- Bộ TT&TT vừa tiếp tục tổ chức Hội nghị lắng nghe ý kiến tham vấn của lãnh đạo phụ trách CNTT của các bộ ngành và một số địa phương về đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử và ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước ở VN.
Hội nghị tham vấn thứ 2 của Bộ TT-TT về xây dựng CPĐT ở VN. (Ảnh: L.H) |
Tiến tới một "xã hội không dây"
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT (Bộ TT-TT), điểm mới của đề án CPĐT là đến năm 2010, VN sẽ xây dựng chính phủ nối mạng, chuyển dần thói quen làm việc dựa trên công văn, tài liệu giấy, môi trường không nối mạng sang phong cách làm việc dựa trên văn bản điện tử, môi trường mạng và hệ thống thông tin trợ giúp. Các thủ tục hành chính chuyển dần sang hình thức một cửa, tăng cường đối thoại trực tuyến với người dân. Ông Phúc cho biết, mục tiêu đến năm 2010 là xây dựng một cổng thông tin điện tử dành riêng cho cán bộ công chức, xây dựng thử nghiệm "4 bộ không dây" (bao gồm: Bộ TT-TT, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, và Bộ GD-ĐT), xây dựng thử nghiệm "5 UBND tỉnh không dây" (gồm: TP.HCM, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Nghệ An, Đắc Lắc). Ngoài ra, sẽ hình thành các kênh tiếp nhận góp ý của người dân và DN; triển khai mô hình điểm đăng ký kinh doanh một cửa điện tử liên thông tại 6 tỉnh thành, triển khai mô hình điểm chuyên mục hỏi đáp và đối thoại trực tuyến tại 4 bộ và 6 tỉnh. Trước mắt, sẽ triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ truy cập Interrnet không dây Wi-fi miễn phí tại Sapa và Hạ Long nhằm quảng bá hình ảnh cho hai khu du lịch nổi tiếng này. Để tránh tình trạng chảy máu chất xám, Bộ TT-TT sẽ ban hành chế độ ưu đãi về điều kiện làm việc với người làm trong lĩnh vực CNTT. Sau năm 2010, Bộ TT-TT dự kiến sẽ xây dựng đề án CPĐT từ năm 2010 – 2015. Đến năm 2015, VN sẽ xây dựng CPĐT tích hợp, trên nền mạng cung cấp hầu hết các dịch vụ công. Cần huy động mọi nguồn lực kinh tế Ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc VDC cho rằng: "Để đem lại hiệu quả thực sự cho quốc gia, việc xây dựng CPĐT phải thiết thực với người dân. Chúng ta cần phải quan tâm tới việc tạo ra môi trường để mọi nguồn lực tham gia đóng góp xây dựng CPĐT". Ông Liên bày tỏ quan điểm: Để làm CPĐT, nên tận dụng mọi hình thức, đặc biệt là thuê các DN tổ chức xây dựng từng phần việc cụ thể, lợi dụng quan hệ kinh tế để có động lực và mục tiêu. "Cơ sở dữ liệu phải kế thừa, chấp nhận những cái tất yếu của công nghệ phải có những bước đi và nguyên tắc là liên kết. Tôi cho rằng đây là vấn đề cốt lõi và trọng yếu của CPĐT." Ông Tống Thành Đại, Phó tổng giám đốc Viettel khẳng định trước hội nghị rằng, để đóng góp cho nguồn lực phát triển CPĐT, công nghệ không phải là vấn đề đáng lo, bởi nền tảng cáp quang và đường truyền sẵn sàng đáp ứng, vì không kể huyện đảo thì đều có cáp quang đến các huyện và nếu có 3G nữa thì đường truyền sẽ xuống đến các xã. "Tôi cho rằng cơ quan quản lý nên thuê DN, chứ chính phủ không cần bỏ tiền. Cần tận dụng hạ tầng đã được các DN đầu tư. Có những hạ tầng ứng dụng công nghệ của DN rất mong muốn được chính phủ sử dụng...", ông Đại nêu ý kiến. Đa số các chuyên gia cho rằng, đến năm 2008, là năm đệm chuẩn bị cho kế hoạch 2010. Ông Lê Mạnh Hà - Giám đốc Sở BCVT TP HCM cho rằng: "Về kế hoạch 2010, chúng ta nên có tầm nhìn xa hơn, nhưng lập kế hoạch từng năm cho cụ thể, ví dụ về kinh phí. Mục tiêu thì cần dài hạn, trong vòng nhiều năm, nhưng từng năm có kế hoạch cụ thể, hiệu quả cao. Chúng ta nên có đánh giá khảo sát từng bộ, từng địa phương để có cách làm hay, tổng kết những kinh nghiệm hay để có bước đi tốt trong thời gian tới. Từ đó, chúng ta lập được kế hoạch chi tiết, cụ thể để tổ chức thực hiện". Giám đốc Sở BCVT Hà Nội - ông Nguyễn Mạnh Dũng thì đề nghị, khi xây dựng kế hoạch, hệ quy chiếu không phải là hạ tầng CNTT mà nên là nền hành chính có nhu cầu gì, để đáp ứng. Ví dụ như, về cơ sở dữ liệu quốc gia, CPĐT trước mắt thực hiện triển khai các lĩnh vực: đất đai, dân cư và tài chính, kinh tế XH. Lãnh đạo địa phương phải vào cuộc Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng, để thực hiện ứng dụng CNTT và xây dựng CPĐT, việc triển khai đồng bộ và xuyên suốt từ TW đến địa phương là cần thiết. Theo Bộ trưởng Hợp, "chúng ta cần rà soát lại mục tiêu, mô hình để quyết tâm thực hiện và cần có hội nghị của lãnh đạo các tỉnh, địa phương tham vấn trong thời gian tới. Một trong những khó khăn hiện nay là nhận thức của lãnh đạo trong ứng dụng CNTT chưa rõ ràng - cần hiểu là ứng dụng CNTT để cải cách hành chính, phát triển đất nước, đảm bảo thông thoáng giữa chính quyền địa phương với nhân dân. Cơ chế chính sách cần triệt để, cụ thể, đủ sức thu hút, tạo môi trường cho huy động mọi nguồn lực. Đồng thời, chúng ta phải có quyết tâm chính trị với vai trò của người đứng đầu; chỉ đạo tập trung, điều hành thống nhất..." GS.TS Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT cho rằng, việc xây dựng CPĐT vừa phải khoa học vừa liên kết với đổi mới CCHC, pháp lý, nên cần có sự tham gia của Bộ Nội vụ. Thông qua những người làm pháp lý, sẽ có những công nghệ phù hợp. "Chúng ta cần sự phối hợp. CPĐT không chỉ làm 1 vài năm, mà phải cập nhật liên tục và cần thông qua thị trường để nâng cấp trình độ công nghệ, nâng cao tính sáng tạo của đội ngũ IT". Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của lãnh đạo, ông Đặng Đức Mai - Giám đốc trung tâm Tin học - Bộ Tài chính cho rằng: "Lãnh đạo phải chỉ đạo triển khai CPĐT là chính. Dù các anh ấy rất quan tâm, cấp kinh phí, nhưng do bận quá không đặt yêu cầu cụ thể, không xắn tay vào việc nên chúng tôi loay hoay, không làm tốt được. Vì vậy, lãnh đạo Bộ phải chỉ đạo quyết tâm mới làm thành công được". Ở góc độ khác, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc TT Tin học- Bộ Nội vụ tỏ thái độ kiên quyết: cần có biện pháp bắt buộc, thậm chí cưỡng chế để triển khai CPĐT. "Chúng ta nên tổ chức một ngày ấn định xử lý tất cả những vấn đề trên mạng, kiểu như ngày không giấy tờ, bắt buộc người dân và các cơ quan hành chính thức hiện. Mọi người dân bắt buộc phải có địa chỉ mail miễn phí, hộp thư trong nước .vn". Trả lời những đề nghị này, Bộ trưởng Bộ TT-TT cũng cho biết, thời gian tới, lãnh đạo Bộ sẽ có buổi họp mặt tất cả lãnh đạo cấp tỉnh tại 64 tỉnh, thành, để triệt để quán triệt nhiệm vụ xây dựng CPĐT tới từng địa phương, thống nhất trên cả nước.
-
Hoàng Hùng