Sa Pa - Việt Nam. 14h ngày 23/2/2007.
Khi Stephanie Case cán đích đầu tiên với bước chân tập tễnh, cô đã bật khóc.
Đến từ vùng Vancuvo thuộc đất nước Canada, Stephanie kể rằng đó là một vùng đất xinh đẹp, có cả biển, cả núi và mọi người có thể tham gia trượt tuyết vào mùa đông. Tuy nhiên, giữa cái giá lạnh của vùng núi Tây Bắc Việt Nam giữa tháng 2, cô đã cùng hơn 100 vận động viên đến từ 21 quốc gia khác nhau tham gia một cuộc đi bộ việt dã trong 6 ngày trời (từ 18-23/2/2008) giữa giá lạnh với quãng đường dài 250 km, từ Si Ma Cai về tới Sa Pa. Cuộc đi bộ do tổ chức RacingThePlanet và tập đoàn Intel tổ chức.
Stephanie Case và nước mắt hạnh phúc khi đã vượt qua chính mình.
Kết thúc chặng 4 của cuộc hành trình (Bản Hồ - Mã Quai Hồ - Dền Thàng - Sèo Mý Tỷ - Tả Van), đặt chân tới Tả Van, Stephanie gặp những chấn thương nặng ở chân nên đã dự tính bỏ dở cuộc thi, khi chặng cuối cùng chỉ còn 1 ngày nữa là kết thúc.
Tuy nhiên, trong bức email cô nhận được giữa vùng núi rừng Tây Bắc Việt Nam đêm 22/1, mẹ của Stephanie nói với con gái rằng: "Mẹ nghĩ rằng con có thể kết thúc cuộc thi nếu con quá đau đớn. Nhưng mẹ hy vọng rằng con có thể vượt qua chính mình để về đích".
Và đó là lý do để Stephanie quyết tâm tham gia đi bộ nốt chặng cuối cùng trong cuộc hành trình này: Tả Van - Cổng trời - Cát Cát - Sa pa, cũng là lý do cô gái trẻ năm nay tròn 25 tuổi tới từ Canada đã không kìm được nước mắt hạnh phúc khi những bước chân tập tễnh cuối cùng cán đích tại thị trấn du lịch nổi tiếng này của Việt Nam.
Ấn tượng về một đất nước thân thiện và mến khách
"Xinh Đẹp và Thân thiện", đó là từ mà Stephanie dùng khi kể về cảm nhận của cô suốt 6 ngày hành trình trên vùng Tây Bắc của Việt Nam về phong cảnh và cuộc sống của người dân ở đây.
Phố núi Sa Pa, đã lâu lắm rồi mới rộn ràng đến vậy.
Trong những đêm dừng chân giữa đường rừng núi, cô gái trẻ này nói rằng vẫn kể chuyện hành trình trong ngày với gia đình ở Vancuvo qua những email liên lạc thường xuyên. "Thậm chí chúng tôi còn tải ảnh, video, kể lại những câu chuyện qua blog cá nhân và lên trang web của chúng tôi, dù ở vùng núi sâu như Si Ma Cai (Lào Cai)", Stephanie nói.
Lý do rốt cuộc được chị Vũ Kiều Linh - Giám đốc đối ngoại của Intel Việt Nam - giải thích rằng Ban Tổ chức đã sử dụng công nghệ băng thông rộng không dây tốc độ cao WIMAX, với một trạm phát sóng di động luôn bám sát đoàn để giúp các thành viên có thể liên lạc thường xuyên với gia đình, cũng như cập nhật thông tin hành trình hằng ngày đến với toàn thế giới, dù ở bất cứ vùng sâu, vùng xa nào ở Tây Bắc Việt Nam.
Còn Stephanie nói rằng cô hy vọng những hình ảnh về chuyến hành trình của cô trong việc vượt qua thử thách của chính mình sẽ giúp được việc quyên góp chữa bệnh cho các bệnh nhân ung thư, một lý do mà cô tham gia chuyến đi này.
Và cô gái trẻ tới từ Canada cũng nói thêm rằng, đây là một cuộc thi đã khiến cô "biết yêu Việt Nam". "Tôi sẽ quay lại bất kỳ lúc nào có dịp, để lại được ngắm nhìn đất nước xinh đẹp và những người dân thân thiện nơi đây. Nhưng trước mắt, tôi sẽ tiếp tục ở lại Việt Nam một tuần nữa, để khám phá thêm về đất nước này", Stephanie cười rạng rỡ.
Người bản địa cũng không khỏi ngạc nhiên
Trong chuyến hành trình gian nan này có mặt 3 thành viên là người đồng bào dân tộc H’mông. Vả Thị Vý ra đón chồng với bộ xiêm y rực rỡ nhất trong buổi chiều 23/2, khi Sa pa rực nắng, sau hơn 1 tháng trời chìm trong sương mù và giá lạnh. Còn Sùng A Dũng thì vừa xoa bắp chân, vừa thay vội bộ quần áo lấm lem bùn đất mà vợ vừa mang tới.
Sùng A Dũng, một trong 3 người dân tộc H’mông tham gia cuộc thi này.
Cả hai vợ chồng Sùng A Dũng hiện ở San Sả Hồ (Sa Pa, Lào Cai). Dũng làm việc cho công ty du lịch TOPAS. Sinh năm 1978, có một con năm nay đã lên 10 tuổi, Sùng A Dũng nói rằng anh không hiểu lắm ý nghĩa của chuyến đi bộ này, nhưng khi công ty mà anh đang làm việc yêu cầu tham gia thì anh sẵn sàng nhận.
Suốt 6 ngày hành trình, Dũng nói rằng anh được chăm sóc rất chu đáo. "Bữa ăn có đủ thịt lợn, thịt gà, mỳ tôm thì rất nhiều", Dũng kể.
Nhưng cảm nhận nhiều nhất của Sùng A Dũng là "Lần đầu tiên được đi bộ xa như vậy. Nhưng có đi mới biết còn nhiều nơi đẹp quá, khác Sa Pa nhiều".
Dũng vừa trả lời vừa đứng bóp lại bắp chân căng cứng sau một hành trình dài. Việc đầu tiên mà Dũng làm sau khi trở về là "kể cho cái Vý nghe chuyện về những nơi vừa đi qua. Sau đó, sẽ kể lại cho những người quen khác".
Cũng như Sùng A Dũng mong rằng một ngày rất gần, anh và những người dân khác có thể "ngồi giữa núi rừng và gửi được thư cho người nhà", như cách mà anh thấy các thành viên trong đoàn đã làm hằng đêm suốt một tuần qua.
-
Hà Trường - Vũ Hoàng