Với việc lợi nhuận quý 3 (năm tài khóa của Microsoft kết thúc vào tháng 6/2008) của gã khổng lồ phần mềm giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, ban giám đốc Yahoo càng không có lý do để hy vọng ngài Bill Gates sẽ nâng giá bỏ thầu.
Sẽ có kế hoạch mới?
Trước khi chính thức công bố tình hình kinh doanh mới nhất, Giám đốc Tài chính Chris Liddell đã dành vài phút trong cuộc họp báo để nhắc lại lập trường kiên quyết của Microsoft trong thương vụ mua lại Yahoo.
Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft. Nguồn: AFP
"Trừ phi thỏa thuận với Yahoo có tiến triển trước cuối tuần, nếu không chúng tôi sẽ cân nhắc tới các khả năng khác, bao gồm cả việc rút lại lời đề nghị mua lại, hoặc xúc tiến một cuộc chiến giành quyền kiểm soát".
Sau một thời gian trồi sụt, giá trị hiện tại của mức giá bỏ thầu do Microsoft đưa ra đã trở lại ngưỡng 44,06 tỷ USD, thấp hơn chút ít so với con số 44,6 tỷ USD của thời điểm ngày 1/2.
Trước đó, đã có những giai đoạn mà giá trị thương vụ chỉ còn xấp xỉ 41 tỷ USD, do cổ phiếu Microsoft sụt giá mạnh.
Ngày mai, thứ 7, sẽ là hạn chót để Yahoo chấp nhận "bán mình" cho Microsoft với mức giá cũ, theo như lời đe dọa của Giám đốc điều hành Steve Ballmer cách đây 3 tuần.
"Tốc độ là điều có ý nghĩa nhất trong thương vụ này", ông Liddell khẳng định. "Điều không may là họ (Yahoo) đã quá ảo tưởng về giá trị của mình".
Nếu như không thể đi đến thỏa thuận nào trong tuần này, Microsoft sẽ công bố kế hoạch mới vào tuần tới.
Cái gì cũng có giới hạn!
Trước đó một ngày, Giám đốc điều hành Steve Ballmer cũng đã tuyên bố: dù Microsoft coi Yahoo là vũ khí quan trọng để thu hẹp khoảng cách với Google trên địa hạt quảng cáo - tìm kiếm trực tuyến, song cái gì cũng có giới hạn của nó. "Và sự thiện chí của chúng tôi cũng vậy".
"Chúng tôi không hề thấy bất cứ bằng chứng nào là Microsoft đã đánh giá thấp Yahoo. Trên thực tế, ngược lại thì có", ông Liddell mỉa mai.
Kết quả tài chính tốt hơn chút đỉnh so với dự kiến của Yahoo cũng không thể khiến Microsoft thay đổi quan điểm. Trái lại, nó chỉ càng tô đậm khoảng cách chênh lệch giữa Yahoo với Google mà thôi.
Nhận định về khả năng Microsoft quay lưng lại với Yahoo, nhà phân tích Clayton Moran của Stanford Group nói rằng:" Yahoo đang đùa với lửa, bởi thực sự họ không có nhiều sự lựa chọn".
Dù lãi ròng của Microsoft trong 3 tháng đầu năm 2008 đã giảm 11%, từ mức 4,93 tỷ USD (tương đương 50 cent/cổ phiếu) hồi năm ngoái xuống 4,39 tỷ USD (tương đương 47 cent/cổ phiếu), song kết quả này vẫn nằm ngoài sự mong đợi của phố Wall.
Tương tự, doanh thu trong quý III của gã khổng lồ phần mềm cũng tăng từ 14,4 tỷ USD hồi cùng kỳ năm ngoài lên 14,45 tỷ USD.
Cuộc thăm dò trước đấy do Thomson Financial tiến hành dự đoán lợi nhuận của Microsoft chỉ dừng lại ở mức 44 cent/cổ phiếu, còn doanh thu dậm chân tại chỗ với 14,4 tỷ USD.
"Bất chấp môi trường kinh tế khó khăn, chúng tôi vẫn làm ăn rất tốt", ông Liddell bình luận.
Giới đầu tư lo ngại
Mặc dù vậy, có một thực tế khiến giới đầu tư lo ngại là doanh thu của hai phần mềm chủ lực - Windows và Office đã giảm trong 3 tháng đầu năm.
Bất chấp những lời bình luận đầy lạc quan của Microsoft về doanh số tiêu thụ của Vista (đã bán được 140 triệu bản kể từ khi phát hành đến nay), rõ ràng là sức tiêu thụ phần mềm Windows không được mạnh như Microsoft lẫn giới phân tích dự đoán.
Doanh thu của bộ phận phần mềm đã giảm tới 24%, đạt 4,02 tỷ USD - một thực tế khiến không ít nhà phân tích thất vọng.
Sự đuối sức của Microsoft bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Mặc dù các hãng nghiên cứu thị trường như IDC cho biết lượng PC tiêu thụ trong quý I/2008 "mạnh hơn dự kiến", song tính toán độc lập của Microsoft lại cho ra kết quả ngược lại.
Hệ quả là số phần mềm bán kèm máy tính cũng bị giảm theo.
"Hai quý trước, doanh thu Windows đã tăng mạnh do chúng tôi làm tốt công tác hạn chế phần mềm lậu.
Nhưng trong quý III, Microsoft đã không đủ độ quyết liệt và gắt gao. Phần mềm trái phép tại những thị trường như Trung Quốc tiếp tục làm cho Microsoft không đạt được mục tiêu kỳ vọng", ông Liddell giải thích.
Không riêng gì Windows, ngay cả gói phần mềm văn phòng Office và nhiều ứng dụng doanh nghiệp khác của Microsoft cũng chịu cảnh "ế nhẹ".
Doanh thu của khối này đã giảm 2% xuống còn 4,75 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2007.
Phần mềm kém, phần cứng lên hương
Tuy nhiên, phần mềm máy chủ lại tăng trưởng tới 18%, đạt doanh thu 3,3 tỷ USD nhờ sự ra đời của các phiên bản Windows Server mới.
Ấn tượng nhất là bộ phận kinh doanh máy chơi game Xbox 360. Sau hơn 2 năm có mặt trên thị trường, Xbox 360 vẫn "bùng nổ" với doanh thu 1,58 tỷ USD, tương đương với tốc độ tăng trưởng 68%.
Dù thua xa Google song các dịch vụ trực tuyến của Microsoft cũng ghi nhận mức tăng doanh thu 40% lên 843 triệu USD. Bộ phận này kiếm tiền chủ yếu nhờ hoạt động bán quảng cáo online.
Microsoft dự đoán kết quả lợi nhuận quý IV sẽ đạt từ 45-48 cent/cổ phiếu, đồng thời doanh thu đạt từ 15,5 - 15,8 tỷ USD. Các dự đoán này nói chung cân bằng với nhận định của phố Wall.
Ngoài ra, Microsoft cũng công bố dự đoán cho năm tài khóa kế tiếp, kéo dài từ tháng 6/2008 đến hết tháng 6/2009.
Theo đó, gã khổng lồ phần mềm tin rằng lợi nhuận sẽ đạt từ 2,13 - 2.19 USD/cổ phiếu, trong khi doanh thu dao động từ 66,9 tỷ - 68 tỷ USD.
Trong khi ấy, phố Wall dự đoán lợi nhuận của hãng sẽ chỉ đạt 2,10 USD/cổ phiếu, trên tổng doanh thu cả năm là 66,52 tỷ USD.
Trọng Cầm (Tổng hợp AP, Reuters)