Tại thời điểm này, Microsoft đang chễm chệ thoải mái trên ngôi vương của thị trường hệ điều hành netbook, khai mà Windows kiểm soát tới hơn 90% số netbook bán được trong ba tháng 11, 12/2008 và tháng 1/2009.
Vậy còn chú chim cánh cụt Linux thì sao? Với chỉ vẻn vẹn 10% thị phần, hệ điều hành nguồn mở này giờ đây vẫn chỉ như một chú-hổ-không-nanh trong mắt Microsoft mà thôi. Mặc dù vậy, netbook Linux hoàn toàn có thể đe doạ thành công của Windows trong tương lai gần.
Nguồn: TechBlog
Thêm vào đó, Microsoft còn phải đối phó với 2 nguy cơ khác: ấy là Google có thể truyền bá hệ điều hành Android vào trong địa hạt netbook. Thứ hai, dòng chip điện áp thấp dựa trên thiết kế ARM cũng có thể di cư từ địa hạt smartphone sang netbook.
Nhưng theo các chuyên gia của hãng nghiên cứu NPD, Microsoft cũng chưa cần phải toát mồ hôi vội.
Cấu trúc phần cứng/phần mềm đứng đằng sau hơn 90% netbook đang bày bán trên thị trường chính là Windows XP Home Basic kết hợp với vi xử lý điện áp thấp, giá rẻ Atom của Intel. Có thể nói không ngoa là gần như tất cả các netbook xuất xưởng hiện nay đều sử dụng chip Intel Atom.
Và dù cho cả Microsoft lẫn Intel đều không thu được lợi nhuận khổng lồ từ một hạng mục giá bèo như netbook, song đương nhiên, họ cũng không dại gì mà từ bỏ loại thiết bị đang bán rất chạy này.
"Một con chip tí hon, kết hợp với một hệ điều hành cũ kỹ, ấy vậy mà họ vẫn kiếm được tiền", ông Roger Kay, Chủ tịch hãng Endpoint Technologies bình luận.
Thách thức từ ARM
Tuy nhiên, một công ty đang rất muốn thay đổi định chế đó là ARM Holdings. Đây là một hãng công nghệ của Anh chuyên thiết kế, nhượng quyền và bán vi xử lý smartphone.
Nhờ những ưu điểm tuyệt đối như tiết kiệm điện, tuổi thọ pin dài và giá rẻ, những con chip của (hoặc dựa trên thiết kế của ARM) đang được trang bị cho gần như tất cả các mẫu smartphone, và gần đây nhất là cả sách điện tử Kindle 2 của Amazon nữa.
Không có gì khó hiểu khi ARM đang nuôi tham vọng "dịch chuyển" thiết kế chip của mình sang địa hạt netbook. Hãng dự định lôi kéo những đối tác đang mua license (giấy phép nhượng quyền công nghệ) của mình như Qualcomm, NVIDIA, TI và thậm chí cả Apple nữa cùng tấn công netbook.
Phó Chủ tịch marketing Ian Drew từng tuyên bố rằng sẽ có netbook dựa trên chip ARM đáp xuống thị trường trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, ông này từ chối tiết lộ tên hãng máy tính sẽ "đảm nhận" trọng trách này.
"Microsoft đã bỏ lỡ một cơ hội tăng trưởng với việc chỉ gắn bó một cách độc quyền với thiết kế x86", ông Drew nhún vai. "Có lẽ chi phí để chuyển sang dùng chip ARM đã khiến họ chần chừ chăng?".
Chuyên gia Kay thì tin rằng, dù giá thành phẩm cuối cùng (tức là netbook) rẻ hơn là một lợi thế của ARM và Linux, song những "đồng tiền thông minh" sẽ về phe Windows/Atom. Nguyên do là vì lịch sử cũng như tầm ảnh hưởng tới thị trường của liên minh này.
Nhưng ông Kay cũng không dám chắc về tương lai của Windows 7 - hệ điều hành mới nhất của Microsoft - trên netbook. Hiển nhiên, Windows 7 sẽ kéo giá của netbook lên, dù cho đó chỉ là phiên bản Starter hay Home Premium. Starter thì có thể vừa tiền một chút, nhưng Home Premium khó lòng mà có giá bán tương đương với XP Home Basic, phiên bản đang phục vụ netbook được".
"Đây là cách tiếp cận sai lầm đối với một thị trường được chèo lái bởi yếu tố giá cả. Nhưng nó cũng chính là cơ hội cho Linux vươn lên", ông Kay phân tích thêm.
Phó Chủ tịch Drew của ARM nhấn mạnh rằng Microsoft sẽ phải đối mặt với một làn sóng các netbook giá cực rẻ, dựa trên nền tảng chip ARM và cài đặt hệ điều hành Linux. "Chúng tôi nghĩ giá thiết bị có thể giảm xuống chỉ còn 199 USD. Và nếu như netbook Android cất cánh, Microsoft sẽ là kẻ thua cuộc".
Trọng Cầm (Theo PCWorld)