Với việc gã khổng lồ phần mềm chính thức rút lại lời đề nghị thâu tóm Yahoo, đã đến lúc nghĩ xem kế hoạch dự phòng của Microsoft có "mặt mũi hình dong" như thế nào.
Vì sao mê Yahoo?
Thi thoảng vài lần, Microsoft có bóng gió nói rằng "Hãng vẫn có một chiến lược phát triển và tăng trưởng riêng, dù sáp nhập được hay không với Yahoo".
Không ai rõ phương án B của Steve Ballmer là gì. Nguồn: AP
Nhưng rõ ràng, chiến lược đấy đang rất cần một cú đà dậm nhảy.
Lấy thí dụ, trong lĩnh vực tìm kiếm, Microsoft đã rất cố gắng đeo bám Google - nhưng cho tới nay, hãng vẫn chỉ dừng lại ở vị trí No3, với một thị phần thua xa đối thủ.
Không chỉ ít hơn đáng kể về số lượt tìm kiếm, mà phương pháp kiếm tiền từ từ khóa của Microsoft cũng "có vấn đề".
Microsoft đã vạch ra hai động cơ chủ chốt để mua lại Yahoo: Bổ sung thêm đội ngũ kỹ sư tài năng và nâng quy mô hoạt động lên một tầm vóc mới.
Nếu thâu tóm thành công Yahoo, liên minh Microhoo sẽ kiểm soát khoảng 30% thị phần thị trường tìm kiếm - bằng một nửa so với Google ở thời điểm hiện tại.
Dĩ nhiên, Microsoft chỉ cần bỏ ra một phần trong con số 44,6 tỷ USD ấy là đã có thể sở hữu "cả núi kỹ sư tài năng". Tuy nhiên, vấn đề quy mô mới là "khó nhằn".
Ngay chính Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft cũng phải thừa nhận rằng: Trên thị trường hiện không có mấy công ty đạt đến quy mô "tầm cỡ" như vậy.
Còn mục tiêu nào khác?
Câu hỏi đặt ra là ngoài Yahoo, Ballmer còn có thể để mắt đến những mục tiêu nào khác. Lời bình luận gần đây của vị giám đốc điều hành nổi tiếng bạo miệng và nóng tính này trên tờ WallStreet Journal đã vẽ ra khá nhiều giả định trong đầu giới phân tích.
"Chỉ có 5-6 công ty đạt đến quy mô cỡ đó. Còn tính trên phạm vi toàn cầu, con số này sẽ là 7 hoặc 8".
Trong số các công ty mà Ballmer kể tên có Facebook, MySpace.com và AOL, bên cạnh Yahoo, Google và bản thân Microsoft.
Tuy hai mạng xã hội ảo MySpace và Facebook thu hút rất đông người dùng, nhưng cho tới nay, việc bán quảng cáo trên các site này rõ ràng là khó khăn hơn rất nhiều so với trên công cụ tìm kiếm.
Chưa hết, Microsoft cũng đã chi tới 1,5 tỷ USD chỉ để sở hữu một lượng cổ phần khiêm tốn của Facebook, đồng thời chịu trách nhiệm cung cấp quảng cáo trên toàn bộ diện tích site này.
Trong khi ấy, MySpace.com đã bắt tay với Google từ trước, nên việc Microsoft chen ngang là không thể.
Cuối cùng thì chỉ còn lại AOL, ngôi sao Internet một thời của nước Mỹ nhưng ánh hào quang đang dần tàn lụi.
Kịch hay vẫn còn
Điều trớ trêu là cái tên AOL luôn được Yahoo nhắc đến trong suốt thời gian qua, như thể một quân bài liên minh chiến lược để hãng này thoát khỏi lời đề nghị mua lại của Microsoft.
Không ai rõ Ballmer đang nghĩ gì trong đầu. Ngay cả việc Ballmer viết trong lá thư gửi người đồng nhiệm Jerry Yang bên Yahoo rằng:
"Chúng tôi sẽ để mắt đến các đối tác và các sự lựa chọn khác hợp lý hơn", một số chuyên gia cũng hoài nghi đây chỉ là "hư chiêu", "đòn gió" mà thôi.
Một số khác lại tỏ ra không ngạc nhiên nếu Microsoft sử dụng số tiền định mua Yahoo để thâu tóm "vài chục công ty con, mới thành lập nhưng nhiều tiềm năng".
Nói như nhà phân tích Allen Weiner của hãng Gartner thì "Microsoft đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp Web 2.0.
Rất có thể những doanh nghiệp này sẽ đóng góp được nhiều hơn cho thương hiệu Microsoft"
Ngoài ra, cũng còn một khả năng khác là Microsoft sẽ quay lại và ngỏ lời mua Yahoo khi giá cổ phiếu Yahoo tuột dốc không phanh về ngưỡng dưới 20 USD.
Vở kịch rõ ràng là vẫn chưa khép màn, và kết quả cuối cùng vẫn đang còn ở phía trước.
Trọng Cầm (Theo CNET)