- Chịu học, chịu đọc, chịu nghe và chịu đi cơ sở để tổng kết thực tiễn là những điều mà một cán bộ cần trong công việc. Trên cơ sở "4 chịu" đó, người làm lãnh đạo cần phải có thêm "4 biết": biết viết cho mọi người hiểu, biết nói cho mọi người thông, biết làm và biết điều để xử sự với mọi người. Bộ trưởng Bộ TT-TT đã chia sẻ trong cuộc trả lời trực tuyến sáng 6/8, khi trả lời một câu hỏi rất thẳng thắn của độc giả.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp trả lời trực tuyến sáng 6/8/2008. Ảnh: Lê Anh Dũng.
"4 chịu, 4 biết" và phương châm 10 chữ
Độc giả Nguyên Hằng ở Hà Tây hỏi: "Theo tôi đuợc biết Bộ trưởng không có chuyên môn trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, CNTT. Vậy Bộ trưởng đã làm gì để nắm rõ lĩnh vực mình phụ trách và làm tốt chức trách của mình. Bộ trưởng có thể chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này được không?".
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã không ngần ngại chia sẻ rằng: Về cá nhân, có thể nói tôi là người lính xung kích, từ trong chiến tranh sang hòa bình, trong quân đội ra ngoài đời. Kể từ khi nhập ngũ năm 17 tuổi, nay tôi đã 57 tuổi, có 40 năm công tác, kinh qua 18 chức danh, từ cơ sở đến ngành, thành phố, tỉnh và ra trung ương. Qua nhiều lĩnh vực: lực lượng vũ trang, kinh tế, quản lý nhà nước, xây dựng Đảng, hành pháp, lập pháp, quản lý kinh tế, tư tưởng, văn hóa, thông tin.
Tôi có cảm nhận, đi qua tất cả các chức danh, nếu chúng ta làm tốt thì mỗi chức danh phải coi như một trường học tổng hợp. Vì thế, ai đi qua nhiều chức danh, nếu làm tốt, sẽ có vốn liếng và kinh nghiệm cần thiết cho mình trên mọi công việc được giao.
Với bản thân tôi, qua 18 chức danh, ở đâu tôi cũng làm hết sức mình. Tôi cho rằng, cái tài cần nhất của người lãnh đạo, người quản lý là biết quy tụ những người tốt, người có tài xung quanh mình để thực thi tốt mọi nhiệm vụ được tổ chức phân công và nhân dân giao phó.
Trong quá trình công tác, tôi đã được đào tạo kiến thức kinh tế công nghiệp tại Đại học Kinh tế quốc dân, học Lý luận cao cấp tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, học quản lý đô thị ở Liên Xô (cũ) và làm Luận án Tiến sĩ ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về kinh tế hộ đô thị trong cơ chế thị trường. Tôi nghĩ, học qua trường là những kiến thức cơ bản nhưng quan trọng hơn là học qua thực tiễn, qua bạn bè, qua sách vở.
Tôi luôn luôn thực hiện phương châm "4 chịu": chịu học, chịu đọc, chịu nghe và chịu đi cơ sở để tổng kết thực tiễn. Trên cơ sở đó để có "4 biết": biết viết cho mọi người hiểu, biết nói cho mọi người thông, biết làm và biết điều để xử sự tốt với mọi người.
Từ đó, tôi thực hiện phương châm 10 chữ trong hành động: tận tụy để cấp dưới thương, gương mẫu để cấp dưới trọng, sáng tạo để cấp dưới có thêm việc làm và có thu nhập chính đáng, dân chủ để cấp dưới dễ gần và có thông tin, kỷ cương để người tốt luôn luôn có điểm tựa, người chưa tốt được giáo dục, rèn luyện cảm hóa, tiến bộ trưởng thành.
Phương châm này tôi thực hiện cả ở 18 chức danh và đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ, nhờ đó tôi có vốn liếng và kinh nghiệm để đảm đương chức vụ hiện nay là Bộ trưởng Bộ TT&TT.
Cố nhiên mọi chức vụ do Đảng và Nhân dân phân công, lấy thước đo tổ chức để phấn đấu trưởng thành. Phải xác định được người tài, người tốt để tập hợp. Khi nào xung quanh mình nhiều người tốt tức là mình đương tốt và ngược lại. Cần biết tín nhiệm của mọi người về mình để xác định chỗ đứng cho mình.
"Quy tụ, tập hợp người tài là thước đo tài năng của người lãnh đạo"
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Trần Đức Lai, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cùng tham gia trả lời trực tuyến sáng 6/8. (Ảnh: VNN)
Trả lời một câu hỏi khá "xóc" nữa của độc giả về khái niệm "người tài" rằng: "Bộ trưởng tự đánh giá thấy mình đã phải là người tài chưa? Những người xung quanh bộ trưởng có phải là những người tài không? Bộ trưởng đã dám cách chức một ai trong số những người không tài đã được bổ nhiệm chưa?", Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng rất thẳng thắn và tự tin bày tỏ:
Quy tụ người tốt, người tài là nhiệm vụ chính trị đặt ra cho Đảng và người đứng đầu, là thước đo tài năng của người lãnh đạo.
Về một bộ đa ngành, đa lĩnh vực vừa chính trị nhậy cảm, vừa kinh tế mũi nhọn, vừa kỹ thuật thời đại như Bộ TT-TT, tôi tiếp tục thực hiện phương châm: gần gũi chuyên gia, cố vấn, người có chuyên môn sâu, kinh qua thực tiễn tốt để tập hợp thông tin, quy tụ lực lượng, hoạch định chính sách.
Tôi cùng tập thể Lãnh đạo Bộ quyết liệt trong lĩnh vực mình cho là đúng đắn: quan tâm công tác quy hoạch, thể chế, luật lệ chuyên ngành, hướng dẫn nghiệp vụ để chỉ đạo hệ thống, đào tạo đội ngũ chuyên ngành, chuyên môn hóa, kiểm tra đốc thúc khen - chê, thưởng - phạt để công việc tiển triển nhanh hơn, hợp thực tiễn trong nước, xu thế thời đại và lòng dân hơn.
"Phải biết chọn cán bộ để đặt đúng vị trí"
Làm lãnh đạo cần phải: biết viết cho mọi người hiểu, biết nói cho mọi người thông, biết làm và biết điều để xử sự với mọi người. (Ảnh: Lê Anh Dũng).
Công tác cán bộ là của Đảng, của ban cán sự Đảng, tôi chỉ xây dựng tiêu chí cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ, để quản lý hiệu quả hơn. Nguyên tắc của tôi là ai hiểu cán bộ thì để cho người đó ra quyết định. Tiêu cực là do không phân cấp để người hiều cán bộ phải báo cáo giải trình cho người không hiểu cán bộ ra quyết định dễ dẫn đến chạy chức, chạy quyền.
Tôi cho rằng, không ai kém cỏi hoàn toàn, chỉ có điều đặt ai vào chỗ nào để phát huy tốt nhất. Mỗi người có thể làm nhiều việc nhưng làm giỏi chỉ một việc, đó là việc họ được đào tạo cơ bản, có năng khiếu sở trường và tâm huyết và say mê nhất.
Người biết làm tổ chức là biết chọn cán bộ để đặt đúng vị trí. Tôi đã thay đổi chức danh cho một số cán bộ ở Bộ. Đó không phải là cách chức mà là điều chỉnh cho phù hợp hơn, đúng vị trí và phát huy khả năng của họ như đã làm ở Cục Ứng dụng CNTT, Viện Chiến lược, Cục Phát thanh - truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Thông tin đối ngoại... Các đổi mới, luân chuyển, thay thế đó được đa số đồng tình, người được bổ nhiệm phát huy tốt.
Ngay công tác cán bộ ở những tập thể mất đoàn kết cũng vậy. Xây dựng hạnh phúc gia đình là thiêng liêng nhất của mỗi người. Nhưng khi không ở được với nhau thì vẫn có luật hôn nhân gia đình để chia tay, nói gì là công tác cán bộ. Vì thế ở đâu cán bộ không phù hợp thì có phương án điều chuyển, thay thế, luân chuyển, để mọi người tránh được môi trường cũ không phù hợp đáp ứng yêu cầu mới tốt hơn.
Công tác cán bộ không chỉ vì một tổ chức mà còn vì từng con người. Nhiệm vụ là phải củng cố từng cơ sở. Vấn đề là đánh giá đúng và làm công tác tư tưởng tốt, gặp từng cán bộ để góp ý, phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế để cán bộ phấn khởi, đoàn kết tiến lên.
Tóm lại về mặt cá nhân, tôi chỉ hứa một điều là bất kỳ vị trí nào do Đảng phân công, nhân dân tín nhiệm tôi đều cố gắng cao nhất, đoàn kết anh em, suy nghĩ sáng tạo, tự tin, tự chủ, vững vàng trên cương vị được giao, tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, của công dân, của chính quyền cơ sở, để thực thi tốt trách nhiệm trong bộ máy công quyền và hệ thống chính trị của đất nước.
Tôi hứa sẽ đoàn kết anh em phấn đấu vươn lên, hoàn thành trách nhiệm người đứng đầu ở một ngành rộng lớn, đưa ngành trở thành nền tảng của mọi sự phát triển, đóng góp tốt nhất vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế thắng lợi. Thực hiện bằng được mục tiêu: Đoàn kết, Trí tuệ, Đổi mời, Hội nhập và Phát triển.
- H.C (lược ghi)