Những chiếc điện thoại 3G có thể kết nối Internet nhanh gấp 40 lần so với điện thoại thông thường. Nó cũng cho phép người dùng tải clip phim, nghe nhạc, tổ chức video conference, vừa gọi điện, vừa nhìn thấy nhau (video call) và sử dụng được ở khắp mọi nơi trên thế giới (nhờ công nghệ roaming quốc tế).
>> Kỳ tích 3G Nhật Bản và vai trò của nội dung số
Các dịch vụ mới trên nền PDC
Cuối tháng 1/2001, DoCoMo đã tung ra loạt ĐTDĐ tương thích với Java đầu tiên tại Nhật Bản, cung cấp dịch vụ "i-appli". i-appli là dịch vụ cao cấp và cải tiến của i-mode, cho phép các thuê bao downlad và chạy những ứng dụng Java dung lượng nhỏ. Các ứng dụng này đáp ứng cả nhu cầu thông tin lẫn giải trí nơi người dùng và được chia thành 2 loại: ứng dụng độc lập và ứng dụng "trung tâm".
Nguồn: Akihabara
Ứng dụng độc lập, kiểu như game, có thể lưu được trong bộ nhớ điện thoại. Trong khi đó, ứng dụng "trung tâm" sẽ liên tục cập nhật thông tin (thí dụ như bảng giá chứng khoán) về máy. Vì thế, chúng cần được kết nối với một máy chủ để có thể thu nhận dữ liệu thường xuyên.
Thông thường, các ứng dụng có dung lượng chỉ khoảng 10 kb và mỗi máy điện thoại có thể lưu tối thiểu 5 ứng dụng như vậy bên trong bộ nhớ.
Nhưng với 3G, dung lượng và số lượng các ứng dụng của i-Appli đã được tăng lên theo cấp số nhân. Lấy thí dụ, nếu như trước đây hình ảnh thường được lưu bằng định dạng .GIF thì nhờ có 3G, người dùng điện thoại sẽ có thể xem và lưu ảnh bằng định dạng .JPEG linh động hơn.
Sau thành công của i-appli, DoCoMo thừa thắng xông lên với một dịch vụ mới toanh dựa trên nền tảng công nghệ định vị GPS. I-area sẽ cung cấp thông tin về thời tiết, quán ăn, tình hình giao thông v..v.... của 419 khu vực trên khắp Nhật Bản, dựa trên mã quay số của điện thoại.
Nhờ có i-area, người dùng sẽ tìm kiếm thông tin "bản địa" hết sức nhanh chóng và dễ dàng. Để truy cập vào dịch vụ, bạn chỉ việc đến trang cổng của i-mode, sau đó click "i-area" để xem danh mục các thông tin cung cấp. Do các trạm phát sóng (BTS) của i-mode tự động nhận dạng mã vùng của điện thoại nên người dùng không cần phải khai báo vị trí hiện tại của mình.
Dịch vụ này được DoCoMo cung cấp miễn phí, mặc dù một số nhà cung cấp dịch vụ (CP) có thể thu phí đối với một số dạng thông tin nhất định.
Nhà mạng cầm trịch
Một trong những đặc trưng khác biệt nhất của ngành công nghiệp di động Nhật Bản là nó chịu sự dẫn dắt của các mạng di động. Nhà sản xuất thiết bị và mạng di động hợp tác cùng nhau, tay nắm chặt tay để tung ra thị trường những thiết bị cầm tay/ĐTDĐ thỏa mãn mọi nhu cầu của người dùng.
Các mạng di động chính là những người sở hữu điện thoại. Cũng vì thế, thương hiệu của mạng di động sẽ chiếm thế áp đảo chứ không phải thương hiệu của nhà sản xuất. Đầu tiên, thuê bao Nhật Bản sẽ lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ trước rồi mới chọn điện thoại. Điều này hoàn toàn khác với ở châu Âu, nơi các thương hiệu điện thoại gây dựng được một vị thế hết sức vững chắc, với những nhà sản xuất lừng danh như Nokia hay Ericsson. Chính họ sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu và phát triển ra những mẫu điện thoại mới.
Hoàn toàn trái ngược, tại Nhật, chính các mạng di động mới đi đầu về nghiên cứu và phát triển. Công viên Nghiên cứu Yokosuka nằm ở ngoại ô Tokyo, do NTT DoCoMo lập ra, là một trong những trung tâm R&D lớn nhất, nổi tiếng nhất thế giới về công nghệ 3G.
Có thể nói, mô hình kinh doanh của DoCoMo kiểu này thuộc loại độc nhất vô nhị. Nhiều nhà phân tích tin rằng mối quan hệ khăng khít giữa các mạng di động với nhà sản xuất tại Nhật có đóng góp rất lớn tới mức độ sẵn sàng lẫn tinh vi của công nghệ di động, cũng như tới sự hào hứng nơi người dùng khi tiếp nhận các dịch vụ giá trị gia tăng.
Một lý do khác nữa làm nên thành công của Nhật Bản trên thị trường Internet di động, đó là sự hiện diện sâu của các mạng di động trong toàn bộ hệ thống. Với người dùng i-mode, DoCoMo vừa là nhà cung cấp dịch vụ di động, vừa là ISP. Người dùng chỉ phải nhận duy nhất một hóa đơn cho tất cả các dịch vụ đang dùng. Tương tự, họ cũng chỉ phải đăng ký thuê bao một lần duy nhất.
Trong khi đó, các mạng di động ở châu Âu thường chỉ cung cấp mỗi dịch vụ điện thoại mà thôi. Dòng dữ liệu cần phải đi qua cổng của một ISP khác, đồng nghĩa với việc người dùng sẽ phải tự mình đăng ký với các ISP.
Không thể không 3G!
Có thể nói, nhu cầu 3G tại Nhật thuộc loại mạnh và sớm nhất thế giới. Người dân Nhật có nhu cầu ngày càng lớn đối với các dịch vụ multimedia trên nền băng thông rộng di động. Sự thành công mang tính hiện tượng của các dịch vụ như i-mode, i-appli hay i-area càng chỉ rõ nhu cầu hướng đến những ứng dụng di động cao cấp hơn.
Nguồn: Akihabara
Kế đến, nhu cầu roaming quốc tế cũng ngày càng cao. Người dân Nhật thường xuyên ra nước ngoài (cả đi công tác lẫn du lịch giải trí), tạo nên một thị trường roaming khổng lồ.
Cuối cùng và cũng là động lực quan trọng nhất dẫn tới sự phát triển mạnh của 3G là do lượng thuê bao di động tăng quá nhanh, dẫn tới sự thiếu hụt tần số nghiêm trọng. Dải tần 2G tỏ ra quá chật hẹp và bất lực trong việc thỏa mãn cả người dùng lẫn các mạng di động. Để đáp lại, chính phủ Nhật đã quyết định đầu tư mạnh tay cho việc triển khai mạng IMT-2000, thế hệ mạng 3G đầu tiên tại Nhật.
Với 3G, người dùng đi bộ/trong nhà sẽ có thể truy cập dữ liệu với tốc độ 384 kb/giây. Ngay cả khi di chuyển trên các phương tiện cơ giới, họ cũng có thể truy cập thông tin với tốc độ 144kb/giây. Giới hạn tốc độ này cho phép các dịch vụ như truyền hình di động, video theo yêu cầu, nhạc di động....triển khai "êm ái" và suôn sẻ.
Các mạng di động sẽ cung cấp cổng kết nối nội dung (portal) cho nhiều dịch vụ. Khi truy cập Internet di động, portal sẽ là nội dung đầu tiên đập vào mắt người dùng. Như đã nhắc tới ở trên, các nội dung "ký sinh" trên portal đó có thể là chính thống hoặc phi chính thống (nội dung mở).
Nội dung chính thống đã được các mạng di động phê duyệt và thường là cung cấp miễn phí, chẳng hạn như thông tin từ CNN hoặc Đường sắt Nhật. Nếu nội dung chính thống bị tính phí, thường thì các mạng di động sẽ giữ lại 9% gọi là "hoa hồng".
Có rất nhiều các CP hoặc nhà cung cấp thông tin đang hoạt động tại Nhật. Trong số này, Recruit và Dai Nippon có quy mô lớn nhất. Với việc tạo điều kiện để người dùng truy cập các dịch vụ nội dung, những mạng di động như DoCoMo nhận được phần trăm tiền phí, đồng thời tăng được doanh thu từ lưu lượng truy cập.
Tuy nhiên, các CP ngày càng lo ngại rằng tiềm năng kiếm tiền của họ sẽ bị hạn chế, khi mà mạng di động luôn là người nắm quyền áp đặt mức cước tối đa hàng tháng cho dịch vụ nội dung. Hơn nữa, màn hình nhỏ xíu của điện thoại sẽ ngăn cản các CP bán quảng cáo - một kênh doanh thu cũng rất béo bở.
Tại Nhật, các ISP cũng có thể kiêm nhiệm vai trò của CP. Nhưng dù cung cấp nội dung trực tiếp đến người dùng, vai trò của các ISP vẫn không được như trên địa hạt Internet truyền thống. Vì sao lại như vậy? Đó là bởi họ không cung cấp cửa ngõ Internet mà chỉ bán các dịch vụ nội dung. Dòng truy cập được dẫn qua cổng ISP của mạng di động và người dùng không được phép tự lựa chọn ISP theo ý mình.
Hơn nữa, các nhà cung cấp nội dung, dù có phải là ISP hay không, cũng không được phép truy cập vào mạng lưới của các mạng di động. Để được cung cấp nội dung, họ bắt buộc phải được DoCoMo bật đèn xanh. Cách duy nhất để người dùng truy cập các nội dung bên ngoài là phải gõ địa chỉ URL chính xác (vốn rất dài dòng, khó nhớ và phức tạp). Tuy nhiên, chính phủ Nhật luôn thúc giục các mạng di động mở cửa nền tảng của mình tới với các ISP và CP mới.
Khi NTT DoCoMo mới triển khai cung cấp 3G hồi tháng 10/2001, những mẫu điện thoại cồng kềnh, đắt đỏ, pin yếu của hãng này đã khiến niềm tin nơi 3G của người dùng lung lay mãnh liệt. Nhưng rồi cuối cùng, 3G cũng đã cất cánh khi theo thời gian, các mạng di động bắt đầu tung ra những mẫu điện thoại rẻ hơn, mạnh mẽ hơn. Họ cũng giới thiệu những gói cước rẻ hơn, phủ sóng rộng hơn.
Tính tới cuối năm 2007, Nhật đã có tới 69 triệu người, chiếm 77,6% tổng số thuê bao di động/PHS cả nước. Thị trường 3G cũng đạt doanh thu 6403 tỷ yên, chiếm hơn 81,4% tổng giá trị thị trường di động (7.865 tỷ yên).
Kết luận
Có rất nhiều bài học có thể rút ra từ kinh nghiệm triển khai 3G tại Nhật Bản, nhất là về cấu trúc của thị trường. Sự sinh sôi nảy nở mạnh mẽ của các ứng dụng mang tính địa phương, mối quan hệ khăng khít giữa việc sản xuất điện thoại với phát triển dịch vụ chính là những thế mạnh không thể chối cãi. Quy trình cấp phép minh bạch, kết hợp với một chuẩn mở, thông dụng cũng không kém phần quan trọng.
Sự hiện diện của Vodafone tại thị trường Nhật cũng có ý nghĩa rất lớn. Vodafone đã mang cả một kho kinh nghiệm về roaming quốc tế và nền tảng mở tới cho xứ sở Phù tang. Tương tự, những kinh nghiệm độc đáo của Nhật về công nghệ Internet di động lẫn dịch vụ 3G cũng rất đáng để thế giới học tập.
Xuất phát từ nhu cầu dữ liệu di động cao nơi người dùng, các mạng di động Nhật bản đã rất nhạy bén tung ra những mẫu điện thoại đa năng, đa mục đích, có khả năng tận dụng sức mạnh của 3G. Tiêu biểu trong trường hợp này là những chiếc điện thoại tích hợp ăngten thu sóng truyền hình hay những chiếc điện thoại kiêm ví tiền, có khả năng thanh toán phi-tiếp-xúc.
Sự tăng trưởng chóng mặt của thị trường 3G Nhật Bản cho thấy thất bại của châu Âu chỉ là trường hợp cá biệt. Trên thực tế, chúng ta vẫn có thể triển khai thành công 3G và người dùng vẫn có cơ hội tận hưởng những điều kỳ diệu do công nghệ này mang lại. Vấn đề là ngay từ đầu, các mạng di động có xuất phát đúng hướng hay không. Quan trọng hơn, họ có luôn nghĩ đến người dùng, luôn lắng nghe nhu cầu người dùng trong suốt quá trình hay không.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa là các mạng di động cần tìm ra được những ứng dụng 3G "sát thủ" (killer application) để người dùng không thể sống thiếu 3G, giống như cái cách mà SMS đang làm khuynh đảo thế giới 2G hiện nay. Về phần mình, người dùng cũng cần mở lòng chào đón một thế giới mới, nơi đàm thoại không còn là công nghệ thống trị nữa.
-
Trọng Cầm