Lợi nhuận quý IV của gã khổng lồ chip Intel đã "chúi thẳng" xuống đất với mức giảm lên tới 90%. Đây là hệ quả tất yếu của việc sức cầu trên thị trường PC đang bị "đông cứng".
Nằm trong dự đoán
Doanh thu của hãng cũng giảm tương ứng 23%, phù hợp với cảnh báo trước đây của chính Intel.
Nguồn: AP.
Và mặc dù lợi nhuận quý IV đã giảm "khủng khiếp", song nó vẫn đáp ứng được "kỳ vọng" của giới phân tích.
Chính vì thế, giá cổ phiếu Intel đã tăng 2,1% trong phiên giao dịch thỏa thuận.
Cụ thể, lãi ròng trong 3 tháng cuối năm của hãng chip số 1 thế giới đạt 234 triệu USD, tương đương 4 cent/cổ phiếu.
Để so sánh, cùng thời điểm này năm ngoái, Intel đã bỏ túi 2,3 tỷ USD, tương đương 38 cent/cổ phiếu.
Căn nguyên của sự sụt giảm này, hiển nhiên là do cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã buộc các doanh nghiệp phải thắt lưng buộc bụng, siết chặt ngân sách dành cho công nghệ.
Bên cạnh đó, xu hướng chuyển sang các vi xử lý giá rẻ, hiệu suất thấp để phục vụ cho netbook cũng khiến cho lợi nhuận của Intel bị ảnh hưởng.
Doanh thu quý IV của Intel đạt 8,2 tỷ USD, giảm 23% so với năm ngoái. Như vậy, trong cả năm 2008, hãng đã đạt tổng lợi nhuận 5,3 tỷ USD, thấp hơn 24% so với năm 2007.
Doanh thu giảm nhẹ hơn, chỉ 2%, để khóa sổ ở mức 37,6 tỷ USD.
Ảnh hưởng lẫn nhau
Có thể nói, tin xấu từ Intel như một bóng ma đè nặng lên tâm trạng các hãng sản xuất PC lúc này. Sức cầu thị trường đang yếu đi với tốc độ chóng mặt.
Nghiên cứu mới nhất của cả IDC lẫn Gartner đều cho thấy: ngay cả laptop cũng không còn đủ sức cứu vớt thị trường máy tính cá nhân nữa, chứ đừng nói đến desktop.
Hạng mục "netbook" mà các hãng đặt nhiều hy vọng cũng chưa thực sự hấp dẫn được người dùng.
Nhưng ngược lại, thị trường PC yếu cũng đồng nghĩa với một kết cục bi đát cho Intel. Bởi lẽ Intel chiếm tới 80% thị phần vi xử lý PC.
Mặc dù vậy, hãng vẫn tỏ ra lạc quan khi dự đoán doanh thu quý I/2009 có thể đạt khoảng 7 tỷ USD.
Dây thần kinh của một số nhà đầu tư có thể giãn ra đôi chút, vì những tháng đầu năm mới luôn là thời điểm kinh doanh ế ẩm. Con số 7 tỷ USD, vì vậy, đã là "đáng mừng" lắm rồi.
Giới phân tích thì tỏ ra kỳ vọng cao hơn ở Intel.
"Tôi không nghĩ đó là một con số tốt để khóa sổ. Nhưng nếu nó dùng để khởi đầu, đấy lại là một chuyện khác", chuyên gia Cody Acree của Stifel, Nicolaus & Co bình luận.
Bao giờ mới hửng sáng?
"Tất cả chúng ta đều biết sự tình sẽ xấu đi, và lợi nhuận sẽ tụt xuống. Nhưng Intel đã đặt ra một ngưỡng cản thấp nhất để níu giữ. Đó mới là điều quan trọng".
Giám đốc tài chính Stacy Smith của Intel có nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây, rằng "Rất khó để dự đoán chính xác đây đã là đáy chưa".
Song ông khẳng định danh mục sản phẩm đa dạng và toàn diện của hãng sẽ "tận dụng thời cơ tốt" ngay khi sức cầu tăng trở lại, dù chẳng ai biết rõ khi nào thì "trời mới lại hửng sáng".
Một lĩnh vực mà Intel đã làm rất tốt là kiểm soát chi phí sản xuất. Đây chính là một lợi thế lớn của hãng so với đối thủ tí hon AMD.
Việc Intel chuyển sang quy trình sản xuất 45 nanomet nhanh hơn AMD đã giúp giá thành sản xuất mỗi con chip trở nên rẻ hơn.
Sau khi thua lỗ tới hàng tỷ USD trong vòng 2 năm trở lại đây, AMD đã phải thay Giám đốc điều hành mới và bán đi một số nhà máy để tiết kiệm ngân sách.
AMD cũng cảnh báo giới đầu tư rằng doanh thu quý IV của hãng có thể sẽ thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 33%.
Trọng Cầm (Theo AP)