- Thống kê về thuê bao di động tại Việt Nam liên tục tăng "phi mã" trong 5 năm gần đây, nhưng doanh thu trung bình trên mỗi người dùng lại giảm tới một nửa, chỉ còn 6-7 USD/tháng. Liệu 3G sẽ là đường thoát cho doanh nghiệp viễn thông?
Smartphone ngày càng rẻ, nhưng người dùng Việt Nam không sử dụng được hết tính năng mà chỉ để nghe gọi là chủ yếu. Ảnh: Hưng Hải. |
Mức tiêu dùng quá thấp là kết quả của thời gian dài các hãng viễn thông "đốt kho số" để chạy đua số lượng thuê bao. Những đợt khuyến mại liên tục giữa các hãng tạo thói quen cho khách hàng chờ đợi khuyến mại mới sử dụng, mua sim dùng hết tiền khuyến mại rồi bỏ hoặc dùng nhiều số điện thoại một lúc.
Viễn thông Việt Nam vẫn chỉ được đánh giá "có tiềm năng hấp dẫn" chứ chưa thành một thị trường thực sự mạnh. Những nước có mức chi tiêu trung bình dưới 10 USD/tháng như Việt Nam lại có số lượng thuê bao rất đông, gần nhất là Thái Lan có 52 triệu thuê bao và cao nhất là Ấn Độ với 229 triệu thuê bao. Bản báo cáo được hoàn thiện cuối năm 2007 và tại thời điểm đó Việt Nam chỉ có khoảng 32 triệu thuê bao di động (Tháng 6/2008, Bộ TT-TT công bố con số trên đã lên tới 48 triệu).
Thị trường nhỏ, mức tiêu thụ thấp và có xu hướng giảm là lý do khiến triển khai 3G được xem là cánh cửa cho doanh nghiệp viễn thông di động có thể tiếp tục phát triển "bằng cạnh tranh dịch vụ". Ông Tống Viết Trung, Giám đốc Viettel Telecom - công ty có số thuê bao đông nhất hiện nay, cho biết, doanh thu năm 2007 của công ty này khoảng 1 tỷ USD và sẵn sàng đầu tư 500 triệu USD trong năm đầu tiên để xây dựng hệ thống mạng 3G nếu việc thi tuyển thành công.
"Số lượng thuê bao 2G đã đủ lớn. Công nghệ 3G có thể dễ dàng phát triển lên từ 2G, kèm theo nó là hàng loạt các giá trị gia tăng hấp dẫn", ông Trung nói. "Chúng ta có thể thấy giá bán của các thiết bị 3G ngày càng rẻ, nhu cầu những dịch vụ công nghệ cao tăng lên khiến những thuê bao 2G có thể chuyển sang sử dụng 3G".
Kết quả nghiên cứu của Viettel cho thấy hầu hết người dùng tỏ ra thích thú với công nghệ mới. Nguồn: Viettel |
Kết quả nghiên cứu về 3G của hãng này rất khả quan. Hầu hết những dịch vụ căn bản trên nền 3G như thoại video, truyền hình di động, kết nối Internet... đều được người dùng chấp thuận với tỷ lệ cao. Trong khi đó, tốc độ phát triển thuê bao nhu cầu nghe gọi thông thường đã bắt đầu suy giảm.
Theo tính toán của các chuyên gia, những dịch vụ gia tăng trên nền 3G sẽ tăng mức chi tiêu trung bình trên mỗi thuê bao Việt Nam lên khoảng 50-70%, tức là khoảng 12-15 USD/tháng. Ông Andrew Reilly, Phó Chủ tịch phụ trách đầu tư quốc tế của tập đoàn Telstra (Úc), khẳng định những tính toán của tập đoàn này cho thấy đóng góp vào khoản tăng doanh thu sẽ gồm: dịch vụ di động sẽ tăng khoảng 12,5%, dịch vụ băng rộng tăng 65,2%, các dịch vụ dữ liệu và IP tăng 8,3% và các dịch vụ khác đóng góp 7,8% nữa. Trong hệ thống mạng 3G của Telstra, doanh thu về 3G đã đuổi kịp 2G, có khoảng hơn 300 nghìn người dùng có ARPU trên 100 USD/tháng.
Với thị trường có chỉ số ARPU thấp như Việt Nam thì điều quan trọng là mức giá hợp lý để đến được với số đông.
"Marketing dịch vụ 3G phải thể hiện được những điểm chính của công nghệ này. Cụ thể là 3 điểm chính: trực quan, toàn cầu và tiện ích", Tiến sĩ Hoelyun Ahn, Phó Chủ tịch SK Telecom, chia sẻ.
Trong đó, vấn đề trực quan là làm sao người dùng phải thấy sự hấp dẫn cụ thể từ 3G, ví dụ như tăng số lượng người dùng thoại video thành một cộng đồng chẳng hạn. Việc nâng cấp lên mạng 3G phải đảm bảo tương thích với những điện thoại 2G sẵn có và đang hoạt động trên thị trường.
Kinh nghiệm phát triển 3G cho thấy sự thành công nằm ở những dịch vụ được cung cấp hơn bản thân công nghệ này. Trên cùng 1 nền tảng mạng của mình, SK Telecom hiện có tới 7 loại dịch vụ hướng thoại và 2 dịch vụ dữ liệu hỗ trợ đa nền tảng kết nối với nhiều loại thiết bị khác nhau. Điện thoại di động có thể thay thế hoàn toàn máy tính trong một số công tác truyền thông với Mobile PC, Mobile Email, Mobile Web và Mobile IP TV.
-
Hưng Hải