– “Việc triển khai 3G tại VN ở thời điểm này là hoàn toàn phù hợp. Chúng ta học hỏi kinh nghiệm, sử dụng thiết bị 3G đã được chuẩn hoá với giá thành rẻ và tận dụng tối đa hạ tầng mạng 2G” - Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng nhận định.
Cần nhiều giải pháp, dịch vụ và ứng dụng để 3G có thể đi ngay vào cuộc sống. Ảnh: H.P |
Theo đại diện của Bộ TT-TT, việc triển khai 3G là công việc cần thiết và tất yếu. Tuy nhiên, việc thi tuyển và cấp giấy phép dự kiến tiến hành cuối năm 2007 đã bị trì hoãn 3 lần trong năm 2008. Để công nghệ phát huy tối đa và thực sự trở thành “động lực phát triển”, chúng ta cần có những giải pháp, ứng dụng và dịch vụ để kích thích nhu cầu người sử dụng.
“Không nên nhìn nhận 3G là một công nghệ hay giải pháp. Đó là một môi trường với nhiều giải pháp khác nhau để CNTT và viễn thông cùng cộng hưởng và phát triển”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng chia sẻ tại Hội nghị.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam hiện đang được hưởng “lợi thế người đi sau” trong việc triển khai công nghệ 3G. Giá bán thiết bị đầu cuối không còn quá cao so với thu nhập đa số người dân. Thiết bị mạng cũng đã được chuẩn hóa và giá thành cũng rẻ hơn so với trước đây. Mặt khác, kinh nghiệm học hỏi được cho phép các nhà khai thác dịch vụ viễn thông có thể vận dụng tối ưu hạ tầng mạng 2G sẵn có hiện nay.
Chia sẻ quan điểm trên, ông John Stefanac, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Qualcomm, đã trình bày bài tham luận với chủ đề “3G – Động lực phát triển CNTT-VT tại Việt Nam” với những phân tích quan trọng về mối liên kết giữa 2 lĩnh vực này trên nền di động băng rộng.
Đại diện của Qualcomm cũng chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp nhằm khai thác tối ưu những dịch vụ multimedia trên nền 3G và hỗ trợ quảng cáo để người dùng được hưởng mức cước phí hợp lý nhất có thể.
-
Hải Phương