221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
1155633
Ký sự VINASAT-1: Kỳ I - Hành trình nửa vòng trái đất
1
Article
null
Ký sự VINASAT-1: Kỳ I - Hành trình nửa vòng trái đất
,

 

- Trong tiết xuân đầu năm mới Kỷ Sửu, tạm gác lại những công việc thường nhật, chúng tôi mới có dịp ngồi nhìn lại năm Mậu Tý vừa qua với những sự kiện đáng nhớ, và chắc chắn không thể thiếu sự kiện đánh dấu một kỷ nguyên mới của ngành CNTT-TT Việt Nam – phóng vệ tinh VINASAT-1 tại French Guiana, Nam Mỹ.

Nhận nhiệm vụ công tác cách nửa vòng trái đất để tường thuật phóng vệ tinh VINASAT-1 tại French Guiana, Nam Mỹ, tâm trạng của nhóm báo chí, truyền hình chúng tôi đều thực sự vinh dự, nhưng cũng không khỏi lo lắng để làm sao hoàn thành được những trọng trách to lớn mà Toà soạn giao phó trong sự kiện quan trọng của đất nước như thế này.

Hành trình bay qua Đại Tây Dương, từ Paris sang Cayenne, Nam Mỹ trên màn hình giới thiệu của hãng Air France. (Ảnh: B.M)

Trong những buổi họp tối vào đầu tháng 3/2008 cùng Ban dự án VINASAT-1 của VNPT và qua điện thoại quốc tế với các đại diện của nhà sản xuất vệ tinh Lockheed Martin ở Mỹ, hãng phóng vệ tinh Ariane Space của Pháp, chúng tôi có được những thông tin đầu tiên về điều kiện tác nghiệp của mình.

Có 2 địa điểm có thể tường thuật vào thời điểm phóng , đó là Trung tâm điều khiển Jupiter, cách bãi phóng VINASAT-1 khoảng 7km. Địa điểm thứ 2 là đài quan sát Toukan, cách bãi phóng 3km, nơi bạn có thể cảm nhận được sức ép không khí rất lớn khi tên lửa khai hoả. Chúng tôi được quyền đăng ký vị trí mình sẽ tác nghiệp vào thời điểm phóng tên lửa để Ariane Space bố trí.

Qua Google Earth và các trang web chơi ảnh do chính các nhân viên của Ariane Space tại French Guiana chụp và chia sẻ trên Internet, tôi biết được địa hình bãi phóng tên lửa có tầm quan sát rất rộng, không bị cản bởi rừng cây hay núi. Thời tiết ở Trung tâm vũ trụ Kourou thường xuyên quang đãng, ít mây mù, và đây cũng là yếu tố khiến Ariane Space chọn French Guiana làm Trung tâm vũ trụ của họ.

Diễn tập từ khi ở nhà

Theo mô tả kỹ thuật của Ariane Space, tên lửa Ariane 5 có chiều cao 51m tính cả chân đế bệ phóng, tương đương với một toà nhà 20 tầng. Thời điểm dự kiến phóng tên lửa là khoảng 7h tối theo giờ địa phương. Vấn đề của tôi là làm thế nào để có được những bức ảnh đẹp nhất về thời điểm tên lửa mang theo VINASAT-1 rời bệ phóng và bay lên bầu trời lúc vừa tối.

Hình ảnh nguyên mẫu tên lửa Ariane-5 tại Trung tâm vũ trụ châu Âu ở Kourou, French Guiana có thể tìm thấy dễ dàng qua mạng Internet với chiều cao 51m, tương đương một tòa nhà 20 tầng. (Ảnh: B.M)

Một khoá tự học cấp tốc về sử dụng máy ảnh chuyên nghiệp để chụp đêm ở khoảng cách xa được khiển khai ngay trên gác thượng khu nhà tôi. Dù đã sử dụng ống kính tele, nhưng khả năng bấm được những hình ảnh rõ nét của một toà nhà 20 tầng ở cách 7km lúc trời tối quả là không đơn giản, vì hình rất dễ bị nhoè do thiếu sáng. Không thể sử dụng đèn flash vì khoảng cách quá xa, kể cả 3km cũng không thể vươn đèn tới được.Cần phải có ống kính tele cực mạnh, máy ảnh chuyên nghiệp có khả năng bắt nét nhanh để không bỏ lỡ khoảnh khắc tên lửa bắt đầu rời bệ phóng.

Tuy nhiên, máy ảnh tốt nhất mà đồng nghiệp toà soạn VietNamNet có thể cho tôi mượn là chiếc Canon 350D, cùng một ống kính tele có thể chụp tốt ở khoảng cách trên…100m. Trong điều kiện thiết bị hạn chế, tôi đành tự trù tính về thời điểm tên lửa rời bệ phóng, vì khi đó, quầng lửa từ đuôi quả tên lửa sẽ tạo ra nguồn ánh sáng đủ để máy ảnh của tôi có thể bắt nét và bấm cò. Nhưng khoảnh khắc đó chỉ diễn ra trong một vài giây, trước khi tên lửa bay lên với tốc độ cực nhanh trên nền trời tối đen. Nếu máy ảnh của tôi không kịp lấy nét đúng vào thời điểm đó, thì khả năng tôi không có được một tấm ảnh phóng tên lửa nào là hoàn toàn có thể xảy ra.

Lên đường cùng quà đặc sản Việt Nam

Ngày 12/4/08, đoàn nhà báo đầu tiên trong nhóm tường thuật sự kiện phóng Vệ tinh VINASAT-1 đã lên đường bay sang French Guiana, Nam Mỹ, gồm tôi và 3 thành viên của VTV1 là biên tập viên thời sự Quang Minh, camera man Gia Hiếu và bác Việt, cán bộ kỹ thuật đấu nối tín hiệu truyền hình trực tiếp.

Trước ngày khởi hành, anh Nguyễn Hồng Thao, người trực tiếp thực hiện điều phối hoạt động của ban dự án VINASAT-1 và quản lý các chuyên gia trẻ đang nằm vùng tại Trung tâm vũ trụ Kourou ở Nam Mỹ nói nhỏ với tôi: “Các anh em trong đội VINASAT-1 bên đó xa nhà mấy tháng rồi, nhớ món rượu thịt chó ở nhà lắm. Nếu cậu mang được một ít sang đó thì anh em chắc quý hơn vàng đấy.”

Với mong muốn tặng một món quà nhỏ mang hương vị quê nhà, tôi chuẩn bị 3kg thịt chó chặt (đã hấp chín), kèm theo đầy đủ gia vị rau củ, bọc kín vào một hộp plastic đựng thực phẩm chuyên dụng theo lời dặn của anh Thao. Sân bay Charles de Gaulle và Orly của Pháp không khắt khe với hành lý gửi có thực phẩm đã chín, và nhiệt độ trong khoang hành lý trong suốt hành trình bay đều ở nhiệt độ rất lạnh, đảm bảo món đặc sản “Mộc Tồn” vẫn giữ nguyên chất lượng.

Từ sân bay Nội Bài ở Hà Nội, chuyến hành trình nửa vòng trái đất theo hướng Tây của chúng tôi bắt đầu. Sau 2 tiếng bay đến BangKok để transit, chúng tôi tiếp tục bay sang Pháp, chuyển sân bay từ Charles de Gaulle sang Orly rồi vượt Đại Tây Dương sang Nam Mỹ. Tổng cộng từ lúc cất cánh ở Nội Bài cho đến khi hạ cánh xuống sân bay Cayenne, thủ đô của French Guiana, chúng tôi đã phải trải qua chuyến đi dài tới 31 tiếng.

Sau chuyến đi dài gần một ngày rưỡi, việc đầu tiên tôi làm khi về tới khách sạn tại Cayenne là mở hành lý, kiểm tra chất lượng món quà “của một đồng, công một nén” của mình. Thật may mắn là tất cả "quà" vẫn ở trong tình trạng chất lượng rất tốt.

Bữa thịt chó Việt Nam tại Cayenne đầy ấn tượng giữa nhóm nhà báo tường thuật và các kỹ sư dự án VINASAT-1. (Ảnh: B.M.)

Rượu thịt chó trong mưa rào Nam Mỹ

Không thể tả hết sự phấn khích của nhóm anh em chuyên gia VINASAT-1 tại Guiana khi biết tin đoàn nhà báo từ Việt Nam sang có mang theo thịt chó. Đó là các chuyên gia kỹ thuật vệ tinh Kiều Nguyễn, Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Văn Vinh với tuổi đời đều còn rất trẻ. Họ đã bay sang Trung Tâm vũ trụ châu Âu ở Kourou trước chúng tôi hàng tháng trời để phối hợp giám sát quá trình vận chuyển, lắp ráp vệ tinh vào tên lửa. Riêng anh Kiều Nguyễn trước đó còn “nằm vùng” tại Mỹ 2 năm trời để giám sát kỹ thuật từ khi VINASAT-1 bắt đầu được chế tạo.

French Guiana có một món đặc sản là rượu Room trắng nặng trên 50 độ, uống kèm với mật mía tinh luyện và chanh tươi Nam Mỹ. Ngay sau thông tin có thịt chó chặt, một bữa nhậu dã chiến giữa cánh nhà báo và nhóm chuyên gia kỹ thuật được triển khai ngay lập tức. Nhóm chúng tôi lo sắp mâm và bày thịt chó, còn đội chuyên gia VINASAT-1 lo món rượu Room đặc sản Nam Mỹ.

Bữa nhậu giao lưu của 2 món đặc sản cách nhau nửa vòng trái đất cũng được ông trời hưởng ứng. Khi mọi người chuẩn bị vào tiệc nhậu, cũng là lúc một cơn mưa rào cực lớn mang đặc thù khí hậu rừng già Amazon đổ xuống tạo không khí se lạnh, khiến bữa rượu thịt chó giữa Cayenne trở thành một kỷ niệm rất đáng nhớ trong chuyến hành trình của chúng tôi.

(còn tiếp)

  • Bình Minh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,