gia khẳng định nhà mạng không thể tư duy theo lối "bế quan tỏa cảng", chỉ sử dụng và khai thác các dịch vụ cho bản thân mình phát triển ra mà thôi. Mô hình quầy ứng dụng trực tuyến "mở" App Store của Apple chính là minh chứng hùng hồn nhất của việc kiếm tiền từ "trí tuệ xã hội" một cách hiệu quả, và nó xứng đáng là kim chỉ nam cho thị trường viễn thông.

 "Có thể nói, mối quan hệ giữa nhà mạng và các CP là một mối quan hệ hai chiều. Trong khi các mạng có sẵn nền tảng thuê bao lớn, diện phủ sóng rộng và là kênh phân phối dịch vụ nội dung, dịch vụ trực tiếp nhất, rộng rãi nhất, thì các CP lại tạo ra những giá trị mềm, làm tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ của mạng di động. Từ đó, nhà mạng sẽ đạt doanh thu cao hơn", ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập báo Việt Nam Net, một trong 10 CP chính trên nền mạng MobiFone hiện nay cho biết.

"Nếu một trong hai chủ thể bất hợp tác với nhau, ngành công nghiệp nội dung sẽ bị đẩy vào ngõ cụt, tuyệt đường phát triển. Việc các nhà mạng có một chính sách hợp tác với các CP thiếu ổn định, kết hợp với tư duy điều hành của một số nơi theo kiểu làm ơn đã gây ra không ít khó khăn cho giới cung cấp nội dung. Ngoài ra, việc tỷ lệ chia sẻ doanh thu không đồng nhất, quy trình đối soát chậm cũng là hai trong số những bức xúc chính của các CP Việt Nam hiện nay", ông Tuấn nói.

 Những nghiên cứu về người dùng của IBM đã cho thấy, trong khối thuê bao di động luôn tồn tại những mạng xã hội quy mô nhỏ. Khi một người rời mạng, những người còn lại trong nhóm sẽ có xác suất rời mạng cao hơn. Tương tự, nếu như họ đã bỏ tiền ra mua một sản phẩm/dịch vụ, nhiều khả năng họ và những người kia sẽ mua thêm các dịch vụ có liên quan. Vì thế, mạng di động nào càng có nhiều chính sách khuyến mại và nhiều dịch vụ nội dung hấp dẫn, thiết thực thì càng dễ giữ chân khách hàng.
 

Hiện nay, có một thực tế ở các nước đã triển khai 3G tương đối thành công là tiền cước dịch vụ mà nhà mạng thu được không hề cao. Nguyên do là vì khách hàng đã lựa chọn hình thức đóng cước cố định hàng tháng, để rồi có thể sử dụng dịch vụ thoải mái, không giới hạn. Điều đó khiến cho lưu lượng truy cập trên hệ thống mạng tăng vọt nhưng dòng tiền đổ vào túi nhà cung cấp dịch vụ lại vẫn giậm chân tại chỗ.

 "Lối thoát duy nhất cho họ là phải nỗ lực tối đa để khai thác doanh thu từ các dịch vụ. Họ có thể thu tiền từ đâu ư? Từ phí thành viên khi người dùng đăng ký tham gia các mạng xã hội ảo hay diễn đàn chẳng hạn; từ việc bán avatar và tiền tệ sử dụng trên thế giới ảo cho đến tiền hoa hồng nhận được từ các dịch vụ bán hàng qua điện thoại. Tương tự, các website tải nhạc/phim cũng phải trích một phần hoa hồng "bản quyền" cho nhà cung cấp dịch vụ. Và cuối cùng, đương nhiên không thể không nhắc tới nguồn thu từ quảng cáo, một kênh nội dung hết sức màu mỡ", chuyên gia Joe Milch của IBM phân tích.
 

"Nhiều người tin rằng nội dung và dịch vụ GTGT chính là trái tim của 3G, thành hay bại là do chúng quyết định. Việt Nam là một thị trường mới đang phát triển rất nhanh, nhưng cũng vì thế mà các bạn cần cẩn trọng để không vội vàng. Các CP và các mạng di động nên có một cái nhìn dài hạn về các dịch vụ mà mình sẽ cung cấp, bởi nếu như dịch vụ nào cũng lại được xây dựng từ một cơ sở hạ tầng mới từ đầu thì sẽ rất tốn kém, manh mún, thiếu chuyên nghiệp", ông Grinsinger chia sẻ với Việt Nam Net.

 Để hình thành nên một ngành công nghiệp nội dung di động lành mạnh, chuyên nghiệp, ông Grinsinger khuyên các nhà mạng của Việt Nam nên "mở toang cửa cho các bên thứ ba tự do phát triển nên những ứng dụng và dịch vụ GTGT". Đó có thể là những CP chính thống, những nhà phát triển cá nhân và thậm chí là cả giới học sinh sinh viên. Các bạn nên "tạo ra một hệ sinh thái cho mọi ý tưởng sáng tạo đều được tham gia cuộc chơi. Chỉ có như vậy, 3G mới thực sự cất cánh và trở thành một điểm đến mà người dùng muốn ghé thăm, muốn dừng chân và gắn bó lâu dài mà thôi".
 

Khi được hỏi về những dịch vụ nội dung có khả năng thành công cao tại thị trường Việt Nam, ông Grinsinger tin rằng "tìm kiếm thông tin dựa trên vị trí, các dịch vụ liên kết giữa 3G với y tế, giáo dục từ xa, đọc báo qua điện thoại và mạng xã hội ảo" sẽ là những ứng viên giàu triển vọng nhất. Tuy nhiên, cũng rất khó để "gieo quẻ" xem đâu sẽ là ứng dụng bom tấn thực thụ, với sức mạnh tuyệt đối trong việc hấp dẫn đông đảo người dùng, bởi điều đó còn phụ thuộc vào cách thức triển khai dịch vụ trên thực tế của nhà mạng, vào mối quan hệ và tỷ lệ "ăn chia" giữa nhà mạng với các CP có công bằng hay không, cũng như vào nền văn hóa riêng của từng địa phương.

 "Điều quan trọng là các dịch vụ nội dung và GTGT mới phải nhanh chóng vận hành được ngay trên nền mạng 3G sẵn có, phải dễ dàng triển khai và quản lý. Chúng phải có mức giá hợp lý, chấp nhận được trong mắt người dùng và cuối cùng, làm sao cho dịch vụ đó phát sinh được càng nhiều dịch vụ, nội dung ăn theo khác càng tốt", ông Grinsinger mách nước.
 
  • Trọng Cầm
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,