Giới blogger trên khắp Ấn Độ cập nhật tin nóng từng phút về tình hình Mumbai, ngay sau khi các tay súng Hồi giáo mở cuộc tấn công vào trung tâm thành phố. Một lần nữa, vai trò của "báo chí công dân" trong việc phản ánh sự kiện lại trở nên nổi bật.
Thời của Flickr và Twitter
Blogger Vinu giận dữ tải lên hình ảnh hậu quả của các cuộc tấn công. Ít nhất đã có 101 người chết và 287 người khác bị thương trong làn sóng tấn công dã man này, rất nhiều người trong số đó là người nước ngoài.
Khói đen tỏa ra mù mịt từ khách sạn. Nguồn: Reuters
Đó là chưa kể nhiều du khách phương Tây còn đang mắc kẹt bên trong khách sạn.
Hình ảnh về vụ tấn công cũng đã xuất hiện rất sớm trên trang web chia sẻ ảnh Flickr. Một số blogger khác lại mô tả và bình luận từ gần hiện trường, nhiều người không nén nổi cảm xúc phẫn nộ và đau thương.
" Tôi đã mất ngủ cả đêm. Bàng hoàng, giận dữ và cảm nhận nỗi mất mát to lớn", nữ doanh nhân Dina Mehta viết trên blog cá nhân tại địa chỉ: http://www.dinamehta.com/blog .
Tweeter, website "blog mini" đang rất nổi trong thế giới Net cũng chứng kiến lượng truy cập cao đột biến trong ngày hôm nay. Trong Twitter, các thành viên trao đổi với nhau bằng các "tweet" ngắn (dưới 140 ký tự).
Chỉ trong vòng 5 giây kể từ 7h48 phút sáng (giờ GMT), đã có tới 80 thông điệp được post lên. Đại đa số các bài post tuyên bố sẵn sàng cung cấp thông tin cho giới truyền thông và cập nhật tình hình liên tục.
"Một tên khủng bố vừa nhảy khỏi tòa nhà Nariman. Một nhóm cảnh sát đã tới hiện trường", một "tweeter" viết.
Giúp đỡ và hỗ trợ
Tuy nhiên, cảnh sát lại tỏ ra lo ngại rằng những thông tin và miêu tả quá chi tiết, cập nhật của Twitter sẽ giúp ích cho những tay súng khủng bố còn đang bám trụ bên trong khách sạn, cùng với con tin nước ngoài.
Nguồn: AP
"Rất có thể chúng đang theo dõi thế giới mạng. Đây là một chiến dịch tấn công khủng bố chứ không phải phim ảnh.
Vì thế hỡi các tweeter, hãy trách nhiệm và cân nhắc với mọi bài tweet của bạn", một blogger tại địa chỉ primaveron@mumbai khuyến cáo.
Cố gắng giúp đỡ hệ thống cứu nạn công cộng yếu kém của Ấn Độ, trang blog Mumbai Met (www.mumbai.metblogs.com) đã đăng tải số điện thoại của một loạt bệnh viện trên website của mình, đồng thời kêu gọi độc giả hiến máu.
Trang blog Mumbai Help (mumbaihelp.blogspot.com) lại đưa ra lời khuyên và tư vấn cho những ai có bạn bè, người thân đang sinh sống trong thành phố.
"Hãy hạn chế gọi điện. Đường dây có thể bị nghẽn và cảnh sát sẽ bị cản trở tác nghiệp".
Sau cuộc khủng hoảng, các mạng điện thoại cố định và di động tại Mumbai rơi vào tình trạng nghẽn nặng do có quá đông người tìm cách liên lạc với bạn bè/người thân trong thành phố.
Số người sử dụng ĐTDĐ và tin nhắn SMS để liên lạc chắc chắn sẽ nhiều hơn số người sử dụng Internet.
Nhưng một khi tất cả các đường dây điện thoại đều bị vô hiệu hóa thì rõ ràng, online chính là phương án thay thế tốt nhất.
Báo chí công dân
Chính vì thế, trên Mumbai Help đã xuất hiện bài post của một cô em gái đang cố tìm cách liên lạc với anh trai.
Cô đăng lên một số điện thoại di động để nhờ các thành viên khác gọi thử. Tuy nhiên số điện thoại trên liên tục bận.
"Chúng tôi sẽ làm mọi việc có thể. Chúng tôi muốn nâng đỡ mọi người về mặt tinh thần trong những lúc khó khăn như thế này", bà Dina chia sẻ.
Một con tin đang bị mắc kẹt trong khách sạn Taj Mahal đã sử dụng điện thoại di động của mình để gửi đi một video clip qua đường MMS.
Clip này ghi hình các hoạt động của cảnh sát và người nhận là kênh truyền hình IBN của Mumbai.
Cherian George, một chuyên gia về truyền thông kiểu mới, cho rằng những sự kiện như vụ tấn công Mumbai hay vụ đánh bom London cách đây 3 năm đã minh chứng cho sức mạnh của "báo chí công dân" và "nội dung người dùng tự tạo".
"Nếu như sự kiện diễn ra với quy mô quá lớn, ảnh hưởng đến quá nhiều người - sẽ không một hãng thông tấn nào đủ năng lực để theo dõi từng diễn biến mới một. Nhưng với báo chí công dân, không có gì là không thể".
Những sự kiện kiểu này đã cho thấy tiềm năng to lớn của báo chí công dân đối với truyền thông chính thống", ông George nói thêm.
Trọng Cầm (Tổng hợp AP, PCWorld)