Giận dữ với tiết lộ mới nhất về việc Yahoo đã lên kế hoạch "chống đối Microsoft" ngay từ năm 2007, nhà đầu tư tỷ phú Carl Icahn tin rằng cần phải hất cẳng toàn bộ ban giám đốc hiện tại, nếu như muốn lôi kéo Microsoft trở lại bàn đàm phán.
Tối hậu thư
Phát biểu trên tờ Wall Street Journal, vị cổ đông 73 tuổi này thằng thừng nhận định "Microsoft khó lòng đưa ra một lời đề nghị mua lại mới, chừng nào Giám đốc điều hành Jerry Yang và 8 vị giám đốc khác vẫn còn "tại vị".
Jerry Yang và Carl Icahn: Ai sẽ thắng? Nguồn: AP
"Mặc dù đã biết không ít vị Giám đốc điều hành tồi, nhưng tôi vẫn cứ bất ngờ với "cái sự dai như đỉa" của Jerry Yang và Ban giám đốc Yahoo trong thương vụ này", Icahn mỉa mai.
Cách đây gần 3 tuần, chính Icahn đã công bố kế hoạch "nổi loạn" trong cuộc họp cổ đông Yahoo thường niên 2008. Theo đó, ông sẽ tiến cử một ban giám đốc 10 người mới, thay thế cho các giám đốc hiện tại.
Lo sợ trước lời đe dọa này, Yahoo đã lần thứ hai phải dùng tới hạ sách "câu giờ", khi quyết định lùi lại thời điểm họp cổ đông.
Theo như thông tin mới nhất thì cuộc họp này sẽ diễn ra vào ngày 1/8 tới tại San Jose.
Jerry Yang và các cộng sự có cớ để mà lo ngại lắm chứ, vì Carl Icahn nổi tiếng là hay "chọc ngoáy" vào tầm lãnh đạo cấp cao nhất ở những doanh nghiệp mà ông đầu tư vào.
Đã không ít lần Icahn phát động một cuộc chiến giành quyền kiểm soát, và tỷ lệ thành công của ông luôn ở mức cao.
Gần đây nhất, chính Icahn đã là nhân tố quyết định để Giám đốc điều hành Ed Zander của Motorola phải từ chức, đồng thời gã khổng lồ di động số 1 nước Mỹ buộc phải "tách đôi" thành 2 công ty độc lập.
Tương tự, cũng do sức ép của Icahn mà BEA Systems đã phải "bán mình" cho Oracle trong một thương vụ trị giá 8,5 tỷ USD, dù cho ban đầu, hãng này cũng lắc đầu quầy quậy (y hệt như Yahoo).
Choáng váng vì tiết lộ mới
ICahn tiết lộ với WSJ rằng cho tới tận hôm qua, ông vẫn còn nuôi hy vọng rằng ban giám đốc Yahoo sẽ "để tâm đến thái độ và phản ứng của các cổ đông lớn" mà nối lại đàm phán với Microsoft.
Thế nhưng đơn kiện Yahoo mà hai quỹ đầu tư nộp lên tòa án Delaware hồi cuối tuần đã làm đảo lộn tất cả.
Trong lá đơn này, nguyên đơn đã tố cáo Yahoo "cố tình cản trở Microsoft mua lại, thậm chí còn soạn sẵn thông cáo báo chí từ chối ngay từ cuối năm 2007".
Đến lúc này thì Icahn buộc phải đi đến kết luận rằng "Yang đã cố tình gây khó dễ cho Microsoft bằng mọi cách".
Ông cũng đã lôi kéo được nhiều đồng minh và cổ đông lớn khác của Yahoo tham gia vào chiến dịch "hạ bệ" ban giám đốc.
Trong số này có cả quỹ đầu tư Capital Research Global, cổ đông lớn nhất hiện nay của Yahoo với 16% cổ phần trong tay.
CRS từng tiết lộ với báo giới là họ sẵn sàng bán cổ phiếu Yahoo lại cho Microsoft với giá 34 USD, tức là thấp hơn nhiều so với con số mà Jerry Yang đòi hỏi.
Dường như Yang cũng đã tìm nhiều cách để xoa dịu phản ứng của Icahn, bao gồm cả việc đá quả bóng trách nhiệm sang chân Microsoft.
Theo lời Yang thì "Microsoft đã hết hứng thú với việc mua lại Yahoo", chứ còn từ đầu chí cuối, Yahoo luôn "cởi mở trước mọi lời đề nghị".
Hàm ý của Yang là ông Icahn đã cố tình phớt lờ thực tế là Microsoft không còn mặn mà với Yahoo nữa, và việc ông xúc tiến một cuộc chiến giành quyền kiểm soát là không cần thiết.
Và "bức xúc"
Hồi giữa tháng 5 vừa qua, Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft thừa nhận hãng của ông đã nối lại đàm phán với Yahoo.
Nhưng lần này, hai bên chỉ thảo luận về một "quan hệ hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến", chứ không nhằm sáp nhập hoàn toàn như ý định ban đầu.
Lẽ dĩ nhiên, một thỏa thuận kiểu này khó có thể làm hài lòng những cổ đông lớn như Icahn. Bởi nếu bán đi bộ phận tìm kiếm trực tuyến, Yahoo cũng chẳng khác gì con trai đã bị lấy mất viên ngọc cả.
Sự im lặng của Icahn trong suốt 3 tuần qua đã khiến cho nhiều người thắc mắc. Thậm chí có người còn cho rằng:
"Vì Microsoft đã đưa ra một lời đề nghị mới kém hấp dẫn, nên Icahn chuyển sang... ủng hộ Yahoo liên kết với Google".
Nhưng với đòn tấn công mới nhất nhằm vào Yahoo, Icahn đã chứng tỏ sự kiên định hơn bao giờ hết của một "nhà đầu tư lão luyện và cáo già".
"Việc thương vụ Micro-hoo không thành giờ không còn là một bí ẩn nữa. Làm sao mà Yahoo có thể diễn kịch giỏi đến thế, khi trước mặt, họ luôn miệng nói rằng sẵn sàng đàm phán và bán công ty.
Nhưng ngay sau lưng, họ lại tìm mọi cách để ngăn chặn khả năng đó, một cách âm thầm và lén lút".
Theo đơn kiện mà Tóa án Delaware thụ lý, Ban giám đốc Yahoo đã xây dựng một kế hoạch "đền bù và bồi thường" hết sức hào phóng cho toàn bộ 13.800 nhân viên của mình.
Theo đó, các nhân viên sẽ nhận được cả tiền mặt lẫn cổ phiếu , nếu bị sa thải hoặc đuổi việc trong vòng 2 năm kể từ khi Microsoft mua lại Yahoo.
Vụ sáp nhập kinh điển?
Kế hoạch này sẽ khiến cho Microsoft phải tốn thêm từ 462 triệu USD cho đến 2,1 tỷ USD, nếu như hai bên đồng ý với mức giá bỏ thầu 31 USD/cổ phiếu.
Còn khi Microsoft nâng giá bỏ thầu lên 33 USD/cổ phiếu, hãng sẽ phải bội chi thêm 514 triệu USD - 2,4 tỷ USD nữa.
Icahn tiết lộ với WSJ rằng ông dự định sử dụng một số thông tin bên trong đơn kiện nói trên để thuyết phục các cổ đông Yahoo tổng cổ ban giám đốc.
Trong khi ấy, Yahoo lại khuyến nghị cổ đông không ký vào bất cứ tài liệu nào ủng hộ Icahn.
Nếu ít nhất 5 trong số 10 ứng viên mà Icahn đề cử có chân trong ban giám đốc, họ sẽ lèo lái thương vụ Micro-hoo theo ý muốn của mình.
Bình luận về thương vụ tốn nhiều giấy mực Micro-hoo, Giáo sư Joseph Grundfest của Trường Đại học Luật Stanford cho rằng nó "xứng đáng trở thành sách giáo khoa về chiến lược sáp nhập".
"Các bước đi của Yahoo và Microsoft đều dễ đoán, vì nó diễn ra đúng theo mô hình truyền thống. Tuy nhiên, chính các nhân tố bên lề mới làm nên sự khác biệt.
Sự xuất hiện của Google như một kẻ phá bĩnh Microsoft và một cứu tinh cho Yahoo, cũng như sự nổi lên của Carl Icahn đã tạo ra một trận chiến "vô tiền khoáng hậu".
Mặc dù vậy, hồi cuối tuần trước, chinh ông trùm truyền thông Rupert Murdoch của News Corp lại không đánh giá cao khả năng "gây nhiễu loạn" của Icahn.
"Tôi không nghĩ Icahn là một mối đe dọa nghiêm trọng. Ông ấy chỉ muốn kiếm thêm cho mình vài trăm triệu USD mà thôi. Nếu tôi là Yahoo, tôi sẽ chẳng lo lắng gì đâu".
Tuy nhiên, Murdoch cũng thừa nhận là ông rất "bối rối, khó hiểu" trước phản ứng của Yahoo trước Microsoft.
Nhưng cũng như nhiều chuyên gia khác, Murdoch tin chẳng chóng thì chầy, Microsoft sẽ đạt được thỏa thuận với Yahoo.
Trọng Cầm (Tổng hợp AP, Reuters)