- Ngày 11/2/2009, ông Paul Otellini, Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Intel tuyên bố sẽ dành 7 tỷ USD trong vòng 2 năm để xây dựng các nhà máy tại Mỹ, phục vụ chính cho việc triển khai công nghệ sản xuất 32 nanomet (nm).
Công nghệ 32nm hiện đang là công nghệ tiên tiến nhất của Intel vốn sẽ được sử dụng để phát triển những bộ vi xử lý nhanh hơn, nhỏ hơn và tiêu thụ ít điện năng hơn.
Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Intel, ông Paul Otelini trong lần đến thăm Việt Nam hồi tháng 6/2005. (Ảnh: HS)
Trong cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Intel cũng đã từng thông báo cắt giảm hàng nghìn lao động tại tất cả các cơ sở trên toàn thế giới. Mới đây, tập đoàn này đã công bố kế hoạch đóng cửa các nhà máy sản xuất lắp ráp tại Malaysia, Philippines và Mỹ khiến uớc tính khoảng 6.000 lao động mất việc.
Vì thế, quyết định đầu tư một khoản tiền không nhỏ - 7 tỷ USD vào các nhà máy tại Mỹ cho thấy một chiến lược mới của Intel. Ông Paul Otellini, Chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn này cho biết: "Chúng tôi đang đầu tư tại nước Mỹ để giúp Intel và đất nước này luôn đi đầu về những đột phá".
"Con bài" chiến lược dễ nhìn thấy của Intel là một chu trình công nghệ mới: 32nm.
"Những con chip 32nm được sản xuất ra từ các nhà máy này sẽ trở thành những nền tảng cơ bản của thế giới số, tạo ra những lợi ích kinh tế vượt ra ngoài phạm vi của ngành công nghiệp chúng ta”, ông Otelini tự tin.
Thông cáo báo chí của Intel cho biết, khoản đầu tư 7 tỷ USD sẽ được sử dụng tại các nhà máy sản xuất hiện nay ở Oregon, Arizona và New Mexico, đồng thời hỗ trợ xấp xỉ 7.000 việc làm kỹ thuật cao với mức lương hấp dẫn tại những nhà máy này, một phần trong tổng số hơn 45.000 lao động của Intel trên toàn nước Mỹ.
Trong khi hơn 75% doanh thu của Intel đến từ các thị trường nước ngoài, Intel vẫn duy trì khoảng 75% việc sản xuất các sản phẩm bán dẫn của mình tại Mỹ. Đồng thời, khoảng 75% các đầu tư nghiên cứu và phát triển cùng các khoản quỹ đầu tư của Intel được thực hiện tại Mỹ.
-
Huyền Chi