221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
1061087
Jerry Yang: Chúng tôi vẫn "để ngỏ cửa" cho Microsoft
1
Article
null
Jerry Yang: Chúng tôi vẫn 'để ngỏ cửa' cho Microsoft
,

Một ngày sau khi Steve Ballmer tuyên bố rút lại lời đề nghị mua lại, Giám đốc điều hành Jerry Yang của Yahoo đã "đánh tín hiệu" rằng "cơ hội đàm phán" của hai bên vẫn để ngỏ, và rằng Yang sẵn sàng chờ đợi một mức giá mới "hợp lý hơn".

Mô tả ảnh.
Nguồn: AP
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Reuters, Yang nói rằng anh ta có "cảm xúc lẫn lộn" về quyết định hôm chủ nhật của Microsoft, nhất là khi giới đầu tư thể hiện rõ sự thất vọng của họ với việc đẩy giá cổ phiếu Yahoo tụt tới 15%.

Chỉ là chống chế?

Để xoa dịu các cổ đông đang giận dữ, Yang chống chế rằng "Chúng tôi đang đàm phán để tìm ra tiếng nói chung giữa hai bên thì họ lại chọn cách bỏ đi.

Chính họ là người bắt đầu mọi chuyện nhưng rồi cũng chính họ là người bỏ cuộc".

Khi được hỏi liệu Yahoo có mở cửa để đón Microsoft quay trở lại hay không, Yang đáp luôn "Nếu họ có điều gì mới mẻ hơn (muốn nói), chúng tôi sẽ vẫn sẵn sàng lắng nghe".

Sau hơn 3 tháng thương thảo, cuối cùng thì Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft cũng chịu điều chỉnh mức giá bỏ thầu lên 33 USD/cổ phiếu, nâng tổng giá trị thương vụ lên 47,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, ban giám đốc Yahoo một mực đòi hỏi mức giá 37 USD trở lên, với lập luận ngay cả 33 USD cũng chưa phản ánh đủ giá trị của hãng.

Thế nhưng hai cổ đông thuộc loại lớn nhất của Yahoo lại tuyên bố trên tờ The New York Times rằng họ sẵn sàng bán số cổ phần của mình ở giá 34 USD.

"Tôi cực kỳ giận Jerry Yang và cái gọi là Ban giám đốc của Yahoo", ông Gordon Crawford, Giám đốc quản lý Danh mục đầu tư của Capital Research Global Investors - cổ đông lớn nhất hiện tại của Yahoo với 16% cổ phần trong tay, tuyên bố.

Theo một số chuyên gia, giá cổ phiếu Yahoo có thể sẽ tụt tới 30%, về gần lại mức 19,18 USD như trước khi Microsoft chính thức ngỏ lời.

Hiện tại, cổ phiếu Yahoo chưa rớt quá mạnh trên thị trường là vì nhiều nhà đầu tư vẫn đặt cược cho khả năng quay trở lại bàn đàm phán của Microsoft.

Lấy thí dụ, chuyên gia của Citigroup vẫn nhận định khả năng Microsoft và Yahoo tiến tới liên minh là 15%, còn mức giá thỏa thuận cuối cùng sẽ dao động quanh khoảng 33 USD/cổ phiếu.

Chiến thắng cho Google?

Việc giá cổ phiếu Microsoft giảm nhẹ 0,55% vào cuối phiên giao dịch ngày hôm qua là một sự bất ngờ "nho nhỏ" cho giới phân tích. Trước đó, nó đã tăng nhẹ ở thời điểm mở cửa nhưng không duy trì đà đi lên được lâu.

Thực ra, không phải nhà đầu tư cũng như chuyên gia tài chính nào cũng ủng hộ việc Microsoft mua lại Yahoo.

Theo họ, một cuộc hôn nhân miễn cưỡng giữa hai gã khổng lồ sẽ biến thành "một mớ hỗn độn, phức tạp, ngoài vòng kiểm soát" và càng tạo cơ hội cho Google bứt phá mạnh hơn.

Microsoft coi Yahoo là vũ khí chiến lược và quan trọng để đối phó với Google trên hai thị trường: tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến.

Nếu sáp nhập với nhau, Micro-hoo sẽ kiểm soát khoảng 30% thị phần, tức là bằng một nửa so với thị phần của Google.

Mua lại Yahoo, Microsoft sẽ nghiễm nhiên sở hữu nền tảng người dùng khổng lồ của các dịch vụ như Yahoo Mail, Yahoo Messenger, Flickr, v...v....

Đồng thời, hãng cũng ngăn được đà mở rộng mãnh liệt của Google, vốn đang cố tình lấn sân sang "lãnh địa" phần mềm truyền thống của Microsoft.

Giờ đây, khi thương vụ đàm phán giữa Yahoo và Microsoft đổ vỡ, Google tạm thời nổi lên như kẻ đắc lợi số 1. Giá cổ phiếu của gã khổng lồ tìm kiếm đã tăng 2.3% trong phiên giao dịch đầu tuần lên xấp xỉ 600 USD/cổ phiếu.

Nhiều khả năng Yahoo sẽ đẩy mạnh các kế hoạch chiến lược trong vài tuần tới để tránh búa rìu dư luận.

Đó có thể là tiếp tục hợp tác quảng cáo tìm kiếm với Google, hoặc là đàm phán sâu hơn về việc sáp nhập với AOL.

Bắt tay với Google sẽ giúp cải thiện hoạt động kinh doanh của Yahoo trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nước cờ này cũng tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ về lâu về dài.

Trong lá thư gửi tới Yang hôm Chủ nhật vừa qua, Steve Ballmer đã không ngần ngại cảnh báo rằng: bất cứ thỏa thuận nào giữa Yahoo và Google cũng sẽ khiến cho chính Yahoo bị tổn thương nặng nề.

Áp lực từ các cổ đông

Chắc chắn trong thời gian tới, ban giám đốc Yahoo sẽ phải đối mặt với một làn sóng các vụ kiện từ cổ đông nhỏ, những người cảm thấy quyền lợi của mình đã bị hãng phớt lờ, thậm chí là phản bội.

Một số khác thì bắt đầu chất vấn về cách Jerry Yang và các đồng sự hành xử trong thương vụ đàm phán với Microsoft. Họ tự hỏi liệu cái lắc đầu của Yang có thực sự xuất phát từ động cơ kinh doanh, hay chỉ là hành động tư lợi và mang nặng cảm tính.

Giới phân tích thì thắc mắc vì sao hai bên không thể tìm nổi tiếng nói chung với nhau, và vì sao mức giá "trung bình" 35 USD không được đề cập đến như dự đoán của số đông phố Wall.

"Tôi nghĩ là cả hai bên cùng có lỗi, nhưng chắc chắn Jerry Yang sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn", ông Bill Miller, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Legg Mason, cổ đông lớn thứ hai tại Yahoo bình luận.

Ông này cũng cho biết mình sẽ chấp nhận bán cho Microsoft với giá 34 - 35 USD/cổ phiếu, tức là thấp hơn nhiều so với con số 37 USD mà Ban giám đốc Yahoo đòi hỏi.

Nhìn chung, số đông nhà đầu tư chỉ dám kỳ vọng vào mức giá 33 - 34 USD chứ ít ai "nuôi mộng hão huyền" đến ngưỡng 37 USD.

Miller hy vọng áp lực từ các cổ đông sẽ buộc Yahoo phải xem xét lại lời đề nghị của Microsoft, song "cũng không dám lạc quan về khả năng này".

Theo lịch, Jerry Yang sẽ tổ chức một cuộc họp với toàn thể nhân viên vào ngày mai, nhằm trấn an đội ngũ nhân sự đang khá hoang mang và bối rối.

Viết trên trang blog của công ty đêm qua, Yang cho hay "Không ai ăn mừng kết quả của 3 tháng vừa qua.... Chúng ta sống và làm việc trong một thế giới đầy sự cạnh tranh.

Càng ngày Web sẽ càng trở nên khắc nghiệt hơn mà thôi. Chỉ có triển khai sớm các kế hoạch chiến lược mới là điều quan trọng nhất với chúng ta lúc này".

Tất nhiên rồi, Yang, vì anh chỉ còn vài tháng ít ỏi nữa để chứng minh với thị trường rằng: Anh có lý do hợp lý để khước từ lời đề nghị hấp dẫn của Microsoft.

Trọng Cầm (Tổng hợp)

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,