Với đa số người sử dụng, máy tính xách tay (laptop) là một vật dụng không thể thiếu. Thế nhưng, các chuyên gia CNTT lại coi nó là “cơn ác mộng” khi đề cập đến việc sửa chữa hay hỗ trợ kỹ thuật. Tác giả Valerie Rice đã chỉ ra 10 điểm “đáng ghét” của chiếc laptop dưới con mắt của các chuyên gia CNTT.
Nỗi lo “hết pin”
Ở các dòng máy mới, tuổi thọ của pin có thể kéo dài đến bốn giờ. Tuy nhiên, thời lượng ấy cũng không thể nào đáp ứng đủ cho người sử dụng thiết bị di động cũng như các chuyên gia CNTT. Tiến sĩ Joshua Lee, một bác sĩ đồng thời là giám đốc CNTT thuộc Đại học Tổng hợp California, San Diego (Mỹ), than phiền rằng ông thật sự không thể sống mà thiếu chiếc laptop, thế nhưng nó cũng gây ra cho ông không ít phiền toái, nhất là cứ phải lo ngay ngáy máy hết pin. Ông Lee phụ trách một nhóm bác sĩ được trang bị hơn 50 chiếc laptop phục vụ cho việc khám và chữa bệnh. Ông cho biết nhiều lúc họ buộc phải dừng việc chẩn trị cho bệnh nhân vì máy tính hết pin và chạy đi tìm dây cắm adaptor để máy tiếp tục hoạt động. “Thật đau đầu với chuyện pin!”, ông nói.
Laptop thật “mong manh”
Phần lớn laptop được lắp ráp ở Trung Quốc, và phải nói thẳng rằng chúng rất “mong manh”. Đây là ý kiến của Long Le, Giám đốc CNTT của Atlas Air, một công ty vận tải hàng không ở New York, (Mỹ). Ông Le từng kiểm tra 300 chiếc laptop được chuyển đi khắp các vùng ở châu Á, Nam Mỹ và châu Âu. Không phải tất cả các máy ấy đều được “bay” ở hạng ghế doanh nhân, nên ông Le có dịp chứng kiến nhiều chiếc bị hỏng hóc màn hình và vỏ máy, chưa kể những trục trặc ở các bộ phận bên trong.
Khó sửa chữa và thường “chết yểu”
Công ty nghiên cứu thị trường IDC cho biết, trung bình chiếc laptop có vòng đời từ ba đến bốn năm so với vòng đời của máy tính để bàn là từ bốn đến năm năm. Matthew Archibald, Trưởng bộ phận bảo mật thông tin và quản lý rủi ro toàn cầu của Applied Materials ở Santa Clara, California, nhận xét rằng laptop rất nhanh lỗi thời. Các bộ phận của nó chỉ hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định, sau khoảng thời gian đó nó bắt đầu “giở chứng” khiến công ty phải đầu tư thêm để nâng cấp và càng ngày thời gian đưa máy đến các trung tâm dịch vụ sửa chữa càng dài ra. “Thật phiền toái,” Archibald nói.
Khó kiểm soát
Brad Hanson, kỹ sư tư vấn về hệ thống ở Công ty Đường sắt Burlington Northern, cho biết công ty này gặp phải nhiều khó khăn khi muốn nâng cấp những ứng dụng trên các laptop. Lý do là hàng chục ngàn nhân viên của họ sử dụng máy tính xách tay di chuyển liên tục trên 32.000 dặm đường xe lửa đi qua 28 tiểu bang của nước Mỹ và hai tỉnh của Canada. Quả là không dễ kiểm soát!
Khó bảo mật
Không như người anh em máy tính để bàn, chiếc laptop rất dễ bị “tấn công”: hoặc bị hack dữ liệu trong lúc truy cập Wi-Fi ở một chốn công cộng, hoặc đơn giản hơn là bị đánh cắp trong một phòng vệ sinh ở phi trường chẳng hạn. Ở một tiệm cà-phê hay trên máy bay, ai cũng có thể nhìn trộm qua vai bạn và trong trường hợp có chủ ý thì có thể “thó” những thông tin về kế hoạch tài chính năm sau của công ty bạn đang hiện trên màn hình máy tính.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng có rất nhiều cách thức xâm nhập vào laptop khi người dùng sử dụng Wi-Fi công cộng.
Điên đầu với vấn đề bảo mật
Nhiều người sử dụng than phiền rằng phải đi qua quá nhiều “cửa” để làm việc trực tuyến trên laptop: nào là mật khẩu, nào là khóa màn hình, rồi còn phải tuân theo các quy trình phức tạp để đăng nhập vào hệ thống mạng riêng ảo (VPNs), kèm theo sự tăng cường bảo mật để kết nối với Wi-Fi.
Archibald kể rằng ông đã nhận được một e-mail của một người dùng gửi đến với câu hỏi khá mỉa mai: “Chúng ta có đang chế bom hạt nhân đâu mà sao tôi phải nhập quá nhiều mật khẩu đến thế ?!”
Wi-Fi vẫn còn xa vời
Một nhà quản lý về CNTT nhận định, việc thiết lập cấu hình laptop kết nối không dây và làm thế nào để nâng cấp nó chính là “cơn ác mộng” mà các chuyên gia CNTT phải đối mặt hằng ngày. Các kỹ sư phải đưa ra quyết định là nên sử dụng card không dây loại nào tương thích với hệ thống VPN hiện tại và để phù hợp với quá trình mã hóa các dữ liệu, và card này có thể dùng cho đối tượng nhân viên nào và trong trường hợp nào. Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu công ty có cần đảm trách về mặt công nghệ để phục vụ cho người dùng đầu cuối hay là ủy thác toàn bộ tiến trình này cho các nhà cung cấp dịch vụ. Và hệ thống đường truyền sẽ như thế nào trong lúc các nhân viên đang di chuyển từ cơ quan về nhà và ngược lại. Câu chuyện hỗ trợ không bao giờ có hồi kết.
Vince Kellen, Phó chủ tịch phụ trách các dịch vụ thông tin của Đại học DePaul tại Chicago (Mỹ), cho rằng người dùng mà không biết tí gì về máy tính sẽ làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn và việc tìm hiểu những gì liên quan đến công nghệ không dây sẽ là “quá sức” đối với những người không phải là dân trong nghề.
Laptop không phải là đa năng
Người dùng cứ kỳ vọng rằng máy tính di động là một công cụ hỗ trợ đa năng và nó có thể giúp họ làm việc ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào, mà không cần biết laptop còn phụ thuộc vào cấu hình, cũng như tính năng của từng loại máy ra sao… Theo lời Archibald, chỉ cần không thể kết nối trực tuyến được ở nhà một người bạn và do đó không thể xem được một trận đá banh là họ kêu réo bộ phận hỗ trợ ngay lập tức. “Hằng ngày chúng tôi mệt bở hơi tai với những người sử dụng cứ muốn làm bất kỳ thứ gì mình muốn và lúc nào cũng réo gọi sự hỗ trợ”, Archibald nói.
Kích thước quá cỡ và quá nhỏ
Những chiếc laptop quá lớn không tránh khỏi bị than phiền mỗi khi người ta phải xách chúng theo. Còn chiếc máy quá nhỏ thì khiến những ai có ngón tay hơi quá khổ phải luôn khổ sở với nó.
Hiệu suất vận hành các ứng dụng trên laptop vẫn chưa phải hoàn hảo. Người sử dụng thì muốn “gói” cả chiếc máy tính để bàn với những lợi điểm về nguồn điện, tốc độ, khả năng kết nối hệ thống và các ứng dụng đầy đủ vào một chiếc laptop vừa nhỏ gọn vừa có pin chạy càng lâu càng tốt. Nhưng trên thực tế các ứng dụng lớn vận hành không “xuôi chèo mát mái” trên chiếc máy tính xách tay. Khi người dùng thực hiện nhiều tác vụ cùng một lúc trên các ứng dụng có mức độ phức tạp cao, cho dù họ có sử dụng bộ vi xử lý nhanh nhất để vận hành chúng thì vẫn bị “treo máy” như thường.
(Theo TBVTSG/Computerworld)