221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
1135947
Trực tuyến: Ứng dụng CNTT để phát triển Chính phủ điện tử
1
Article
null
Trực tuyến: Ứng dụng CNTT để phát triển Chính phủ điện tử
,

 - “Ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới phát triển Chính phủ điện tử” là chủ đề của cuộc trả lời trực tuyến thứ 9 của Bộ TT&TT, do Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng chủ trì, bắt đầu từ 8h30 ngày 9/12/2008.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng bắt đầu buổi trả lời trực tuyến lúc 8h30 sáng 09/12/2008.
Nhận thức được vai trò quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan nhà nước nhằm đổi mới phương thức quản lý, quy trình điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ nhân dân tốt hơn, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, hướng tới phát triển chính phủ điện tử.

Trong năm 2008, thực hiện Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương triển khai các hoạt động cụ thể. Bộ cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc việc ứng dụng CNTT tại các Bộ, ngành, địa phương.

Cùng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự hướng dẫn đôn đốc của các cơ quan quản lý chuyên ngành, trong thời gian qua, việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước đã bước đầu đạt được một số kết quả cụ thể; tiêu biểu như: Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ thực hiện các Hội nghị trên môi trường mạng làm giảm đáng kể chi phí hội họp với các địa phương, tăng cường sử dụng thư điện tử, ứng dụng CNTT trong việc quản lý văn bản, điều hành làm giảm văn bản giấy tờ, tăng tốc độ, hiệu quả xử lý công việc; hầu hết các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử để cung cấp thông tin và dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp (20/22 Bộ, 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có trang thông tin điện tử).

Mặc dù vậy, so với những yêu cầu đặt ra, việc ứng dụng CNTT trong nội bộ nhiều cơ quan nhà nước nói chung còn mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu là phục vụ công tác văn thư, quản lý tài chính, nhân sự; các dịch vụ công trực tuyến chủ yếu ở mức 1, mức 2 (mới chỉ cung cấp thông tin về quy trình thủ tục hành chính và các biểu mẫu điện tử...), CNTT chưa thực sự được lãnh đạo các cấp xác định là công cụ quan trọng trong chương trình cải cách hành chính, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần phải có quyết tâm, giải pháp quyết liệt hơn mới có thể thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước để đáp ứng nhu cầu đặt ra, hướng tới phát triển Chính phủ điện tử.

Trên tinh thần này, tiếp theo buổi trả lời trực tuyến về “Ứng dụng và Phát triển CNTT” ngày 29/02/2008, Bộ TT&TT tiếp tục cung cấp, chuyển tải, giải đáp, đặc biệt muốn tiếp nhận các thông tin, ý kiến từ phía người dân và xã hội về các vấn đề liên quan đến chủ đề "Ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới phát triển Chính phủ điện tử". Trong buổi giao lưu trực tuyến, những người tham gia sẽ trao đổi ý kiến về hiện trạng, cơ chế chính sách, định hướng, kế hoạch phát triển đối với: Hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước; các nội dung ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan nhà nước; các nội dung ứng dụng CNTT hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Buổi trả lời trực tuyến do Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng chủ trì, được thực hiện trên cổng thông tin điện tử của Bộ http://www.mic.gov.vn, đồng thời cũng được truyền trực tiếp trên các phương tiện truyền thông của Bộ như: Báo VietNamNet, báo VTC news, ICTnews... Buổi trả lời trực tuyến sẽ diễn ra từ 8h30 kéo dài đến 11h30 ngày 09/12/2008 trên website Bộ TT&TT.

Ngay từ bây giờ, mời quý vị độc giả đặt câu hỏi cho buổi trả lời trực tuyến tại địa chỉ: http://giaoluu.mic.gov.vn.

Sau đây là nội dung buổi trả lời trực tuyến:

 

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng:
 
Xin kính chào và cám ơn các Quý vị độc giả đã quan tâm đến công tác “Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới phát triển Chính phủ điện tử”, một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cho đến giờ phút này, chúng tôi đã nhận được gần 30 câu hỏi, ý kiến trao đổi, phân tích, và cả những đề xuất. Rất nhiều ý kiến chứa đầy sự trăn trở, tâm huyết, có những lời tâm sự và cả những băn khoăn, lo lắng. Tôi hy vọng rằng trong khoảng 3 giờ đồng hồ tới, các Quý vị sẽ cùng chúng tôi trao đổi được nhiều thông tin, chia sẻ được nhiều ý tưởng, đề xuất được những giải pháp hữu hiệu, giúp cho việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan quan nhà nước không ngừng được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước, thúc đẩy cải cách hành chính, cung cấp được nhiều tiện ích, nhiều dịch vụ công cho người dân và cho toàn xã hội, tiến tới có được một Chính phủ điện tử theo nghĩa đầy đủ của cụm từ này trong tương lai không xa.

Độc giả: Dương Văn Nhân - 25 Nguyễn Văn Thêm, P3, Tp Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng

Kính chào Thứ trưởng! Việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước đã bị chùng xuống sau sự thất bại của Đề án 112, cộng với việc suy giảm kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Hai nguyên nhân lớn này đã làm cho việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước trong giai đoạn hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các tỉnh chưa cân đối được ngân sách. Trong buổi giao lưu trực tuyến hôm nay, rất mong Thứ Trưởng giải đáp một số vấn đề hoặc chia sẽ thông tin, kinh nghiệm nhằm giúp cho Sở Thông tin và Truyền thông tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc: Thứ nhất: Việc triển khai ứng dụng CNTT đòi hỏi phải có một chi phí tối thiểu đảm bảo cho hệ thống hoạt động hiệu quả (mức sàn), tuy nhiên mức sàn này không dễ gì được Sở Tài chính chấp thuận và thông thường người nắm giữ tiền sẽ có quyền quyết định cao hơn. Điều này đã gây không ít khó khăn cho Sở Thông tin và Truyền thông trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình đồng thời gây đổ vỡ kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, dẫn đến việc không thể đạt được mục tiêu đặt ra theo tinh thần chung của Chính phủ. Xin Thứ Trưởng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cơ chế, chính sách, giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho Sở Thông tin và Truyền thông trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước? Thư hai: Việc tiếp nhận các kết quả của Đề án 112 đã được Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên việc tiếp nhận chỉ đã dừng lại ở việc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và các thiết bị phần cứng tương đối lạc hậu. Xin Thứ Trưởng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã có định hướng gì để giúp cho Sở Thông tin và Truyền thông tận dụng và khai thác hiệu quả các kết quả này, đặc biệt là các phần mềm dùng chung? Thư ba: Xin Thứ Trưởng cho biết kinh phí hỗ trợ cho các tỉnh khó khăn theo Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg, ngày 24/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước năm 2008 đã được các Bộ, Ngành Trung ương xử lý ra sao? Trân trọng kính chào Thứ Trưởng ! Chúc Thứ Trưởng dồi dào sức khoẻ để tiếp tục có những cống hiến quan trọng cho ngành CNTT của nước nhà.

Trả lời:

 

Tôi nhất trí với bạn, thất bại của Đề án 112 gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, gây tâm lý e ngại khi xem xét, giải quyết các việc liên quan đến các dự án ứng dụng CNTT.

a) Đối với khó khăn thứ nhất: Đúng là việc triển khai ứng dụng CNTT đòi hỏi phải có một chi phí tối thiểu đảm bảo cho hệ thống hoạt động hiệu quả. Trong các dự án ứng dụng CNTT, bên cạnh phần cứng (hữu hình), các sản phẩm phần mềm là vô hình, rất khó xác định giá trị, cùng với tâm lý e ngại nêu trên, làm cho tiến độ phê duyệt trở nên khó khăn.

Bộ TT&TT đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định ban hành Quy chế quản lý các dự án đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn phương pháp xác định giá trị phần mềm. Hy vọng rằng các văn bản này sẽ góp phần tháo gỡ một phần những vướng mắc đó.

Còn một lý do nữa là do Lãnh đạo tỉnh chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Trong năm 2008, Lãnh đạo Bộ TT&TT đã gặp gỡ Lãnh đạo nhiều địa phương để thuyết phục Lãnh đạo các địa phương này quan tâm đầu tư cho ứng dụng CNTT. Đến cuối năm 2008 Bộ sẽ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương báo cáo về kết quả triển khai QĐ 43 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở báo cáo chính thức của các tỉnh, Bộ sẽ báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cần thiết để đẩy mạnh ứng dụng CNTT ở các Bộ, ngành, địa phương.

b) Đối với khó khăn thứ hai: Tiếp nhận kết quả Đề án 112 là tiếp nhận trách nhiệm nặng nề và hết sức khó khăn. Ở Trung ương, từ cuối năm 2007, Bộ TT&TT đã tiếp nhận kết quả Đề án 112 Chính phủ. Bộ đã thành lập Ban Quản lý kết quả Đề án 112 nhằm giúp Bộ quản lý, tận dụng và khai thác hiệu quả các kết quả Đề án. Nhưng trong suốt năm 2008, Ban Quản lý kết quả Đề án 112 chủ yếu phục vụ cho công tác của cơ quan điều tra, kiểm toán. Các tài liệu, sản phẩm cũng không thể đưa ra sử dụng, khai thác được vì các hợp đồng đều chưa được thanh lý.

Trong công văn hướng dẫn gửi các địa phương, Bộ TT&TT đã đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở TT&TT căn cứ vào kết quả đề án 112 để đề xuất kế hoạch ứng dụng CNTT trong những năm tiếp theo nhằm khai thác tối đa các kết quả của Đề án 112.

c) Về kinh phí hỗ trợ cho các tỉnh khó khăn theo Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg, ngày 24/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ, tôi xin tóm lược quá trình xử lý việc cấp kinh phí hỗ trợ của Trung ương như sau:

- Thực hiện QĐ 43 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/5/2008, sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã có công văn số 1577/BTTTT-KHTC hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán kinh phí ứng dụng CNTT năm 2008. Với sự đôn đốc của Bộ TTTT, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các thủ tục để trình phê duyệt các dự án đầu tư và dự toán kinh phí ứng dụng CNTT năm 2008 thực hiện Quyết định 43.

- Ngày 15/7/2008, Bộ TTTT đã có công văn số 2268/BTTT-KHTC gửi Bộ Tài chính đề nghị cấp phát kinh phí đợt I cho các dự án đầu tư, dự toán kinh phí của các Bộ, tỉnh, thành phố có đủ thủ tục. Ngày 5/9/2008, Bộ TTTT đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 2837/TTr-BTTTT về việc giao bổ sung kinh phí ứng dụng CNTT năm 2008.

 - Sau khi nhận được Tờ trình trên, ngày 19/9/2008, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6211/VPCP-KTTH gửi xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và ngày 29/10/2008, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 7358/VPCP - KTTH gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ TTTT, thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Bộ TTTT xác định rõ danh mục các dự án đủ thủ tục có thể triển khai trong năm 2008 và Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn (nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2008 hoặc tạm ứng vốn kế hoạch năm 2009) để thực hiện các dự án trong năm 2008, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

- Thực hiện yêu cầu nêu trên và kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban CĐ quốc gia về CNTT tại Phiên họp BCĐ ngày 21/11/2008, Hai Bộ TT&TT và Tài chính đã rà soát và thống nhất danh mục dự án, nhiệm vụ CNTT và nguồn vốn ứng dụng CNTT năm 2008 đủ thủ tục. Ngày 5/12/2008, Bộ TT&TT đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị giao bổ sung dự toán năm 2008 cho các Bộ, tỉnh triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT nêu trong QĐ 43 của TTgCP đồng thời đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện các nhiệm vụ này sang năm 2009.

Hy vọng rằng, Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định giao bổ sung dự toán năm 2008 cho các Bộ, địa phương triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT theo QĐ 43 trong thời gian sớm nhất.

Độc giả: Nguyễn Đạt - sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái

Kính thưa Thứ trưởng! Thời gian vừa qua, sau Đề án 112, các cơ quan hành chính rất tin tưởng vào Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước theo Nghi định 64/2008/QĐ-NĐ-CP sẽ mở ra một hướng mới trong ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Nhà nước. Nhưng trong quá trình thực hiện, các đơn vị hành chính gặp thất vọng vì quá trình triển khai đặt ra như thế, nhưng thực sự triển khai rất chậm, từ TW đã chậm, quyết định của Thủ tướng nhưng đến nay địa phương đã ra quyết định triển khai nhưng chỉ trên giấy tờ còn thực tế không có vốn. Xin hỏi, như các đồng chí đã biết muốn ứng dụng CNTT có hiệu quả phải có quyết tâm từ lãnh đạo các đơn vị, nhưng văn bản từ cấp chính phủ đã ban hành mà không có hiệu lực thì làm sao thuyết phục được lãnh đạo các đơn vị. Các đơn vị hỏi Sở Thông tin và Truyền thông câu hỏi" Bộ Thông tin nói sẽ có đổi mới trong cách làm 112 vậy cách làm mới có hiệu quả không, qua thực tế này thì cho thấy chưa có gì đổi mới cả, Trung ương thì cứ nói còn làm chưa thấy đâu?" vậy sẽ trả lời các đơn vị như thế nào? rất mong các đồng chí cho ý kiến.

Trả lời:

Đây là năm đầu tiên Bộ TT&TT chỉ đạo triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước (theo QĐ 43 của TTgCP) nên không tránh khỏi những vướng mắc. Hơn nữa, QĐ 43 của TTgCP ban hành vào cuối tháng 3/2008 nên việc triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT năm 2008 không đồng bộ với kế hoạch ngân sách TW, cần có thời gian để các Bộ, tỉnh xây dựng dự án, dự toán và cần nhiều thời gian để Bộ TT&TT, Bộ KH-ĐT, Bộ TC thống nhất cách thức trình TTgCP quyết định giao bổ sung dự toán kinh phí. Việc giao dự toán kinh phí chậm là do phải thực hiện nhiều thủ tục, chứ không hề có chuyện thiếu quyết tâm từ các cơ quan Trung ương.

Hy vọng rằng với những kinh nghiệm tích lũy được trong năm 2008, trong năm 2009 Bộ TT&TT sẽ phối hợp nhịp nhàng hơn với Bộ KH-ĐT, Bộ TC trong việc chỉ đạo triển khai các dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT.

 

Độc giả: Quốc Trường - Hà Nội

Kính thưa thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, trong buổi giao lưu trực tuyến lần này xin có câu hỏi về Quyết địnhh 43/2008/QĐ-TTg về Phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008. Tôi thấy các Bộ, ngành, địa phương đều xây dựng dự án đầu tư theo quyết định này nhưng cho đến nay vẫn chưa rót vốn cho các dự án này. Vậy Thứ trưởng cho biết ông có nắm được tình hình cấp vốn cho các dự án dạng này không? Nếu cấp vốn vào thời điểm này thì liệu có hoàn thành dự án trong năm 2008 này không? Thủ tục hành chính trong đấu thầu cần thời gian mới đảm bảo an toàn và chính xác, theo ông nhận định thì sau khi cấp vốn bao lâu sau thì có thể hoàn thành hay lại giống như dự án 112 trước đây??? Là người phụ trách công nghệ thông tin của Bộ TT&TT ông có thấy việc cơ quan nhà nước cứ đưa ra các chính sách không thực tế với tình hình (chủ trương thì có nhưng không lấy đâu ra tiền để chi) là làm việc không hiệu quả và gây mất thời gian cho các đơn vị thực hiện hay không? Ngoài ra khi phê duyệt các dự án kiểu này các cơ quan quản lý nhà nước đã có chủ trương xây dựng thực sự chưa hay chỉ cấp vốn (không đủ quy mô của dự án), cấp vốn gọi là có, đầu tư dàn trải cho có vẻ quan tâm thôi. Ở các địa phương giờ đua nhau xây cổng điện tử (không biết để làm gì?) nội dung thì không có, chả có thông tin gì? Tại sao Nhà nước không đầu tư vào một chỗ cho nó ra đầu tư còn các chỗ khác không đủ năng lực thì thôi. Đối với các bộ ngành cũng vậy, đầu tư cổng thông tin của bộ cho nó ra cổng thông tin cứ đầu tư vài tỉ làm gì chỉ tổ lãng phí, rồi các đơn vị con cũng xây dựng cổng con con gọi là "ngõ", mỗi cái vài ba tỉ thế có phải là lãng phí không? Tôi có mấy câu vừa là tâm sự vừa là câu hỏi mong Thứ trưởng bớt chút thời gian trả lời. Xin cảm ơn Thứ trưởng và chúc ông luôn mạnh khỏe để gánh vác trọng trách không dễ dàng này.

Trả lời:

Về tình hình cấp kinh phí theo QĐ 43 của TTgCP, bạn có thể xem phần trả lời câu hỏi của bạn Dương Văn Nhân), kinh phí được cấp sẽ được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện trong năm 2009, vì thế các cơ quan không phải vội vàng trong việc giải ngân, dễ dẫn tới lãng phí.

Về việc thiết lập trang/cổng thông tin điện tử tại các Bộ, địa phương, mặc dù không phải tất cả đều đã hợp lý và hiệu quả, nhưng tôi thấy tình hình không bi quan đến mức đó. Nếu có thể, đề nghị bạn liên hệ (email:nmhong@mic.gov.vn) để chúng tôi bố trí cán bộ trao đổi trực tiếp giúp bạn thấy tin tưởng hơn vào quyết tâm triển khai ứng dụng CNTT của Chính phủ, để bạn hiểu và chia sẻ, tại sao chúng tôi lại chọn cách làm như vậy.

Độc giả: Hoàng Tưởng - Bình giang, Hải dương

Kính chào Thứ trưởng: - Xin Thứ trưởng cho biết thực hiện Chính phủ điện tử đến cấp nào và đã triển khai từ bao giờ hiện đang ở mức độ nào. Trong khi lãnh đạo ở các cấp trình độ tin học còn bất cập, thì áp dụng chính phủ điện tử thế nào, hiện nay nhiều xã không có kết nối thì giải quyết trong thời gian tới như thế nào? Cám ơn Thứ trưởng.

Trả lời:

Phát triển Chính phủ điện tử là quá trình lâu dài, liên tục và được bắt đầu từ khi cơ quan nhà nước ứng dụng CNTT để trao đổi thông tin, thực hiện việc chỉ đạo, điều hành trong nội bộ, để nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu lực quản lý, cung cấp thông tin, cải thiện giao dịch với người dân và doanh nghiệp.

Ở Việt nam đến nay ứng dụng CNTT mới chủ yếu triển khai ở cấp tỉnh với việc cung cấp dịch vụ công ở mức 1 (cung cấp thông tin - hiện diện), mức 2 (cung cấp bản khai, biểu mẫu – giao dịch), một số quận huyện đã bước đầu triển khai. Để triển khai Chính phủ điện tử cần có các chương trình nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các cấp. Để triển khai kết nối Internet đến xã, Bộ TT&TT đang triển khai nhiều chương trình, dự án cụ thể như Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến 2010, Dự án Internet cộng đồng, các dự án tài trợ quốc tế,...

Độc giả: Nguyễn Tấn Dương - 35 đường 2-9, Phường 1, tx Vĩnh Long

Kính thưa Thứ trưởng, theo Quyết định 43 của Thủ tướng, các tỉnh còn khó khăn sẽ được TW hỗ trợ 1,1 tỷ đồng trong năm 2008, chúng tôi đã làm thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt và gửi Bộ theo hướng dẫn, nhưng đến nay chưa có thông tin gì từ Bộ (chúng tôi đã có công văn gửi Bộ); Để không lãng phí trong đầu tư, xin Bộ hằng năm có thông báo trước cho tỉnh biết những nội dung nào tỉnh cần đầu tư, những nội dung nào TW sẽ triển khai nhằm đảm bảo chương trình phát triển chung của Quốc gia; Kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2009-2010 của TW còn vấn đề gì vướng mắc mà đế nay chưa được công bố; xin Bộ xem xét đầu tư cho Vĩnh Long 1 cơ sở đào tạo tin học chuẩn cấp Quốc gia đối với tỉnh còn khó khăn về ngân sách ở tỉnh Đống bằng sông Cửu Long.

Trả lời:

Về kinh phí ứng dụng CNTT theo QĐ 43, bạn có thể xem phần trả lời câu hỏi 1.c).

Về Kế hoạch 2009-2010 của TW, Bộ TT&TT đã nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ từ cuối tháng 7/2008 theo đúng yêu cầu về thời gian ghi trong QĐ 43. Thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT tại Phiên họp BCĐ ngày 21/11/2008, Bộ TT&TT đang rà soát, thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và sẽ trình lại Thủ tướng CP trong nửa đầu tháng 12/2008 để kịp phê duyệt trong năm 2008. Theo dự thảo Kế hoạch, các tỉnh khó khăn về ngân sách sẽ được TW hỗ trợ kinh phí trên cơ sở các dự án được duyệt phù hợp với mục tiêu, định hướng của Chính phủ.

Về đề nghị Bộ TT&TT xem xét đầu tư một cơ sở đào tạo tin học chuẩn cấp quốc gia  cho Vĩnh Long (tỉnh khó khăn về ngân sách ở Đồng bằng SCL) là rất chính đáng, nhưng tiếc rằng Bộ TT&TT không quản lý một nguồn kinh phí nào để có thể cấp cho các địa phương được. 

 

Độc giả: Hoang The Phuoc - 46, Duong 60, 60 Thao Dien , Q2

Nên lập diễn đàn cho Đề án 112, mổ xẻ nguyên nhân thất bại, đúc rút kinh nghiệm. Mong Thứ trưởng cho biết những gì Thứ trưởng cho là nguyên nhân khiến Đề án 112 thất bại, tôi sẽ chia sẻ ý kiến cá nhân của mình về việc liệu các dự án CNTT sắp tới có thể thành công hay không? CNTT là ngành mang nặng tính thực tiễn, kỹ thuật và công nghệ. Nhưng ai không từng đụng chạm thực tế, không thành công trong các dự án CNTT lớn, không nên giao quyền quản lý và đưa ra quyết định trong vấn đề này. Mỗi vấn đề liên quan đến dự án nên được xem xét, thảo luận trên diễn đàn, đảm bảo khả năng làm việc nhóm. Các văn bản, dữ liệu, luồng công việc (business flows) là vấn đề quyết định thành công, phải được xem xét cẩn thận từng dòng một. Luồng công việc (business flows) phải được thể hiện bằng sơ đồ và đưa vào thực tiễn áp dụng trước. Áp dụng thành công mới tính đến chuyện tin học hóa. Kính chào!

Trả lời:

Về phân tích nguyên nhân thất bại của Đề án 112, đã có nhiều báo cáo chính thức của các cơ quan có thẩm quyền nêu ra, ví dụ như:

- Các mục tiêu đặt ra cho Đề án 112 quá rộng, chưa cụ thể, khó triển khai. Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí một khoản tiền theo kiểu ”xin nhiều được ít” dẫn đến nhiều mục tiêu đề ra không đạt được.

- Các địa phương chủ yếu chờ rót kinh phí từ trung ương xuống nên thiếu tính chủ động và chưa quan tâm tới hiệu quả ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

- Ban điều hành Đề án 112 không đủ năng lực tổ chức triển khai các đề án lớn dẫn đến thất bại. Do cơ chế tài chính rót kinh phí, luôn luôn thiếu nên dẫn tới tính ỷ lại của bên dưới.

- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu. Một số cơ chế kinh tế, tài chính, đầu tư không phù hợp với đặc thù của CNTT.
Trong quá trình xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT và Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT đã tổ chức một số Hội nghị tham vấn với: các chuyên gia CNTT có tên tuổi, các hãng CNTT nổi tiếng thế giới và các cán bộ quản lý CNTT đương nhiệm. Rất cám ơn thiện chí của bạn về việc đóng góp ý kiến cho các dự án sắp tới. Một diễn đàn trên mạng còn chưa tổ chức được, nếu có thể mong bạn gửi cho tôi (e-mail:nmhong@mic.gov.vn) những sáng kiến cụ thể để triển khai tốt hơn công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe.

Độc giả: Nguyễn Thị Hồng Xong, 32 tuổi - tổ dân phố 2 thị trấn La Hà - Tư Nghĩa - Quãng Ngãi

Kính thưa Thứ trưởng! Xin cho tôi được hỏi một câu hỏi hơi lạc đề một chút nhưng cũng thuộc thẩm quyền của Bộ TT&TT. Vì việc này rất cần, xin Thứ trưởng thông cảm. Tôi là một trong những hộ kinh doanh Internet trên địa bàn Thị trấn La Hà, nhưng gần trường THPT khoảng 110m. Theo Nghị định 55 của Chính phủ năm 2001, Thông tư liên tịch 02 và 60 là kinh doanh game online phải cách trường học 200m trở lên. Thì tháng 11 năm 2007, Đài viễn thông tỉnh + Sở TT&TT+Phòng Văn hóa thông tin huyện đã đến kiểm tra và buộc chúng tôi di dời, tôi đã di dời đi cách trường 210m để kinh doanh. Nhưng đến ngày 28/08/2008, Nghị định 97 được ban hành thay thế Nghị định 55 không còn nói đến khoảng cách nữa và ngày 12/11 thì lại có Thông tư hướng dẫn nên tôi đã dọn về nhà lại kinh doanh. Xin thưa với Thứ trưởng là tôi đã gọi điện thoại và hỏi hết các điểm kinh doanh Internet gần trường ở các nơi khác và trong toàn tỉnh Quảng Ngãi không nơi nào di dời hết. Từ ngày tôi chuyển về nhà đến nay thì mấy ông Sở và huyện đi kiểm tra 2 lần, lần nào cũng buộc di dời và lập biên bản phạt . Thì tôi có nói là Nghị định 97 đã ban hành và có luôn Thông tư hướng thay thế Nghị định 55 rồi mà sao lại nói di dời mãi vậy mà đâu có nơi nào di dời đâu. Mấy ông đó nói đây là quyết định của UBND tỉnh ra năm 2006,xin thưa với Thứ trưởng là quyết định này dựa theo Nghị định 55, Thông tư 02,60. Mới sáng hôm qua ngày 05/12/2008, mấy ông đó lại quyết định trong vòng 07 ngày nữa là phải di dời đi, nếu không sẽ cắt đường truyền và đình chỉ hoạt động. Xin thưa với Thứ trưởng là hiện tại bây giờ mấy ông đó thi hành theo quyết định của UBND tỉnh có đúng hay không và hiện tại thì tôi có bị di dời đi lần nữa không?để cho tôi được yên tâm hoạt động kinh doanh như những hộ kinh doanh khác. Xin chân thành cảm ơn Thứ trưởng rất nhiều.!

Trả lời:

Khoảng cách giữa đại lý cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến và cổng trường học được qui định tại Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01/6/2006. Hiện nay Nghị định số 97 đã thay thế Nghị định 55, tuy nhiên chưa có văn bản nào thay thế Thông tư liên tịch này và chưa có qui định nào hủy bỏ Thông tư liên tịch này. Vì vậy, theo qui định của pháp luật hiện hành, những nội dung của Thông tư liên tịch này nếu không trái/mâu thuẫn với Nghị định 97 thì vẫn còn hiệu lực.  

Phạm vi điều chỉnh của Thông tư 60 là tất cả các đại lý Internet trên toàn quốc, do đó không chỉ đối với các hộ kinh doanh Internet tại địa bàn thị trấn La Hà – Tư Nghĩa - Quảng Ngãi mà tất cả các đại lý Internet trên toàn quốc đều phải tuân thủ quy định trên.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan để dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý trò chơi trực tuyến thay thế cho Thông tư 60. Trong quá trình xây dựng dự thảo Quyết định trên, Ban soạn thảo sẽ rà soát, xem xét lại các quy định trong Thông tư 60 để đưa ra những biện pháp quản lý trò chơi trực tuyến hiệu quả hơn. Trong khi chưa có văn bản thay thế, các đại lý Internet vẫn cần phải nghiêm chỉnh tuân thủ qui định của Thông tư 60.

Độc giả: Hồ Minh - Q.3, TP.HCM

Cho tôi hỏi Thứ trưởng 2 câu hỏi: 1. Tôi nhận thấy rằng, cái gọi là Chính phủ điện tử hiện nay chỉ là những dịch vụ mà các cơ quan công quyền muốn cho thứ gì thì người dân được hưởng thứ đó, còn không cho thì... thôi! Theo tôi được biết, đã gọi là mô hình chính phủ điện tử phải có cơ sở dữ liệu dùng chung nhưng được biết, khâu này vẫn chưa có ai làm. Cơ sở dữ liệu của đơn vị nào thì đơn vị đó dùng. Theo thứ trưởng, hiện nay mô hình Chính phủ điện tử của Việt Nam đang ở cấp độ nào? 2. Muốn xây dựng mô hình Chính phủ điện tử phải dựa trên quy trình cải cách hành chính hợp lý. Dù đã có nhiều cải tiến nhưng thủ tục hành chính hiện nay ở nhiều bộ phận còn quá rườm rà. Vậy liệu chính phủ điện tử có đúng là "chính phủ điện tử" hay không? Ngoài ra, ai cũng biết nếu áp dụng chính phủ điện tử, những dịch vụ công sẽ thúc đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn mối quan hệ giữa nhà nước và công dân nhưng nhiều cán bộ vẫn chưa muốn ứng dụng mà vẫn thích quan hệ "mặt đối mặt" để thể hiện quyền lực và có điều kiện tham nhũng, vòi vĩnh công dân. Thứ trưởng có thể chia sẻ nhận xét này. Xin cảm ơn thứ trưởng đã quan tâm đến 2 ý kiến này.

Trả lời:

1. Theo mô hình tiến hóa Chính phủ điện tử của một số tổ chức quốc tế có 4 cấp độ (hiện diện, tương tác, giao dịch, tích hợp) thì Việt nam đang chủ yếu ở mức độ 1, đang chuyển sang mức độ 2 và một vài địa phương đã cung cấp được dịch vụ công ở cấp độ 3.

2. Việc triển khai Chính phủ điện tử là nhằm góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính. Công cuộc này đòi hỏi cán bộ công chức chuyển dần thói quen làm việc dựa trên giấy tờ, gặp mặt trực tiếp sang phong cách làm việc chủ yếu dựa vào văn bản điện tử và giao dịch điện tử trên môi trường mạng. Việc chuyển đổi thói quen trong bất cứ lĩnh vực nào đều cần có thời gian, không thể thay đổi ngay trong ngày một, ngày hai được.

 

Độc giả: Ngoc Bich - 222 lu gia

Ứng dụng công nghệ 3G rất hay, mặt dù đầu tư tốn kém nhưng hiệu quả mang lại khá cao, tại sao chúng ta lại không đầu tư để triển khai sớm công nghệ này, trong khi nước ngoài họ đã có 3,5G thậm chí 4G, việc ứng dụng công nghệ thông thì chậm chạp dẫn đến ta thua kém bạn bè các nước rất nhiều, mặt dù tốn kém cho công nghệ, nhưng việc công nghệ cao mang lại cho cuộc sống rất nhiều hữu ích.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã quan tâm và đánh giá tốt về vai trò của công nghệ 3G đối với việc thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các ngành KTXH của đất nước. Hiện tại Bộ TT&TT đang cho các doanh nghiệp thi tuyển cấp phép 3G. Theo quy định của Hồ sơ mời thi tuyển thì các doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép có quyền lựa chọn công nghệ 3G hoặc 3,5G để triển khai.

Theo số liệu thống kê của hiệp hội GSA thì tính đến hết tháng 3 năm 2008 mới chỉ có 91/195 các nước triển khai 3G. Hầu hết trong số đó là những nước đã phát triển. Đúng là chúng ta triển khai có hơi chậm so với những nước đó, tuy nhiên hầu hết các nước có điều kiện KTXH tương đương nước ta (Thái Lan, Trung Quốc) cũng vẫn đang trong quá trình chuẩn bị. Đến thời điểm này chúng ta mới bắt đầu cấp phép 3G sẽ có nhiều điểm lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, bởi công nghệ 3G đã chín, đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật sẽ thấp hơn nhiều lần so với các năm trước đây; hơn nữa thiết bị đầu cuối rẻ và phong phú, kinh nghiệm triển khai và cung cấp dịch vụ 3G đã tương đối hoàn chỉnh. Đây cũng là những yếu tố có tính quyết định sự thành công của thị trường và của doanh nghiệp nước ta.

Độc giả: Mạnh Đạt - sóc sơn - hà nội

Xin hỏi thứ trưởng: Muốn phát triển chính phủ điện tử mạnh người đứng đầu các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực CNTT quản lý nhà nước có cần phải hiểu về CNTT hay không? tôi thấy ở các bộ ngành các anh lãnh đạo có vẻ không nắm CNTT nên có những chỉ đạo cũng chưa đúng lắm. Nhà nước có chủ trương ban hành chính sách thủ trưởng các đơn vị phải có hiểu biết sâu về CNTT hay không ít ra là trình độ từ cao đẳng trở lên? Xin cảm ơn thứ trưởng.

Trả lời:

Đúng là cán bộ lãnh đạo cần phải có những hiểu biết nhất định về CNTT, nhưng quan trọng nhất đối với lãnh đạo các cấp là nhận thức được tầm quan trọng của việc triển khai ứng dụng CNTT nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy theo tôi, Nhà nước cần có các chương trình giúp cho lãnh đạo các cấp nâng cao hiểu biết về CNTT và nhận thức về tầm quan trọng của ứng dụng CNTT. Việc đưa ra yêu cầu về bằng cấp, theo tôi, chưa chắc đã phù hợp với yêu cầu thực tế mà đôi khi còn phát sinh những vấn đề khác. Tôi biết một số Giám đốc Sở TT&TT không phải “dân” CNTT nhưng lại triển khai ứng dụng CNTT rất có hiệu quả ở địa phương mình.

Độc giả: Nguyen gia Tuan Anh - Tp HCM

Câu hỏi: (Nguyen Gia Tuan Anh-Tp HCM-anhngt2006@gmail.com): Mong Thứ trưởng chia sẻ một bảng kế hoạch, gồm các cột : thời gian bắt đầu, thời gian hoàn thành, người chịu trách nhiệm, tên công việc, nội dung chính của công việc. Công việc ở đây là "chính phủ điện tử". Xin cám ơn.

Trả lời:

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến 2010 chúng ta sẽ triển khai 02 kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN, tôi xin lỗi vì không có dưới dạng bảng. Kế hoạch năm 2008 đã được ban hành bởi Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/3/2008, bạn có thể tra cứu trên mạng được. Về Kế hoach ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010 đang được hoàn thiện và có thể sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt trong tháng 12/2008 với mục tiêu và định hướng ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN hướng tới Chính phủ điện tử đến năm 2010 và định hướng đến 2015 như sau:

1. Mục tiêu đến cuối năm 2010
1.1 Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước

- Bảo đảm trung bình 60% (năm 2009 là 30%) các thông tin chỉ đạo, điều hành  (Thông báo kết luận của Lãnh đạo tại các cuộc họp, hội nghị, một số văn bản do lãnh đạo ký gửi trả lời, hướng dẫn các cơ quan,…) của các cấp lãnh đạo từ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đưa lên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của các cấp.

- Tỷ lệ trung bình cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử cho công việc ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các thành phố trực thuộc Trung ương là 80% (năm 2009 là 70%), ở các tỉnh là 60% (năm 2009 là 50%), trong đó đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa (tới cấp huyện) là 30% (năm 2009 là 20%).

- Tỷ lệ số Văn phòng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các thành phố trực thuộc Trung ương triển khai sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng là 90% (năm 2009 là 80%), đối với Văn phòng Ủy ban nhân dân các tỉnh là 90% (năm 2009 là 70%) và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện là 50% (năm 2009 là 30%).

1.2 Phục vụ người dân và doanh nghiệp
a) Bảo đảm 100% các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cổng thông tin điện tử (hoặc trang thông tin điện tử) với đầy đủ thông tin theo quy định tại Điều 28 của Luật Công nghệ thông tin. 

b) Bảo đảm 80% (năm 2009 là 60%) số cổng thông tin điện tử (hoặc trang thông tin điện tử) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh và 100% số cổng thông tin điện tử của các thành phố trực thuộc Trung ương có cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 cho  người dân và doanh nghiệp.

c) Đẩy mạnh triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên cổng thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

1.3 Xây dựng nền tảng cho Chính phủ điện tử
Xây dựng các thành phần nền tảng cho Chính phủ điện tử, để hướng tới từng bước triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước đồng bộ, thống nhất, với một hạ tầng thông tin hiện đại, tốc độ cao và môi trường pháp lý phù hợp. Trong đó, tập trung vào việc phát triển hạ tầng truyền thông, cơ sở dữ liệu, kiến trúc và chuẩn, các mô hình điểm; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin; hoàn chỉnh môi trường pháp lý.

2. Định hướng đến năm 2015

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước nhằm từng bước chuyển thói quen làm việc của cán bộ, công chức dựa trên văn bản giấy sang phong cách làm việc dựa trên văn bản điện tử trên môi trường mạng và hệ thống thông tin trợ giúp. Xây dựng môi trường làm việc điện tử giữa các cơ quan nhà nước trên phạm vi toàn quốc;

- Ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương thức cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp. Phấn đấu đến 2015 cung cấp hầu hết các dịch vụ hành chính công cơ bản trực tuyến mức độ 3 hoặc 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp (người dân và doanh nghiệp có thể trao đổi thông tin, gửi, nhận hồ sơ qua mạng, thanh toán phí dịch vụ qua mạng, nhận kết quả dịch vụ mà không cần đến các cơ quan cung cấp dịch vụ).

- Ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới cách thức quản lý tài nguyên thông tin trong các cơ quan nhà nước. Phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia về con người, đất đai, tài chính, kinh tế, công nghiệp và thương mại tạo nền tảng triển khai Chính phủ điện tử. Từng bước tích hợp các hệ thống thông tin, tiếp tục xây dựng và mở rộng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành chung của cơ quan và phục vụ người dân.

Độc giả: Ngô Thế Vinh - P107 A2, KTX HV Báo chí - Tuyên truyền, 123 Nguyễn Phong Sắc,Hà Nộii

Ngô Thế Vinh-P107 A2, KTX HV Báo chí - Tuyên truyền, 123 Nguyễn Phong Sắc,Hà Nội-ntvim88@yahoo.com): Thưa Thứ trưởng, việc chúng ta đầu tư xây dựng các trang thông tin điện tử (TTĐT) của địa phương là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với môi trường và xu hướng thời đại. Tuy nhiên cháu thấy dường như các cổng TTĐT đó như chỉ xây dựng lên mà không có mấy tác dụng, rất ít cổng thông tin nào làm được chức năng là cập nhật thông tin, tình hình chính trị - kinh tế - xã hội của địa phương chứ chưa nói đến việc tham gia vào cung cấp các dịch vụ công. Cháu thấy nhân lực CNTT của nước ta không thiếu và kinh phí để thực hiện một cổng thông tin điện tử cũng không phải là cao so với ngân sách các địa phương. Cháu xin hỏi theo Thứ trưởng đâu là nguyên nhân của vấn đề nội dung nghèo nàn và thiếu cập nhật của các cổng TTĐT, Bộ Thông tin – Truyền thông có các chế tài, công cụ cũng như đội ngũ nào để kiểm tra đôn đốc hoạt động của các cổng thông tin điện tử địa phương? Xin chân thành cảm ơn Thứ trưởng!

Trả lời:

 

Đúng là có nhiều trang tin điện tử còn chưa cung cấp đầy đủ thông tin đúng theo quy định tại Luật Công nghệ thông tin, thông tin nghèo nàn, cập nhật không thường xuyên. Theo tôi, nguyên nhân cơ bản nhất là nhận thức của lãnh đạo địa phương. Lãnh đạo địa phương nào quan tâm đến ứng dụng CNTT nói chung và phát triển TTĐT nói riêng thì thông tin phong phú và cung cấp được nhiều dịch vụ công trực tuyến.

Về chế tài thì đã có trong Nghị định 63/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CNTT đã có quy định cụ thể, ví dụ, khoản 3 điều 7.

Về việc kiểm tra đôn đốc, Bộ TT&TT đang làm rất quyết liệt. Đầu tháng 7 năm 2008, Bộ TT&TT đã công bố kết quả đánh giá website của các Bộ, tỉnh và dự kiến trong tháng 12/2008 sẽ công bố xếp hạng website của các Bộ, tỉnh. Ngoài ra Bộ TT&TT đã có công văn đôn đốc các tỉnh chưa có website chính thức nhanh chóng đưa website vào hoạt động.

Độc giả: Võ Hữu Nghị - 124/45-đường 3/2-hưng lợi-ninh kiều - cần thơ

Cho cháu hỏi: Chính phủ phát triển quản lý nhà nước bằng CNTT. Liệu an toàn bí mật quốc có được giữ vửng không?. Sau này các thế hệ sinh viên ra trường có cơ hội việc làm không?

Trả lời:

Đảm bảo an toàn, bí mật thông tin luôn luôn là một nhiệm vụ rất quan trọng của các hệ thống thông tin. Đặc biệt để áp dụng quản lý Nhà nước bằng CNTT, nói cách khác để xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) thì yêu cầu giữ vững an toàn bí mật thông tin là điều kiện tiên quyết. Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 về Bảo vệ bí mật Nhà nước do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2000 phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Có thể nói bảo vệ an toàn, an ninh thông tin cho CPĐT là một trong các vấn đề rất được chú trọng ngay trong quá trình xây dựng và triển khai CPĐT ở VN. Để có một CPĐT an toàn, chúng ta không chỉ chú trọng trong thiết kế và đầu tư các hệ thống bảo vệ mà còn phải hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo an toàn thông tin, ban hành và thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật và quản lý an toàn thông tin, triển khai chương trình nâng cao nhận thức và đào tạo theo chuẩn mực về an toàn thông tin, xây dựng lực lượng quản lý và kỹ thuật chuyên trách, hình thành tổ chức và cơ chế phối hợp trong nước và hợp tác quốc tế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Tóm lại, song song với việc áp dụng CNTT vào quản lý Nhà nước, chúng ta phải xây dựng các thiết chế đảm bảo an toàn thông tin cho quốc gia và áp dụng các giải pháp thích hợp trong từng điều kiện cụ thể. Không thể ứng dụng CNTT mà không giữ vững an toàn bí mật quốc gia. Liên quan đến câu hỏi về cơ hội việc làm của sinh viên ra trường, tôi cho rằng ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước sẽ đòi hỏi nhiều nhân lực chất lượng cao hơn, giảm nhu cầu với nhân sự thủ công chất lượng thấp, do đó sẽ tạo thêm việc làm cho sinh viên ra trường, đặc biệt các sinh viên có trình độ sử dụng CNTT.

Độc giả: Phạm Văn Hiện - phường Khương Mai, Thanh Xuân, HN

Câu hỏi: (-khuongmaihn@gmail.com): Ứng dụng CNTT là vấn đề mà lâu nay các cấp, các ngành đều hô hào và hưởng ứng, song hiệu quả lại chưa cao. Thể hiện ở chỗ chúng ta chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung cho các cấp, các ngành, chưa xây dựng được các chương trình ứng dụng có hiệu quả để phục vụ cho công việc hàng ngày, và ở đâu đó có những đồng chí (kể cả lãnh đạo) chưa thực sự quan tâm đến việc này. Thực trạng ứng dụng CNTT của ta hiện nay chưa bắt buộc để mỗi cán bộ, công chức gắn với công việc của mình (tức là mọi người giải quyết công việc, toạ đàm, trao đổi, báo cáo, ... chưa có những chương trình phục vụ cụ thể, nhất là trong cơ quan hành chính nhà nước); chưa kể đến việc bồi dưỡng, đào tạo (chuẩn) đội ngũ cán bộ công chức biết sử dụng CNTT trong lĩnh vực của mình. Tôi nghĩ, đây là thách thức lớn, đòi hỏi mọi cấp, mọi ngành và mọi người đều phải vào cuộc, và coi đây là một tiêu chí bắt buộc để thực hiện. Vậy theo Thứ trưởng trong thời gian tới chúng ta có làm tốt không, bắt đầu từ đâu, và lộ trình ra sao? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Thực trạng ứng dụng CNTT còn nhiều vấn đề tồn tại. Chắc chắn trong thời gian tới chúng ta phải khắc phục được những điểm còn tồn tại đó. Chúng ta cố gắng làm tốt, và để làm tốt “đòi hỏi mọi cấp, mọi ngành và mọi người đều phải vào cuộc”, rất mong bạn sẽ “vào cuộc” cùng chúng tôi.

Hiện nay Bộ TT&TT đang tổ chức triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008 và trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2009-2010. Sau hai Kế hoạch này, theo quy định của Luật CNTT, Nghị định 64 chúng ta sẽ xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015.

Độc giả: Nguyễn Vương Anh - 19 Đông Quan Cầu Giấy Hà Nội

Câu hỏi: (Nguyễn Vương Anh-19 Đông Quan Cầu Giấy Hà Nội-vuonganh172003@gmail.com): Bản thân là một người ở lĩnh vực công nghệ, tôi rất mong muốn chúng ta tận dụng được sức bẩy của công nghệ để đưa Việt Nam lên tầm cao mới. Có kiến thức về các công nghệ trong quản lý, nhiều giải pháp đã áp dụng nhiều tổ chức lớn trên thế giới. Nhưng hiện tại tôi vẫn mù mờ về mô hình chính phủ điện tử VN đang hướng tới. Vì vậy với mong muốn giúp các bộ ban ngành nhà nước áp dụng công nghệ trong việc quản lý, xử lý công việc của từng nơi mình muốn hỏi một vài thắc mắc như sau: 1. Khung của bộ máy chính phủ điện tử ra sao. Các bộ, ban ngành của từng tỉnh muốn triển khai cần đạt các yêu cầu gì. 2. Có được áp dụng các giải pháp mở cho việc quản lý không. 3. Chính phủ điện tử ra đời sẽ giải quyết được những yếu tố trọng tâm gì so với tình trạng hiện nay. 4. Muốn giúp các tổ chức bộ ban ngành hình thành thói quen làm việc trên dữ liệu điện tử và tư vấn các giải pháp trong quản lý bộ máy của từng tỉnh thì liên hệ với ai. Thiết nghĩ những câu hỏi trên giúp tôi hiểu hơn về tầm nhìn cũng như định hướng của mô hình chính phủ điện tử thực hiện ở nước ta. Với kiến thức của mình tôi tin có thể giảm nhẹ gánh nặng trong công việc qua quy trình quản lý, công việc tự động đã triển khai nhiều tổ chức lớn trên thế giới. Giúp công việc trôi chảy thông thoáng hơn. Gần dân hơn. Xin chân thành cám ơn.

Trả lời:

Những vấn đề bạn nêu ra là những vấn đề lớn khó có thể nói hết trong một câu trả lời. Tôi đề nghị bạn liên hệ với tôi (e-mail: nmhong@mic.gov.vn) hoặc anh Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT (e-mail: ntphuc@mic.gov.vn) để bố trí cán bộ có thẩm quyền, am hiểu công nghệ gặp và trao đổi kỹ với bạn. Hy vọng rằng với năng lực và tâm huyết của bạn, bạn sẽ góp một phần công sức vào công cuộc Ứng dụng CNTT hướng tới phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Trân trọng!

Độc giả: Chu Văn Nhân - 162-Nguyễn Văn Cừ, Long Biên , Hà Nội.

Khi nói đến Chính phủ điện tử, dưới giác độ thông tin có hai vấn đề căn bản và bức xúc phải giải quyết đó là: sự liên kết trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau và trao đổi thông tin của cơ quan nhà nước với xã hội. Hiện nay có tình trạng cơ quan nhà nước mạnh ai nấy lo, “xa lộ thông tin" thường xuyên tắc nghẽn, kinh phí ngân sách chi tiêu xây dựng hạ tầng cơ sở cho mỗi ngành, mỗi đơn vị hết sức tốn kém. Bộ TT-&TT có giải pháp gì giúp Chính phủ và nhân dân tháo gỡ khó khăn trên?

Trả lời:

Đúng là trong bức tranh CNTT Việt nam còn nhiều hình ảnh có gam màu tối, nhưng cũng có những hình ảnh tươi sáng trong bức tranh này. Thực tế đã có các mô hình ứng dụng CNTT hướng tới Chính phủ điện tử gặt hái được những thành quả bước đầu như TP. Hồ Chí Minh, Lào Cai, Quận Tây Hồ - Hà Nội, Quận Ngô Quyền - Hải Phòng. Với chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ TT&TT đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp (xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, hướng dẫn triển khai, kiểm tra, đôn đốc, giám sát….) để bức tranh CNTT Việt nam ngày càng sáng hơn.

Độc giả: ma tri thong - vinh long

Bộ nghĩ gì khi có một vấn đề quản lý cơ bản: quản lý chính phủ điện tử và thay đổi toàn diện từ sự thay đổi quản lý của số CMND 1. quản lý số CMND: không cần quản lý hộ khẩu , không cần mã số thuế TNCN, không cần quản lý giấy phép lái xe, ..... 2. quản lý số CMND: cho biết công dân đó đang làm gì, ở đâu, lương bao nhiêu.... 3.quản lý số CMND: quản lý được thương mại điện tử. ai mua cái gì, ai bán cái gì.... 4. vấn đề là luật liên quan đến chuyện quản lý số CMND và cái nền công nghệ thông tin đến từng phường xã và sự kết nối hệ thống giữa chính phủ , ngân hàng, thuế và công an.......và khi đó chuyện chống tham nhũng, trốn thuế, gian lận thương mại điện tử sẽ dể dàng hơn. Nếu có yêu cầu tôi sẽ diễn giải từng chi tiết trong quá trình thay đổ quản lý từ số CMND. Thân

Trả lời:

Tôi rất đồng tình với ý kiến của bạn. Rất mong bạn sớm gửi cho tôi (e-mail: nmhong@mic.gov.vn) và anh Nguyễn Thành Phúc Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT (e-mail: ntphuc@mic.gov.vn) đề xuất của bạn. Chúng tôi sẽ tổ chức nghiên cứu nghiêm túc và trao đổi lại với bạn quan điểm của chúng tôi sau khi nhận được đề xuất của bạn.

Độc giả: Lâm Lê - Quảng Ngãi

Tôi có ba câu hỏi xin thứ trưởng giải đáp: Theo thứ trưởng, (1) một cách ngắn gọn, chính phủ điện tử là gì? (2) Ngoài chủ trương và chính sách khuyến khích việc triển khai chính phủ điện tử, chúng ta đang thiếu những gì để có được chính phủ điện tử thật sự? (3) Bộ TT&TT sẽ có kế hoạch như thế nào (làm gì và thời gian) để lấp những chỗ thiếu này nhằm hướng đến một chính phủ điện tử? Xin chân thành cám ơn thứ trưởng.

Trả lời:

1. Một cách ngắn gọn nhất, Chính phủ điện tử là Chính phủ ứng dụng CNTT để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, minh bạch hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn và phát huy vai trò làm chủ của người dân mạnh mẽ hơn.

2. Theo tôi chúng ta cần tích cực triển khai những nội dung sau để phát triển Chính phủ điện tử:
  - Nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp về tầm quan trọng của Chính phủ điện tử
 - Hoàn thiện môi trường pháp lý
 - Phát triển nguồn nhân lực phụ vụ phát triển Chính phủ điện tử, đặc biệt là đội ngũ giám đốc CNTT, cán bộ chuyên trách về CNTT
 - Phát triển cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ Chính phủ điện tử
 - Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và hình thành văn hóa chia sẻ thông tin trong các CQNN

3. Bộ TT&TT đang tổ chức triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008 và trình Thủ tướng CP ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2009-2010. Sau hai Kế hoạch này, theo quy định của Luật CNTT chúng ta sẽ xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015.

 

Độc giả: lengo dang quang - lac xuan tinh lam dong huyen don duong

Việc phát triển và các dịch vụ di động có ảnh hưởng như thế nào về kinh tế (tiêu cực, tích cực), xã hội và đời sống.

Trả lời:

Viễn thông là một trong các cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia và là 1 trong các ngành kinh tế xã hội quan trọng của đất nước. Vì vậy, về tổng thể, dịch vụ viễn thông nói chung và dịch vụ Internet, di động nói riêng phát triển là một yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển các ngành khoa học, văn hóa, xã hội  và trực tiếp góp phần tăng trưởng kinh tế cho quốc gia, làm thay đổi tích cực đến đời sống tinh thần, văn hóa của xã hội. Tuy nhiên, Internet và dịch vụ di động cũng có thể bị lợi dụng như những phương tiện truyền thông khác để phát tán, tuyên truyền những thông tin không có lợi đối với sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội. Nhìn chung đối với dịch vụ Internet và di động, việc đăng ký, sử dụng dịch vụ rất đơn giản, đặc biệt đối với SIM di động trả trước. Điều này dẫn đến một số khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc đối phó với những thông tin độc hại và bất hợp pháp lan truyền trên mạng thông tin di động. Chính vì vậy, Bộ thông tin và truyền thông đã và đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan và các doanh nghiệp cung cấp Internet, di động để có những biện pháp quản lý phù hợp hơn, nhằm phát huy những mặt tích cực và giảm thiểu những tiêu cực do dịch vụ này mang lại cho xã hội.

Độc giả: Trần Anh Dũng - Lâm Đồng

Xin chào Thứ trưởng. Tôi thấy Bộ TT&TT rất quan tâm đến việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, điều này thể hiện rõ nhất thông qua việc Bộ đã chủ trì nhiều cuộc giao lưu trả lời trực tuyến về chủ đề này. Tuy nhiên tôi thấy tiến độ triển khai thì quá ư là chậm chạp. Năm 2008 sắp trôi qua mà nhiều địa phương kế hoạch CNTT 2008 cũng đang chỉ trên giấy, việc thực hiện Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ ở nhiều địa phương cũng chưa động tỉnh gì, có chăng là những báo cáo không trung thực, đối phó của các Sở TTTT gửi cho Bộ, tất cả chỉ là thụ động chờ tiền hỗ trợ của Chính phủ theo phân bổ trong QĐ 43 mỗi tỉnh 1,1 tỷ đồng. Việc này Thứ trưởng có biết không? Bộ sẽ xử lý việc này như thế nào? Xin cám ơn Thứ trưởng đã quan tâm.

Trả lời:

Qua các chuyến công tác của Lãnh đạo Bộ về các địa phương, theo báo cáo chính thức của UBND các tỉnh, tôi thấy kết quả triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN năm 2008 có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2007. Đến cuối năm 2008, Bộ TT&TT sẽ đánh giá, tổng kết việc thực hiện các mục tiêu ứng dụng CNTT năm 2008 (đã đặt ra theo QĐ 43). Trên cơ sở báo cáo đánh giá chính thức, Bộ TT&TT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ các biện pháp thiết thực để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN.

Độc giả: Trần Hùng - Quảng trị

Theo qui định của Bộ TTTT thì cơ quan chuyên trách về CNTT ở địa phương là các Sở TTTT. Các đơn vị này sẽ có trách nhiệm trong việc xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai thực hiện tất cả các đề án dự án về CNTT trên địa bàn. Theo Thứ trưởng thì nên hiểu khái niệm tổ chức triển thực hiện như thế nào cho đúng, khi mà nhiều Sở TTTT quan niệm tổ chức triển khai là Sở sẽ đứng ra làm chủ đầu tư tẩt cả các dự án về CNTT trên địa bàn. Biết rằng Sở là cơ quan chuyên môn đấy nhưng như thế có ôm đồm quá không, khi mà CNTT đã trở thành phổ cập, không phải chỉ duy nhất Sở mới có thể triển khai được các dự án CNTT, nếu ngành xây dựng mà cũng làm như thế thì có lẽ các dự án xây nhà xây trụ sở các cơ quan nhà nước ở tỉnh đều phải do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư hết! Theo ý kiến cá nhân tôi thì Sở chỉ nên làm chức năng QLNN: lập, trình, theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc tiến độ,v.v... việc triển khai thực hiện các dự án. Còn các dự án thì phải tùy theo tính chất, đặc thù mà giao cho từng cơ quan đơn vị cụ thể chịu trách nhiệm triển khai thực hiện. Mong Thứ trưởng quan tâm trả lời.

Trả lời:

Khoản 1 Điều 46 Nghị định 64/2007/NĐ-CP quy định chức năng của cơ quan chuyên trách về CNTT là “Đề xuất, xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm và hàng năm về ứng dụng công nghệ thông tin”. Với chức năng này Sở TT&TT các địa phương có quyền tham mưu cho UBND tỉnh danh mục các dự án, đề án CNTT triển khai trên địa bàn và phân công các đơn vị có đủ năng lực triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Thông thường, với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc triển khai các ứng dụng có tính chất dùng chung cho nhiều cơ quan thì Sở TT&TT đóng vai trò chủ đầu tư sẽ đạt được kết quả tốt nhất.

Độc giả: Hoàng Công Bình - Hà Nội

Tôi xin được hỏi Thứ trưởng: Bộ TT&TT chỉ đạo chuyển giao Trang thông tin/Cổng thông thin điện tử của các địa phương từ VPUB tỉnh sang cho Sở TTTT quản lý vận hành để phát huy hiệu quả, vậy tại sao ở Trung ương, Bộ không đề xuất chuyển giao Cổng Chính phủ từ VPCP sang để Bộ TTTT quản lý và vận hành cho hiệu quả hơn? Chúc Thứ trưởng có cuộc trả lời trực tuyến thành công.

Trả lời:

Trang thông tin điện tử ở các địa phương là một trong những kết quả quan trọng của Đề án 112. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã nhận bàn giao chức năng quản lý kết quả Đề án 112 từ Văn phòng Chính phủ. Với chức năng này, để đảm bảo quản lý tốt kết quả Đề án 112 trên phạm vi cả nước, Bộ TT&TT đã hướng dẫn (văn bản 1561/BTTTT-ƯDCNTT ngày 19/05/2008) UBND các tỉnh, thành phố chuyển giao chức năng quản lý kết quả Đề án 112 từ Ban điều hành Đề án 112 của các địa phương (đa số không còn hoạt động nữa) về Sở TT&TT. Cổng thông tin điện tử của Chính phủ được đầu tư theo một dự án không nằm trong Đề án 112 nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản hướng dẫn 1561/BTTTT-ƯDCNTT nêu trên của Bộ TT&TT.

Độc giả: Nguyễn Công Toan - Huyện Mường Ảng - Tỉnh Điện Biên

Hiện nay kinh phí đầu tư ứng dụng CNTT cho các tỉnh, huyện miền núi là rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của hoạt động cơ quan nhà nước tại các địa phưong. Nhà nước lên có chính sách riêng về ứng dụng CNTT cho các tình này để sớm phát triển đúng theo tinh thần chính phủ điện tử. Hỏi: Kinh phí theo QĐ 43 của Thủ tướng chính phủ hiện nay chưa được bổ sung. Đề nghị bổ sung để sớm thực hiện.

Trả lời:

Bộ TT&TT đã nhận thức được vấn đề này và báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban CĐ quốc gia về CNTT. Về nguyên tắc Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý có hỗ trợ từ ngân sách TW cho các tỉnh có khó khăn về ngân sách để triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT đáp ứng được các mục tiêu của Chính phủ.

Về kinh phí hỗ trợ các địa phương triển khai ứng dụng CNTT năm 2008 theo QĐ 43, bạn có thể xem phần trả lời câu hỏi của bạn Dương Văn Nhân).

Độc giả: Bình Trần - Hà Nội

Theo tôi được biệt cổng thông tin điện tử của chính phủ đã đầu tư xong giai đoạn 1 cũng tốn kém khá tiền nhưng thực chất đó chỉ là một trang tin điện tử không hơn không kém, chạy chậm rì rì (ông có thể truy nhập thử xem) thỉnh thoảng có lúc vào còn không hiển thị thông tin. Hiện nay lại đang được đầu tư tiếp giai đoạn 2 cũng trên chục tỉ gì đó. Ông là người đứng đầu trong lĩnh vực quản lý nhà nước về CNTT, đang triển khai chính phủ điện tử, ông có biết việc đó không? ông có suy nghĩ gì về vẫn đế này nếu đúng là như vậy. Thứ 2 ở ngành ông quản lý, trang tin điện tử của bộ TTTT có xảy ra tình trạng đầu tư như thế không? nếu không có gì bí mật ông có thể cho độc giả được biết là nhà nước đã đầu tư bao nhiêu tiền cho website cửa Bộ TTTT rồi để các bộ ngành, địa phương khác còn học tập. Xin cảm ơn ông và mong nhận đuợc câu trả lời công khai trong buổi trả lời trực tuyến này. Bình Trần

Trả lời:

Liên quan đến ý thứ nhất trong câu hỏi của bạn: ngày 18/3/2008, VPCP mới tổ chức Lễ hoàn thành và kết thúc Dự án Trang thông tin điện tử của Chính phủ (chinhphu.vn) để tiếp tục thực hiện dự án nâng cấp Trang thông tin điện tử thành Cổng thông tin điện tử. Cá nhân tôi truy cập vào địa chỉ chinhphu.vn rất thường xuyên. Tôi thấy tốc độ truy cấp tốt, thông tin được hiển thị rõ ràng, phong phú, hữu ích cho công việc. Tôi cũng nhận được nhiều ý kiến đánh giá tích cực về trang tin điện tử này.

Về Trang thông tin điện tử của Bộ TTTT tại địa chỉ http://www.mic.gov.vn: trước đây là trang tin điện tử Bộ Bưu chính, Viễn thông. Năm 2003, Bộ Bưu chính, Viễn thông phê duyệt dự án "Xây dựng Trang tin điện tử Bộ BCVT", Năm 2004, 2005 dự án đã được triển khai với Tổng mức kinh phí 540 triệu đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Trung tâm Thông tin làm chủ dự án đầu tư. Năm 2008, thực hiện QĐ 43/2008/QD-TTg ngày 24/3/2008 của Thủ tướng CP phê duyệt kế hoạch ƯD CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Bộ giao Trung tâm Thông tin làm chủ đầu tư dự án " Xây dựng Cổng thông tin điện tử Bộ TTTT" với mức tổng mức đầu tư là 3 tỷ đồng nhưng tới thời điểm hiện nay vẫn chưa được cấp kinh phí, do đó chưa triển khai.

Độc giả: Duyên Hải - Hạ Long - Quảng Ninh

Xin hỏi Thứ trưởng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chính phủ điện tử, bộ có chủ trương sử dụng các phần mềm dùng chung trong các cơ quan quản lý nhà nước TW và địa phương giống như hồi 112 hay không? nếu có thì đơn vị nào được chọn đứng ra viết? Việc đầu tư dàn trải đối với mỗi bộ ngành và địa phương gây thất thoát, lãng phí rất lớn tài nguyên, tiền của, nhân lực... Với vai trò quản lý nhà nước của mình, Bộ sẽ làm gì để chhính phủ điện tử sớm ra đời và tiết kiệm chi phí nhất? Nếu lần này dự án 113 (sau 112 gọi thế cho tiện) cũng không thành công vì chiến lược chính sách không thực tế thì ông nghĩ sao? Xin cảm ơn

Trả lời:

Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN năm 2008 (theo QĐ 43 của TTgCP) và dự thảo Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN năm 2009-2010 có cách làm khác so với Đề án 112: Bộ TT&TT đưa ra văn bản hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các hệ thống thông tin để các cơ quan lựa chọn giải pháp phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật. Trên cơ sở các mô hình ứng dụng CNTT đã thành công trong thực tế, Bộ TT&TT sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá, lựa chọn và công bố để các cơ quan nhà nước khác học tập, triển khai nhân rộng. Với cách tiếp cận như vậy, tôi hy vọng rằng việc triển khai các Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN từ nay đến 2010 sẽ thu được kết quả.

Độc giả: Dang Uyen Phuong

Kinh goi bo truyen thong, Toi co cau hoi nhu sau: Voi su suy thoai kinh te tren toan cau hien nay thi muc do uu tien dau tu CNTT cho nam 2009 nhu the nao? Nhung linh vuc va nganh nao se nhan duoc muc do uu tien nhieu nhat. Chan thanh cam on Tran trong Uyen Phuong

Trả lời:

 

Khi nền kinh tế của chúng ta đã gia nhập WTO thì sự suy thoái kinh tế toàn cầu có sự ảnh hưởng nhất định. Trong năm 2009, tốc độ chi tiêu của Chính phủ các khoản kinh phí đều không tăng được như mong muốn, nhưng riêng lĩnh vực Thông tin và Truyền thông nói chung vẫn được Chính phủ ưu tiên đảm bảo, đặc biệt với ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước được coi là lĩnh vực đặc biệt ưu tiên. Chính phủ đã dành một khoản kinh phí cho ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước năm 2009. Sẽ tập trung ưu tiên cho các dự án mang tầm quốc gia liên quan đến nhiều bộ ngành khác nhau và hỗ trợ các tỉnh khó khăn.Cần tập trung cho ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước  vì chưa có ứng dụng công nghệ thông tin ở mức độ cao thì chưa thể nói đến cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ hành chính công cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Độc giả: Nguyễn Đức Hoàng - 149 Lê Duẩn, Hà Nội

Kính gửi Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, Rất mừng vì lần này ông sẽ đối thoại trực tuyến về ứng dụng CNTT và tôi xin có câu hỏi như sau. Theo quan niệm của tôi, các viện nghiên cứu và trường đại học phải là tâm điểm của nền kinh tế tri thức. Đương nhiên các bậc thầy ở đó có trách nhiệm phải đi đầu trong việc ứng dụng CNTT so với các môi trường khác. Thế nhưng theo các kết quả điều tra chính thức của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước được công bố năm 2005 thì có tới 50% đội ngũ các giáo sư và phó giáo sư gần như không sử dụng máy tính và Internet trong công việc của mình. Họ là những người có trình độ cao và thậm chí nói thạo không chỉ một ngoại ngữ nên đương nhiên là không thể có rào cản ngôn ngữ khi sử dụng máy tính và Internet. Xin ông cho biết đâu là nguyên nhân của thực trạng này và giải pháp để khắc phục là phải làm như thế nào? (liệu có nên học tập cách làm của nước Đức là buộc các bậc thầy phải đi học lại chính học trò của mình không)

Trả lời:

Câu hỏi của bạn rất lý thú. Mặc dù kết quả khảo sát như bạn nêu là từ năm 2005 nhưng tôi nghĩ đây là một vấn đề xã hội đáng quan tâm và vẫn còn nguyên tính thời sự của nó.


Tôi cho rằng việc sử dụng máy tính, Internet hay ứng dụng CNTT nói chung trong mọi lĩnh vực xã hội muốn có hiệu quả trước hết phải bắt đầu từ hiệu quả công việc. Các giáo sư, phó giáo sư có thể sử dụng gián tiếp hay trực tiếp máy tính, Internet trong hoạt động nghiên cứu của mình. Theo tôi nguyên nhân của việc tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư sử dụng Internet còn hạn chế một phần do hạn chế về độ tuổi, khả năng thay đổi thói quen đã ăn sâu nhiều năm trong công việc và cuộc sống. Mặc dù vậy, việc sử dụng trực tiếp các cộng cụ máy tính, Internet vẫn là cần thiết đối với tất cả mọi người. 


Để khắc phục hạn chế này, cần phải tăng cường ứng dụng CNTT, đưa Internet về nhà trường thì các hình thức giáo dục mới như đào tạo trực tuyến e-learning, giáo trình điện tử, thư viện điện tử,... đang tạo ra những áp lực tích cực buộc đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu tự hoàn thiện và nâng cao khả năng sử dụng Internet, máy tính.


Tôi cũng đồng ý với ý kiến của bạn về việc trò học thầy kiến thức chuyên môn và ngược lại thầy học trò kỹ năng sử dụng máy tính và Internet. Một khi cuộc sống đòi hỏi, việc học hỏi lẫn nhau diễn ra không chỉ giữa thầy và trò mà còn là giữa tất cả mọi người xung quanh chúng ta.

Độc giả: Hoàng Cát Vinh - Đà Nẵng

Xin ông Thứ trưởng cho biết số vốn hơn 100 triệu USD vay của ngân hàng thế giới đã được sử dụng thế nào? Việt Nam phải trả lãi suất hàng tháng bao nhiêu? Thiệt hại phải chịu do việc chậm triển khai số tiền này là gì? Cám ơn ông đã trả lời

Trả lời:

Dự án Phát triển CNTT&TT tại Việt Nam là dự án CNTT đầu tiên sử dụng nguồn v ốn vay ODA của NHTG, với tổng số vốn đầu tư là 107.030.000 USD, trong đó 93.720.00 là vốn vay NHTG và 13.310.000 là từ vốn đối ứng trong nước. Dự án được tổ chức thực hiện theo mô hình phi tập trung gồm 5 Tiểu dự án: Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) (Bộ Bưu chính, Viễn thông trước đây), Tổng cục Thống kê (TCTK), các Thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Các đơn vị thụ hưởng dự án tự chịu trách nhiệm thực hiện dự án và có phối hợp với nhau. Ở cấp Trung ương, Ban Chỉ đạo thực hiện dự án do Lãnh đạo Bộ TT&TT làm Trưởng ban, GĐ Ban QLDA Bộ TT&TT (PMU) làm Phó Trưởng ban với các uỷ viên là GĐ các Ban QLDA (PIU) và đại diện các cơ quan liên quan. Ở cấp ngành, địa phương có các Ban QLDA (PIU) để trực tiếp triển khai dự án.

Ngoài những khó khăn mang tính đặc thù của dự án CNTT, thủ tục triển khai các gói thầu theo quy định của NHTG và quy trình thẩm định, phê duyệt kết quả của các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian qua còn thiếu đồng bộ. Do vậy, tiến độ thực hiện dự án chưa được như mong đợi.

Về cơ chế tài chính của dự án, theo Hiệp định tín dụng số 4116 và Quyết định số 777/QĐ-TTg, từ nguồn vốn vay NHTG, Chính phủ Việt Nam đứng ra vay một khoản tín dụng và sẽ cấp pháp hoặc cho vay lại để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện. Các đơn vị được ngân sách trung ương cấp pháp để thực hiện dự án: Bộ TT&TT, TCTK, và UBND thành phố Đà Nẵng. Các đơn vị vay lại từ ngân sách để thực hiện Dự án: UBND thành phố Hà Nội và UBND thành phố HCM. Mức lãi suất cho khoản tín dụng nêu trên là 0%.

Thiệt hại do việc chậm triển khai Dự án này là không tận dụng có hiệu quả và kịp thời nguồn vốn tài trợ đó, các đơn vị thụ hưởng Dự án  không sớm nâng cao mức độ ứng dụng CNTT phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý nhà nước của mình..

Độc giả: Giang Minh Sài - Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội

Tôi được biết dự án phát triển CNTT-TT tại Việt Nam trị giá 107 triệu USD do Ngân hàng thế giới tài trợ vốn hiện nay triển khai rất chậm. Về dự án này tôi xin có vài câu hỏi tới Thứ trưởng: 1) Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả chính của dự án này đến nay, những lý do vì sao dự án này triển khai chậm? 2) Với tiến độ chậm như hiện nay, liệu dự án này sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian tới? 3) Có tin một số địa phương tham gia dự án này như TP.HCM sẽ không thực hiện dự án này nữa, xin Thứ trưởng có thể xác nhận thông tin này có đúng không?

Trả lời:

Bạn có thể tham khảo thêm ở câu trả lời cho câu hỏi của bạn Hoàng Cát Vinh (Đà Nẵng).

1. Về câu hỏi thứ nhất của bạn, kết quả chính của dự án này cho đến nay, thì do đang trong quá trình triển khai thực hiện, nên chưa có kết quả cụ thể cuối cùng. Còn về lý do khiến dự án triển khai chậm, ngoài những yếu tố đặc thù của dự án CNTT, còn có những nguyên nhân khác như có sự xáo động về cơ cấu tổ chức thực hiện dự án ở các Tiểu dự án của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ Bưu chính, Viễn thông trước đây) và UBND thành phố Hà Nội, khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự (đòi hỏi vừa phải am hiểu về CNTT, vừa phải rất thành thạo tiếng Anh), việc thực hiện dự án vừa phải tuân thủ các quy định quản lý đầu tư của Việt Nam, lại phải tuân thủ cácc quy định của Ngân hàng Thế giới.....

2. Về câu hỏi thứ 2, Dự án sẽ được tiếp tục triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong thời gian tới. Ban Chỉ đạo dự án đã tổ chức nhiều cuộc họp thảo luận về vấn đề này. Hiện một số Tiểu dự án của Tổng cục Thống kê, UBND các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng đều rất quyết tâm thực hiện dự án và đều nhận được sự ủng hộ của Lãnh đạo Tổng cục và Lãnh đạo UBND. Kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể cho giai đoạn tiếp theo sẽ được thống nhất vào cuộc họp tháng 12 tới đây giữa các đơn vị liên quan và Đoàn công tác của NHTG.

3. Về câu hỏi thứ 3, thực hiện chức năng điều phối Dự án, Ban QLDA (PMU) của Bộ TT&TT đã có Công văn chính thức gửi Sở TT&TT, UBND thành phố HCM và đang chờ câu trả lời chính thức để có phương án thực hiện tiếp theo.

Độc giả: Nguyễn Hoàng Giang

Tôi được biết chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước năm 2008 (quyết định 43) có đặt ra mục tiêu chọn một số địa phương và bộ ngành làm nơi thí điểm, tiến độ ứng dụng CNTT ở những nơi thí điểm này đi trước một bước. Xin Thứ trưởng cho biết theo chương trình này thì Bộ (thay mặt Chính phủ) đã chọn những bộ ngành và địa phương nào làm thí điểm, và kết quả thực hiện việc này đến thời điểm này như thế nào? Cũng liên quan đến quyết định 43, cũng có đề cập đến nguồn ngân sách 200 tỷ bổ sung cho các bộ ngành và những địa phương không cân đối được ngân sách. Xin Thứ trưởng cho biết việc sử dụng nguồn vốn này đến nay thế nào, đã mang lại những kết quả gì cho những nơi được cấp?

Trả lời:

Theo QĐ 43 của Thủ tướng Chính phủ, có 4 Bộ và 6 tỉnh,thành phố được chọn triển khai mô hình điểm bao gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Lào cai, Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Đắk Lắk , TP. Hồ Chí Minh. Đến nay các nhiều Bộ, tỉnh điểm hoàn thành thủ tục xây dựng các dự án đầu tư theo QĐ 43 sẵn sàng triển khai thực hiện. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung dự toán ngân sách năm 2008, các dự án của các Bộ, tỉnh điểm được triển khai theo mục tiêu đặt ra trong QĐ 43.

Về kinh phí thực hiện QĐ 43 của Thủ tướng Chính phủ tôi đã trả lời trong câu hỏi đầu tiên của buổi giao lưu này.

Độc giả: Nguyễn Minh Hạnh - Hà Đông, Hà Nội

Việc triển khai dự án ứng dụng CNTT với các cơ quan nhà nước hiện tại gặp khó khăn trong việc định giá, xây dựng dự toán cho dự án. Được biết gần đây, Bộ TT&TT đã ra văn bản hướng dẫn liên quan đến vấn đề này. Nhưng tôi muốn hỏi Thứ trưởng là liệu văn bản này đã có thể sử dụng để định giá, lập dự toán dự án ứng dụng CNTT. Trong thời gian tới, Bộ có ra văn bản chính thức nào về vấn đề định giá đầu tư dự án ứng dụng CNTT không?

Trả lời:

Đúng như bạn nêu, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn hướng dẫn phương pháp xác định giá trị phần mềm gửi tới các cơ quan liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn về xây dựng, thẩm định dự án CNTT (Văn bản số 3364/BTTTT-ƯDCNTT ngày 17 tháng 10 năm 2008). Văn bản này chỉ áp dụng cho việc định giá phần mềm ứng dụng đặt hàng là vấn đề vướng mắc đã nhiều năm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt các dự án CNTT.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực CNTT. Dự kiến trong năm 2009, Bộ sẽ ban hành định mức tư vấn, thiết kết các dự án CNTT.

Độc giả: Minh Trang - Hà Nội

Xin ông cho biết năm 2009 khó khăn như thế nào đối với các công ty CNTT Việt Nam? Thứ nữa, qua báo đài tôi cảm thấy nói về chính phủ điện tử và ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước rất loằng ngoằng, chả hiểu có sự khác biệt gì ở đó. Mong ông khai phá giúp tôi về điều này. Trong một bài phân tích của một tạp chí nước ngoài, tôi thấy họ nói rất chí lý, là chính phủ điện tử không gặt hái thành công như doanh nghiệp vì nhà nước, nhân viên nhà nước họ không có cạnh tranh. Có ứng dụng CNTT tốt hay không thì người dân vẫn phải đến cơ quan thuế đóng thuế. Ông có đồng tình với quan điểm này không, và theo ông, làm thế nào để có sự cạnh tranh trong ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước? (Tôi thì vẫn cứ hiểu có cạnh trnah mới có phát triển)

Trả lời:

Theo tôi năm 2009, các doanh nghiệp Việt nam nói chung và các công ty CNTT đều gặp khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu, các công ty CNTT còn chịu ảnh hưởng nặng nề của dư âm của Đề án 112.

Trong một câu trả lời trước đây, tôi đã nói rõ về mục tiêu, định hướng ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới phát triển Chính phủ điện tử ở Việt nam đến 2010 và 2015.

Tôi cũng nhận thấy rằng cần tạo ra một cơ chế thi đua (khái niệm này trong cơ quan nhà nước phù hợp hơn khái niệm cạnh tranh) giữa các cơ quan nhà nước trong việc triển khai ứng dụng CNTT. Bộ TT&TT đã và đang có nhiều biện pháp thiết thực để tạo cơ chế thi đua giữa các cơ quan nhà nước, ví dụ như: tiến hành khảo sát, đánh giá, công bố xếp hạng website của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; chuẩn bị trao giải thưởng CNTT&TT Việt Nam năm 2008 (trong đó có giải thưởng cơ quan nhà nước ứng dụng CNTT hiệu quả nhất), ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định các chế tài đối với các hành vi ứng dụng CNTT chậm trễ, không hiệu quả, sẽ có khen, chê thưởng, phạt thích đáng....

Độc giả: Nguyễn Phúc Vinh - So 23, đường 30/4, F1, TP.Mỹ Tho

Hiện nay Cục BĐTW đang triển khai xây dựng hệ thống đường truyền Cáp quang từ Trung ương đến địa phương. Như vậy : 1.Trong thời gian tới Bộ sẽ quản lý đường truyền này như thế nào về an ninh, chất lượng đường truyền .... ? 2.Dịch vụ gì sẽ được triễn khai trên đường truyền này từ trung ương đến địa phương ? 3.Tại địa phương được phép sử dụng đường truyền này như thế nào ? 4. Chi phí thuế bao đường truyền có được tính hay không ? Xin cảm ơn

Trả lời:

1. Bộ TT&TT đang xây dựng Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước. Trong quy chế này, chúng tôi có đưa ra các quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan chức năng của Bộ, của VNPT, Bưu điện TW và các cơ quan nhà nước sử dụng mạng truyền số liệu này để đảm bảo về an ninh, chất lượng của các dịch vụ, ứng dụng truyền trên mạng này.

2. Các dịch vụ do mạng truyền số liệu chuyên dùng cung cấp bao gồm: dịch vụ kết nối mạng riêng ảo (VPN), dịch vụ cho thuê chỗ đặt máy chủ ứng dụng, dịch vụ trung tâm dữ liệu (data center), dịch vụ máy chủ, dịch vụ thư điện tử, dịch vụ thoại IP, dịch vụ hội nghị truyền hình,... Trên cơ sở mạng này, các cơ quan nhà nước có thể triển khai các ứng dụng CNTT phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng cơ quan.

3. Theo thiết kế của mạng truyền số liệu chuyên dùng, năm nay (có thể kéo dài sang Quý I năm 2009) mạng sẽ được triển khai đến cấp quận, huyện, sở, ban, ngành của các địa phương.

4. Chi phí sử dụng đường truyền này sẽ được tính để sao cho khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho đẩy mạnh việc ứng dung CNTT trong hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Độc giả: Quoc Phien Tang - độc giả

Tôi là một luật sư,đồng thời là tôi là một công dân Việt Nam.Lúc rảnh rỗi tôi cũng chơi game để giải trí nhưng thấy các game online bây giờ tại Việt Nam ( đặc biệt là trò Võ lâm truyền kỳ I) tốn kém quá nhiều tiền cho các học sinh,sinh viên khi họ tham gia vào các trò chơi này,chưa tính đến thời gian chơi thì càng nguy hiểm hơn.., ngoài ra,còn có nhiều mặt chưa tích cực cần phải xem xét như: 1. Trong thời gian qua tôi thấy Chính phủ và các ban ngành ban hành nhiều văn bản hô hào dân ,doanh nghiệp nên tiết kiệm điện vào các giờ cao điểm trong khi đó các trò chơi game online mở ra các event khuyến khích người chơi game phải sử dụng liên tục điện mới có thể gặt hái được phần thưởng là không khoa học rồi Ví dụ: trò võ lâm truyền kỳ I : bắt người chơi phải ủy thác trên mạng mới gặt hái được " hộp quà đỏ" ,khiến cho người chơi game kêu la thảm thiết trên diễn đàn www.volam.com.vn mà công ty ViNa Game không đếm xỉa tới 2. Ở đây tôi còn chưa tính đến tác động sâu xa đến việc tiết kiệm điện theo chủ trương của Chính phủ,sự tác động đến nền kinh tế đang lạm phát toàn cầu... 3. Nạp thẻ 60.000VND/chỉ chơi được 28 ngày là chưa phù hợp với túi tiền lớp học sinh,sinh viên VN 4. Các vật phẩm trong game quá đắt tiền ( nhà cung cấp game có thể điều chỉnh được nó nếu muốn - bằng cách cho rớt đồ nhiều), có món đồ rao bán tời 1 vài tỷ VND - trong khi nền kinh tế VN đang suy thái,lạm phát thì số tiền này đủ nuôi 1 tỉnh gặp mưa bão trong một thời gian dài rồi Kính đề nghị đồng chí nên lưu ý xem xét kịp thời để cứu lớp trẻ

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã chia sẻ thông tin và quan tâm tới những tác động không tốt của game online. Thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để ban hành văn bản quản lý về game online nhằm hạn chế những mặt tiêu cực của game online, đặc biệt là đối với lớp trẻ (Thông tư 60 về quản lý trò chơi trực tuyến), đồng thời đã chỉ đạo các Sở TT&TT tích cực triển khai công tác quản lý nhà nước tại các địa phương đối với các đại lý cung cấp dịch vụ game online. Sau một thời gian triển khai, những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước cũng đã bước đầu phát huy tác dụng, tuy nhiên, cũng còn rất nhiều các vấn đề chưa giải quyết được.

Hiện nay, Bộ TT&TT đang phối hợp với các bộ ngành có liên quan để dự thảo một văn bản QPPL mới về quản lý trò chơi trực tuyến thay thế cho Thông tư 60. Rất mong bạn tiếp tục chia sẻ thông tin và đưa ra những ý kiến đóng góp đối với văn bản này để đưa ra các biện pháp quản lý hiệu quả hơn nhằm hạn chế những tác hại, tác động tiêu cực của trò chơi trực tuyến. Cần phải nói thêm rằng, nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ đóng góp được một phần trong việc hạn chế tiêu cực của game online đặc biệt đối với giới trẻ; rất cần sự quan tâm của các tổ chức xã hội (Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, trường học, khu phố...) và các bậc cha mẹ trong việc định hướng con em mình sử dụng Internet lành mạnh, hợp lý. Ý kiến đóng góp với chúng tôi có thể gửi tới Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, qua địa chỉ e-mail: lvhai@mic.gov.vn.

Độc giả: Quang Sơn - Đống Đa - Hà Nội

Xin thứ trưởng cho biết dự án do World Bank tài trợ hiện nay đã triển khai được đến đâu hay chỉ mới dừng ở phần tư vấn. Phải chăng do năng lực của Ban quản lý quá yếu kém nên không thể đảm đương được công việc quá sức mình. Bây giờ đã là cuối năm 2008 vậy dự án này có còn tiếp tục được triển khai vào năm tới nữa không hay dừng tại đây. Ông đánh giá như thế nào về tình hình triển khai tại các đơn vị được nhận các dự án world bank và hướng triển khai nếu vẫn tiếp tục được cấp vốn. Hình như việc cấp vốn dành cho các cơ quan nhà nước có vẻ rất dễ dàng nhưng việc thực hiện giải ngân rất chậm do không triển khai được vì năng lực yếu? Ông có nghĩ vậy không? Xin cảm ơn thứ trưởng đã tổ chức trả lời trực tuyến thường xuyên.

Trả lời:

Về tiến độ triển khai thực hiện dự án, trong tổng số 67 gói thầu thuộc Kế hoạch đầu thầu mua sắm đã được cơ quan điều phối và cơ quan chủ quản của 5 Tiểu dự án phê duyệt, đã có 49 gói thầu được triển khai thực hiện (bao gồm cả tư vấn, đào tạo, mua sắm, ...) , trong đó 22 gói thầu đã hoàn thành ở mức ký hợp đồng với nhà thầu để thực hiện.

Về tình hình triển khai, các Tiểu dự án của Tổng cục Thống kê và UBND thành phố Đà Nẵng có tiến độ khả quan, Tiểu dự án của Bộ TT&TT mới được phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh bổ sung, Tiểu dự án của UBND thành phố Hà Nội đã được kiện toàn bộ máy. Một cách tổng thể, các đơn vị đều quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Công tác phối hợp thực hiện trong thời gian tới cũng sẽ được chú trọng hơn.

Về tiến độ giải ngân, trong thời gian tới, các đơn vị thực hiện dự án sẽ được phân cấp mạnh, rõ trách nhiệm, đúng quy định để rút ngắn thời gian chờ phê duyệt kết quả đấu thầu các gói thầu của dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân toàn dự án nói chung.

Về các câu hỏi khác của bạn, tôi đã trả lời ở các câu hỏi trước của các bạn Hoàng Cát Vinh (Đà Nẵng) và Giang Minh Sài (Hà Nội).

Độc giả: Phạm Hải - Đà Nẵng

Cứ khoảng vài năm lại có những dự án CNTT nhằm xây dựng các website, các phần mềm phục vụ nền hành chính. Xin hỏi là sau nhiều năm, với nhiều sự biến động công nghệ, sản phẩm còn lại của các dự án đó là gì ? Theo tôi hiểu, đó là các dữ liệu phục vụ việc tra cứu, tổng hợp báo cáo của các cơ quan chức năng và phục vụ cho cộng đồng. Bộ đã có đánh giá như thế nào về khối lượng dữ liệu đã tạo ra sau hơn 10 năm kể từ khi triển khai chương trình công nghệ thông tin quốc gia, và giá trị sử dụng của chúng. Thứ trưởng quan niệm cái gì là sản phẩm khi triển khai xây dựng các hệ thống thông tin: bản thân hệ thống đó, hay thông tin được tạo ra ? Và ngân sách tạo ra thông tin được tính như thế nào ?

Trả lời:

Tôi cũng đồng tình với quan điểm của đ/c về sản phẩm còn lại của các dự án CNTT là dữ liệu phục vụ cơ quan nhà nước và phục vụ cộng đồng. Đến nay Bộ TT&TT chưa có đánh giá chính thức nào về khối lượng dữ liệu hiện có trong các cơ quan nhà nước và mức độ sử dụng các dữ liệu đó.

Về sản phẩm của các hệ thống thông tin, theo tôi phải bao gồm cả hệ thống thông tin và thông tin được tạo ra bởi vì cả hệ thống và thông tin đều nhằm tới mục tiêu thay đổi thói quen làm việc hiện nay chủ yếu dựa trên giấy tờ sang phong cách làm việc dựa trên văn bản điện tử trên môi trường mạng và các hệ thống thông tin trợ giúp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước.

Độc giả: ánh Phương - hn

Người gửi ánh Phương- Hn- ĐT 0983608828 1- Việc ứng dụng CNTT trong nội bộ nhiều cơ quan nhà nước nói chung còn mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu là phục vụ công tác văn thư, quản lý tài chính, nhân sự; các dịch vụ công trực tuyến chủ yếu ở mức 1, mức 2 (mới chỉ cung cấp thông tin về quy trình thủ tục hành chính và các biểu mẫu điện tử...), CNTT chưa thực sự được lãnh đạo các cấp xác định là công cụ quan trọng trong chương trình cải cách hành chính, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo ông thời gian tới Bộ phải làm gì để thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước? 2-ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước là một chủ trương đúng nhưng trong bối cảnh hiện nay vấn đề an ninh mạng đang đặt ra cho người sử dụng mạng nhiều sự nghi ngại, hướng khắc phục tình trạng này. Theo đánh giá của Cục Tin học Nghiệp vụ Tổng cục Kỹ thuật Bộ Công an, tình hình an ninh mạng năm 2008 này vẫn đang trên đà bất ổn và tiếp tục coi là năm "báo động đỏ" của an ninh mạng Việt Nam. Ông nghĩ gì về ý kiến : “Vấn đề lớn nhất vẫn nằm ở việc nhận thức sai lầm rất phổ biến trong suy nghĩ của giới lãnh đạo các website Việt Nam là không đánh giá đúng giá trị bảo mật thông tin. Họ cho rằng thông tin trên website của họ không đáng giá, không thực sự quan trọng và cũng ít lượng truy cập nên không cần thiết phải làm bảo mật một cách chuyên nghiệp”? 3-Nhân lực cho công tác bảo mật – an ninh mạng cũng là một câu hỏi lớn. Hiện nay chúng ta chưa có các hệ đào tạo chính quy Đại học và sau đại học cho các mục tiêu này. Những người có khả năng hiện nay trong lĩnh vực này hầu như là tự học hỏi, tự rèn luyện thực tế. Giải pháp nào cho vấn đề này? 4- Thưa ông hiện nay cả nước có bao nhiêu đơn vị, cơ quan hành chính trong cả nước đạt tiêu chuẩn theo mức độ 4 về dịch vụ hành chính công trực tuyến?

Trả lời:

Cảm ơn bạn và xin trả lời bạn như sau:

Câu 1) Ngày 24/3/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 43/2008/QĐ-TTg. Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008 nhằm thực hiện Nghị định số 64/2007/NĐ-CP đã thể hiện rất rõ các nội dung mà bạn quan tâm như xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng viễn thông, mạng dùng riêng, cơ sở dữ liệu, và trang thiết bị đầu cuối phục vụ cho việc kết nối giữa các cơ quan nhà nước với nhau (G2G) cũng như giao tiếp giữa cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp (G2C).

Quyết định này quy định trách nhiệm của các cơ quan đơn vị để bảo đảm đạt được các mục tiêu cụ thể của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tỉnh thành phố trong năm 2008.

Quyết định cũng nêu rõ 16 nhiệm vụ của Bộ TT&TT, Bộ đang triển khai để thực hiện tất cả các nhiệm vụ được giao, trong đó có một số nhiệm vụ đã hoàn thành như việc kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin, Thành lập Ban điều hành triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Xây dựng các quy định, cơ chế quản lý đầu tư dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Xây dựng danh mục các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin cần áp dụng trong các cơ quan nhà nước; Chỉ đạo triển khai giai đoạn I mạng chuyên dùng kết nối tới tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố…

Câu 2) Tôi chia sẻ quan điểm là thiếu độ đảm bảo về an toàn bảo mật thông tin thì không thể phát triển mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước nói riêng và trong các hoạt động kinh tế xã hội nói chung. Đồng thời tôi cũng đồng ý rằng vấn đề nhận thức chưa đầy đủ về an toàn bảo mật thông tin khi xây dựng các hệ thống CNTT là một điểm yếu ở nước ta. Kết quả của một cuộc điều tra về an toàn thông tin mới đây do Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) phối hợp với Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho phép nhận định rằng dưới 50% các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp có quan tâm đáng kể tới đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống của mình. Thiệt hại do sự cố an toàn mạng ở Việt Nam chưa nhiều vì chúng ta ứng dụng CNTT thực sự còn ít và còn chưa xây dựng được các kết cấu hạ tầng trọng yếu về CNTT của quốc gia. Trong bối cảnh bùng nổ ứng dụng CNTT thì các nguy cơ thiệt hại do mất an toàn thông tin sẽ gia tăng đột biến.

Do đó Bộ TT&TT chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thiện môi trường ứng dụng CNTT có độ an toàn cao và xây dựng các thiết chế đảm bảo an toàn thông tin quốc gia. Đó là một hệ thống các chính sách và biện pháp tổng thể - bạn có thể tham khảo phần trả câu hỏi của bạn Võ Hữu Nghị ở trên. Đầu tư cho nhiệm vụ này không nhỏ, vì kinh nghiệm theo thống kê nước ngoài sẽ chiếm khoảng 8-10% chi phí ứng dụng CNTT nói chung, nhưng chúng ta không thể không làm, thậm chí chỉ có làm mạnh và làm tốt thường xuyên thì mới thực sự tiết kiệm cho quốc gia.

Câu 3) Đào tạo nhân lực an toàn thông tin là nhiệm vụ khá mới ở nước ta. Thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải đào tạo theo hai hướng: một là đào tạo lực lượng chuyên gia khoa học, hai là đào tạo kỹ năng nghiệp vụ đảm bảo an toàn thông tin cho các vị trí làm việc trong hệ thống thông tin. Một số trường đại học như Học viện kỹ thuật mật mã, Học viện kỹ thuật quân sự… đã có đào tạo cử nhân, kỹ sư chuyên ngành an toàn thông tin. Một số cơ sở đào tạo sau đại học cũng tham gia vào đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học về an toàn thông tin. Tuy nhiên, ngành giáo dục đào tạo cần đầu tư hoàn thiện thêm về chương trình và mở rộng hơn việc đào tạo an toàn thông tin như là chuyên ngành độc lập cũng như là những nội dung bắt buộc cho các chuyên ngành CNTT khác.

Đào tạo nghiệp vụ an toàn thông tin là một nhu cầu lớn của xã hội. Bộ TT&TT chủ trương chuẩn hóa các chương trình đào tạo nghiệp vụ và thực hiện xã hội hóa việc đào tạo theo chương trình để nhanh chóng đáp ứng những yêu cầu thực tiễn. 

Câu 4) Theo quyết định 43 nêu trên, các Bộ, tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương cần triển khai dịch vụ hành chính công theo mức độ 2 và 3, cụ thể:

- Bảo đảm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cổng thông tin điện tử với đầy đủ thông tin theo quy định tại Điều 28 Luật Công nghệ thông tin, cung cấp các biểu mẫu điện tử về dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp (mức độ 2).

- Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương: bảo đảm cổng thông tin điện tử cho phép người dân và doanh nghiệp khai báo, gửi đăng ký biểu mẫu điện tử qua mạng (mức độ 3).

Trong năm 2008, chưa có đơn vị nào cung cấp dịch vụ công mức độ 4, và cũng chưa yêu cầu các đơn vị bắt buộc thực hiện dịch vụ hành chính công mức độ 4 như bạn nêu. Trong các năm tới, sau khi hoàn thiện hạ tầng cơ sở về kỹ thuật và pháp lý sẽ có một số dịch vụ hành chính công ở mức 4 được triển khai.

Độc giả: Trần Nguyễn Hữu Hoàng -

Kính thưa Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng. Từ khi đề án 112 im lặng cho đến nay thì ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước cũng rất mờ nhạt, vậy cho hỏi " Ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới phát triển Chính phủ điện tử" có chính sách nào khơi dậy phong trào CNTT trong các cơ quan nhà nước. Và cho hỏi là những con người phục vụ CNTT cho các cơ quan nhà nước đến bao giờ thì được có chính sách về tiền lương để an tâm mà phục vụ thưa thứ trưởng. Xin cám ơn và chúc sức khỏe của thứ trưởng.

Trả lời:

Triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN hướng tới phát triển Chính phủ điện tử là một quá trình lâu dài, gian nan, có những lúc thăng, lúc trầm. Theo tôi, hậu quả để lại của Đề án 112 rất lớn nên cần có thời gian để chúng ta khắc phục vụ triển khai những chương trình mới. Năm 2008 là năm chuẩn bị và giai đoạn 2009-2010 là giai đoạn khởi động để chúng ta có thể triển khai đồng bộ, toàn diện Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước 2011-2015 góp phần phát triển Chính phủ điện tử ở Việt nam lên tầm cao mới.

Về chính sách tiền lương đối với cán bộ chuyên trách về CNTT trong các cơ quan nhà nước, Bộ TT&TT đã có nghiên cứu để có thể có những đề xuất phù hợp để đội ngũ này an tâm hơn. Hiện tại, đã có nhiều địa phương ban hành các cơ chế thu nhập đặc thù cho cán bộ chuyên trách về CNTT trong các cơ quan nhà nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lào cai, ...

 

Độc giả: Bùi Huy Phong - Hà Nội
 

Xin hỏi Thứ trưởng Hồng: 1. Hiện người dân Việt Nam đã được hưởng những lợi ích gì từ công cuộc Tin học hoá quản lý hành chính nhà nước và triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam? 2. Để khai thác được những lợi ích của Chính phủ điện tử, người dân Việt Nam có cần phải được đào tạo, học tập thêm hay không?

Trả lời:

1. Hiện nay, người dân Việt nam đã được hưởng khá nhiều lợi ích từ các chương trình ứng dụng CNTT hướng tới phát triển Chính phủ điện tử ở Việt nam, ví dụ như: người dân có thể truy nhập vào Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và website của các cơ quan nhà nước để tìm hiểu về cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo điều hành nhanh chóng, kịp thời; tìm hiểu quy trình thủ tục hành chính trên mạng (dịch vụ hành chính công mức 1), tải về và in ra các biểu mẫu hồ sơ hành chính trên mạng (dịch vụ hành chính công mức độ 2), gửi hồ sơ xin phép qua mạng một số địa phương (dịch vụ hành chính công mức độ 3); đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ; giao lưu trực tuyến với các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Nhà nước; trao đổi ý kiến, kiến nghị trực tuyến với các CQNN....

2. Để khai thác được lợi ích của Chính phủ điện tử, người dân Việt nam cần có kỹ năng sử dụng máy tính, truy nhập Internet và sử dụng những ứng dụng cho cơ quan nhà nước cung cấp.

Độc giả: Huy Phong - Hà Nội

Có một số quan điểm cho rằng nếu bê nguyên một hệ thống giải pháp Chính phủ điện tử của một nước phát triển về lĩnh vực này như Singapore về triển khai tại Việt Nam thì cũng không thể vận hành thành công, vì chúng ta không có đội ngũ cán bộ vận hành có đủ năng lực. Ý kiến của thứ trưởng về vấn đề này?

Trả lời:

Việc nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp Chính phủ điện tử của các nước đã triển khai thành công Chính phủ điện tử như Singapore, Hàn Quốc, Mỹ,... là cần thiết để rút ngắn thời gian triển khai ở Việt nam. Tuy nhiên nếu "bê nguyên" một hệ thống giải pháp Chính phủ điện tử của một nước nào đó thì có thể không thành công vì những lý do sau đây:

 - Mục tiêu và yêu cầu ứng dụng CNTT của mỗi quốc gia tại mỗi thời kỳ là khác nhau. Giải pháp Chính phủ đã triển khai thành công ở một nước nào đó, tại một thời điểm nào đó chưa chắc đã phù hợp với mục tiêu và yêu cầu ứng dụng CNTT của Việt nam tại thời điểm hiện nay.

- Đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT của các cơ quan nhà nước cần được phát triển, để có đủ năng lực tiếp thu công nghệ mới, vận hành các hệ thống mới, phức tạp.

- Cán bộ, công chức của Việt nam cần được đào tạo, nâng cao năng lực để chuyển đổi phong cách làm việc trên cơ sở sử dụng các phương tiện điện tử và hệ thống thông tin điện tử trợ giúp.

...

Độc giả: Trương Minh Tác - Hậu Giang

Trong Quyết định 43/2008/QĐ-TTg: 1/ Thủ tướng giao cho Bộ Công an chủ trì thực hiện Hệ cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư. Nhưng tôi được biết, Trong chương trình mục tiêu Quốc gia về Dân số có tiểu dự án 3.1 “Hoàn thiện và nâng cao hệ thông tin quản lý chuyên ngành Dân số” đang quản lý các thông tin chung của từng cá nhân trên cả nước như mã định danh (ID), Họ tên, giới tính, trình độ học vấn, tình trạng cư trú,….). Xin Thứ trưởng cho biết Hệ cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư có kế thừa từ tiểu dự án 3.1 không? Nếu hai CSDL này độc lập nhau thì việc quản lý như thế nào để tránh lãng phí? 2/ Có hỗ trợ vốn cho các địa phương khó khăn về ngân sách. Nhưng đến thời điểm hiện nay thì các địa phương vẫn chưa nhận được nguồn vốn này. Xin hỏi Thứ trưởng, khi nào địa phương nhận được nguồn vốn này ?

Trả lời:

Dự án CSDL quốc gia về dân cư do Bộ Công an chủ trì là một dự án lớn, có tính chất nền tảng cho việc triển khai Chính phủ điện tử ở Việt nam. Theo kinh nghiệm của các nước CSDL quốc gia về dân cư là CSDL gốc để các cơ quan nhà nước khác có thể triển khai các hệ thống thông tin chuyên ngành như hệ thống quản lý chuyên ngành dân số, bảo hiểm y tế, quản lý học sinh, quản lý cán bộ, công chức.... Dự án này đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Trong Ban chỉ đạo triển khai dự án có đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về dân số. Vì vậy tôi tin rằng dự án CSDL quốc gia về dân cư do Bộ Công An chủ trì sẽ khảo sát đánh giá hiện trạng Tiểu dự án 3.1 để có phương án triển khai tốt nhất, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí.

Câu hỏi 2 của bạn về kinh phí hỗ trợ cho địa phương khó khăn về ngân sách tôi đã trả lời trong câu hỏi đầu tiên.

Độc giả: Dương Văn Dũng - Krông Buk - Đăk Lăk

Kính thưa Thứ trưởng! Gần đây tôi thấy phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều Phần mềm mã nguồn mở. Vậy xin hỏi Thứ trưởng, Bộ đã đi đầu trong việc triển khai PMNM chưa và có chính sách như thế nào để yêu cầu các Sở Thông tin và Truyền thông đi đầu trong việc triển khai PMNM. Xin cảm ơn Thứ Trưởng!

Trả lời:

Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở (PMNM) là một chủ trương lớn đã được Đảng và Nhà nước ta xác định từ nhiều năm nay. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án tổng thể về ứng dụng và phát triển PMNM theo Quyết định số 235/2004/QĐ-TTg, trong đó giao Bộ KHCN chủ trì, phối hợp với một số bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Bộ TT&TT cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng và phát triển PMNM, như các quy định về ưu tiên sử dụng PMNM trong các Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg  quy định về việc đầu tư, mua sắm sản phẩm CNTT dùng vốn ngân sách nhà nước, Quyết định số 51/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm. Bộ TT&TT cũng đã ban hành Danh mục các sản phẩm PMNM được ưu tiên sử dụng trong các cơ quan nhà nước, và hướng dẫn chi tiết quy định về ưu tiên sử dụng PMNM trong Thông tư số 08/2007/TT-BBCVT. Hiện nay Bộ TT&TT cũng đang tiếp tục xem xét, cập nhật, bổ sung Danh mục sản phẩm PMNM được nói trên, đồng thời đang nghiên cứu, xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định về đầu tư, mua sắm phần mềm trong các cơ quan nhà nước, trong đó sẽ có những quy định cụ thể về việc ưu tiên sử dụng PMNM.

Cùng với việc xây dựng các cơ chế chính sách, Bộ TT&TT cũng đang giao cho các đơn vị chức năng của Bộ nghiên cứu thí điểm ứng dụng PMNM trong hoạt động của mình, để xem xét mở rộng trong thời gian tới. Bộ cũng đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sớm triển khai áp dụng các sản phẩm PMNM trong Danh mục đã được ban hành. Sắp tới có thể Bộ trưởng Bộ TT&TT sẽ có chỉ thị yêu cầu các cơ quan chuyên trách về CNTT của các bộ, cơ quan ngang bộ, và các sở TT&TT ở các địa phương đẩy mạnh triển khai ứng dụng PMNM (OpenOffice, FireFox, ThunderBird, Unikey, Ubuntu là các phần mềm được Văn phòng CNTT, thuộc Bộ KHCN giới thiệu) trong hoạt động của cơ quan mình, để từng bước mở rộng việc ứng dụng PMNM trong các cơ quan, đơn vị thuộc ngành, địa phương của mình.

Độc giả: Nguyễn Vân Oanh - Thời báo Vi tính Sài Gòn

Xin chào thứ trưởng, xin ông cho biết nếu so sánh với các nước trên thế giới thì ông đánh giá tình hình triển khai chính phủ điện tử ở Việt Nam hiện nay ra sao? Điểm nào đã đạt yêu cầu và điểm nào chưa? Nếu tính theo thang điểm 10 thì tình hình triển khai của ta đã đạt đến điểm mấy? Và khi nào ta mới đạt được tới mặt bằng chung của thế giới?

Trả lời:

Hàng năm có nhiều tổ chức quốc tế đánh giá chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của các nước trên thế giới nhưng có uy tín nhất là báo cáo của Liên Hợp Quốc. Theo báo cáo đánh giá, xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2008 của Liên Hợp Quốc, Việt nam được xếp hạng 91/182 nước được đánh giá. Theo báo cáo này, chỉ số Chính phủ điện tử của Việt nam đạt 0,4558 (cao nhất là 1) tương đương với 4,558 điểm nếu tính theo thang điểm 10.

Độc giả: Lê Hà - Hà Nội

Thư thứ trưởng, xin thứ trưởng vui lòng cho biết (1) Các thành phần cấu thành một chính phủ điện tử là gì? (2) Các yêu cầu để xây dựng một mô hình chính phủ điện tử ở nước ta? (3) Mục tiêu của việc của chính phủ điện tử mà chúng ta đang hướng đến? và (4) Các mảng đề tài chính mà những nhà nghiên cứu và nhà hoạch định có thể đóng góp? Xin cám ơn thứ trưởng và chúc thứ trưởng sức khỏe.

Trả lời:

1. Dựa trên mối quan hệ của các cơ quan nhà nước, chúng ta có thể nhận thấy các thành phần của Chính phủ điện tử bao gồm:

 - G2G: ứng dụng CNTT để phục vụ tốt hơn giao dịch giữa CQNN với CQNN

- G2B: ứng dụng CNTT để phục vụ tốt hơn giao dịch giữa CQNN với doanh nghiệp

- G2C: ứng dụng CNTT để phục vụ tốt hơn giao dịch giữa CQNN với người dân

- G2E: ứng dụng CNTT để phục vụ tốt hơn giao dịch giữa CQNN với cán bộ, công chức

2. Các yêu cầu và định hướng phát triển Chính phủ điện tử ở nước ta bao gồm:

 - Ứng dụng CNTT để từng bước chuyển thói quen làm việc chủ yếu dựa trên giấy tờ sang phong cách làm việc dựa trên văn bản điện tử trên môi trường mạng và hệ thống thông tin trợ giúp;

- Ứng dụng CNTT để đổi mới hoạt động cung cấp thông tin và dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp

- Ứng dụng CNTT để đổi mới cách thức quản lý tài nguyên thông tin trong các CQNN.

3. Mục tiêu Chính phủ điện tử: tôi đã trả lời ở những câu hỏi trước.

4. Căn cứ vào thành phần cấu thành Chính phủ điện tử, mục tiêu, định hướng tôi đã nêu, rất mong các nhà nghiên cứu có thể đóng góp ý kiến để Bộ TT&TT có thể giúp Chính phủ tổ chức triển khai tốt hơn ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN hướng tới phát triển Chính phủ điện tử.

Độc giả: tran tri - Bình Định

Hiện nay, việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước tiến đến Chính phủ điện tử tại một số tỉnh gặp rất nhiều hạn chế. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là ngân sách địa phương găp khó khăn, đặc biệt là nhận thức của lãnh đạo địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc này. Hầu hết các địa phương đều chủ yếu trông chờ vào kinh phí hỗ trợ của Trung ương là chính. Tuy nhiên, cho đến nay, các khoản kinh phí của Trung ương hổ trợ cho địa phương hầu như là bằng không (kể cả khi đã có Quyết định 43 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2008). Xin thứ trưởng cho biết liệu các mục tiêu của kế hoạch 2008 đề ra có thể đạt được không khi đến nay vẫn chưa triển khai được nội dung gì của kế hoạch. Bộ TT&TT có chế tài gì hoặc có biện pháp gì để yêu cầu các tỉnh phải bố trí kinh phí địa phương cho việc ứng dụng CNTT trong cquan nhà nước. Xin cảm ơn thứ trưởng.

Trả lời:

Tôi cũng nhất trí với những nhận định của đ/c. Về kinh phí ứng dụng CNTT năm 2008 tôi đã trả lời ngay trong câu hỏi đầu tiên.

Về các mục tiêu của Kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2008, một số mục tiêu đã đạt được, một số mục tiêu có thể đạt được vào cuối năm 2008 vì Kế hoạch này có kế thừa rất nhiều kết quả của các Chương trình, Đề án ứng dụng CNTT triển khai trong giai đoạn trước.

Về việc bố trí ngân sách ứng dụng CNTT tại các địa phương phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của Lãnh đạo các địa phương. Nghị định 64 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN đã có quy định yêu cầu các địa phương phải bố trí đủ kinh phí cho các dự án ứng dụng CNTT. Căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và kết quả triển khai ứng dụng CNTT năm 2008, Bộ TT&TT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ các biện pháp thiết thức để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong những năm tiếp theo.

Độc giả: La Khong Tien -

Người làm việc với máy tính có nên được hưởng chế độ độc hại như bên y tế?

Trả lời:

Hiện chưa có nhiều ý kiến cũng như các bằng chứng về việc độc hại do làm việc với máy tính gây nên. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đã áp dụng các biện pháp nhằm giảm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người như:

-  Về bức xạ: các trang thiết bị đều tuân thủ quy định về bức xạ theo các tiêu chuẩn.

-  Về an toàn điện: tất cả các quy định về an toàn đều được các nhà sản xuất bảo đảm theo quy định.

-  Về màn hình: các nhà sản xuất đã có các biện pháp để bảo vệ mắt khi làm việc với máy tính.

- Các nhà sản xuất cũng khuyến nghị khi ngồi lâu làm việc với máy tính cần có những thời gian giải lao giữa chừng hợp lý, vận động sau thời gian sử dụng nhất định…



Trong khoảng thời gian 3 giờ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng đã trả lời được gần 50 câu hỏi. Hiện nay vẫn còn rất nhiều câu hỏi của quý vị độc giả gửi đến nhưng do thời gian có hạn, xin dừng buổi trả lời trực tuyến của Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng tại đây, các câu hỏi của quý vị chưa được trả lời sẽ được chúng tôi chuyển đến Thứ trưởng để tiếp tục trả lời quý vị sau. 

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng:

Dù đã rất có gắng, nhưng thời gian có hạn và có nhiều nội dung nên buổi trả lời trực tuyến hôm nay chưa thể đáp ứng hết được yêu cầu của quý vị độc giả. Thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi xin chân thành cảm ơn quý vị độc giả đã tham gia và đặt câu hỏi thể hiện mối quan tâm đến sự phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam đặc biệt là lĩnh vực UDCNTT ngày hôm nay. Cảm ơn Ban Tổ chức, Trung tâm Thông tin, các báo điện tử ICTnews, VietnamNet, báo điện tử VTCnews đã kịp thời chuyển đến độc giả những câu hỏi của bạn đọc quan tâm và ý kiến trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Sau buổi trực tuyến này, các quý vị độc giả còn có câu hỏi xin tiếp tục gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông theo địa chỉ thư điện tử: giaoluu@mic.gov.vn.  Bộ dự định sang đầu năm 2009 sẽ mở chuyên mục Hỏi đáp và đóng góp ý kiến để quý độc giả có thể thường xuyên gửi ý kiến góp ý hoặc câu hỏi về Bộ TT&TT. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp nhận và trả lời ý kiến của quý vị.

Xin chân thành cảm ơn.

 

 

  • Bộ TT&TT

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;