- Hoạt động ứng dụng CNTT của VN lâu nay bị "mang tiếng" là trì trệ, không hiệu quả. Một mặt các dự án lãng phí "đắp chiếu" nằm đấy, một mặt khả năng ứng dụng CNTT trong mỗi cơ quan, mỗi cá nhân vẫn "dậm chân tại chỗ". Một nghị định chuyên biệt về "ứng dụng CNTT" ra đời liệu có cải thiện được tình trạng ì ạch và lật hoạt động ứng dụng CNTT của VN sang một trang mới?
>> Đối thoại trực tuyến: Vì một nền CNTT Việt Nam phát triển!
Trong cuộc đối thoại trực tuyến "Vì một nền CNTT VN phát triển" hôm 29/2 vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng và lãnh đạo Cục ứng dụng CNTT đã giải đáp phần nào những vấn đề liên quan đến tình hình ứng dụng CNTT.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng (giữa) trả lời trực tiếp các câu hỏi thắc mắc. (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Thiếu khung định giá, dự án ứng dụng CNTT không chạy
Nhiều độc giả là những người trực tiếp tham gia vào các dự án CNTT cho rằng, việc triển khai các dự án ứng dụng CNTT hiện nay rất khó khăn do thiếu định chế về định giá, nhất là định giá phần mềm, và công việc này sẽ tiếp tục tắc nếu cơ quan quản lý chần chừ đưa ra quy định. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng giải thích rằng, Bộ TT- TT đã biết rõ điều này, (và đã từng xây dựng một đề án hồi tháng 5/2006. NV). Hiện Bộ đã xây dựng dự thảo Nghị định quản lý đầu tư dự án ứng dụng CNTT sử dụng vốn nhà nước, và đã giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ ngành, dự kiến trình Chính phủ dự thảo Nghị định trong quý I/2008. Những vấn đề trên đã được phản ánh trong dự thảo Nghị định.
Ví dụ như Quy trình quản lý đầu tư dự án ứng dụng CNTT yêu cầu dự án phải thực hiện việc lập kế hoạch, phân tích, thiết kế, lập trình, kiểm thử, chuyển giao. Trong đó áp dụng các phương pháp định giá phần mềm mà quốc tế thường sử dụng như Phân tích điểm chức năng, Phân tích trường hợp sử dụng…
Định mức xây dựng phần mềm cần được xây dựng phù hợp với một quy trình quản lý đầu tư thích hợp, và có những tính chất đặc thù riêng cho dự án ứng dụng CNTT.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng cho biết: "Bộ TT-TT cũng đang tích cực chuẩn bị các văn bản hướng dẫn để ngay sau khi Nghị định được thông qua, sẽ có quy định cụ thể tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án ứng dụng CNTT. Nếu mọi việc suôn sẻ, Bộ dự kiến sẽ ban hành vào giữa năm 2008".
"Nút thắt" lớn cần tháo gỡ!
Độc giả Nguyễn Ích Tín của Vĩnh Phúc cho rằng, có nhiều "nút thắt" liên quan đến việc ứng dụng và phát triển CNTT-TT của Việt Nam, tuy nhiên, có một "nút thắt" rất lớn cần phải tháo gỡ ngay là: Vai trò của những người lãnh đạo đối với ứng dụng và phát triển CNTT-TT: Chưa rõ ràng, chưa sáng tỏ, chưa quyết liệt...
Trả lời ý kiến này, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết rất đồng ý với quan điểm của độc giả nguyễn Ích Tín. Chính vì thế, bộ TT-TT đã đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định 64/2007/NĐ-CP, trong đó xác định rõ vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu về triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Bộ sẽ theo dõi, đôn đốc tổ chức thực hiện tốt Nghị định 64/2007/NĐ-CP.
Tuy nhiên, bất kỳ một nghị định nào để đi đến được tận cùng của hiệu quả cũng còn gặp những khó khăn cụ thể nào đó. Nghị định 64 trên đây có một phần nguồn vốn của địa phuơng, vậy việc phân chia nguồn vốn địa phương, nguồn vốn Trung ương sẽ như thế nào?, khi nào vốn từ Trung ương được rót về để các địa phương thực hiện?
Bổ sung cho phần trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT Nguyễn Thành Phúc cho biết: Theo dự thảo Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008, Bộ TT-TT đã đề xuất sử dụng ngân sách TW để hỗ trợ các địa phương triển khai một số nhiệm vụ bao gồm: Nâng cấp hoàn thiện cổng thông tin điện tử, nâng cấp hoàn thiện hệ thống e-mail, triển khai hệ thống giao ban trực tuyến, triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành điện tử. Kế hoạch này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 3/2008. Sau khi Kế hoạch được phê duyệt, phần vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương sẽ được xác định rõ.
Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT Nguyễn Thành Phúc tại cuộc đối thoại trực tuyến. (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Ngân sách 200 tỷ đồng sẽ được phân bổ như thế nào?
Bộ TT-TT vừa có 2 công văn: Số 1448/BBCVT-KHTC về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và Số 1500/BBCVT-KHTC ngày 12/7/2007 về việc xây dựng kế hoạch chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển CNTT năm 2008. Tuy nhiên tại thời điểm xây dựng kế hoạch việc xác định nguồn kinh phí chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý cụ thể để khai toán đầu tư cũng như xác định nguồn kinh phí thực hiện. Nên hiện tại, hầu như các tỉnh chưa được phê duyệt các kế hoạch nói trên.
Ngày 10/1/2008 vừa qua, Văn phòng chính phủ ra Thông báo số 05/TB-VPCP về kết luận của phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp ngày 28/12/2007 về đề án chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2007-2010 rằng, sẽ có một khoản ngân sách là 200 tỷ đồng chi cho công tác ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước năm 2008. Là cơ quan chịu trách nhiệm thực thi và phân bổ ngân sách, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng cho biết: Theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định 64/2007/NĐ-CP, Bộ TT - TT được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2007-2010. Chương trình này đã được Bộ khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ.
Trong thời gian chờ Chính phủ xem xét, phê duyệt, để đảm bảo tiến độ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2008, tháng 7/2007, Bộ TT-TT đã có 2 văn bản nêu trên, hướng dẫn tạm thời các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT và kinh phí chi sự nghiệp ứng dụng và phát triển CNTT.
Do chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2007-2010 chưa được phê duyệt nên Bộ TT-TT chưa có cơ sở để lập kế hoạch kinh phí. Nay có thông báo của Văn phòng Chính phủ về việc sử dụng 200 tỷ cho công tác ứng dụng CNTT năm 2008, Bộ TT-TT đang khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ KHĐT để phân bổ khoản kinh phí này theo nguyên tắc hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan TƯ do Ngân sách Trung ương cấp, hoạt động ứng dụng CNTT của các địa phương do các địa phương đảm nhiệm.
Tuy nhiên, đối với các địa phương chưa cân đối được thu, chi ngân sách tại địa phương thì Ngân sách TƯ sẽ có hỗ trợ theo từng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. "Hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có thể triển khai ngay sau khi chương trình ứng dụng CNTT trong năm 2008 được Chính phủ phê duyệt", Thứ trưởng Hồng khẳng định.
Biện pháp gì để "kích cầu" ứng dụng CNTT?
Lâu nay, thực trạng CNTT VN vẫn tồn tại những khoảng tối "ai cũng biết" nhưng "không thể làm gì được, đó là các dự án ứng dụng CNTT "vừa thiếu vừa thừa". Thừa đối với những nơi tiếp nhận kinh phí trang thiết bị máy móc nhưng để đắp chiếu, và khả năng ứng dụng CNTT vẫn ở trình độ "i tờ", điển hình như đa số dự án trong đề án 112. Nhưng các dự án ứng dụng CNTT cũng vô cùng thiếu đối với những nơi cần nhưng dự án không tới.
Bộ TT-TT cũng thừa nhận, đúng là khá nhiều dự án ứng dụng CNTT được triển khai trong thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Mấu chốt khắc phục những vấn đề trên được kỳ vọng trong Nghị định 64. Theo nghị định này, các bộ, ngành và địa phương dựa theo nhu cầu thực tế của ngành và địa phương mình để xây dựng kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm, các đề án, dự án về ứng dụng CNTT, đồng thời người đứng đầu các cơ quan phải chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư của các kế hoạch, đề án, dự án này.
Như vậy, các bộ ngành và địa phương sẽ là các đơn vị trực tiếp đề xuất triển khai các dự án và sẽ sát với nhu cầu thực tế hơn. Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, trong Quy chế làm việc của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan nhà nước phải sử dụng thư điện tử trong công việc hàng ngày và thực hiện báo cáo trên môi trường mạng.
Bộ TT-TT khẳng định sẽ tổ chức theo dõi đánh giá thường xuyên, đôn đốc thực hiện qui định nêu trên của Chính phủ. Bộ cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2008 và đến năm 2010 trong đó xác định rõ một số dự án cấp quốc gia thực sự cấp thiết đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội.
-
Huyền Chi (tổng hợp)