221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
1050155
Amazon khai trương dịch vụ shopping bằng... tin nhắn
1
Article
null
Amazon khai trương dịch vụ shopping bằng... tin nhắn
,

Các đối thủ của Amazon.com lại có thêm một lý do nữa để lo ngại: một dịch vụ mới toanh từ website thương mại điện tử số 1 thế giới này sẽ cho phép người mua so sánh giá cả và mua đồ chỉ bằng vài nút bấm trên ĐTDĐ.

Mô tả ảnh.
Nguồn: Textually
Với tên gọi TextBuyIt, dịch vụ này vừa chính thức khai trương sáng nay tại Mỹ.

Người dùng chỉ việc nhắn tin tên của sản phẩm mà họ quan tâm, mô tả về nó hoặc mã số (nếu có) về tổng đài 262966 (chính là từ Amazon trên bàn phím điện thoại), tại bất cứ nơi đâu có sóng di động là xong.

Nếu trong kho của Amazon có các món hàng tương ứng, dịch vụ sẽ hồi đáp mỗi lần 2 món.

Người mua có thể chọn mua ngay một trong hai món đồ bằng cách nhắn tin lại số 1 hoặc 2. Còn nếu muốn tìm tiếp, họ chỉ việc nhắn chữ "M" rồi gửi đi.

Tuy nhiên, để sử dụng TextBuyIt, người dùng buộc phải có một tài khoản thành viên trên Amazon.com và kê khai địa chỉ email thường dùng.

Sau khi khách hàng quyết định mua, dịch vụ sẽ gọi cho họ và tiến tới công đoạn thanh toán nhờ một hệ thống tổng đài tự động.

Thương mại di động

Xác nhận mua - trả tiền sẽ được gửi cho người dùng theo cả hai đường: tin nhắn SMS lẫn email.

Từ thời điểm này, người mua có thể theo dõi "đường đi nước bước", "nhất cử nhất động" của món đồ thông qua website của Amazon.

"Đây là một trải nghiệm tuyệt vời cho những khách hàng bận rộn. Chúng tôi tin là người dùng sẽ thích sản phẩm này", đại diện Amazon tỏ ra tự tin.

Ngành công nghiệp bán lẻ đang rất quan tâm đến cơ hội mang tên ĐTDĐ. Nhiều sáng kiến về thương-mại-di-động đã được triển khai thử nghiệm, trong đó đáng chú ý nhất là thanh toán "phi tiếp xúc".

Trong ý tưởng này, điện thoại di động sẽ đảm nhiệm vai trò của thẻ tín dụng. Khi bước qua quầy thu ngân, người dùng chỉ việc "quét" điện thoại qua một đầu đọc đặc biệt là đã có thể trả tiền cho món hàng mà không cần phải rút ví.

Nhiều dịch vụ mua hàng qua ĐTDĐ và tin nhắn cũng đã rục rịch triển khai tại Mỹ, châu Âu và Đông Á.

Tại Trung Quốc, thương mại di động được dự đoán sẽ đạt 1000 tỷ USD vào năm 2010, trong khi ở Nhật Bản, rất nhiều mẫu ĐTDĐ đã được trang bị đầu đọc mã vạch để người dùng kiểm tra độ tươi sống của thức ăn. 

Làn sóng mới

Thế giới ảo, phiếu giảm giá/quà tặng gửi qua ĐTDĐ và đầu đọc mã vạch tích hợp trong "dế" được xác định là những công nghệ mà giới bán lẻ cần phải nắm bắt, nếu như còn muốn cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hiện nay.

Đây là thông điệp được phát đi từ Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang khá u ám.

"ĐTDĐ sẽ làm thay đổi cách người tiêu dùng đi mua sắm, và các doanh nghiệp bán lẻ của Mỹ cần phải sẵn sàng tiếp nhận thực tế này", Phó Chủ tịch Pat Conroy khẳng định.

"Thí dụ như khi đi mua quần áo, họ có thể chụp hình chính mình bằng ĐTDĐ, sau đó post lên mạng để bạn bè tư vấn bộ cánh nào là hợp nhất".

Mạng Internet ngày càng trở nên tương tác, trong khi người dùng ngày càng dành nhiều thời gian, cũng như tiền bạc cho những thế giới ảo kiểu như Second Life, Webkinz.

Những công nghệ này sẽ buộc cửa hàng phải tương tác với khách theo một cách hoàn toàn khác. Chúng sẽ làm thay đổi cách bạn quản lý thương hiệu của mình, cũng như cách tiêu dùng và chi tiền của người mua.

Lấy thí dụ, các khách hàng của McDonald tại Hàn Quốc giờ đây đã có thể mua đồ ăn qua ĐTDĐ. Khi nào suất ăn của họ được làm xong, điện thoại sẽ tự động reo chuông và khách hàng chỉ việc ra lấy mà không cần xếp hàng rồng rắn.

"Ranh giới phân biệt giữa người bán hàng với công nghệ đang ngày một nhạt nhòa", ông Philip Schoonover, Giám đốc điều hành Circuit City Stores - đại gia bán lẻ đồ điện tử gia dụng hàng đầu tại Mỹ - cho biết. 
 

Trọng Cầm (Tổng hợp Reuters, AP)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,