Trước giờ, ngành công nghiệp PC luôn dành cho ý tưởng "máy tính siêu nhỏ", giá-cực-rẻ so với những cỗ laptop truyền thống của HP hay Dell một cái nhìn mai mỉa. Nhưng sau thành công của EEE PC do Asus sản xuất, nhiều cái đầu đã phải suy nghĩ lại.
Khởi xướng cho trào lưu này, không ai khác, chính là Giáo sư Nicholas Negroponte của Viện Công nghệ Massachusetts với dự án Mỗi trẻ em một Laptop (OLPC).
Sự ra đời của Asus EEE đã làm khuynh đảo cả thị trường laptop thế giới. Nguồn: Engadget
Mục tiêu ban đầu của dự án là chế tạo và bán ra thị trường những cỗ máy tính xách tay tinh giản với giá 100USD.
Công bằng mà nói, những mẫu laptop XO cũng được thiết kế khá đẹp và trang bị nhiều tính năng mới, sáng tạo.
Tuy nhiên, khi giá thành thực tế của OLPC bị đội lên tới 200USD, người ta bắt đầu hoài nghi về tính khả thi của mô hình này.
Chính phủ nhiều nước đã hủy đơn đặt hàng dành cho laptop 100USD. Đơn giản, bởi với cái giá 200USD, họ có nhiều sự lựa chọn tốt hơn, mà Intel Classmate là một thí dụ.
Để đối phó với triển vọng bi quan này, dự án OLPC buộc phải cơ cấu lại tổ chức và nhiều quan chức điều hành cấp cao đã dứt áo ra đi.
Lính mới Asus EEE PC
Tuy Intel Classmate "đắt hàng" và được đánh giá cao hơn OLPC, nhưng dù sao, đây cũng vẫn chỉ là một dự án dành cho trẻ em ở các nước nghèo. Điều này có nghĩa là sản phẩm không có khả năng tác động mạnh đến thị trường.
Ấy thế nhưng kể từ năm 2008, ngành công nghiệp PC bắt đầu nghĩ về laptop "mi-nhon" một cách thực sự nghiêm túc. Tại sao lại có sự thay đổi này? Không ai rõ câu trả lời này bằng Asustek Computer, một hãng máy tính đến từ Đài Loan.
Tại Triển lãm CES 2008 diễn ra tại Las Vegas, Mỹ hồi tháng 1 vừa qua, Asus đã trình diện EEE PC, sản phẩm mới nhất của hãng và cũng là mẫu laptop mi-nhon hiện đại nhất thị trường hiện nay.
Cài đặt hệ điều hành Windows XP (thay vì phiên bản Linux miễn phí như của OLPC), EEE trang bị màn hình 8,9 inch và bộ nhớ flash 1 GB (không có ổ cứng).
Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, cũng chính Asus từng tung ra phiên bản EEE đời đầu với hệ điều hành Linux, màn hình 7 inch và bộ nhớ flash 512 MB. Với mức giá khởi điểm 260USD, EEE thế hệ Linux không gây được tiếng vang lớn cho lắm.
Tuy Asus chưa tiết lộ giá bán của EEE phiên bản Windows, song nhiều khả năng, mẫu laptop siêu mini này sẽ dao động trong khoảng 650USD. Với tầm giá ấy, rõ ràng Asustek không nhắm đến học sinh - sinh viên các vùng nông thôn hẻo lánh.
Mở ra thị trường mới
Đối tượng khách hàng của EEE chính là người tiêu dùng bình thường tại Mỹ, Nhật và các nước phát triển khác, những người không quá quan tâm đến cấu hình kỹ thuật của máy, hoặc giả có nhu cầu đặc biệt về kích cỡ gọn nhẹ của sản phẩm.
Sau Asustek, các đại gia cũng đua nhau lao vào thị trường laptop mi-nhon. Nguồn: Windowsonthego
"EEE có tiềm năng rất lớn trong khối người dùng không-quá-sành-về-công-nghệ, chẳng hạn như trẻ em, các bà nội trợ và người lớn tuổi", Chủ tịch Jonney Shih của Asus tuyên bố.
"Phản ứng đón nhận ban đầu của thị trường vượt quá cả kỳ vọng của chúng tôi".
Asus dự đoán có thể xuất xưởng tới 5 triệu chiếc EEE PC trong năm 2008, một con số mà không hãng máy tính nào có thể làm ngơ.
Ngửi thấy cơ hội hiếm có khó tìm trong một thị trường máy tính tưởng như đã bão hòa, ngành công nghiệp PC bắt đầu lao vào cuộc.
Thuộc loại nhanh chân nhất là HCL, hãng máy tính Ấn Độ vốn đang hợp tác với Intel để sản xuất ra Classmate PC. Với vị trí Á quân tại thị trường Nam Á (chỉ sau mỗi HP), HCL đã tung ra dòng máy MiLeap X Series hồi tháng 1 vừa qua.
Thiết bị này được trang bị màn hình 7 inch, vi xử lý Intel Celeron và bày bán với giá 350USD. Tháng trước, hãng thậm chí còn trình làng cả một phiên bản "màu hồng" dành cho dịp Lễ tình nhân.
Đại gia nhập cuộc
Không thể giương mắt nhìn hai "chú lùn" Asus và HCL làm mưa làm gió trên thị trường laptop mi-nhon, những tên tuổi sừng sỏ rục rịch xắn tay áo.
Acer, hãng máy tính Đài Loan đã thâu tóm Gateway hồi năm ngoái và hiện là thương hiệu PC lớn thứ ba thế giới, cũng đang ấp ủ một mẫu laptop giá rẻ của riêng mình. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Acer sẽ là EEC PC.
Còn theo thông tin hành lang, HP cùng nhiều đại gia khác cũng đang lên kế hoạch bán máy tính xách tay siêu nhỏ trong nay mai.
Tích cực hỗ trợ và khuyến khích các hãng nhảy vào thị trường laptop mini chính là gã khổng lồ chip Intel. Năm ngoái, Intel đã liên minh với OLPC trong một thời gian ngắn, để rồi cuối năm "đường ai nấy đi" do bất đồng quan điểm.
Còn để hấp dẫn người dùng ở các nước đang phát triển, Intel đang nghiên cứu một phiên bản nâng cấp của Classmate PC, với dung lượng ổ cứng lên tới 30GB thay cho bộ nhớ flash 2GB của phiên bản đầu tiên.
Ngoài ra, Classmate đời mới sẽ được tích hợp webcam và đạt tuổi thọ pin cao hơn.
Mắt xích Intel
Bản thân Intel không tự mình sản xuất ra máy tính, vì thế chiến lược của hãng là tích cực giúp đỡ giới sản xuất. Lấy thí dụ, đội ngũ kỹ sư của Intel đã bắt tay với Asus trong quá trình thiết kế ra EEE PC.
Mẫu máy tính Classmate PC của Intel. Nguồn: PC World
"Asus sở hữu một thiết kế tuyệt vời, thu hút sự chú ý của tất cả mọi người", Intel tuyên bố.
"Nó sẽ khiến người ta phải tư duy lại về tính năng và ngoại hình của máy tính cá nhân".
Dưới mắt nhìn của Intel, thị trường laptop siêu nhẹ và thiết bị kết nối Internet di động (MID) đang là mảnh đất màu mỡ chưa được khai phá đúng mức.
Tuần trước, gã khổng lồ chip vừa chính thức công bố cái tên Atom cho họ chip điện áp thấp mới nhất của mình. Atom được thiết kế riêng cho máy tính xách tay, do nó cho phép nhà sản xuất đảm bảo tính năng và hiệu suất cho máy mà trọng lượng và kích cỡ thiết bị vẫn không bị "đội lên".
Theo giới phân tích, nhanh chân nhảy vào sân chơi laptop mini quả là một nước cờ sáng suốt của Asustek. Trong bối cảnh mà tất cả các hãng đối thủ đều đang đánh vật với tình trạng suy thoái của nền kinh tế Mỹ, Asustek đã có được lợi thế vô cùng lớn.
"Nhờ EEE PC mà Asus nổi bật hẳn lên trong đám đông. Người Mỹ bắt đầu biết đến thương hiệu này nhiều hơn", nhà phân tích Robert Cheng của Credit Suisse bình luận.
Theo tính toán của Cheng, EEE PC có thể chiếm tới 8-9% doanh thu của Asustek trong năm nay, giúp tăng lợi nhuận từ 9,7% lên 10,2%.
Cụ thể, doanh thu của Asus trong năm tài khóa 2008 có thể đạt tới 1,1 tỷ USD, nhảy vọt 24% so với năm 2007.
Giá và tính năng: Bài toán khó giải
Tuy vậy, không phải ai cũng tỏ ra ấn tượng với EEE PC nói riêng và mô hình laptop mini nói chung.
"Tôi nghĩ người ta đã quá thổi phồng", nhà phân tích Bryan Ma của International Data Corp nhận định.
Nếu như laptop Linux rẻ hơn hẳn so với máy tính xách tay thông thường, thì việc thiếu vắng những tính năng thời thượng hoặc hiệu suất hơi thấp cũng dễ dàng được khách hàng "xí xóa".
"Người ta chấp nhận việc nó là một chiếc PC sơ khai để đổi lấy giá rẻ", Ma nói. "Trông chúng giống như máy tính xách tay nhưng không hẳn vậy. Thực chất đó chỉ là một thiết bị di động mà thôi".
EEE PC của Asus có hệ điều hành Windows XP, màn hình lớn hơn và bộ nhớ rộng rãi hơn, nhưng rõ ràng là hiệu suất của nó thua hẳn so với máy tính truyền thống.
Và với mức giá 650USD, chẳng ai có thể xuýt xoa là rẻ.
"Để cạnh tranh về giá, nhà sản xuất phải hy sinh khá nhiều tính năng. Rồi đến khi nhận ra tính năng mới là thứ người dùng muốn, doanh nghiệp lại đua nhau nhồi nhét tính năng trở lại".
Hiện tại, có thể nhiều hãng đang đuổi theo Asus để phát triển một thị trường riêng cho laptop mini. Nhưng cũng rất có thể chỉ vài tháng sau, họ lại quay về và nói "Thôi thì cứ bán notebook đi vậy!".
Kỳ sau: Những mẫu laptop mini "cool" nhất hiện nay
Trọng Cầm (Theo BusinessWeek)