- Kể từ khi tách ra khỏi Viễn thông, Bưu chính luôn được coi là ngành khó khăn, thua thiệt hơn. Với 48.000 cán bộ nhân viên toàn ngành, doanh thu không đủ bù chi phí, mỗi năm lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng, khiến Bưu chính trở thành ngành có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất đất nước. Tuy nhiên, "đó chỉ là những khó khăn bước đầu!". "Ngành bưu chính sẽ phát triển mạnh, vượt qua viễn thông nếu thực hiện được những quy hoạch, cải tổ mới...", Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp nói.
Gỡ 4 việc khó cho Bưu chính
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp tại buổi trực tuyến ngày 6/8. (Ảnh: VNN)
48.000 cán bộ công nhân viên chức đang làm việc; giải quyết chính sách xã hội cho hàng vạn cán bộ nghỉ hưu, thương binh, liệt sĩ; doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng một năm nhưng chi phí lên tới hơn 4.000 tỷ đồng khiến ngành này mỗi năm lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng; chất lượng và năng suất lao động toàn ngành thấp, thu nhập bình quân đầu người rất thấp...là những vấn đề khó khăn nổi cộm và khá nghiêm trọng khiến ngành Bưu chính cảm thấy lúng túng, rụt rè trong giai đoạn này, khi mới chia tách khỏi Viễn thông. Và đó cũng là câu hỏi, là nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo đời sống cho cán bộ ngành Bưu chính, thúc đẩy phát triển một ngành kinh tế của đất nước.
Tại cuộc trả lời trực tuyến ngày 6/8/2008, Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp cho biết, ngành Bưu chính phải được tháo gỡ 4 việc khó, để trước mắt giảm bù lỗ và tiến tới có lãi.
Đó là: Điều chỉnh lại giá cước. Giá cước gửi một bức thư thường hiện là 800 đồng và mức giá này vẫn giữ nguyên từ cách đây 10 năm. Bộ trưởng cho rằng, mức giá này đã lạc hậu quá xa với đời sống, đến nỗi cả người quản lý cũng như người sử dụng không quan tâm đến giá cả này. Và đó là điều phi thực tiễn, phi thị trường!. Bộ trưởng Hợp nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng số 1 và phải được Tổng công ty Bưu chính VN chủ động điều chỉnh lại khung giá cước mới từ nay đến cuối năm.
Nhiệm vụ thứ hai mà ngành Bưu chính cần làm là Tổng rà soát lại đội ngũ cán bộ. Với 48.000 cán bộ nhân viên, chỉ có 17% là trình độ đại học cao đẳng, 18% là chưa qua đào tạo gì, trong đó hợp đồng lao động dài hạn được ký là 22.000 người, doanh thu không đủ bù chi phí, cho thấy, chất lượng lao động thấp, giá trị tạo ra trên bình quân đầu người rất thấp. Vì thế, ngành Bưu chính sẽ phải sàng lọc nhân sự. Đối với cán bộ quản lý thì phải đảm bảo: trẻ hóa, tri thức hóa, chuyên nghiêp hóa và có kiến thức bản lĩnh chính trị. Đối với đội ngũ nhân viên thì nên tiến hành sàng lọc theo nguyên tắc "tận tụy và thạo việc". Bộ trưởng Hợp cũng nhấn mạnh, "con đường sàng lọc nhân sự này phải là con đường nhung lụa, chứ không phải thải loại ồ ạt". Nghĩa là phải phân loại nhân sự, phải đào tạo lại, phải tìm hướng đổi nghề cho họ, phải tìm ra hướng kinh doanh dịch vụ mới để giải quyết việc làm và thu nhập. Cuối cùng, Bộ trưởng cho rằng, ngành Bưu chính cần phải giảm khoảng 1/2 nhân sự thì mới có chất lượng lao động cao.
Điều mà ngành Bưu chính nhìn thấy rõ và dễ dàng thực hiện hơn là Khai thác sử dụng địa điểm thuận lợi. Bởi hầu hết các trung tâm giao dịch của ngành Bưu chính đều đóng ở các vị trí trung tâm, trải dài trên toàn quốc nhưng hiện ngành Bưu chính không tận dụng được thuận lợi này. Hiện nay Bộ TT-TT và tập đoàn VNPT đã đồng ý tạo cho ngành Bưu chính một cơ chế, đó là liên doanh, liên kết, khai thác lợi thế có đất đai, địa điểm trung tâm mà ngành này đang sở hữu. Bộ TT-TT và tập đoàn VNPT sẽ kiểm soát 4 nội dung khi liên doanh liên kết, gồm: quy hoạch, kiến trúc, công năng, cơ chế phân phối lợi ích giữa người có đất và người có vốn. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp gợi ý: Ngành bưu chính có thể liên kết cho thuê địa điểm của mình thành những công sở có gắn liền với chức năng thông tin truyền thông, hoặc cũng thể cho thuê làm văn phòng đại diện...
Nhiệm vụ thứ 4 là mạnh dạn Hợp tác quốc tế. Tìm kiếm bài học và kinh nghiệm quốc tế là những việc mà không chỉ cần thiết đối với riêng một ngành nghề nào. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp trăn trở: Ngành Bưu chính của cả thế giới đều có lãi, tại sao Việt Nam lại lỗ? "Lỗi không phải do con người, mà do cơ chế, do cách làm, do chúng ta bảo thủ không học tập kinh nghiệm thế giới".
Những bức thư tay đến với chiến sĩ hải đảo là món quà vô giá. (Ảnh: VNN) |
"Xã hội luôn luôn cần, mãi mãi cần!"
Một tư tưởng quy hoạch ngành mà Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đề nghị: Bưu chính là ngành mà Xã hội luôn luôn cần và mãi mãi cần. Bởi bưu chính là một dịch vụ xã hội. Nhu cầu xã hội càng phát triển thì bưu chính cũng trở nên không thể thiếu.
Tổng kết của ngành Bưu chính gần đây cho thấy, mức tăng trưởng của chuyển phát thư tay không giảm, mà vẫn tăng trung bình 12%/1năm. Máy tính, Email và Internet đã không làm giảm đi nhiều văn hóa viết thư tay. "Thư viết tay thì lắng đọng văn hóa con người cao hơn nhiều. Những bức thư bằng tay thể hiện ý nghĩa trân trọng nhất", Bộ trưởng chia sẻ.
Nói về sáng kiến của ngành Bưu chính Viễn thông là các điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX), Bộ trưởng Hợp cho rằng, BĐVHX là hình ảnh của ngành Bưu chính, là hình ảnh của VNPT ở cơ sở, là nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân, nơi lấy thông tin từ người dân đến chính quyền các cấp.
Các điểm BĐVHX cần được đầu tư trọng tâm, cần được lồng ghép, gắn BĐVHX với các thiết chế ở địa phương như bệnh xá, trường học, biên phòng... . trở thành một thiết chế văn hóa cộng đồng, không đơn lẻ. "Làm cho BĐVHX trở thành hệ thống ngành dọc ngày càng hoàn hảo về mặt bộ máy, sắc sảo về mặt chuyên môn nghiệp vụ...là nhiệm vụ chính trị của Bộ TT-TT".
"Bưu chính sẽ được đầu tư, quy hoạch và phát triển!"
"Tôi cho rằng, trong tương lai không xa, chúng ta sẽ có thể nhìn lại ngành Bưu chính. Bưu chính sẽ phát triển mạnh, phát triển tốt, thậm chí còn vượt Viễn thông nếu chúng ta đồng lòng thực hiện được những việc tháo gỡ như trên. Tôi nói vui, có khi cái quy luật trước đây về những người làm bưu chính xin sang làm viễn thông sẽ đảo ngược quay trở lại xin làm bưu chính", người đứng đầu ngành này lạc quan nói.
Phút thảnh thơi đọc những cánh thư gửi từ đất liền để vơi bớt nỗi nhớ nhà của chiến sĩ trên đảo Trường Sa. Ảnh: Phạm Tuấn.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng, người làm bưu chính phải tự tin, lạc quan để khai thác thuận lợi. Bưu chính chắc chắn sẽ tiếp tục được đầu tư, được quy hoạch và phát triển!
"Ngành Thông tin Truyền thông có 1 khá, 1 khổ và 3 khó. Khá nhất là Viễn thông, khổ nhất là Bưu chính, khó nhất là ứng dụng CNTT, xuất bản và báo chí . Khó thì tập trung khắc phục, khá thì tập trung phát triển, còn khổ thì tập trung tìm cơ chế tháo gỡ, dứt khoát sẽ đi lên". Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định.
-
Huyền Chi (lược ghi)