Gã khổng lồ phần mềm đã gợi ý Yahoo bán lại bộ phận tìm kiếm cùng một lượng cổ phần "nho nhỏ", thay cho ý định "nuốt chửng hoàn toàn" Yahoo trước đây, một nguồn tin thân cận với vụ việc tiết lộ.
Chỉ mua một phần
Microsoft sẽ mua lại các tài sản của Yahoo ở châu Á như Yahoo Nhật Bản, cổ phần tại Aibaba.com? Nguồn: AP
Sang đến ngày hôm nay, thông tin về nội dung của "lời đề nghị thứ 2" của Microsoft đã có vẻ sáng tỏ và rõ ràng hơn.
Theo như thỏa thuận mới, Yahoo sẽ bán nhiều tài sản đáng giá của hãng tại châu Á, bao gồm lượng cổ phần ở Yahoo Nhật Bản và Alibaba (Trung Quốc) cho Microsoft.
Và tất nhiên, Microsoft sẽ không thể bỏ qua bộ phận kinh doanh tìm kiếm của Yahoo - thứ mà Steve Ballmer "thèm khát" nhất để có thể nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với đại địch Google.
Ngày hôm qua, đại diện Yahoo và Microsoft chỉ hé lộ là hai bên đã nối lại đàm phán, nhưng đều từ chối công bố điều khoản và nội dung thương lượng.
Nếu thành công, bản hợp đồng mới sẽ "đẻ" ra một liên minh khá chặt chẽ giữa Microsoft và Yahoo, chí ít thì cũng có thể thách thức Google dù thị phần tìm kiếm vẫn chỉ bé bằng một nửa so với đối thủ.
"Với lời đề nghị mới, rõ ràng là Microsoft vẫn rất quan tâm tới công nghệ tìm kiếm của Yahoo.
Chỉ có điều lần này, họ đã lựa chọn một cách tiếp cận khác hòa nhã hơn và dễ được chấp nhận hơn", nhà phân tích Rob Enderle bình luận.
"Tuy nhiên, lợi ích mà Yahoo được hưởng từ thương vụ mới ít hơn hẳn so với lời đề nghị gốc mà Steve Ballmer đưa ra trước đây".
Như để chứng minh cho nhận định của ông Enderle, giá cổ phiếu Yahoo đã giảm 0,87% xuống còn 27,68 USD trong phiên giao dịch hôm qua.
Cổ phiếu Microsoft cũng giảm 1,8% thị giá để đóng cửa ở mức 29,46 USD.
Hai bên cùng.... không lợi?
"Dường như giới đầu tư không hứng thú lắm với bước ngoặt mới này. Nếu Yahoo bán lại bộ phận tìm kiếm cho Microsoft, hãng sẽ giống như con trai đã đánh mất đi viên ngọc.
Nhưng ngược lại, cũng không có gì đảm bảo là Microsoft sẽ vươn lên thách thức được Google - khi chỉ thâu tóm vẻn vẹn công nghệ tìm kiếm của Yahoo mà thôi", một chuyên gia khác cho biết.
Còn theo ước tính của nhà phân tích Sandeep Aggarwal (hãng Collins Stewart), bộ phận quảng cáo tìm kiếm của Yahoo sẽ có giá khoảng 21 tỷ USD. Các tài sản quốc tế khác có giá trị xấp xỉ 9,25 tỷ USD.
Nếu ban giám đốc Yahoo chấp thuận bán, Microsoft sẽ vẫn đạt được mục tiêu lớn nhất của mình (thâu tóm công nghệ quảng cáo tìm kiếm của Yahoo) mà không cần phải chi ra quá nhiều tiền.
Cuối tháng 4 vừa qua, gã khổng lồ phần mềm đã đồng ý nâng giá bỏ thầu lên 33 USD/cổ phiếu - tương đương với một thương vụ trị giá 47,5 tỷ USD, để có thể sở hữu Yahoo.
Thế nhưng, phía Yahoo vẫn một mực hét giá 37 USD/cổ phiếu, tương đương với giá trị hợp đồng lên tới 53 tỷ USD.
Kết quả là Microsoft đã quyết định rút lại lời đề nghị mua lại của mình và bỏ đi.
Dù đang lần lượt đứng thứ hai và thứ ba về tìm kiếm trực tuyến tại Mỹ, song khoảng cách giữa Yahoo và Microsoft với Quán quân Google là rất xa.
Cùng với nhau, Yahoo và Microsoft cũng chỉ kiểm soát khoảng 30% thị phần, trong khi "miếng bánh" của Google xấp xỉ 60%.
Vị thế dẫn đầu của Google còn áp đảo hơn khi xét trên quy mô toàn cầu, hãng nghiên cứu comScore cho biết.
Con bài Google
Lời đề nghị mới từ Microsoft có thể sẽ khiến cho những cuộc thương thảo hợp tác gần đây giữa Yahoo và Google trở nên phức tạp.
Lúc trước, để tránh bị Microsoft nuốt chửng, Yahoo đã lựa chọn giải pháp tình thế là: cho phép Google cung cấp quảng cáo trên 3% diện tích mặt site của mình, trong một chương trình thử nghiệm kéo dài 2 tuần.
Google khẳng định hãng muốn hợp tác dài lâu về tìm kiếm và quảng cáo với Yahoo, nhưng giới phân tích nghi ngờ một thương vụ kiểu này khó lòng vượt qua những rào cản của luật chống độc quyền tại Mỹ.
Câu hỏi đặt ra lúc này là vì sao Microsoft lại nghĩ lại và đưa ra một đề nghị mới cho Yahoo, sau hai tuần tuyên bố hùng hồn là "đã hoàn toàn quên đi Yahoo để tập trung cho các chiến lược phát triển độc lập"?
Cũng chính vì sự dứt áo ra đi của Microsoft mà nhiều cổ đông Yahoo đã nổi cơn thịnh nổ, không tiếc lời chỉ trích ban giám đốc và thậm chí còn đe dọa xúc tiến một cuộc chiến giành quyền kiểm soát nhằm hất cẳng toàn bộ êkip lãnh đạo cấp cao.
"Có thể là Microsoft lo sợ Yahoo và Google sẽ đạt được thỏa thuận với nhau. Cũng có thể do Steve Ballmer không nghĩ ra giải pháp nào khả dĩ hơn để phát triển bộ phận trực tuyến của mình.
Quan trọng nhất, Microsoft vẫn rất hứng thú với công nghệ tìm kiếm của Yahoo", Aggarwal phân tích.
Tuy nhiên, một cộng sự thân cận với nhà tỷ phú Carl Icahn lại tiết lộ: việc Microsoft không nuốt chửng mà chỉ thâu tóm một phần Yahoo sẽ khiến Icahn đổi ý.
"Ông ý đang nghĩ tới việc ép Yahoo bắt tay với Google", người này cho biết. Icahn chính là nhà đầu tư đã tuyên bố sẽ "hạ bệ cả ban giám đốc 10 người của Yahoo" hồi tuần trước.
Thương hiệu Yahoo hiện thu hút tới 500 triệu người dùng web toàn cầu mỗi tháng. Những điểm đến hấp dẫn nhất bao gồm Yahoo Mail, Yahoo Thời sự, Thể thao, Giải trí và website chia sẻ ảnh trực tuyến Flickr.
Trọng Cầm (Tổng hợp AP, Reuters)