Ngành công nghiệp máy tính cá nhân đã kết thúc năm 2008 trong bóng tối u ám, với rất hiếm những điểm sáng.
Sự lựa chọn khôn ngoan
Các thị trường phương Tây bắt đầu bão hòa với laptop, các doanh nghiệp siết chặt ngân sách dành cho IT trong bối cảnh kinh tế suy thoái, còn niềm tin nơi người tiêu dùng thì tuột dốc. Có thể nói, chưa bao giờ tình cảnh lại khó khăn như lúc này.
Sự thành công của Asus EEE PC đã "châm ngòi" cho làn sóng netbook. Nguồn: Engadget
Sản phẩm duy nhất nhen nhóm hy vọng cho các hãng sản xuất PC hiện nay chính là Netbook.
Theo hãng nghiên cứu IDC, doanh số PC xuất xưởng trong năm 2009 sẽ chỉ tăng khoảng 3,8% so với năm nay mà thôi.
Chắc chắn, mức tăng trưởng doanh thu của các thương hiệu lớn sẽ khiến cho giới đầu tư thất vọng.
Khi nền kinh tế Mỹ đã chính thức bước vào giai đoạn suy thoái, việc nhà sản xuất tích cực chào hàng những mẫu Netbook nhỏ gọn, giá rẻ dường như là một sự lựa chọn hợp lý, tất yếu và khôn ngoan.
Asus chính là kẻ dẫn đầu đoàn đua khi vào cuối năm ngoái, hãng này giới thiệu cỗ Netbook tí hon EEE PC.
Sự hút hàng đột biến và hiệu ứng truyền thông mà EEE tạo được đã khiến cho các bậc đại gia phải nhanh chóng nhảy vào cuộc.
HP, hãng máy tính lớn nhất thế giới trình làng HP Mini-Note, một thiết bị hướng đến thị trường giáo dục, trong khi Acer tung ra Aspire One.
Các thương hiệu nhỏ hơn như MSI và Sylvania cũng nhanh chóng theo chân. Thậm chí cả các hãng điện tử vốn không có truyền thống sản xuất laptop như Samsung cũng đua đòi, bon chen.
Ý kiến trái ngược
Số hãng không mặn mà với Netbook chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Họ thường là những thương hiệu gắn bó với thị trường "cao cấp", luôn đề cao kiểu dáng, mốt và chất lượng.
Viên ngọc Aspire One của Acer. Nguồn: Gizmodo
Lấy thí dụ, Giám đốc điều hành Steve Jobs của Apple đã phủ nhận ý tưởng về một "NetBook" của riêng Apple hồi tháng 9 vừa qua.
Tương tự, Sony cũng bác bỏ thông tin hãng đang ấp ủ một mẫu Netbook giá rẻ.
Thậm chí Sony còn đi xa hơn khi tuyên bố Netbook là "cuộc đua... giật lùi", cả về giá cả lẫn chất lượng sản phẩm. Gã khổng lồ Nhật Bản cáo buộc Netbook đã kéo tụt giá thành của toàn bộ thị trường laptop nói chung.
Tất nhiên, nếu ai đó phải lên tiếng để phản đối Sony và Apple đầu tiên, hẳn đó phải là Acer hoặc Asus. Với cả hai hãng này, "mốt Netbook" chính là một cơ may ngàn năm có một.
Từ một thương hiệu nhỏ đến từ Đài Loan, chính nhờ dòng Netbook Eee PC mà Asus mới làm mưa làm gió trên thị trường máy tính toàn cầu suốt năm qua.
Trong khi đó, Acer cũng xác định chiến lược củng cố và tạo dựng thương hiệu thông qua máy tính xách tay mini.
Có thể nói, 2008 là một năm cực kỳ thành công của Acer tại châu Âu, nhờ việc giảm giá một cách quyết liệt và sáng kiến bán netbook Aspire One kèm theo dịch vụ băng thông rộng di động.
Chưa hết, Acer còn hoàn tất vụ mua lại Packard Bell - một thương hiệu máy tính rất nổi tại châu Âu.
Trước đó, Acer cũng đã nuốt chửng nhãn hiệu máy tính Gateway của Mỹ. Hệ quả là quy mô của Acer đã vượt qua đối thủ Lenovo đến từ Trung Quốc.
"Thu nhỏ" cả desktop
Hiện là hãng máy tính lớn thứ 4 thế giới, Lenovo cũng rất nỗ lực trong việc quảng bá thương hiệu và tăng cường sự hiện diện của mình tại các thị trường phát triển.
Ngay cả các đại gia như HP cũng nhảy vào cuộc chơi. Nguồn: AP
Một trong số nhiều biện pháp là giới thiệu một dòng notebook và desktop người dùng mới: IdeaPad và IdeaCentre.
Kết quả kinh doanh của Lenovo đã phản ánh rõ điều này, khi doanh thu quý III giảm tới 78% so với cùng kỳ năm trước.
Máy tính xách tay không phải là sản phẩm duy nhất được "thu nhỏ" trong năm nay. Các hãng máy tính tin rằng những cỗ máy tính để bàn gọn nhẹ cũng có thể hút khách hơn.
Do đó tại CES 2008, hãng Shuttle đã trình làng một thiết kế desktop có giá 199 USD, sử dụng hệ điều hành Linux.
Đến tháng 4, Dell cũng giới thiệu một dòng desktop "tí hon", tiết kiệm năng lượng dưới tên gọi Studio Hybrid.
Dell và HP
Studio Desktop là một trong số những xu hướng mà Dell đã lựa chọn đúng đắn, đúng thời điểm trong năm qua.
Dù vẫn đang trong giai đoạn phục hồi, song Dell chưa bao giờ tỏ ra nghèo nàn về khả năng trình làng sản phẩm mới.
Họ liên tục tung ra notebook có vỏ bọc bằng cao su chống nước, những thiết bị máy tính tablet, những dòng PC tất-cả-trong-một và thiết kế lại ngoại hình của những cỗ laptop "quy chuẩn".
Rồi thì Dell cũng tìm mọi cách để cắt giảm chi phí trong thời buổi kinh tế khó khăn. Mới đây, hãng đã đóng cửa nhà máy Austin và sẽ tiếp tục cắt giảm biên chế đúng theo kế hoạch.
Đến cuối năm, hãng tiếp tục cho nhân viên nghỉ lễ để giảm bớt gánh nặng tiền lương. Dell tạm ngừng tuyển dụng và hủy mọi hợp đồng nhân sự thời vụ.
Hoàn toàn tương phản, có vẻ như HP đang một mình một ngựa thong dong trên con đường tăng trưởng, bất chấp tình trạng lao đao của các đối thủ.
Hãng này vừa xuất xưởng series Netbook Mini 100 ngay trước mùa Noel 2008, đồng thời công bố kết quả kinh doanh rất đáng khích lệ.
Cụ thể, doanh số tiêu thụ trong quý III của HP đã tăng 19% so với năm ngoái, dù lợi nhuận có giảm đi tí chút.
Trọng Cầm (Theo CNET)