– Quản lý thuê bao trả trước bằng cách yêu cầu người dùng khai báo thông tin cá nhân là công việc cần sự phối hợp đồng bộ của: người dùng, DN cung cấp dịch vụ và các loại văn bản, chế tài pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, kết quả sau 1 năm thực hiện vẫn lộ rõ những tồn tại căn bản: người dùng chưa có ý thức đăng ký thông tin, văn bản và chế tài chưa đủ, và chủ thể quan trọng nhất trong “sự nghiệp” quản thuê bao trả trước này là các DN cung cấp dịch vụ vẫn thờ ơ chưa muốn thực sự vào cuộc!
Sim trả trước là nguồn thu chính của các DN viễn thông. Quản chặt mặt hàng này đồng nghĩa với sức tiêu thụ giảm, doanh thu của DN giảm, và sự thờ ơ của DN trước những quy định quản lý là điều dễ hiểu. (Ảnh: VNN) |
Chạy theo lợi nhuận hay đùa với nhà nước?
Một năm thực thi, số lượng thuê bao trả trước chưa đăng ký thông tin của tất cả các DN còn khoảng 21 triệu thuê bao, trong đó, Viettel có 5,6 triệu thuê bao chưa đăng ký, MobieFone buông lỏng cho 10,3 triệu thuê bao, Vinaphone còn 3,2 triệu thuê bao, EVN Telecom còn 386 nghìn, và SPT còn 1,1 triệu thuê bao nằm ngoài kiểm soát. .
Theo báo cáo của các DN, 70% số thuê bao trả trước – khoảng 49 triệu - đã đăng ký thông tin, nhưng ước tính, một nửa số đó là thông tin sai, không thể “quản” được điều gì.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lê Nam Thắng cho rằng, mấu chốt nằm ở các DN và những điểm giao dịch của họ: “không phải làm cho quản lý nhà nước, trách nhiệm với xã hội, mà chỉ phục vụ cho lợi ích bản thân DN, chạy theo lợi nhuận…”
Để lấy thông tin của các thuê bao trả trước, một số DN khoán cho các chủ điểm giao dịch mức thưởng 12.000 đồng/số thuê bao. Để phục vụ thuận tiện cho các thượng đế đồng thời lấy được nhiều tiền thưởng từ DN, các chủ điểm giao dịch cứ “vô tư” kích hoạt hàng trăm sim thuê bao trả trước chỉ bằng một vài số CMND hoặc bằng những tên tuổi, số CMND “ma”, thông tin khống...
Khe hở của việc này là hệ thống phần mềm tiếp nhận thông tin đăng ký của các DN chưa đủ chuẩn để lọc những thông tin “ma” và một cơ sở dữ liệu về CMND “chưa biết đến bao giờ mới có” của Bộ Công an . Hậu quả không phải là không lường được từ trước khi DN khoán cho chủ điểm giao dịch mức hoa hồng 12.000 đồng cho mỗi sim kích hoạt được. Đó là: đẩy chuyện quản lý thuê bao trả trước vào con đường xấu hơn, và việc thực hiện này bỗng trở thành đùa cợt với những gì mà nhà nước đang chủ trương thực hiện.
Tuy nhiên, thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng thẳng thắn thừa nhận, góp phần cho những tồn tại nghiêm trọng trên là những văn bản quản lý chưa đầy đủ, chưa đồng bộ và không theo kịp sự phát triển. Ngoài ra, công tác thanh tra, xử phạt chưa mạnh mẽ. “Nếu quyết liệt hơn nữa, con số xử phạt không phải chỉ là 76 triệu”, thứ trưởng Thắng khẳng định.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: "Các DN viễn thông chưa thực sự vào cuộc quản lý thuê bao trả trước". (Ảnh: Trần Vỹ) |
Những thời hạn đếm ngược
Đối với tất cả các thuê bao di động trả trước, điều mà họ chắc chắn phải làm là đăng ký thông tin chính xác với DN cung cấp dịch vụ, có đối chiếu trực tiếp hoặc photo giấy CMND. Hạn cuối cùng đến ngày 31/12/2009, DN phải ngừng cung cấp dịch vụ với các thuê bao sử dụng dịch vụ trước ngày 1/1/2008 không đăng ký thông tin.
Bộ TT&TT cũng đang xem xét quy định, mỗi người sử dụng dịch vụ sẽ chỉ được đăng ký tối đa từ 3 – 5 SIM trả trước trên một mạng di động.
Đối với những thuê bao trả trước đã từng đăng ký thông tin sai lệch, thông tin “ma”, Bộ TT&TT yêu cầu các DN rà soát lại cơ sở dữ liệu và kiên quyết dừng cung cấp dịch vụ với những thuê bao này, trước ngày 15/4/2009.
31/12/2009 là thời hạn cuối cùng Bộ TT&TT đưa ra để hoàn thành và khép lại toàn bộ việc đăng ký thông tin đối với các thuê bao di động trả trước trên toàn quốc. Thứ trưởng Lê Nam Thắng đề nghị các đơn vị quản lý và các DN cùng dồn sức thực hiện quyết liệt mục tiêu này. Trong đó, Bộ TT&TT cần sửa đổi lại Quyết định 03/2007 để phù hợp với thực tế phát triển, Thanh tra Bộ và các Sở TT&TT địa phương tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, các DN phải cân bằng được lợi ích phát triển kinh doanh của mình với trách nhiệm của quản lý nhà nước.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, các DN không thể cũng đợi đến thời hạn 31/12/2009 mới áp chế tài, mà phải có thời hạn sớm hơn, lên kế hoạch cụ thể cho từng đầu số, từng loại thuê bao, tăng cường tuyên truyền với khách hàng và các điểm giao dịch của mình và nhất thiết nên áp thời gian đếm ngược cho những thời hạn của mình.
-
Huyền Chi