- Một ngày trước thời hạn nộp hồ sơ thi tuyển giấy phép 3G của Bộ TT-TT vào 18/2/2009, EVNTelecom và Hanoi Telecom (HT) đã đi đến thỏa thuận ký hợp đồng liên danh số 558/HĐLD để thi tuyển lấy giấy phép IMT 2000 băng tần 1900 MHz – 2200 MHz. Giới phân tích đánh giá đây là một bước đi sáng suốt và kịp thời để cả hai mạng di động này có thể triển khai dịch vụ 3G.
Hợp tác thay vì đối đầu
Hồ sơ thi tuyển giấy phép 3G của liên danh EVN Telecom và Hanoi Telecom nộp tại Bộ TT&TT sáng 18/02/2009. Ảnh: B.T.
Trả lời báo chí trước khi ký thỏa thuận liên danh, Giám đốc EVNTelecom Đinh Thế Phúc cũng xác nhận giấy phép 3G "có ý nghĩa cực kỳ quan trọng" đối với mạng di động này. Đó là bởi trong tình cảnh "trâu chậm uống nước đục" chỉ được triển khai dịch vụ trên băng tần 450 MHz như hiện tại, EVNTelecom khó lòng trụ nổi trong lĩnh vực di động vì thường xuyên bị can nhiễu với các hệ thống khác như sóng bộ đàm taxi và đã tốn khá nhiều chi phí để xử lý vấn đề này.
Trước đó, EVNTelecom và SPT cũng đã tiến hành thương thuyết để cùng liên danh thi tuyển 3G như dự đoán của giới phân tích vì cùng sử dụng công nghệ di động CDMA. Tuy nhiên đến giờ chót, thỏa thuận đã không thành và SPT đành tự nộp hồ sơ thi tuyển 3G riêng.
Theo nhận định của giới chuyên gia viễn thông trên các diễn đàn công nghệ, nếu EVNTelecom và HT đều cùng nộp hồ sơ thi tuyển riêng thì nhiều khả năng sẽ trở thành đối thủ "bất phân thắng bại" khi cạnh tranh giấy phép của nhau vì đều có tiềm lực đầu tư tốt. "Ẩn số" Gtel vẫn chưa triển khai hạ tầng dịch vụ 2G chính thức, còn SPT có tiềm lực đầu tư hạn chế hơn, nên khi bắt tay nhau, liên danh EVNTelecom-HT sẽ chiếm nhiều ưu thế so với 2 đối thủ này trong cuộc đua giành chiếc vé 3G còn lại.
Không chỉ là "dùng chung giấy phép"
Quan hệ liên danh giữa EVNTelecom và HT do đó có thể hiểu là nước cờ để hai bên cùng chia sẻ cơ hội triển khai được dịch vụ 3G. Nhưng mới đây, theo thông tin mới nhất từ phía EVNTelecom, hai nhà cung cấp dịch vụ viễn thông này còn mở rộng sang khả năng chia sẻ và tận dụng cơ sở hạ tầng mạng sẵn có của nhau để triển khai dịch vụ di động.
Theo thông cáo mới đây của EVNTelecom, việc hợp tác về cơ sở hạ tầng mạng và dịch vụ "sẽ giúp cả hai bên tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư, làm đa dạng thêm các loại hình dịch vụ giá trị gia tăng của mỗi mạng". Quan trọng hơn, với hạ tầng sẵn có của mỗi bên, thời gian chuẩn bị để cung cấp dịch vụ tới khách hàng sẽ được rút ngắn.
Cụ thể, EVNTelecom hiện có khoảng 3000 trạm thu phát sóng trên phạm vi cả nước. Còn HT hiện cũng đã có cơ sở hạ tầng gần 1.200 trạm thu phát sóng. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2009, HT sẽ cắm xong khoảng 5.000 trạm thu phát sóng BTS trên cả nước. Nếu đúng như vậy, liên danh EVNTelecom và HT sẽ sở hữu cơ sở hạ tầng với khoảng 8.000 BTS, ngấp nghé mức dưới so với số trạm BTS của nhóm 3 "đại gia" GSM VinaPhone, MobiFone và Viettel.
Như vậy, viễn cảnh dùng chung hạ tầng mạng 3G giữa EVNTelecom và HT có thể hình dung tương tự như trường hợp hiện tại của các thuê bao trả sau của VinaPhone và MobiFone được sử dụng chung hệ thống trạm phát sóng BTS của nhau (roaming liên mạng) để bù đắp cho nhau tại những nơi sóng yếu.
Việc EVNTelecom và HT liên danh thi tuyển 3G được xem là một yếu tố mang tính bất ngờ đối với thị trường, song lại là xu hướng hợp tác tất yếu và mang tính "cộng sinh" đối với cả hai nhà mạng này. Ngoài khả năng nâng cao cơ hội giành được giấy phép triển khai mạng 3G, việc triển khai dịch vụ 3G của cả 2 mạng cũng sẽ nhanh chóng hơn nhờ tận dụng cơ sở hạ tầng mạng sẵn có của nhau, giảm chi phí đầu tư.
Bên cạnh đó, đây cũng có thể là những tín hiệu đầu tiên của một thị trường viễn thông di động đã bắt đầu trưởng thành. Với sức ép cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, những đối thủ yếu hơn sẽ phải liên kết lại với nhau để tồn tại. Đó cũng chính là xu thế sáp nhập tất yếu khi nhu cầu của thị trường sắp bão hòa, và số lượng 7 nhà cung cấp dịch vụ di động như hiện nay là quá nhiều so với quy mô dân số xấp xỉ 100 triệu người của Việt Nam.
-
Huy Phong