Trước sức cầu rất mạnh từ phía thị trường, các dòng TV LCD và plasma ăn khách không cần hạ giá mà vẫn bán đắt như tôm tươi, hãng nghiên cứu GfK Asia cho biết.
Doanh số tiêu thụ của TV màn hình phẳng tại châu Á tiếp tục tăng tới 62% trong 6 tháng cuối năm 2007.
Nguồn: Iluvtech
Tuy đang phải tạm thời xếp sau TV màn hình cong truyền thống, nhưng theo dự đoán của giới phân tích, đến năm 2012, thị phần của TV màn hình phẳng (bao gồm cả LCD lẫn plasma) sẽ "đàn áp" đối thủ già nua của mình.
Còn theo báo cáo mới nhất của SfK, người dân khu vực châu Á sẽ sắm tới 22 triệu TV màn hình phẳng mới trong năm 2008 này.
Số liệu của SfK được thu thập từ những thị trường lớn, quan trọng trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines và Việt Nam, nhưng không bao gồm Nhật Bản.
"Sức mua tăng, cộng thêm việc tích cực giảm giá suốt thời gian qua đã giúp TV màn hình phẳng hút khách", SfK cho biết.
"Dù công nghệ ngày càng được cải tiến cho ưu việt hơn, kích cỡ màn hình ngày càng lớn hơn nhưng giá bán lẻ lại hạ xuống".
Năm ngoái, một chiếc TV với công nghệ 120 Hz sẽ bị đội giá thêm từ 500-600 USD. Nhưng năm nay, nó sẽ chỉ đắt hơn TV 100Hz khoảng 200 USD mà thôi. Sang năm 2009, mức chênh lệch này sẽ không đáng kể, thậm chí là bị xoá bỏ.
Cầu sắp bắt kịp cung
Điều này đã kích thích người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay và họ có xu hướng lựa chọn những dòng TV cỡ lớn", ông Steven Kaiser, Giám đốc Điện tử gia dụng của GfK châu Á cho biết.
Tuy chiếm doanh số tiêu thụ áp đảo (cứ 3 TV bán được lại có 2 chiếc là TV màn hình cong kiểu cũ) song TV màn hình cong chỉ đóng góp một phần ba giá trị thị trường mà thôi.
"Do giá thành rẻ, TV màn hình cong vẫn là sự lựa chọn phổ biến của những người có thu nhập thấp", ông Kaiser cho hay.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của TV màn hình phẳng cũng đồng nghĩa với việc sức cầu chẳng bao lâu nữa sẽ bắt kịp nguồn cung, khiến cho đà giảm giá, khuyến mại của nhà sản xuất chậm lại.
"Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy nguồn cung đang được siết chặt. Người tiêu dùng khó lòng chờ đợi một mức giá "không tưởng" trong thời gian tới, nhất là khi sức cầu tiếp tục tăng mạnh theo đà này", ông Kaiser khuyến cáo.
Thách thức đặt ra cho nhà sản xuất lúc này là phải làm sao cân bằng giữa tính năng với giá thành để thuyết phục người dùng móc ví cho được.
"Nâng giá bán để bổ sung thêm tính năng mới là một canh bạc mạo hiểm. Nếu như tính năng đấy không thể cất cánh, không chỉ người dùng phí tiền mà ngay cả nhà sản xuất cũng ném tiền qua cửa sổ", SfK cho biết.
Trọng Cầm (Theo VNUnet)