- Đi vào kinh doanh với 6 dịch vụ căn bản, vệ tinh VINASAT-1 có tới 2 dịch vụ thông tin "đặc chủng" với vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó là khả năng mang hình ảnh Việt Nam qua sóng truyền hình đến cả một vùng rộng lớn của Châu Á - TBD.
Chính thức đi vào kinh doanh, thương mại hóa, VINASAT-1 hiện thực hóa cơ hội tiếp cận thông tin cho người dân mọi miền Việt Nam. Đó cũng là nỗ lực của Chính phủ trong nhiều năm qua trong việc xóa "điểm trắng" thông tin ở những vùng hẻo lánh, đưa chính sách của Đảng, thông tin sản xuất kinh tế, liên lạc đến với mọi người dân.
Để làm rõ hơn những vấn đề người dân và doanh nghiệp có thể hưởng lợi ích từ quả vệ tinh này, phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Quốc Cường, Phó Giám đốc công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) - đơn vị được giao nhiệm vụ khai thác quả vệ tinh đầu tiên của Việt Nam, và ông Mai Liêm Trực, Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ TT-TT), người được đánh giá là có nhiều tâm huyết và quyết định quan trọng đối với Dự án VINASAT.
Ông Lâm Quốc Cường (trái) - Phó Giám đốc công ty VTI. Ông Mai Liêm Trực (phải) - Nguyên Thứ trưởng Bộ BC-VT. |
- Khi VINASAT-1 đi vào hoạt động, những lợi ích mà người dân và các doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ VINASAT-1 là gì?
Ông Lâm Quốc Cường: Vệ tinh VINASAT-1 được phóng lên để hoàn thiện và hiện đại hóa mạng viễn thông của Việt Nam, phủ sóng viễn thông tới mọi vùng miền của Tổ quốc, kể cả biên giới, hải đảo.
Vì vậy, tất cả những dịch vụ hiện nay VNPT đang cung cấp mà không thể đáp ứng được bằng các phương tiện hiện tại như cáp quang, cáp đồng, vi-ba, do địa hình quá xa xôi, hẻo lánh, các mạng công cộng chưa phủ được thì mạng vệ tinh có thể vươn tới. Chính vì vậy, khách hàng tại khắp mọi miền của Tổ quốc đều có thể sử dụng những dịch vụ tiện ích của VNPT.
Ông Mai Liêm Trực: VINASAT-1 trước hết là để phục vụ tất cả những khách hàng trên lãnh thổ của Việt Nam, dù là doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel, SPT, EVN... cũng như các công ty thông tin di động. Hiện nay, chúng ta đang phải dùng vệ tinh thuê của các nước khác. Quan trọng hơn là khả năng mở rộng dung lượng mà các đối tác đó chưa thực hiện được.
Điều đó đối với các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam sử dụng VINASAT rất là tốt. Không chỉ đối với cơ quan tổ chức, mà cả đối với người sử dụng. Ví dụ như chúng ta triển khai thông tin di động tại các vùng sâu, vùng xa, việc kết nối các trạm BTS mà có hệ thống thông tin vệ tinh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Đó là một cái khả năng thương mại.
Điểm thứ hai là các mạng ngành nghề, mạng chuyên dụng, như của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Dầu khí và các mạng chuyên dùng khác. Thậm chí các công ty đa quốc gia có văn phòng ở khắp nơi trên thế giới, muốn sử dụng kết nối vệ tinh để xây dựng mạng riêng biệt cho họ để kết nối với nhau một cách nhanh nhất. Đó cũng là một thị trường rất là lớn.
- Vậy những dịch vụ gần nhất người dân có thể tiếp nhận là gì?
Ông Lâm Quốc Cường: Trong thời gian tới, tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều dịch vụ mới do các nhà cung cấp dịch vụ đưa ra. Chẳng hạn như di động ở vùng sâu, vùng xa triển khai dịch vụ trung kế BTS qua vệ tinh để cung cấp dịch vụ tới người dân vùng đó. Hoặc là truyền hình sẽ đến được những nơi chưa phủ sóng được, hoặc đồng bào, kiều bào ở xa Tổ quốc.
Rất nhiều doanh nghiệp đang được hưởng một cái dịch vụ tốt, chất lượng cao và giá thành vừa phải thì chắc chắn họ sẽ có một cái giá cước dịch vụ của mình hợp lý hơn, thiết thực hơn để nâng cao khả năng sử dụng, nhu cầu sử dụng đáp ứng nhu cầu của xã hội và những người trực tiếp sử dụng dịch vụ đó.
- Chất lượng của dịch vụ qua vệ tinh VINASAT-1 được đánh giá ra sao?
Ông Lâm Quốc Cường: Về chất lượng, tôi có thể khẳng định tín hiệu hình ảnh phát qua VINASAT-1 có chất lượng rất cao. Các mức thu ở các trạm đầu thu thậm chí không cần yêu cầu cao như các trạm trước, chất lượng tín hiệu rất tốt. Thực tế là phát hình qua vệ tinh VINASAT-1 cho 4 kênh thử nghiệm đó có vùng phủ sóng rất rộng lớn. Vì phát trên băng C+ nên vùng phủ không chỉ là vùng Đông Nam Á mà là phần lớn lãnh thổ, lãnh hải của Châu Á - TBD.
Qua đó, chúng tôi khẳng định chất lượng dịch vụ qua vệ tinh VINASAT-1 hết sức đảm bảo, không thua kém gì những vệ tinh khác trong khu vực.
Ông Mai Liêm Trực: Đến nay, tất cả những gì mà VINASAT-1 đã thể hiện sau những bài đo kiểm khắt khe chứng tỏ sử dụng nó cho chất lượng tín hiệu tốt hơn hẳn so với những kênh chúng ta đang dùng, đang thuê của nước ngoài.
Trong suốt 10 năm đàm phán, đấu thầu, chúng ta luôn đặt tiêu chí chọn đối tác nào có công nghệ hiện đại nhất, đảm bảo an toàn nhất cho cả quá trình phóng cũng như vận hành, sử dụng về sau. Lý do vì vệ tinh khi đã phóng lên rồi thì không ai lên đó mà sửa cả. VINASAT-1 được chế tạo theo công nghệ series A2100, là model mới nhất của Lockheed Martin tính đến thời điểm này. Trong thời gian tới, các vệ tinh được phóng nếu cùng dung lượng với VINASAT-1 thì chắc chắn vẫn sẽ sử dụng khung vệ tinh như vậy.
- Ông đánh giá thế nào về khả năng thương mại hóa của vệ tinh này?
Ông Lâm Quốc Cường: VTI được Tập đoàn giao nhiệm vụ thực hiện cũng công việc về kế hoạch kinh doanh, thương mại, tài chính, chính sách, giá cước. Căn cứ vào cái thực tế vệ tinh của mình, đặc tính kỹ thuật, vùng phủ sóng, cũng như các điều kiện cần thiết, giá thành cũng như giá cước dung lượng vệ tinh của các nhà cung cấp trong khu vực và quốc tế, chúng tôi có một bảng giá cước rất linh hoạt để đáp ứng được các nhu cầu của các khách hàng là các bộ ngành, cơ quan doanh nghiệp, cả nhà nước và các doanh nghiệp viễn thông và rất nhiều các khách hàng có nhu cầu trực tiếp sử dụng dịch vụ vệ tinh.
Tôi cũng có thể khẳng định trong thời gian tới, trong Quý 3/2008, sẽ có những nhà cung cấp vệ tinh trong khu vực sử dụng vệ tinh VINASAT-1.
Ông Mai Liêm Trực: Thực ra, đây là VINASAT-1 là vệ tinh đầu tiên ta có. Vì thế trong quá trình triển khai có thể có những cái ta chưa lường hết được. Ngay cả vấn đề thị trường cũng vậy.
- Liệu có khó khăn gì khi khách hàng chuyển đổi từ vệ tinh thuê của nước ngoài về sử dụng VINASAT-1?
Ông Mai Liêm Trực: Những khách hàng đang sử dụng những vệ tinh thuê của nước ngoài, về mặt thiết bị công nghệ thì chỉ có bộ phát đáp thu tạp âm thấp (LNA) và cao tần phát phải thay đổi. Còn các bộ phận khác là giữ nguyên, không có thay đổi gì lớn. Để làm điều này, chủ sở hữu các hệ thống đó đã có kế hoạch trong thời gian vừa qua. Ví dụ như Đài Truyền hình Việt Nam khi chuyển sang là đã làm điều đó rồi.
Mặt khác, VNPT và VTI đã thành lập Trung tâm NOC (Trung tâm Điều hành mạng) là một trung tâm hỗ trợ khách hàng. Khách hàng đến liên hệ sẽ có đội ngũ kỹ sư khảo sát hệ thống mạng của khách hàng đang sử dụng của các vệ tinh khác, liệt kê khi chuyển sang dùng VINASAT thì cần trang bị, thay đổi những gì để hai bên cùng phối hợp. Trung tâm NOC đã sẵn sàng để làm điều này. Vì thế, việc chuyển đổi từ những vệ tinh khác sang VINASAT-1 không có gì khó khăn lớn.
Ông Lâm Quốc Cường: Trong thời gian rất ngắn kể từ khi chúng tôi nhận bàn giao về kỹ thuật, đặc biệt là những trung tâm viễn thông, những đơn vị trực thuộc công ty và cả những khách hàng đã có kế hoạch sử dụng VINASAT-1. Chúng tôi đã triển khai rất nhiều công việc liên quan làm sao mau chóng đưa vệ tinh vào sử dụng.
- Là người nhiều tâm huyết với Dự án vệ tinh VINASAT-1, ông đánh giá thế nào về khả năng phóng quả vệ tinh VINASAT tiếp theo?
- Ông Mai Liêm Trực: Việc quyết định có VINASAT-2, 3, hay 4 đều phụ thuộc vào thị trường và khả năng của các nhà cung cấp dịch vụ. Đứng về tỉ lệ thu và phát, vùng phủ sóng rất là tốt, công nghệ vệ tinh hiện đại nên sức hấp dẫn của quả vệ tinh này là có thực. Vì thế, nếu bán nhanh được dung lượng thì chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ tới quả vệ tinh thứ hai. Đó là điều hoàn toàn có thể nghĩ tới được. Việc VNPT có tiếp tục làm quả vệ tinh thứ 2 hay không phải đợi đến lúc có dự án đệ trình cụ thể. Nếu VNPT có những đề xuất hợp lý trên nhu cầu thị trường, Bộ TT&TT đương nhiên sẽ ủng hộ.
Các chuyên gia đã bắt đầu nghĩ tới việc tính toán và đăng ký các vị trí quỹ đạo khác để chuẩn bị sẵn sàng. VNPT hay bất cứ một doanh nghiệp nào khác bắn vệ tinh lên thì đều có thể sẵn sàng chứ không phải "giao VNPT" tính đến vệ tinh thứ 2, thứ 3. Cái này chúng ta dựa trên nhu cầu của xã hội và phục vụ xã hội. Trong đó có một cái yếu tố quan trọng về nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Khi đó mới có thể quyết được VINASAT tiếp theo được phóng vào thời gian nào.
Thậm chí, nếu các ngành khác có nhu cầu về vệ tinh chuyên dụng của mình. Nếu doanh nghiệp cảm thấy mình có thể làm điều đó thì đề xuất. Về mặt pháp luật thì nhà nước chúng ta hoàn toàn ủng hộ, không có cản trở gì về điều này.
- Xin cảm ơn các ông.
-
Hưng Hải (ghi)
6 dịch vụ được cung cấp qua VINASAT-1 1. Dịch vụ thuê kênh riêng: Cung cấp dịch vụ thông tin giữa trụ sở chính và chi nhánh, hoặc giữa chi nhánh với chi nhánh. Với dịch vụ này, khách hàng có thể sử dụng các ứng dụng fax, thoại, truyền số liệu. 2. Dịch vụ truyền hình hội nghị: Cung cấp và thiết lập nhanh chóng một đường truyền thông tin giữa 2 hay nhiều điểm với khả năng truyền hình ảnh và âm thanh chất lượng cao. Do đó, dịch vụ này thích hợp với cuộc họp giữa các bên ở xa nhau mà vẫn có thể nhìn thấy và trao đổi. Ngoài ra, dịch vụ thích hợp với ngành giáo dục (đào tạo từ xa) hay ngành y tế (khám chữa bệnh, hội chẩn, hỗ trợ từ xa...). 3. Dịch vụ truyền hình lưu động: Dùng để truyền thông tin từ các điểm diễn ra sự kiện về trung tâm. Các hãng truyền hình thường sử dụng dịch vụ này cho việc thu thập tin tức, sự kiện một cách nhanh nhất. 4. Dịch vụ trung kế mạng di động BTS: Cung cấp đường truyền dẫn kết nối giữa trạm BSC và trạm BTS. Dịch vụ đặc biệt thích hợp cho các mạng di động khi triển khai trạm BTS ở vùng sâu, vùng xa trong một thời gian ngắn - nơi mà triển khai các hình thức truyền dẫn khác gặp khó khăn về thời gian, kinh phí. 5. Truyền hình số DTH: Cung cấp trực tiếp chương trình truyền hình tới từng hộ gia đình qua ăng-ten và đầu thu. Dịch vụ này đem đến cho người dân các kênh truyền hình với chất lượng cao. 6. Dịch vụ thoại, fax và Internet được cung cấp qua hệ thống các trạm V-SAT. Đây là dịch vụ thường được dùng cho các trạm Bưu điện Văn hóa xã, các chi nhánh tại các điểm vùng sâu, vùng xa. |