- Nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về quá trình theo dõi tên lửa và vệ tinh VINASAT-1 sau khi phóng, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Jim Gribbon, Phó chủ tịch khu vực châu Á của Lockheed Martin (Mỹ) và ông Richard Bowles, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của Arianespace (Pháp), hãng phóng vệ tinh VINASAT-1.
Ông Jim Gribbon. (Ảnh: VNN)
- Sau khi tên lửa đẩy Ariane 5 đưa VINASAT-1 rời Trái đất, xin cho biết phải mất bao lâu chúng ta sẽ biết được vệ tinh đã vào đúng quỹ đạo dự kiến và hoạt động tốt?
Ông Richard Bowles: Ngay sau khi tên lửa đẩy rời bệ phóng, các nhân viên kỹ thuật của Ariane tại Trung tâm điều khiển Jupiter tại Kourou sẽ theo dõi tên lửa đi đúng đường hay không. Tên lửa sẽ được thể hiện dưới dạng một chấm tròn di chuyển chầm chậm theo một đường trên màn hình vô tuyến lớn tại trung tâm này. Nếu chấm tròn tiếp tục di chuyển theo đường đó khoảng 35 phút sau khi phóng tên lửa, chúng ta biết chắc 99% rằng tên lửa đã đi đúng đường và tách vệ tinh khỏi tên lửa đã thành công. Sau đó, việc theo dõi VINASAT-1 sẽ do Lockheed Martin đảm nhiệm.
Ông Jim Gribbon: Chúng tôi sử dụng một loạt trạm cơ sở nằm ở khắp nơi trên thế giới để theo dõi vệ tinh. Khi vệ tinh đi vào vị trí 132 độ Đông của nó trong quỹ đạo địa tĩnh, chúng tôi sẽ tiến hành một loạt cuộc kiểm tra vệ tinh, từ nhận và phát tín hiệu, việc triển khai các tấm pin mặt trời, v.v... trên vệ tinh. Thông thường các cuộc kiểm tra này kéo dài 3-4 tuần và chúng tôi tiến hành công việc đó với các nhân viên của VNPT. Họ sẽ ở đó với chúng tôi.
Ông Richard Bowles trả lời phỏng vấn VietNamNet. Ảnh: Hưng Hải.
- Vậy phải mất bao lâu để trạm mặt đất ở Việt Nam mới có thể kiểm soát VINASAT-1?
Ông Jim Gribbon: Đây là một câu hỏi về kỹ thuật. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng trong khoảng 1 tuần sau khi vệ tinh được phóng lên quỹ đạo, trạm kiểm soát mặt đất của Việt Nam chưa thể liên lạc với VINASAT-1.
- Trong trường hợp sự cố xảy ra, chẳng hạn như VINASAT-1 không đi vào đúng quỹ đạo dự kiến và VNPT không thể kiểm soát được vệ tinh này sau một thời gian vận hành, lúc đó Lockheed Martin có thể kiểm soát và dẫn vệ tinh này tới đúng quỹ đạo không thưa ông?
Ông Jim Gribbon: Sau khi phóng hoặc sau một thời gian vận hành nếu VINASAT-1 lạc đường do trục trặc hoặc do lỗi của bên khai thác, chúng tôi có thể sử dụng các trạm theo dõi để định vị vệ tinh này và giúp nhà khai thác đưa vệ tinh trở về đúng quỹ đạo của nó. Ngoài ra, trong quá trình khai thác, nếu có hỏng hóc xảy ra, vệ tinh sẽ có khả năng tự động sửa chữa ngay trên quỹ đạo. Các bộ phận quan trọng của vệ tinh đều có 3 thiết bị dự phòng sẵn sàng thay thế.
Ảnh: Hưng Hải. |
- Xin ông cho biết Lockheed Martin và Arianespace hợp tác như thế nào trong việc phóng vệ tinh lần này?
Ông Jim Gribbon: Trên thực tế chúng tôi phải hợp tác rất chặt chẽ với nhau. Nhiều kỹ sư và quản lý của Lockheed Martin đã tới Kourou vì chúng tôi là nhà thầu chính và chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc đưa vệ tinh lên quỹ đạo và tổng kiểm tra vệ tinh trước khi bàn giao cho VNPT. Các kỹ sư của chúng tôi có trách nhiệm kiểm tra để đảm bảo vệ tinh thông tin tốt trước khi phóng, nạp nhiên liệu cho vệ tinh, phối hợp với Arianespace để lắp vệ tinh lên đỉnh tên lửa đẩy...
Phần đầu tên lửa Ariane 5 mang theo vệ tinh VINASAT-1, (sơn cờ Việt Nam ở phía trên bên phải) đang được lắp ráp vào phần thân tên lửa. Ảnh: CNES/CSG.
- VINASAT-1 được phóng bằng tên lửa đẩy Ariane-5. Vậy bộ phận nào của tên lửa có thể được tái sử dụng?
Ông Richard Bowles: Tên lửa đẩy Ariane-5 hoàn toàn bị phá hủy trong suốt quá trình phóng, kể cả động cơ tên lửa giai đoạn sau. Sau khi hai vệ tinh tách ra, động cơ này cũng bị phá hủy nốt khi rơi trở lại trái đất. Các bộ phận của tên lửa bị phá hủy hoàn toàn để đảm bảo chúng không trở thành rác trong vũ trụ.
- Xin cảm ơn các ông!
-
Bình Minh (thực hiện)