Giám đốc điều hành Carol Bartz vừa công bố một kế hoạch cải tổ và sắp xếp lại gã khổng lồ web trên quy mô rộng, với mục tiêu "dỡ bỏ và thủ tiêu tất cả những gánh nặng" đang làm cản trở bước chân của Yahoo.
Nguồn: AP |
Ngay trước khi bà Carol Bartz cất tiếng, Giám đốc Tài chính Blake Jorgensen đã quyết định rời bỏ Yahoo, nối gót một loạt quan chức cấp cao khác.
Sự ra đi "đồng loạt" và liên tục này khiến cho phố Wall không thể không lo lắng về tương lai của Yahoo. Nhiều người thậm chí đã nghĩ về gã khổng lồ web như một con tàu đắm.
Chẳng ai còn hy vọng hay tin tưởng về kế hoạch tăng trưởng trở lại nơi Yahoo nữa, nhất là sau khi Giám đốc Điều hành Steve Ballmer của Microsoft một lần nữa tái xác nhận là "không còn hứng thú mua lại Yahoo". Tất cả những gì Ballmer nghĩ tới lúc này chỉ là hợp tác về tìm kiếm quảng cáo để thu hẹp khoảng cách với đại địch Google mà thôi.
Trung ương tập quyền
Trở lại với kế hoạch đơn giản hóa cơ cấu quản lý của Yahoo, bà Bartz cho biết nhiều bộ phận công nghệ và sản phẩm khác nhau sẽ được kết hợp thành một khối duy nhất, chịu sự lãnh đạo của Giám đốc Công nghệ Ari Balogh.
Yahoo cũng chỉ phân chia thế giới thành 2 khu vực riêng rẽ thay vì 4 như thông thường: Bắc Mỹ (do cựu Giám đốc Yahoo tại Mỹ Hilary Schneider dẫn dắt) và Quốc tế (Giám đốc phụ trách chưa được công bố).
"Ngày hôm nay, tôi chính thức công bố một cơ cấu tổ chức và lãnh đạo mới, mà tôi tin rằng sẽ giúp Yahoo đi nhanh hơn trên đôi chân của mình", bà Bartz viết trong thư gửi nhân viên.
"Chúng ta sẽ có thể đưa ra quyết định nhanh hơn. Những rào cản, những gánh nặng, những cồng kềnh đã bị gạt bỏ hết, và chúng ta chỉ còn tập trung phục vụ người dùng cho tốt mà thôi".
Kế hoạch cải tổ được xây dựng sau 6 tuần họp bàn giữa bà Bartz với lãnh đạo các bộ phận, chi nhánh của hãng. Khác với cơ cấu lãnh đạo mang tính "ma trận" trước đây của Yahoo, cách tổ chức mới sẽ quy tụ quyền lực và quyền kiểm soát về xung quanh bà Bartz.
"Nó gợi cho ta nghĩ về mô hình doanh nghiệp kinh điển nhiều hơn", chuyên gia Allen Weiner của hãng nghiên cứu Gartner bình luận. "Việc trung ương hóa quyền lực này sẽ giúp đưa các sáng kiến mới ra thị trường nhanh hơn. Các bộ phận cũng báo cáo tình hình lên cấp trên trực tiếp hơn".
Ông Weiner nhấn mạnh rằng bà Bartz là vị giám đốc điều hành đầu tiên của Yahoo xuất thân từ giới kinh doanh. Chính vì vậy, bà là người thích hợp nhất để triển khai một cơ cấu "tập quyền" như vậy.
Người tiền nhiệm của bà Bartz - Jerry Yang - bị nhiều cổ đông chỉ trích là bạc nhược, không quyết đoán, yếu đuối và rụt rè. 18 tháng tại vị của ông ta trên cương vị Giám đốc điều hành Yahoo không đóng góp được nhiều tiến bộ cho hãng. Thay vào đó, người ta sẽ chỉ nhớ về quãng thời gian này nhờ quyết định từ chối lời đề nghị mua lại trị giá 47,5 tỷ USD từ Microsoft mà thôi.
Đã có lúc cổ phiếu Yahoo đạt tới đỉnh cao 29,73 USD hồi tháng 5 năm ngoái. Nhưng giờ đây, nó đã tụt thê thảm xuống mức 11 USD, khi mà cả doanh thu lẫn lợi nhuận đều sụt giảm nghiêm trọng.
Mối bận tâm số một: Tìm kiếm
Chuyên gia chứng khoán Steve Weinstein bình luận rằng: bà Bartz đã chứng tỏ mình là người quyết đoán và không e sợ hành động, dù chỉ mới gánh vác Yahoo chưa lâu. Tuy nhiên, chỉ một kế hoạch cải tổ vẫn là chưa đủ để hồi sinh công việc kinh doanh già nua, yếu ớt của Yahoo.
"Cái chúng tôi thực sự muốn thấy là bà Carol sẽ theo đuổi hướng đi nào. Đó là bước đầu tiên", ông Weinstein giải thích. "Và bước thứ hai là bà sẽ điều hành tốt đến mức nào trên thực tế".
Câu hỏi lớn nhất trong đầu giới đầu tư lúc này là số phận của bộ phận tìm kiếm, vốn đang thua xa Google dù vẫn đứng ở vị trí Á quân. Từ lâu, giới thạo tin đã rộ lên tin đồn rằng bộ phận này có thể được đem bán cho Microsoft, hoặc là Yahoo có thể bắt tay với một đối thủ khác như AOL chẳng hạn.
Năm ngoái, khi từ chối Microsoft quyết liệt, Yahoo đã từng tìm cách liên minh với Goolge nhưng bất thành. Nguyên do là vì Google đã quay lưng bỏ đi sau khi sợ thương vụ sẽ vi phạm luật chống cạnh tranh của Mỹ.
Hôm qua, lần đầu tiên Yahoo công khai việc "không phản đối bán lại hoặc liên minh tìm kiếm với hãng khác". Thông báo từ Giám đốc Tài chính Jorgensen khiến nhiều nhà quan sát tin rằng Yahoo đang tiến gần tới một thương vụ mới với Microsoft.
Giá cổ phiếu Yahoo đã tăng tới 7,3% ngay sau đó, dù "vẫn còn quá sớm để thảo luận về các lựa chọn chiến lược của chúng ta lúc này", như lời thừa nhận của chính các quan chức của hãng trước nhân viên.
"Hiện tại, chưa có khả năng nào bị loại bỏ hoàn toàn cả, và tạo ra giá trị cho các cổ đông chính là mối ưu tiên hàng đầu của chúng ta".
Tìm kiếm giám đốc tài chính mới
Bà Bartz khẳng định kế hoạch cải tổ không chỉ xuất phát từ mong ước cắt giảm chi phí cho phù hợp với thời kỳ suy thoái, mà còn nhằm xem xét lại toàn bộ hoạt động của hãng từ trước tới nay.
Sau sự ra đi của ông Jorgensen, nhiệm vụ cấp bách của hãng lúc này là phải tìm được một vị giám đốc tài chính mới. Cho tới khi chưa tìm được người thay thế, ông Jorgensen sẽ vẫn ở lại Yahoo.
Cũng trong hồ sơ mà Yahoo đệ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ ngày hôm qua, bà Bartz cho biết ông Marco Boerries, Giám đốc bộ phận Connected Life đã xin nghỉ hưu vì lý do cá nhân. Connected Life chuyên nghiên cứu việc đưa các sản phẩm Yahoo đến với thiết bị di động.
Từ nay, các nỗ lực kinh doanh và quảng cáo trên di động sẽ do ông David Ko phụ trách. Bà Elisa Steele, cựu Giám đốc NetApp, sẽ trở thành Giám đốc marketing.
Tháng 10 năm ngoái, Yahoo đã công bố kế hoạch sa thải ít nhất là 10% nhân sự của mình trên toàn thế giới. Kết quả kinh doanh quý IV của hãng cũng ghi nhận mức lỗ lên tới 303 triệu USD, trong khi doanh thu giảm 1% xuống còn 1,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
"Ý định của chúng tôi là duy trì cơ cấu tổ chức này trong vòng 2-4 năm tới", bà Bartz tuyên bố.
Trọng Cầm (Theo AP)