Để trấn an những lời dị nghị từ phía cổ đông và dư luận, Yahoo đang tìm mọi cách để chứng minh giá trị của công ty cao hơn rất nhiều so với mức giá mà Microsoft đưa ra.
Mới đây nhất, gã khổng lồ Web dự báo dòng tiền luân chuyển thường nhật trong vòng 3 năm tới sẽ tăng gấp đôi, từ 1,9 tỷ USD lên 3,7 tỷ USD.
Nguồn: AP
Bản kế hoạch chiến lược 2008-2011 cũng vẽ ra một viễn cảnh "màu hồng" khi dự đoán rằng: khấu trừ tất cả các khoản hoa hồng phải trả cho website đối tác, Yahoo vẫn bỏ túi 8,8 tỷ USD doanh thu vào năm 2010.
Điều này có nghĩa là doanh thu của hãng sẽ tăng tới 70% so với hiện nay.
Mặc dù được dự thảo trước ngày 1/2/2008 - thời điểm mà Microsoft công khai tấm "thịnh tình" trị giá 44,6 tỷ USD, kế hoạch này vẫn hậu thuẫn vững chắc cho cái lắc đầu của ban giám đốc Yahoo trước gã khổng lồ phần mềm.
Không chỉ tiết lộ kế hoạch chiến lược mật, Yahoo còn dự đoán doanh thu quý I/2008 sẽ dao động trong khoảng 1,68 tỷ - 1,84 tỷ USD. Tổng cộng cả năm tài khóa 2008, hãng sẽ đạt doanh thu từ 7,2 tỷ - 8 tỷ USD.
Ý đồ gì?
Hiện vẫn chưa rõ vì sao Yahoo không công bố bản kế hoạch nói trên sớm hơn, mà phải đợi tới thời điểm này mới tung ra.
Lẽ ra, thời điểm thích hợp nhất để bản báo cáo lộ mặt phải là ngày 29/1, khi hãng công bố kết quả kinh doanh quý IV/2007 - vốn bị đánh giá là đáng thất vọng do lãi ròng giảm và doanh thu thấp hơn kỳ vọng của phố Wall.
Cũng trong ngày đó, Yahoo tuyên bố sẽ sa thải 1000 nhân viên, còn Giám đốc điều hành Jerry Yang thì lớn tiếng cảnh báo về một năm 2008 đầy những "bão tố và gió lốc".
Ngay ngày hôm sau, tức 30/1/2008, giá cổ phiếu Yahoo tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 52 tuần trở lại đây khi đóng cửa ở mức 19,05 USD. Nếu như không có lời ra giá của Microsoft vào ngày 1/2/2008, cổ phiếu Yahoo không thể tự leo trở lại mức 28,38 USD như hiện nay được.
Theo giới phân tích, có vẻ như Yahoo đang sử dụng kế hoạch "đầy khả quan" này để ứng phó với dư luận.
Nhiều cổ đông của hãng tỏ ra khá sốt ruột khi Yahoo kiên quyết không chịu "bán mình" cho Microsoft, bằng cớ là khá nhiều đơn kiện đã được nộp cho tòa án trong vòng hơn 1 tháng qua.
Muốn thoát khỏi những vụ kiện nói trên, Yahoo chỉ có một cách duy nhất là cầm được một bản hợp đồng "quan trọng" trong tay. Chính vì thế, khá nhiều thông tin hành lang đã rộ lên về việc Yahoo "đánh tiếng" với Google, AOL, News Corp và cả Disney, nhằm tránh bị Microsoft thôn tính.
Hay chỉ để ép giá?
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, Yahoo chỉ đang cố dền dứ để "ép giá" Microsoft đó thôi. Nếu không, lời từ chối của Jerry Yang trước Steve Ballmer đã chả lấp lửng đến thế.
"Mức giá mà Microsoft đưa ra đã đánh giá quá thấp chúng tôi", Yang nói. Yang không khẳng định "không bán với bất cứ giá nào", tức là cũng không hề loại bỏ khả năng sẽ gật đầu trước một mức giá cao hơn.
Về phần mình, Microsoft tiếp tục tỏ ra cứng rắn. Gã khổng lồ phần mềm kiên quyết không chịu nâng giá bỏ thầu và còn đe dọa sẽ tiến hành một cuộc chiến giành quyền kiểm soát khốc liệt nhằm vào Yahoo.
Chính vì động thái này mà Yahoo đã phải xin dời lại hạn chót đề cử ban giám đốc mới, như một hình thức "câu giờ".
Càng ngày, tình hình càng diễn biến theo chiều bất lợi cho Yahoo. Đầu tiên là ông trùm Rupert Murdoch của tập đoàn News Corp khẳng định trước giới đầu tư, rằng "không đời nào đối đầu với Microsoft chỉ vì Yahoo".
Đơn giản, vì "Microsoft lắm tiền nhiều của hơn hẳn chúng tôi", ông bình luận một cách hài hước.
Sau đó, đến lượt AOL - một mục tiêu mà Yahoo cũng rất "mặn mà"- công bố quyết định thâu tóm mạng xã hội ảo Bebo với giá 850 triệu USD hồi cuối tuần qua.
Dù nước cờ này không có nghĩa là AOL không còn hứng thú với Yahoo nữa, nhưng rõ ràng, ví tiền của Time Warner đã vơi đi đáng kể. Họ khó có thể "xông xênh" để đấu với gã nhà giàu Microsoft cho được.
Những khả năng "khả thi"
Thế nên việc Yahoo công bố bản kế hoạch chiến lược và dự báo triển vọng 2008-2011 vào lúc này, tiếp tục bị coi là một chiêu "vớt vát tình thế".
Hãng cố gắng thuyết phục giới đầu tư rằng mình không thể "bán thân" với mức giá thấp hơn 45 tỷ USD, đồng thời "đánh tín hiệu" để Microsoft nâng giá bỏ thầu.
Theo tờ Wall Street Journal, lãnh đạo Yahoo và Microsoft đã có cuộc gặp đầu tiên kể từ ngày 1/2 vào hôm thứ sáu vừa qua để thảo luận về "tương lai hậu sáp nhập".
Tuy nhiên, chưa có bất cứ thông tin nào cụ thể hơn về nội dung và kết quả đạt được.
Nhà phân tích Clayton Moran của Stanford Group nhận định rằng việc Yahoo công bố dự đoán kinh doanh lúc này "là một sự thương thảo công khai nữa giữa hai hãng. Chúng tôi tin thương vụ Microsoft - Yahoo sẽ kết thúc theo chiều hướng thân thiện".
Nhiều chuyên gia tin rằng Microsoft có thể trả tới 35 USD/cổ phiếu cho Yahoo để tránh một cuộc chiến giành quyền kiểm soát, vốn không có lợi gì cho quá trình sáp nhập hai hãng sau này.
Hơn nữa, nếu tỏ ra quá thù địch, Microsoft rất có thể sẽ làm mất lòng đội ngũ kỹ sư tài năng của Yahoo - thứ tài sản mà theo Steve Ballmer là "đáng giá nhất" ở thương vụ này.
Tuy nhiên, Moran lại có quan điểm khác. Ông cho rằng những dấu hiệu bất ổn của nền kinh tế Mỹ sẽ buộc Microsoft phải giữ nguyên mức giá 31 USD/cổ phiếu, nhưng có thể gã khổng lồ phần mềm sẽ chấp nhận thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt, thay vì giải pháp 50% tiền, 50% cổ phiếu như trước đây.
Trọng Cầm (Tổng hợp AP, Reuters)