Blogger HappyWaffle (tên thật là Kevin) đã sử dụng dịch vụ MobileMe của Apple để truy tìm "con dế" iPhone mà anh đánh mất tại một quầy bar hồi cuối tuần.
Với một chiếc laptop có trang bị card dữ liệu không dây EVDO của Sprint, Kevin và bạn đã xác định được vị trí của chiếc điện thoại, đồng thời thuyết phục kẻ trộm trả lời. Họ thậm chí còn dùng dịch vụ Google Translate để cảnh báo tên trộm (bằng nhiều thứ tiếng khác nhau), rằng họ sẽ gọi cảnh sát nếu như hắn không thể hiện thiện chí.
Nguồn: CNET
Câu chuyện nghe có vẻ rất hấp dẫn và kết thúc có hậu, nhưng đó là bởi vì chủ nhân chiếc máy đã kích hoạt một số tính năng, trong khi kẻ trộm không biết cách vô hiệu hóa những tính năng đó mà thôi.
Lấy thí dụ, hắn có thể vô hiệu toàn bộ dịch vụ MobileMe bằng một thao tác cực kỳ đơn giản: gỡ thẻ SIM ra hoặc xóa tài khoản MobileMe khỏi điện thoại.
Hắn cũng có thể khôi phục phần mềm, đồng nghĩa với việc dữ liệu của bạn đã bị xóa một cách an toàn, và bạn không thể lần theo dấu vết điện thoại được nữa, nếu như không có sự can thiệp chiều sâu từ phía nhà mạng.
Chưa hết, khả năng định vị điện thoại của MobileMe lệ thuộc rất nhiều vào việc bạn đã kích hoạt cài đặt "Tìm iPhone của tôi" (Find my iPhone) trên điện thoại hay chưa. Chỉ khi nào Find My iPhone được kích hoạt thì thiết bị mới có thể kết nối thường trực với máy chủ của Apple. Và khi ấy, Apple mới có thể theo dõi được thiết bị mọi lúc mọi nơi.
Nếu như tính năng này, cùng với tính năng thông báo tin nhắn mới ra màn hình (push notification) bị tắt, dịch vụ sẽ không thể định vị điện thoại được nữa. Điều không may là kẻ trộm có thể tắt cả hai tính năng mà không cần tới mật khẩu iPhone hay MobileMe.
Vẫn có giá trị
Chưa hết, nếu như bạn tắt tính năng push, chắc chắn cả hai tính năng hệ lụy là xóa dữ liệu từ xa và gửi tin nhắn tới cho điện thoại bị thất lạc đều sẽ trở thành số 0. Ở trạng thái tắt, tất cả tin nhắn do bạn gửi đi sẽ chỉ có thể cập bến điện thoại khi người đang tạm thời sở hữu nó (ăn trộm hoặc nhặt được) mở ứng dụng mail ra mà thôi. Và nếu như bạn khóa mail bằng mã PIN bí mật, điều đó có nghĩa là tin nhắn cảnh báo sẽ chẳng bao giờ đến được nơi cần đến.
Đi tìm giải pháp cho tình trạng này, Apple có thể cho phép người dùng thay đổi cài đặt của điện thoại từ xa, chẳng hạn như ra lệnh cho thiết bị check thư khẩn cấp hoặc chỉ áp dụng chức năng khóa cho một số ứng dụng nhất định mà thôi. Ngoài ra, thay vì việc xóa sạch dữ liệu trong điện thoại, sẽ là tuyệt hơn nếu bạn có thể mở khóa từ xa bằng mật mã.
Một điểm nữa mà Apple cần phải thay đổi là cách người dùng có thể tương tác với tin nhắn gửi đến. Trong trường hợp của Kevin, anh này đã phải thử đi thử lại nhiều lần mới gửi được một tin nhắn dạng SMS từ site MobileMe tới cho kẻ trộm, cung cấp cho hắn một số điện thoại để liên lạc. Vấn đề là ngay khi bạn click vào nút bấm "OK" rất to để bỏ qua, chúng sẽ biến mất luôn.
Khác với tin nhắn SMS được lưu lại trong máy, những tin nhắn trên sẽ lặn không còn sủi tăm như chưa hề tồn tại trên đời. Chúng cũng không cho phép bạn copy và dán, hoặc click thẳng vào số điện thoại bên trong nội dung để quay số.
Nhưng liệu tất cả những bất tiện trên đây có thể chối bỏ ích lợi và giá trị của tính năng "Tìm iPhone của tôi" hay không? Câu trả lời là: Không đời nào. Vẫn còn rất nhiều không gian để Apple mở rộng và hoàn thiện nó. Sẽ không ngoa nếu nhận định rằng: đây là một trong những tính năng hữu ích nhất của dịch vụ MobileMe.
Trọng Cầm (Theo CNET)