Ngày 3/6, Bill Gates đã có bài phát biểu cuối cùng trên cương vị là chủ tịch của Microsoft với giới phát triển phần mềm.
Bill Gates phát biểu tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, tháng 4/2006. Ảnh: VietNamNet.
Ông nhấn mạnh sự thành công ngày nay của Microsoft chính là kết quả của mối quan hệ hợp tác giữa hãng với các nhà phát triển.
Cách đây 33 năm, Gates cũng bắt đầu công việc của một nhà phát triển khi ông đồng sáng lập ra hãng Microsoft, và hệ điều hành Windows chính là con át chủ bài củng cố vững chắc đẳng cấp của hãng này trong nhiều năm qua.
Gates nói rất ít về thời điểm chuyển đổi vào ngày 1/7 tới đây khi ông giã từ Microsoft, mà tập trung chủ yếu vào đề tài quỹ "Bill and Melinda Gates". "Tôi sẽ đầu tư vào một lĩnh vực mới. Đây là lần đầu tiên tôi thực sự thay đổi nghề nghiệp của mình từ khi 17 tuổi".
Gates cũng đề cập tới chiến lược cũng như định hướng phát triển trong tương lai của Microsoft như đã từng làm trong hơn 30 năm qua trên cương vị chủ tịch của hãng. Cụ thể, Gates tiết lộ về hướng phát triển sắp tới của một model ứng dụng mới, một phần của dự án Oslo, giúp các nhà phát triển có thể dễ dàng xây dựng các SOA (kiến trúc hướng dịch vụ).
SOA cho phép các phần mềm nền tảng chạy trên mạng doanh nghiệp có thể giao tiếp với các phần mềm hoặc một phần của phần mềm chạy bên ngoài tường lửa nhờ sử dụng giao diện ứng dụng và mạng chuẩn để tạo ra những ứng dụng liên kết.
Cũng theo Gates, Microsoft sẽ giới thiệu với các nhà phát triển những hình ảnh đầu tiên về Oslo vào tháng 10 tới đây tại Hội nghị các nhà phát triển chuyên nghiệp (PDC). Oslo sẽ bổ sung thêm kiến trúc thông dụng cho việc ảo hóa các mô hình ứng dụng trong nhiều sản phẩm phần mềm Microsoft khác nhau.
Về dịch vụ, Gates đã nêu một cách chi tiết hơn kế hoạch cạnh tranh với các đối thủ như Google và Amazon.com trong việc cung cấp các trung tâm dữ liệu lớn nhất của ngành công nghiệp để lưu trữ dịch vụ. Microsoft cũng đã tập trung nhiều nguồn lực cho lĩnh vực này nhưng đồng thời cũng đối mặt với sức cạnh tranh gay gắt buộc hãng phải có những động thái dứt khoát nếu không sẽ bị tụt hậu.
"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để thúc đẩy lĩnh vực này. Chúng tôi sẽ lập ra những trung tâm dữ liệu cực lớn mà rất ít những hãng khác có được", Gates tuyên bố.
Gates cũng nhấn mạnh tới công nghệ Web (IE) của hãng, từng mang lại nhiều tiếng tăm cho hãng nhưng cũng đồng thời gây ra nhiều rắc rối. Trong khi IE đảm bảo cho vị trí vững chắc về thị phần Web thì nó cũng khiến cho Microsoft liên tục phải gặp rắc rối với bộ phận chống độc quyền của Mỹ.
Trong vài năm qua, IE đã gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của Mozilla Firefox, trình duyệt nguồn mở ngày càng trở nên thông dụng, khiến Microsoft buộc phải đẩy nhanh quá trình phát triển và cải tiến sản phẩm của mình.
Gates tiết lộ rằng bản beta 2 của IE8 sẽ có mặt trong tháng 8 tới. Ông cũng giới thiệu về công nghệ giao diện con người từng là dự án quan tâm của Gates trong suốt thời gian làm việc ở Microsoft. Công nghệ này cho phép mọi người có thể giao tiếp với máy tính theo cách tương tự như việc máy tính giao tiếp với nhau. Tuần trước, Microsoft đã tiết lộ rằng phiên bản kế tiếp của Windows - Windows 7 sẽ có công nghệ chạm cảm ứng mà Gates đã nhắc tới trong bài phát biểu lần này.
Gates cũng nhắc lại tầm nhìn của ông với dạng thức máy tính bảng (Tablet PC), cho phép mọi người có thể viết và sử dụng giao diện tự nhiên, chẳng hạn như công nghệ nhận dạng giọng nói. Một công nghệ khác mà Gates cũng rất lưu tâm đó là robot. MIT đã cùng Microsoft sáng chế ra một con robot có cử chỉ giống hệt Steve Ballmer, CEO của hãng.
(Theo VnMedia/PCAdvisor)