Không chỉ chi 410 triệu USD để mua nốt 52% cổ phần còn lại của Symbian, Nokia còn dự định công bố miễn phí hệ điều hành này cho tất cả các hãng điện thoại khác.
Nguồn: AP |
Liên minh hùng mạnh
Phần mềm Symbian hiện đang được cài đặt trong hai phần ba số smartphone lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, địa vị thống trị của nó đang bị Apple iPhone và Google Android thách thức.
Trong thời gian tới, Nokia sẽ cùng với Sony Ericsson, Motorola và mạng di động NTT DoCoMo của Nhật Bản lập ra một quỹ phi lợi nhuận.
Họ sẽ kết hợp 3 phiên bản Symbian khác nhau của mình thành một nền tảng chung, mở và áp dụng cho mọi dòng smartphone.
"AT&T, LG Electronics, Samsung Electronics, STMicroelectronics, Texas Instruments và Vodafone Group sẽ sớm gia nhập liên minh này", Nokia cho biết. Đây đều là các hãng sản xuất ĐTDĐ, mạng không dây và hãng chip hàng đầu thế giới.
Nếu như 90% số máy tính cá nhân trên thế giới đang sử dụng hệ điều hành Windows, thì thị trường hệ điều hành di động phân ly hơn nhiều.
Với hơn 10 nền tảng cạnh tranh với nhau, giới phát triển phần mềm gặp vô vàn khó khăn trong việc xây dựng ứng dụng di động.
Chi phí của các hãng điện thoại và mạng viễn thông cũng bị đội lên đáng kể, do họ phải xử lý với quá nhiều hệ thống khác nhau.
Trong cuộc đua giành vị trí thống trị, giá thành chính là yếu tố làm nên sự khác biệt. Nếu như Symbian và Microsoft tính phí phần mềm thì LiMo Foundation lại tặng không hệ điều hành.
Bản thân Google cũng dự định cho không nền tảng Android, đồng thời cam kết đây là nền tảng "hoàn toàn mở".
Lợi nhiều đường
"Có vẻ như Nokia đang e ngại sự nổi lên của những hệ điều hành giá rẻ như Google Android hay LiMo Foundation", nhà phân tích Neil Mawston của Strategy Analytics nhận định.
Với việc thành lập quỹ Symbian phi lợi nhuận, Nokia không những gạt bỏ được bài toán giá thành mà còn "thanh toán" một nỗi âu lo đang đè nặng lên giới di động.
Đó là: không muốn bị một công ty duy nhất chi phối, giống như cách Microsoft đang thao túng thị trường phần mềm desktop.
Theo chuyên gia Greger Johansson, việc Nokia "mở cửa" Symbian sẽ càng tăng cơ hội "vô địch" cho hệ điều hành này.
Tuy đang nắm giữ khoảng 60% thị phần smartphone toàn cầu, song Symbian lại không mấy nổi tại Mỹ, nơi thị trường smartphone đang chịu sự thống trị của RIM, Palm và Windows Mobile. Ngoài ra còn có một đối thủ mới đáng gờm là Apple iPhone.
Về phần mình, Nokia sẽ được lợi lộc gì từ hành động "hào phóng" này?
"Với một nền tảng mở, được chấp nhận rộng rãi, chúng tôi sẽ có cơ hội sáng tạọ hơn. Các thiết kế smartphone mới sẽ nhanh hơn, mạnh hơn và ổn định hơn", ông Kai Oistamo, Giám đốc bộ phận Kinh doanh thiết bị của Nokia cho biết.
Lô điện thoại đầu tiên sử dụng phiên bản Symbian hợp nhất dự kiến đến tay người dùng trong vòng 2 năm nữa.
Trọng Cầm (Tổng hợp AP, Reuters)