Hy vọng cuộc đàm phán lần 2 giữa Microsoft và Yahoo sẽ đạt được kết quả, nhà đầu tư tỷ phú Carl Icahn đã thúc giục Yahoo chấp nhận bán mình với mức giá mới 49,5 tỷ USD - tức là cao hơn khoảng 2 tỷ USD so với lời đề nghị cuối cùng từ Steve Ballmer.
Công khai mức giá
Trước khi mất hết kiên nhẫn và tuyên bố quay lưng lại với Yahoo, Giám đốc điều hành Ballmer của Microsoft đã từng nâng giá bỏ thầu từ 31 USD lên 33 USD/cổ phiếu.
Giám đốc điều hành Jerry Yang của Yahoo. Nguồn: AP
"Theo ý kiến chủ quan của tôi, Microsoft sẽ không tin các ông chịu bán toàn bộ Yahoo một cách thiện chí đâu.
Sao các ông không dừng ngay việc vờn vẽ loanh quanh để đi thẳng vào vấn đề nhỉ, bằng cách gợi ý bán lại cho Microsoft với giá 34,375 USD, kèm theo lời hứa về một sự hợp tác toàn tâm toàn ý?"
Đây là lần đầu tiên Icahn "nói toạc" ra con số cụ thể mà ông ấp ủ trong đầu. Ý tứ của Icahn là rất rõ ràng:
"Nếu như ban giám đốc Yahoo không đạt được thỏa thuận với Microsoft trước ngày 1/8 tới, ông sẽ tìm cách hất cẳng toàn bộ êkip này và sa thải luôn cả Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Jerry Yang".
1/8 là ngày diễn ra đại hội cổ đông thường niên năm nay của Yahoo. Theo dự kiến cũ, đại hội sẽ diễn ra vào ngày 3/7.
Tuy nhiên Ban giám đốc Yahoo đã phải chơi hạ sách "câu giờ", lùi thời điểm họp do e ngại lời đe dọa của Icahn.
Trong trường hợp cuộc "lật đổ" thành công, Icahn tuyên bố ông sẽ thuê một Giám đốc điều hành mới "tài năng và giàu kinh nghiệm", kiểu như Eric Schmidt của Google, trước khi cố gắng bán Yahoo cho Microsoft.
Khẩu chiến
Về phần mình, Yahoo tuyên bố việc Icahn áp đặt giá bán một cách công khai kiểu này thật "không khôn ngoan và là một lời khuyên tồi".
Họ cáo buộc Icahn "chẳng nắm được gì về kế hoạch điều hành Yahoo" và lời gợi ý nói trên "sẽ gây tác động tiêu cực đến Yahoo, cũng như không phục vụ lợi ích lớn nhất của các cổ đông"
Đại diện Microsoft thì từ chối bình luận về vụ việc.
Đàm phán sáp nhập giữa hai gã khổng lồ Microsoft và Yahoo đã chính thức đổ vỡ vào hôm 3/5, sau khi Steve Ballmer rút lại "lời đề nghị bằng miệng" trị giá 47,5 tỷ USD của mình, do Jerry Yang cứ nhất quyết hét giá 37 USD/cổ phiếu.
Nên nhớ đây là mức giá mà cổ phiếu Yahoo chưa từng đạt đến suốt từ tháng 1/2006 cho tới nay.
Theo ông Peter Falvey, Giám đốc điều hành Revolution Partners, với việc gợi ý một giá bán cụ thể cho Yahoo, ông Icahn "đang gây sức ép buộc Yahoophải mở rộng đàm phán hơn nữa với Microsoft".
Hiện tại, Microsoft đang thăm dò khả năng mua lại bộ phận tìm kiếm và quảng cáo của Yahoo, thay cho ý định thâu tóm toàn bộ đối thủ như trước đây.
Mặc dù vậy, ý tưởng này rõ là không được lòng Icahn và nhiều cổ đông Yahoo khác.
Theo họ, hai hãng cần phải sáp nhập với nhau thì mới thách thức được địa vị thống trị áp đảo của gã khổng lồ tìm kiếm Google.
"Một mặt, mức giá 49,5 tỷ USD sẽ tạo thêm sức ép mới cho Yahoo. Tuy nhiên, nó cũng là khởi điểm thuận lợi để hai bên thảo luận trở lại mà không có vẻ như là Yahoo đang phải xuống nước "năn nỉ" Microsoft", ông Falvey bình luận.
"Yang có thể ngang nhiên nói với Ballmer rằng: "Này, chúng ta cần trao đổi thêm. Có người gợi ý như sau..... Ít nhất thì không có ai bị mất thể diện cả".
"Tọa sơn quan hổ đấu"
Nhiều chuyên gia vẫn dự đoán rằng chẳng chóng thì chầy, Microsoft và Yahoo vẫn đồng ý sáp nhập với nhau ở mức giá dao động từ 34-35 USD/cổ phiếu.
Có ít nhất hai cổ đông lớn của Yahoo - quỹ Capital Research Global Investors và Legg Mason đã công khai xác nhận: họ sẵn sàng bán cổ phiếu cho Microsoft với giá 34 USD.
Trong đó, Capital Research Global hiện là cổ đông lớn nhất của Yahoo với 16% cổ phần trong tay.
Dù luôn nhấn mạnh rằng "không còn hứng thú với việc nuốt chửng toàn bộ Yahoo nữa", song trên thực tế, cũng chưa lần nào Microsoft công khai loại trừ khả năng đưa ra một lời đề nghị mới cả.
Theo Falvey, chiến thuật hợp lý nhất cho Microsoft lúc này là "tọa sơn quan hổ đấu", tức là im lặng quan sát.
Toàn bộ công tác gây áp lực, vận động hành lang... hãng sẽ nhường lại cho Carl Icahn.
Với chiêu bài này, Microsoft chẳng cần động chân động tay, vẫn giữ được vị thế - thể diện mà lại có thể đạt được ý đồ của mình.
Niềm hy vọng của phố Wall về một thỏa thuận mới "thân thiện hơn" đã giúp níu kéo cổ phiếu Yahoo ở mức giá trên 26 USD trong suốt thời gian qua. bất chấp đà suy giảm mạnh mẽ của toàn bộ thị trường chứng khoán.
Cũng cần phải nhắc lại rằng: chính Icahn là người đã tác động để Oracle thâu tóm thành công BEA Systems.
Lúc đầu, Oracle cũng rút lại lời đề nghị mua lại trị giá 17 USD/cổ phiếu, sau khi BEA khăng khăng hét giá 21 USD.
Chính Icahn đã giúp hai bên đàm phán ở mức mức 19,375 USD, trong một thương vụ trị giá 8,5 tỷ USD.
Kế hoạch "thuốc độc"
Sau khi Microsoft bỏ đi, rất nhiều cổ đông Yahoo đã nổi giận với ban giám đốc.
Họ tin rằng Yang đã để tình cảm cá nhân phá hoại một cơ hội "hiếm có khó tìm", bởi mức giá bỏ thầu mà Microsoft đưa ra đã cao hơn giá trị thị trường của Yahoo tại thời điểm 31/1 tới 62%.
Còn nếu so sánh với mức giá 19,18 USD/cổ phiếu trước khi Microsoft ngỏ lời, con số 34,375 USD do Icahn gợi ý sẽ cao hơn tới 78%.
Trước làn sóng chỉ trích gay gắt nhằm vào mình, Jerry Yang vẫn cố cam kết và khẳng định rằng Yahoo "đang trên đà phục hồi".
Yang hứa hẹn rằng chiến lược kinh doanh mới sẽ thu hút dòng tiền quảng cáo trực tuyến lớn hơn, với doanh thu tăng trưởng ít nhất 25% trong hai năm 2009 và 2010.
Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng này vẫn thua xa Google. Doanh thu quý I của gã khổng lồ tìm kiếm đã tăng tới 46% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh việc "rỉ tai" một mức giá mới, Icahn cũng khuyến nghị Yahoo hủy bỏ kế hoạch "bồi thường cho nhân viên" gây nhiều tranh cãi.
Nếu cứ áp đặt kế hoạch này, Microsoft sẽ phải bỏ thêm tới 2,5 tỷ USD nữa, khiến cho giá trị toàn bộ thương vụ lên tới 35 USD/cổ phiếu.
Một số cổ đông đã đâm đơn kiện Yahoo, cáo buộc kế hoạch "bồi thường" là một chiêu bài do Ban giám đốc đặt ra để "cố ý cản trở" Microsoft mua lại.
Thậm chí bên ngyên còn tin rằng Ban giám đốc đã "đóng kịch" và lừa dối cổ đông, khi xác định sẵn tư tưởng: Từ chối mọi lời đề nghị mua lại ngay từ năm 2007.
"Ngoài mặt, họ vẫn nói leo lẻo là: Cởi mở với mọi lời đề nghị hấp dẫn. Nhưng bên trong, họ lại soạn sẵn thông cáo báo chí từ chối và làm mọi cách để khiến người mua nản chí".
Riêng Icahn thì gọi kế hoạch "bồi thường" là một "liều thuốc độc".
Nhằm phản bác lại, Yahoo khẳng định họ chỉ làm điều tốt nhất cho cổ đông mà thôi, bởi giữ chân các nhân viên giỏi chính là "phương châm sống còn" của công ty.
Trọng Cầm (Tổng hợp AP, PCWorld)