221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
1061493
Ballmer: Chiến lược Web của Microsoft không phụ thuộc vào Yahoo!
1
Article
null
Ballmer: Chiến lược Web của Microsoft không phụ thuộc vào Yahoo!
,

Dù Microsoft đã từ bỏ ý định mua lại Yahoo với giá 47,5 tỷ USD, song chắc chắn, hãng vẫn giữ nguyên ý định đầu tư mạnh tay cho lĩnh vực dịnh vụ Web để duy trì vị thế của một "gã khổng lồ phần mềm".

Mô tả ảnh.
Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft. Nguồn: AP
Tuy nhiên, Microsoft sẽ làm việc đó cụ thể như thế nào thì lại là một câu hỏi hoàn toàn khác.

Vẫn tiến lên, dù không có Yahoo

"Cho dù thâu tóm thành công Yahoo sẽ giúp tăng tốc các kế hoạch chiến lược về quảng cáo và dịch vụ trực tuyến của chúng ta, song tôi vẫn tin tưởng Microsoft sẽ đạt được mục tiêu mà không cần có Yahoo", Giám đốc điều hành Steve Ballmer tuyên bố trong bức email gửi cho nhân viên hôm Chủ nhật.

"Mục tiêu tối thượng của chúng ta là xây dựng được một "cơ đồ" đầu ngành về tìm kiếm, quảng cáo trực tuyến, truyền thông và mạng xã hội. Chúng ta phải là số 1, phải dẫn đầu trong tất cả các lĩnh vực nói trên".

Theo Ballmer, Microsoft sẽ tiếp tục "cải tiến tính ưu việt và độ chính xác của thuật toán tìm kiếm, xây dựng được một nền tảng quảng cáo riêng, đầu tư mạnh cho Web và theo đuổi "các quan hệ hợp tác trên phạm vi toàn cầu".

Không có một chiến lược nào được miêu tả cụ thể, rõ ràng, song chắc chắn Microsoft sẽ dốc khá nhiều tiền trong thời gian tới.

"Microsoft sẽ dấn thân vào một hành trình dài, đầy tham vọng trong kỷ nguyên dịch vụ, với sự tập trung mạnh mẽ cho nghiên cứu và phát triển".

"Microsoft đang trải qua một giai đoạn cải cách khó khăn. Điều đầu tiên mà hãng cần làm là phát huy được sức mạnh của những công nghệ mà hãng đã thâu tóm trong suốt thời gian qua", Giám đốc nghiên cứu George Colony của Forrester bình luận.

Kể từ đầu năm 2007, Microsoft đã mua lại một loạt công ty như hãng quảng cáo aQuantive, Fast và Tellme.

Các sản phẩm và công nghệ này đang được tích hợp dần dần vào mọi dòng sản phẩm, cũng như nền văn hóa riêng của Microsoft.

Cần một thành quả

"Các cổ đông muốn thấy ảnh hưởng và lợi ích của chúng trên một quy mô rộng trong thời gian sớm nhất", ông Colony nói thêm.

Dưới sự điều hành của tân Kiến trúc sư trưởng phần mềm Ray Ozzie, chiến lược trực tuyến của Microsoft đang được triển khai theo nhiều hướng mới.

Đáng chú ý trong số những thành quả đầu tiên là Live Mesh, một nền tảng ứng dụng và đồng bộ hóa mà theo lời Microsoft, sẽ bắc nhịp cầu nối giữa thế giới PC (nơi Microsoft đã thống trị từ lâu) với mạng Web (lãnh địa mà Microsoft đang tụt hậu so với đối thủ)

Chưa hết, Live Mesh cũng sẽ dọn đường để Microsoft nhảy vào thị trường công nghệ tiêu dùng và di động - nơi "long hổ vẫn còn đang tranh hùng" mà chưa hãng nào thực sự thắng thế.

Tuy nhiên, cũng giống như đa số các chiến lược "phần mềm như một dịch vụ" khác của Microsoft, Live Mesh vẫn chỉ mới đang ở giai đoạn trứng nước chứ chưa được đông đảo người dùng chú ý và ứng dụng.

Lại nhắc đến một công nghệ mới khác mà Microsoft đang rất kỳ vọng: Silverlight. Được coi là câu trả lời của Microsoft trước Adobe Flash, Silverlight là một chương trình plug-in trình duyệt cho phép mở rộng nội dung multimedia trên nền Internet đến mức tối đa.

Silverlight sẽ phục vụ đắc lực cho kỷ nguyên "đa truyền thông" hiện nay, khi những website video, nhạc số, IPTV, video-theo-yêu-cầu ngày càng phổ biến.

Càng được nhiều website nội dung ứng dụng, Silverlight sẽ mang về cơ hội quảng cáo đáng kể cho Microsoft.

Lòng tin mạnh mẽ

Sự đầu tư công sức không mệt mỏi của Microsoft cho công nghệ tìm kiếm cũng có thể sẽ ’đơm hoa kết trái" trong thời gian tới.

Suốt 18 tháng qua, êkip của Ray Ozzie đã miệt mài tân trang, cải tiến lại công cụ tìm kiếm của hãng để tăng độ chính xác cho các kết quả, cũng như độ dễ dàng, đơn giản khi sử dụng.

Bên cạnh đó, hãng cũng đẩy nhanh việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ tìm kiếm mới như tìm kiếm di động.

Dù thị phần hiện tại của Microsoft trên thị trường tìm kiếm trực tuyến vẫn còn khá khiêm tốn, song nỗ lực đầu tư dồi dào vẫn có thể tạo ra những bước đột phá.

Phó Chủ tịch cấp cao Satya Nadella của Microsoft - người phụ trách các chiến lược tìm kiếm của hãng - đã bày tỏ lòng tin rằng người dùng "sẵn sàng chuyển sang sử dụng công cụ tìm kiếm của Microsoft, thay vì Google hay Yahoo như hiện nay".

Sở dĩ Microsoft theo đuổi Yahoo là vì "Mua thị phần bao giờ cũng dễ hơn tự tạo ra thị phần". Lấy thí dụ, Live Search đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng về thương hiệu. Cụ thể là số người sử dụng MSN Search luôn áp đảo khách hàng của Live Search.

Tiết kiệm được hơn 40 tỷ USD nhờ việc không mua Yahoo nữa, Microsoft sẽ có thể thâu tóm cả chục công ty Web 2.0 mới nổi, đầy hứa hẹn và tạo ra một luồng gió mới cho các sản phẩm của hãng.

Đó có thể là tìm kiếm, là quảng cáo, là mạng ảo, là những công nghệ Web thời thượng như điện-toán-đám-mây hoặc ứng dụng Web.

Nước cờ sắp tới

Microsoft cũng có thể sử dụng số tiền đó để gây dựng vị thế cho mình ở các thị trường quốc tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga - điều mà Google vẫn chưa thành công.

Điều dễ nhận thấy là công cụ tìm kiếm của Google chỉ thực sự phổ biến ở Mỹ và châu Âu mà thôi.

Tất nhiên, mục tiêu chính của thương vụ Yahoo là để Microsoft có thể thu hẹp khoảng cách với Google trên thị trường quảng cáo tìm kiếm, song vẫn còn khá nhiều thị trường khác để hãng nhắm đến.

Quảng cáo ảnh động cũng là một thị trường có thể bùng nổ trong thời gian tới - trong khi chưa hãng nào thực sự chiếm được ưu thế trên sân chơi này.

Không loại trừ khả năng Microsoft sẽ mua lại AOL để tăng sức mạnh trên thị trường quảng cáo hình ảnh động và đối đầu với Yahoo.

Microsoft hiện đang sở hữu khoảng 8% thị phần thị trường quảng cáo ảnh động. Mua được AOL sẽ giúp gã khổng lồ phần mềm tăng gấp đôi thị phần.

Mặc dù vậy, khá nhiều nhà phân tích vẫn tin rằng cuối cùng, Microsoft vẫn cứ tìm cách mua lại Yahoo.

Chỉ có điều khả năng đó sẽ diễn ra vào thời điểm nào, và mức giá mới sẽ thay đổi ra sao thì không ai dám chắc.

Trọng Cầm (Tổng hợp AP, TechWeb)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,