- Trước giờ G thi tuyển cấp phép 3G, bảy mạng di động đang ráo riết chạy đua nhằm đáp ứng đủ điều kiện được là một trong số bốn mạng di động của Việt Nam triển khai công nghệ này.
>> Thi tuyển 3G: Các "thí sinh"... ngồi trên đống lửa
(Nguồn: MobileNet) |
Ai thua ai thắng?
Đầu năm 2008, Bộ TT-TT đã cấp phép thêm cho một mạng di động mới, là GTel của Bộ Công an, nâng số lượng các nhà cung cấp dịch vụ di động GSM tại VN lên 5 mạng (kể cả HT Mobile). Như vậy, sắp tới, thị trường di động VN sẽ có 7 mạng phủ sóng cạnh tranh với nhau, trong đó có 2 nhà cung cấp dịch vụ CDMA là S-Fone và EVN Telecom.
Bảy mạng này (MobiFone, Vinaphone, Viettel, S-Fone, EVN, HT Mobile, GTel) đều đủ tiêu chuẩn để chuẩn bị cho 1 cuộc đua mới: cung cấp dịch vụ 3G.
Bài toán đặt ra là liệu cả hai công nghệ GSM và CDMA sẽ có đại diện trúng tuyển giấy phép 3G hay không? Về GSM, câu trả lời có phần chắc chắn hơn, vì các đại gia "chiếu trên" là MobiFone, VinaPhone và Viettel, từ mấy năm nay đã "rục rịch" triển khai 2G, và 2,5G.
Giám đốc VMS-MobiFone Lê Ngọc Minh cho rằng: Trên thế giới chưa có một mạng 3G mới nào phát triển thành công mà trước đó không qua 2G hay 2,5G.
Đặc biệt hơn, với tân binh GTel, vì được cấp phép sau cùng, nên chỉ còn băng tần 1800 MHz để triển khai mạng lưới. Theo đánh giá của một số kỹ sư mạng, nếu dùng tần số 1800 MHz, khoảng cách vùng phủ sóng sẽ nhỏ hơn gấp 4 lần so với dải tần số 900 MHz. Liệu rằng, điều này có làm GTel khó khăn trong cạnh tranh hơn không?
Tuy nhiên, với lý do "sinh sau đẻ muộn", sẽ gặp khó khăn hơn khi phát triển mạng lưới ở vùng nông thôn - biến thành động lực để mạng này coi 3G là "chìa khóa thành công", nhằm mở rộng tần số, tăng vùng phủ sóng, tăng tốc độ truyền dữ liệu...?
Tương tự với mạng di động GSM "mới toe" HT Mobile, con đường chông gai để triển khai mạng lưới cũng giống như GTel - khi muốn "bắt nhịp" với thị trường di động VN, giấy phép 3G được coi là "chứng chỉ thông hành".
Với hai mạng di động còn lại, mặc dù DN đã ứng dụng những công nghệ tiên tiến CDMA để cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng như: xem phim, nghe nhạc theo yêu cầu; truy cập Internet tốc độ cao... Nhưng xem ra, sức hút của các dịch vụ này vẫn chưa đủ mạnh với giới tiêu dùng sành điệu ở VN.
Dễ trượt vì điểm liệt
Quy trình để cấp phép được tiến hành theo thứ tự: Bộ TT-TT sẽ gửi công văn cho DN, đề ra các tiêu chí cho các DN (DN khác nhau, có các tiêu chí khác nhau), rồi công bố thang điểm. Trước khi chấm, có thể DN sẽ được công bố mức trọng số cụ thể về kinh tế, về kỹ thuật... Bộ trưởng Bộ TT-TT sẽ ra quyết định về thang điểm.
Thang điểm 3G sẽ có tiêu chí liệt, nếu DN không đạt tiêu chí này sẽ bị loại ngay. Điểm liệt sẽ lên tới vài chục tiêu chí: ví dụ như thời hạn triển khai giấy phép; thời hạn đầu tư hạ tầng... trên tổng số vài trăm tiêu chí.
Sau khi chọn ra 5-7 tiêu chí để chấm điểm, Ban giám khảo 3G sẽ chấm trong vòng 1 tháng và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ kết quả thi tuyển.
Vì vậy, nếu ngay cả khi các mạng di động đã có đủ hạ tầng kỹ thuật cho phép triển khai 3G nhưng nếu chưa thể triển khai dịch vụ trong thời hạn cho phép, thì vẫn bị thi trượt như thường!
Trượt thì... thi lại!
Tuy nhiên, không ít DN viễn thông hiện tại không giấu sự lo ngại về khả năng khó đáp ứng được những tiêu chí khắt khe của cuộc thi tuyển. Ngay với việc đo kiểm chất lượng dịch vụ viễn thông đột xuất vừa qua, cũng đã có không ít DN không đáp ứng được các chỉ tiêu cho phép.
Vì vậy, nhiều khả năng đề thi sẽ đưa ra những yêu cầu kỹ thuật vượt quá khả năng của DN. Khi đó, nếu chưa tìm được đủ 4 ứng cử viên sáng giá triển khai 3G, thì các mạng di động sẽ đành phải "thi lại" vào năm sau. Kinh nghiệm đi trước ở Malaysia cũng vậy, trong năm đầu thi tuyển, nước này cũng chỉ chấm được 2 mạng, và phải đợi đến năm sau mới chọn được 2 mạng tiếp theo.
Nếu cuộc đua này suôn sẻ, dự kiến trong quý II năm nay, Bộ TT-TT sẽ có danh sách công bố các mạng di động 3G tại VN.
|
-
Hoàng Hùng