Có lẽ không một thiết bị điện tử nào lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp nhạc di động bằng con dế đình đám iPhone của Apple.
Hiện tại, số người sử dụng ĐTDĐ để nghe nhạc chỉ chiếm vẻn vẹn 6,7% tổng số thuê bao di động trên toàn thế giới.
Giám đốc điều hành Steve Jobs của Apple. Nguồn: CNET
Trông chờ vào iPhone
Ấy thế nhưng có tới 74,1% số người sở hữu iPhone cho biết họ thường xuyên sử dụng thiết bị này như một chiếc máy nghe nhạc MP3 thứ hai, hãng nghiên cứu M:Metrics cho biết.
Mặc dù vậy, đại đa số người dùng iPhone chỉ truyền nhạc từ máy tính sang điện thoại, chứ hiếm khi mua nhạc thẳng từ "dế" và download không dây.
Giới phân tích hy vọng mọi chuyện sẽ thay đổi kể từ mùa hè này, một khi Apple công bố phiên bản mới của iPhone - với kết nối mạng không dây 3G tốc độ cao, thay vì mạng 2,5G "lỡ cỡ" như hiện nay.
Tuy Apple chưa đưa ra bất cứ thông báo chính thức nào về iPhone 3G, song giới thạo tin đã truyền tai nhau về thời điểm phát hành vào đầu tháng 6 tới.
Một số dấu hiệu từ Apple cũng khiến niềm tin này thêm vững chắc: chẳng hạn như việc hãng đã ngừng phân phối phiên bản iPhone hiện hành tới các cửa hàng bán lẻ.
Phiên bản iPhone hiện hành tuy có kết nối wi-fi song lại vận hành trên nền mạng di động EDGE (2,5G) khá chậm và lạc hậu của AT&T.
Chính vì thế, nếu muốn tải nhạc từ iTune, người dùng iPhone thường chọn con đường Wi-Fi - hơn là "kết nối 2,5G rùa bò" kia.
Đua bằng tính năng
Tính tới nay, Apple đã bán được hơn 5 triệu máy iPhone trên toàn thế giới, song nhiều khách hàng sành sỏi về công nghệ - nhất là ở châu Âu - vẫn quyết định chờ đến khi có phiên bản 3G mới chịu móc ví.
Theo giới phân tích, việc nâng cấp lên iPhone 3G là bước đi sống còn, nếu như Apple còn muốn hoàn thành mục tiêu bán được 10 triệu iPhone trước cuối năm nay.
Nhưng kể cả khi Apple có xoay xở để đạt được mục tiêu đề ra đi chăng nữa, iPhone cũng chỉ chiếm khoảng 1% thị phần thị trường ĐTDĐ nói chung mà thôi.
Với ngành công nghiệp nhạc số, iPhone càng chiếm thị phần lớn thì họ càng có lợi.
Tại sao ư? Vì tầm ảnh hưởng của iPhone càng sâu rộng thì số lượng ĐTDĐ ăn theo iPhone càng nhiều.
Các hãng sản xuất sẽ phải chạy đua ráo riết với nhau, làm cho sản phẩm của mình hấp dẫn hơn, đa năng hơn, nghe nhạc hay hơn, lướt Web nhanh hơn để giành giật thị phần.
Hiện tại, e dè iPhone nhất chính là RIM - hãng sở hữu thương hiệu smartphone BlackBerry ăn khách. Tại Mỹ, RIM hiện đang dẫn đầu thị trường smartphone với 40% thị phần.
Tuy nhiên, Apple đã bám sát ở vị trí số 2 với 28%, dù chỉ mới nhảy vào thị trường chưa đầy 1 năm.
iPhone vs BlackBerry
Để tấn công trực diện vào đối thủ BlackBerry, Apple thậm chí đã điều chỉnh để iPhone hỗ trợ cả ứng dụng email Outlook của Microsoft.
Chính vì vậy, RIM quyết định phản đòn bằng tính năng giải trí. Hai model BlackBerry mới nhất (Pearl và Curve) đều nhắm thẳng đến thị trường người dùng cao cấp.
Chúng được trang bị nhiều ứng dụng nghe nhạc hiện đại như dịch vụ MediaGuide, có thể nhận dạng bài hát phát trên radio, thu được đài FM qua vệ tinh, tải nhạc trọn vẹn từ dịch vụ PureTracks.
RIM cũng dự định công bố một phiên bản BlackBerry 3G vào cuối tháng 8 tới để "so kè" với iPhone 3G.
Mặc dù vậy, "phần đất" của smartphone hiện vẫn còn rất khiêm tốn. Cả nước Mỹ cũng chỉ có khoảng 20 triệu smartphone các loại - ít hơn nhiều so với con số 250 triệu máy ĐTDĐ thông thường.
Điều mà ngành công nghiệp âm nhạc muốn nhất, ấy là biến tất cả điện thoại di động trên thế giới thành máy nghe nhạc.
Đó là lý do vì sao mà người ta lại rất kỳ vọng vào Verizon Wireless và kế hoạch hợp tác giữa mạng này với hãng đĩa Rhapsody.
Với hơn 67 triệu thuê bao và một chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên toàn nước Mỹ, Verizon đang được nhìn nhận như "kẻ thiết lập chuẩn mực" cho nhạc di động trong năm 2009.
Trọng Cầm (Theo Reuters/Billboard)