Với hy vọng "xí phần" trong thị trường nội dung web di động đầy hứa hẹn, gã khổng lồ phần mềm đã thuyết phục được Nokia tích hợp nền tảng Silverlight lên hàng triệu chiếc điện thoại sắp ra mắt.
Nền tảng Silverlight của Microsoft được đánh giá là đối thủ nặng ký của Adobe Flash, một công nghệ đang được rất nhiều website nổi tiếng sử dụng, chẳng hạn như YouTube.
Nguồn: Microsoft
Theo lời đại diện Nokia, Silverlight sẽ xuất hiện đầu tiên trên các dòng smartphone cao cấp của Nokia, cụ thể là những model thuộc nền tảng Symbian S60.
Hiện tại, không chỉ riêng Nokia mà các hãng như LG Electronics hay Samsung Electronics cũng đều sản xuất ĐTDĐ S60.
Số liệu thống kê thị trường cho thấy S60 đang là nền tảng phần mềm smartphone đắt khách nhất với hơn 53% thị phần trong tay.
Nếu không có gì thay đổi, người dùng Nokia N96 sẽ được "nếm thử" mùi vị của "Chớp bạc" ngay trong quý 2 năm nay. Các dòng smartphone và tablet trang bị Silverlight khác sẽ được lần lượt tung ra sau đó.
Công nghệ Silverlight cho phép các nhà thiết kế và phát triển tạo ra những ứng dụng web giàu tính multimedia, độc lập với trình duyệt, hệ điều hành và cả phần cứng.
Nhiệm vụ chông gai
Giá trị của Silverlight đối với thế hệ ứng dụng Web 2.0 là điều không phải bàn cãi, nhưng các thiết bị điện toán khác như ĐTDĐ cũng có thể tận hưởng công nghệ này như thường.
Tuy nhiên, chặng đường trước mắt của Silverlight chẳng dễ đi chút nào. Công nghệ Flash của Adobe đã góp mặt trên hàng triệu chiếc ĐTDĐ hiện hành.
Bản thân Adobe cũng đạt được thỏa thuận hợp tác với 18/20 nhà sản xuất thiết bị quốc tế, trong số này có cả Nokia.
Chưa hết, theo lời Adobe, đã có gần 450 triệu thiết bị xuất xưởng với phiên bản tinh gọn của Flash là Flash Lite tính đến nay.
Để cạnh tranh, Microsoft phải bắt đầu từ việc thuyết phục những gã khổng lồ như Nokia, Samsung, Motorola và LG chấp thuận nền tảng của mình. Hãng cũng cần dựa vào bàn đạp Windows Mobile để quảng bá và kích cầu cho Silverlight.
Tuy nhiên, liệu gã khổng lồ phần mềm có thể thành công vang dội trên địa hạt di động hay không thì vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Trọng Cầm (Theo BBC)