- Sáng 20/3, Bộ Thông tin Truyền thông (MIC) đã tổ chức hội nghị tham vấn Phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) ở VN đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với sự tham gia của các tập đoàn, công ty đa quốc gia đang hoạt động tại VN.
Hội nghị tham vấn đã thu hút đông đảo các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế tới tham dự. Ảnh: H.H
Đại diện các nhà đầu tư như Microsoft, Intel, Cisco, IBM, Oracle, Sun, Nec, KT, Samsung... và đại diện một số tổ chức quốc tế tại VN như UNDP, World Bank... đã sôi nổi tham gia thảo luận "hiến kế" xây dựng nền chính phủ điện tử (e-Government) tại VN.
Chỉ trong một buổi sáng, 16 tham luận của các nhà đầu tư quốc tế đã được trình bày, đều hướng tới mục tiêu chung giúp VN phát triển thành công nền chính phủ điện tử, và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước.
Trước tiên, cần xây dựng nền văn hóa CPĐT
Đông đảo đại biểu đã tán thành cao ý kiến "cần xây dựng nền văn hóa Chính phủ điện tử" như tham luận do ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT-TT trình bày tại Hội nghị.
Để thực hiện công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử, yếu tố quan trọng nhất là sự tham gia nhiệt tình của đông đảo mọi công dân, xây dựng nên nền văn hóa, cũng như tầm nhìn xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.
Văn hóa của Chính phủ điện tử là quá trình dài lâu, thay đổi hoàn toàn thói quen cũng như nhận thức của con người. Về phía nhà quản lý, việc hình thành kỹ năng quản lý và đầu tư vào công nghệ tạo động lực lớn để có tầm nhìn nhất quán, và đồng bộ.
Ông Russell Craigg - đại diện Công ty Cisco cho rằng, việc tạo dựng chính phủ điện tử có thể bắt đầu ngay từ khu vực công, với cơ chế thưởng phạt nghiêm minh. Và mục tiêu lớn nhất phải xuất phát từ nhu cầu của người dân.
Đại diện các DN phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: T. Lưu
Từ đó, nhà quản lý khuyến khích sự tham gia của mọi đối tượng tập trung phục vụ cho nhu cầu này, đưa ra những dịch vụ người tiêu dùng cần, chứ không phải là những dịch vụ sẵn có của DN.
Ông Nguyễn Kiên Cường - chuyên gia tư vấn của tập đoàn Microsoft trình bày, có 3 pha để thực hiện quá trình này: Pha 1 là công bố website, pha 2 là thể hiện các biểu mẫu đơn giản và pha 3 là xây dựng nền kinh tế số.
Theo đó, VN đang được đánh giá cao trong thời gian vừa qua, với hàng loạt bước tiến trong quá trình xây dựng website của các bộ, ngành, đặc biệt là, việc xây dựng thành công cổng thông tin điện tử của Chính phủ và hàng loạt các ứng dụng CNTT trong xã hội. "Hiện tại, có thể nói, VN đang ở pha thứ 2 của quá trình này", ông Cường nói.
Theo ông Cường, lộ trình chính phủ điện tử ở VN là xây dựng kết cấu khung cho toàn bộ hệ thống, hình thành mô hình và tạo nên ứng dụng mẫu để áp dụng rộng rãi trên cả nước. Khung kiến trúc của chính phủ điện tử làm sao đảm bảo các giá trị kết nối, hiệu quả cao, mềm dẻo, kinh tế và thực tiễn.
Chia sẻ vấn đề này, các đại biểu cho rằng nên xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử dựa trên sự phát triển tương hỗ, hợp tác với các bộ, ngành khác để phục vụ cho công cuộc cải cách hành chính và nhu cầu của người dân.
Đồng thời, để thống nhất quá trình này, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng cũng đã khẳng định với các nhà tư vấn quốc tế rằng, Bộ TT-TT hiện đang xây dựng chuẩn Quốc gia Ứng dụng CNTT, để hoàn thiện công cụ pháp lý, cũng như cơ chế chính sách vĩ mô...
Lạc quan, triển vọng!
Mặc dù Bộ TT-TT đề ra kế hoạch lộ trình phát triển chính phủ điện tử của VN từ nay đến 2020 nhưng theo đông đảo các nhà đầu tư quốc tế, chắc chắn kế hoạch này sẽ được thực hiện trước dự kiến.
Bởi lẽ, VN đang được bạn bè quốc tế đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao về CNTT-VT, và sự kiện gia nhập WTO là "cú huých" thúc đẩy ứng dụng CNTT, và phát triển nền chính phủ điện tử của nước nhà.
Ông Võ Tấn Long, Phó Tổng giám đốc IBM Việt Nam khẳng định rằng: "Chúng ta nên có kế hoạch mở trong việc xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử, để cho phép cập nhật những thay đổi bắt nguồn từ cuộc sống, để làm sao quản lý theo kịp với phát triển. Không nhất thiết phải đợi đến năm 2020 mà những nhu cầu phát sinh từ thực tế sẽ đòi hỏi phải có nền công nghệ hạ tầng theo kịp!"
Thực tế cũng cho thấy rằng, tại VN, sau hơn 1 năm gia nhập sân chơi chung WTO, để bắt kịp với "nhịp sống" của bạn bè quốc tế, hàng loạt các ngành nghề như hải quan, ngân hàng, tài chính... đã "buộc" phải đổi mới công nghệ, ứng dụng chính phủ điện tử phục vụ cho nhu cầu nghiệp vụ thiết thực của ngành mình.
Đại diện cho các DN đến từ Hàn Quốc như Samsung và KT, tại hội nghị cũng cho rằng, sự phát triển của thị trường CNTT của VN thời gian gần đây đã có những bước đột phá: ví như tốc độ tăng trưởng Internet cao, mạng lưới ATM hoạt động rộng khắp...
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp đã đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư quốc tế để xây dựng chính phủ điện tử tại VN. Theo bộ trưởng Hợp, quá trình xây dựng này sẽ được thực hiện linh hoạt, mềm dẻo, kết hợp giữa thực tế với lợi ích thiết thực của Chính phủ, của DN, công dân, hộ gia đình và nền kinh tế đất nước.
"Công việc trưng cầu ý kiến không chỉ dừng ở đây, mà luôn "mở cửa", cho các đầu tư đóng góp ý kiến, để đề án được thực thi và triển khai thành công trong thực tế" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
- Hoàng Hùng