- Dù mới chỉ diễn ra 1 ngày, nhưng có thể khẳng định 3G là cụm từ được nhắc đến nhiều lần nhất bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt trong các nội dung trình bày và thảo luận tại Hội nghị Viễn thông Quốc tế Việt Nam 2009.
Rất khó tìm nổi một ghế trống trong buổi sáng khai mạc Hội nghị Viễn thông quốc tế Việt Nam 2009. Ảnh: B.M. |
Sáng 20/5/2009, Hội nghị Viễn thông Quốc tế Việt Nam 2009 với chủ đề "Xây dựng một tương lai di động băng rộng bền vững cho Việt Nam" đã được khai mạc với sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Cùng với việc 4 giấy phép triển khai mạng 3G được cấp cho các doanh nghiệp viễn thông mới đây, Hội nghị Viễn thông Quốc tế Việt Nam 2009 đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của các bộ ngành, các doanh nghiệp, nhà cung cấp thiết bị viễn thông, các tổ chức nghiên cứu, giới đầu tư trong và ngoài nước...
Viễn thông Việt Nam đang bùng nổ
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai khẳng định: "Chính phủ Việt Nam luôn giành ưu tiên cho phát triển viễn thông để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và tạo môi trường đầu tư thuận lợi." Ảnh: B.M.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai khẳng định "Chính phủ Việt Nam luôn dành ưu tiên cho phát triển viễn thông để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và tạo môi trường thuận lợi để trở thành điểm đầu tư kinh doanh hấp dẫn và tin cậy của các nhà đầu tư quốc tế."
Thứ trưởng Trần Đức Lai cũng dẫn chứng về sự phát triển mạnh mẽ của Viễn thông Việt Nam trong thời gian qua, giúp rút ngắn khoảng cách hàng chục năm so với các nước phát triển, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân. Năm 2008, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng viễn thông và Internet Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ, mở rộng vùng phục vụ không chỉ ở đô thị mà còn cả nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Những số liệu thống kê mới nhất về "dân số" viễn thông và Internet cũng được Thứ trưởng Lai công bố tại lễ khai mạc. Tính đến hết năm 2008, cả nước có trên 82,2 triệu thuê bao điện thoại, gồm 16,2 triệu thuê bao cố định và 66 triệu thuê bao di động, số lượng người sử dụng Internet đạt 20,6 triệu người. Mật độ điện thoại đạt 97,5 máy/100 dân, tăng gần 27 lần so với năm 2000. Trong năm 2008, các DN viễn thông đạt doanh thu 92.445 tỷ đồng, tăng gần 38% so với 2007, cao gần gấp đôi so với kế hoạch đề ra cho năm 2010 (55 ngàn tỷ đồng).
Tâm điểm 3G
Những số liệu mới nhất về thị phần của các mạng di động trong năm 2008 cũng được đại diện Vụ Viễn thông, bộ TT&TT công bố. Ảnh: B.M.
Các đại biểu tham dự Hội nghị lần này sẽ được cập nhật những thông tin mới nhất về sự phát triển mạnh mẽ của viễn thông Việt Nam trong bối cảnh công nghệ 3G đang được triển khai, mục tiêu phát triển viễn thông giai đoạn 2011-2020 và chính sách phát triển thị trường băng rộng và thông tin di động của Chính phủ Việt Nam.
Trong buổi sáng ngày hội thảo đầu tiên của hội nghị, các diễn giả từ các doanh nghiệp viễn thông trong và ngoài nước đã trình bày về hiện trạng và hướng triển khai dịch vụ 3G tại Việt Nam, cũng như những kinh nghiệm triển khai 3G tại các quốc gia khác như Pháp (tập đoàn Orange), Malaysia (hãng CELCOM), Indonesia (hãng viễn thông PT Telekomunikasi).
Buổi chiều, hội nghị chia làm 2 phần nội dung diễn ra đồng thời, "Xây dựng tương lai bền vững cho các mạng di động của Việt Nam" và "Các mô hình kinh doanh và công nghệ để đưa kết nối Internet rộng khắp tới Việt Nam".
Trong ngày 21/5, hội nghị sẽ thảo luận cả ngày về hiện trạng và dự báo về thị trường viễn thông của Việt Nam, chủ yếu xoay quanh công nghệ 3G như: Các kinh nghiệm thành công và thất bại của 3G tại châu Á; Hướng phát triển kinh doanh từ các dịch vụ 3G; Cơ hội và rủi ro của các dịch vụ giải trí trên di động; Tiềm năng tiếp thị/quảng cáo trên di động; Chìa khoá thành công trong kinh doanh 3G; Các chiến lược kinh doanh đa phương tiện trên di động; Các giải pháp thanh toán giúp tối đa lợi nhuận cho dịch vụ nội dung...
Bài thuyết trình được các đại biểu trông đợi nhất và đã tạo được ấn tượng nhiều nhất trong ngày hội thảo đầu tiên là "Góc nhìn của Viettel về 3G" của Phó tổng GĐ Viettel Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: B.M.
- B.M.