Trong bối cảnh thị trường di động bùng nổ với số thuê bao năm sau cao gấp đôi năm trước, kinh doanh SIM có thực dễ dàng và hái ra tiền?
Trước khi viết bài này, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một người làm kinh doanh, chứ đừng nói tới là một doanh nhân thành đạt. Lý do chủ yếu, lượng kiến thức về lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt này của tôi khá ít ỏi.
Bụng bảo dạ sẽ tránh xa kinh doanh kẻo thiệt thân nhưng khi nghe lời dụ dỗ của một đại lý SIM cấp hai, với lời phân tích viễn cảnh tươi sáng: tốc độ phát triển thuê bao di động như vũ bão, nhiều khách hàng lại sở hữu cùng lúc vài SIM hoặc liên tục thay SIM mới, tôi đã bị hấp dẫn. Cứ theo anh chủ đại lý kia nói, người bán SIM chỉ cần “rung đùi”, thu lãi một cách nhẹ nhàng và hưởng hoa hồng từ phía nhà mạng.
Thế là, tôi nhận liều 50 SIMCard của 3 mạng khác nhau (Vinaphone, MobiFone và Viettel) với giá trung bình 48.000 VND/SIM và quyết định bán ra với mức giá từ 55.000 - 70.000 VND tùy SIM.
Biết chuyện “làm kinh doanh” của tôi, cậu bạn thân hiểu biết về lĩnh vực này tá hỏa: “Bà làm thế thì lỗ chổng vó, phải có dây từ mấy mạng ấy, mới mua được SIM rẻ, SIM đẹp”. Chột dạ vì mình không biết ai từ trung tâm SIM số của bất kỳ mạng nào, nhưng rồi tôi chặc lưỡi: “người ta làm được, mình cũng làm được”.
Kết quả, sau một tháng, lượng SIM bán ra chỉ chiếm 1/3 lượng nhập về khiến tôi thực sự lúng túng. Khách hàng thường chê “Số xấu mà đòi giá cao” hoặc “sao toàn số lùi”. Cuối cùng, dù ban đầu hứng khởi, nhưng khi vập vào thực tế, tôi mới hiểu kinh doanh SIM không phải thiên đường dành cho mình.
Nhưng siêu lợi nhuận
Giã từ ý tưởng trở thành một “bà chủ”, tôi lại muốn tìm hiểu bằng được những ngóc ngách của nghề buôn SIM vốn “nức tiếng gần xa” về khả năng sinh lợi. Kỳ cục nhờ qua hàng chục mối quan hệ, tôi tiếp cận được với một ông chủ nhỏ tên H, mới 18 tuổi chuyên kinh doanh SIM online. H tự hào khoe với tôi về những món lợi thu được từ việc kinh doanh SIM.
Trước đây, H say mê với việc độ “dế”. Nhưng rồi, phong trào độ “dế” lắng lại, tiền kiếm được từ độ “dế” chẳng đáng là bao. H phải tạm gác đam mê và tìm được một hướng đi mới để đảm bảo cuộc sống. Một cách hết sức tình cờ, H quyết định kinh doanh SIM số do có một mối quan hệ thân thiết với một số nhân viên tại trung tâm SIM số.
Không làm ăn to, H chỉ bán những chiếc SIM số bình thường, không quá “đẹp”, có giá vài chục ngàn và hưởng lãi suất. Thế nhưng chỉ sau 3 tháng làm ăn, H đã có trong tay cả chục triệu đồng tiền lãi. “Em có thể lấy giá của MobiFone rất mềm vì có người quen. Nếu khách đặt số đẹp và độc, em cũng có thể cung cấp. Những khách hàng như vậy đem lại nhiều lãi suất nhất.
Còn với số thường, vốn ban đầu thường ở mức 45.000 VND/1 SIM đầu 090, 42.000 VND/ 1 SIM đầu 093 và cuối cùng, 0122 là 41.000 VND/SIM. Đó là giá nhập vào. Còn bán ra trung bình sẽ là 70. 000 VND/1 SIM. Như vậy sẽ lãi ít nhất là 25.000 VND/SIM. Còn với Vina, Viettel thì do không có người quen nên em phải lấy giá cao hơn một chút. Nhưng tóm lại là lãi lắm”, H hứng khởi cho biết.
Chia tay H, tôi đến gặp ông T.A, được giới sành sỏi về SIM tìm đến bởi số lượng “siêu SIM” sở hữu cực lớn. Những con số mà T.A đưa ra sẽ khiến cho bất kỳ một ai cũng cảm thấy thèm thuồng và ước muốn.
Ban đầu, T.A cũng chỉ kinh doanh SIM “bình dân”, định giá mỗi chiếc khoảng vài chục ngàn đồng. “Lúc đầu rất ổn vì nhu cầu chủ yếu của khách hàng tập trung ở ĐTDĐ chứ chưa phải là SIM đẹp hay xấu, dễ hay khó nhớ, lấy series số trùng ngày kỷ niệm đặc biệt cũng không cao. Nhưng từ năm 2006 trở đi, nhu cầu khách hàng chuyển biến mạnh, đặc biệt không ít người mua muốn thể hiện đẳng cấp qua SIM, T.A đã chuyển sang kinh doanh SIM số đẹp. Hiện giờ anh đã sở hữu trong tay hơn 3.000 siêu SIM, tổng trị giá lên tới vài tỷ đồng.
Khi thấy chúng tôi “mắt tròn mắt dẹt” vì ngạc nhiên, T.A đưa ra một ví dụ cụ thể: “Thế này nhé, anh có một lô sim 01222222xxx, trong đó xxx là từ 000 cho tới 999 nhập chưa tới 400 triệu. Thế mà giờ có khách hàng mạnh tay trả anh 1,2 tỷ VND. Nhưng mức giá này có thể còn cao hơn nữa nên đã có lãi rồi mà anh vẫn chưa thèm bán đấy”. Tất nhiên, số lượng SIM trị giá tỷ đồng như trên không thật nhiều. Số lượng SIM trị giá vài trăm triệu/SIM phổ biến hơn.
Buôn Sim ĐTDĐ có phải một nghề béo bở?
Thong thả, T.A khẳng định: “Sau khi mua SIM về, sẽ phân loại từng SIM, căn cứ theo nhu cầu của thị truờng mà tự định giá”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cái khó trong kinh doanh SIM đẹp là làm sao đưa ra một mức giá phù hợp với đối tượng khách hàng vừa hiểu biết, vừa giàu có.
Giá cao quá thì không bán nổi, lại mất uy tín. Nhưng chỉ cần định giá hơn thấp một chút là các đại gia sẽ không thèm ngó tới vì nó không hợp đẳng cấp. Tất nhiên, ngoại trừ những SIM có ý nghĩa cá nhân đặc biệt với khách hàng, lúc đó giá cả cũng không còn quá quan trọng. Nhưng có thể khẳng định, với một “siêu SIM”, người bán có thể lãi cả trăm triệu đồng.
Thế nhưng, để theo đuổi được nghiệp kinh doanh SIM lớn thì không phải ai - dù có vốn - cũng chịu được “nhiệt”. Bởi lẽ, số tiền đầu tư ban đầu không ít, trong khi vốn quay vòng không nhanh. Lý do, SIM là mặt hàng kinh doanh đặc thù, không thể bán ngay được một lúc mà phải lâu dài. Do đó nó đòi hỏi người làm ăn phải đủ kiên nhẫn và cả vốn để chịu đựng trong khoảng thời gian ban đầu.
Cần một chữ tâm
Như thế, rõ ràng kinh doanh SIM mang đến cho chủ một món lợi lớn. Nhưng cũng vì thế mà nhiều kẻ đã lợi dụng nhu cầu của thị trường để cung cấp SIM “ngoài luồng” như SIM ăn cắp, SIM rác…
Cách đây ít ngày, tôi nhận được cuộc gọi từ cô bạn gái học cùng cấp 3. Linh cho biết cô chuyển đổi số từ MobiFone sang dùng Viettel nhưng muốn giữ 6 số đuôi nên đã lùng sục khắp nơi và cuối cùng đã mua được từ một cửa hàng SIM với giá 550.000 VND.
Tuy nhiên vài chục phút sau đó, chiếc SIM bỗng “dở chứng” không thể gọi được. Hỏi người bán SIM, cô chỉ nhận được cái lắc đầu: “Chị chỉ biết bán thôi, còn vì sao không gọi được thì chị chịu em ạ”. Cực chẳng đã, Linh gọi tới tổng đài của Viettel, câu trả lời khiến Linh hoàn toàn ngỡ ngàng: Đó là chiếc SIM đã bị mất cùng ĐTDĐ. Người sở hữu thực sự của nó đã thông báo lên tổng đài xin khóa số sau khi phát hiện bị mất.
Một vấn đề nữa mà người viết bài này muốn đề cập, đó chính là tình trạng các chủ cửa hàng SIM tự ý kích hoạt từ trong bộ KIT để nhận tiền thưởng từ nhà mạng. Thông thường mỗi thuê bao được kích hoạt, đại lý sẽ đựơc nhận 10.000 VND tiền hoa hồng.
Và để có được số tiền đó, các đại lý đã không ngần ngại kích hoạt SIM trước, nhờ người nhà hoặc người quen đăng ký hàng loạt thuê bao, thậm chí khai dữ liệu khách hàng ảo để được nhận tiền hoa hồng phát triển thuê bao từ các công ty thông tin di động. Và chính hành động đó đã góp phần tăng mạnh số lượng thuê bao ảo của các mạng, gây ra tình trạng rối ren với các thuê bao trả trước. Bản thân các nhà mạng mặc dù không thu được tiền phát sinh cước nhưng vẫn phải chi trả số tiền hoa hồng cho đại lý… Thế mới thấy, làm gì cũng cần một chữ Tâm.
(Theo e-Chip Mobile)